Một số định hướng phát triển tỉnh Quảng Ninh thời gian tới

TS ĐÀM KHẮC CỬ
Đại học Công đoàn
11:18, ngày 30-09-2023

Tiềm năng, lợi thế phát triển của Quảng Ninh

Được ví như một "Việt Nam thu nhỏ", Quảng Ninh có vị trí địa chiến lược với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, hội tụ đa dạng các loại địa hình từ đồng bằng, vùng núi cho đến biển, đảo, làm nên sự phong phú, độc đáo về cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa, góp phần tạo nên lợi thế cạnh tranh của vùng đất và con người Quảng Ninh trên tương quan quốc gia và quốc tế.

Quảng Ninh là tỉnh duy nhất của nước ta hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội mang tính đặc trưng của Việt Nam, như rừng, tài nguyên, biển, du lịch, biên giới, thương mại... Có điều kiện thông thương với Trung Quốc tốt nhất Việt Nam qua hệ thống các cửa khẩu trên đất liền và trên biển; là nơi có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, có nhiều loại đặc thù, trữ lượng lớn, chất lượng cao mà nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước không có, như than đá, cao lanh, đất sét, cát thủy tinh, đá vôi…  Đây còn là địa danh giàu tiềm năng du lịch, là một đỉnh của tam giác tăng trưởng du lịch miền Bắc Việt Nam với hơn 600 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử được xếp hạng, hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên. Đặc biệt, Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới về giá trị cảnh quan và giá trị địa chất, địa mạo; được vinh danh là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Quảng Ninh là tỉnh duy nhất có 04 thành phố trực thuộc tỉnh (Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả) và 2 thị xã (Quảng Yên, Đông Triều); có 3/28 khu kinh tế cửa khẩu (Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh).

Ngoài ra, Quảng Ninh có diện tích quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế lớn nhất cả nước với 7 khu công nghiệp đang hoạt động, 3 khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh và 2 khu kinh tế ven biển là Vân Đồn và Quảng Yên. Khu kinh tế Vân Đồn đang được xây dựng để trở thành đô thị biển, đảo xanh, hiện đại và thông minh, khu kinh tế Quảng Yên trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ và hậu cần cảng biển chất lượng cao. Các khu công nghiệp, khu kinh tế đều được định hướng phát triển đa ngành, đặc biệt khuyến khích phát triển các nhóm ngành dịch vụ, khoa học - công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; nông nghiệp sinh thái hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp giải trí hiện đại mang tầm quốc tế. Hệ thống hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế được xây dựng hiện đại, đồng bộ, an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các yêu cầu đa dạng, nghiêm ngặt, sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp và các nhà đầu tư đến với Quảng Ninh.

Quảng Ninh có vị trí địa lý chiến lược về chính trị, kinh tế, quân sự và đối ngoại với điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng; nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung; hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN - Trung Quốc..., đồng thời, là cửa ngõ thông ra biển của cả vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trung du miền núi phía Bắc với hơn 250km bờ biển, rộng trên 6.000km2 mặt biển, trên 1.000 km2 diện tích hải đảo, trên 2.700 hòn đảo lớn, nhỏ và trên 40.000ha bãi triều, 20.000ha eo vịnh... Đặc biệt, Quảng Ninh còn có nhiều bãi biển đẹp, hằng năm thu hút đông đảo khách du lịch, như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng (Vân Đồn), Trà Cổ (Móng Cái) và các vườn quốc gia, khu bảo tồn Ba Mùn, Bái Tử Long, Cô Tô. Toàn tỉnh có 10/14 huyện, thị, thành phố tiếp giáp với biển (trong đó có 2 huyện đảo Cô Tô và Vân Đồn). Tổng diện tích các địa phương ven biển và vùng biển, đảo chiếm tới 72% diện tích, 72,5% dân số; riêng diện tích đảo chiếm 11,5% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Quảng Ninh có hệ thống cảng, bến như Cái Lân, Cửa Ông, Vạn Gia, Mũi Chùa, khu bến Yên Hưng… với năng lực bốc xếp cho tàu hàng vạn tấn, có nhiều tiềm năng khai thác tổng hợp, thuận lợi cho ngành vận tải đường biển giữa nước ta và các nước trên thế giới. Hệ thống cao tốc huyết mạch Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực trong tỉnh, kết nối Quảng Ninh với các tỉnh, thành trong nước một cách nhanh chóng, thuận tiện tiện và an toàn; đồng thời khẳng định vai trò là cửa ngõ giao thương quan trọng thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế giữa ASEAN với Trung Quốc. Cùng với đường bộ, đường biển, Quảng Ninh chú trọng phát triển với hệ thống cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc; hệ thống cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng chuyên biệt, hiện đại nhất Việt Nam. Các cảng biển Quảng Ninh đều được kết nối bằng cao tốc hiện đại, tạo thuận lợi lớn trong di chuyển và vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, Quảng Ninh có hệ thống cửa khẩu phân bố trên dọc tuyến biên giới, đặc biệt là cửa khẩu quốc tế Móng Cái, là nơi hội tụ giao lưu thương mại, du lịch, dịch vụ và thu hút các nhà đầu tư, là cửa ngõ giao dịch xuất, nhập khẩu với Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Định hướng phát triển Quảng Ninh trong thời gian tới

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có về tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa chiến lược quan trọng, Quảng Ninh là tỉnh có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế toàn diện, hiện đại, có khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình phát triển hệ thống đô thị tỉnh đã bộc lộ một số hạn chế, nếu không được quy hoạch kịp thời sẽ gây lãng phí tài nguyên, kém bền vững về môi trường, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ giai đoạn tới. Vì vậy, việc lập quy hoạch xây dựng vùng được Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách, theo đó, chủ trương của tỉnh là việc lập quy hoạch phải bám sát không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”; đặt Quảng Ninh trong sự phát triển liên kết vùng ở cấp quốc gia và kết nối khu vực ở cấp quốc tế; gắn kết chặt chẽ và hài hòa giữa hệ thống đô thị Quảng Ninh với vùng và khu vực; thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng và lợi thế của tỉnh để thu hút đầu tư, phát huy nội lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và bảo đảm vững chắc về quốc phòng - an ninh; thực hiện một trong ba khâu đột phá chiến lược, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại…

Bên cạnh đó, mục tiêu của tỉnh là hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo; xây dựng và triển khai chuẩn nghèo mới của tỉnh. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99,9% (trong đó, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN-02:2009/BYT đạt trên 70%). Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị và các xã đảo, các xã có hoạt động du lịch, dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 97,3%. Giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% và nâng cao chất lượng rừng.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ nâng cao hiệu quả đầu tư công, đầu tư xã hội, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2023 về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, tính bền vững của nền kinh tế. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công.

Huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng. Gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người; tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Xây dựng chính quyền địa phương các cấp liêm chính, phục vụ, thực sự “của dân, do dân, vì dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội

Một là, tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh trong tam giác động lực phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau cùng phát triển. Góp phần đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tận dụng cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hai là, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị theo hướng bền vững, xanh, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế phát triển của từng địa phương trên địa bàn; gắn với phát triển kinh tế nhanh, bền vững và phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chênh lệch khung kết cấu hạ tầng giữa các vùng, miền; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân.

Ba là, bảo đảm phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hạn chế tác động xấu về môi trường, đồng thời phải tính đến giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thiên nhiên.

Bốn là, tiếp tục định hướng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công - tư. Điều chỉnh cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư công, Nhà nước tập trung đầu tư vào công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ để tăng tính thương mại của các dự án kết cấu hạ tầng, dành nguồn vốn thích đáng đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng, khó huy động các nguồn lực xã hội.

Định hướng phát triển văn hóa

Tiếp tục quan tâm dành nguồn lực đầu tư và ban hành các cơ chế, chính sách cho bảo tồn, phát triển văn hóa, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 17-5-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” đã và đang tiếp tục tạo ra những chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội tại các địa phương. Bố trí nguồn lực hợp lý đầu tư cho phát triển văn hóa, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn phục vụ cho phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ. Từ đó, vừa góp phần nâng cao trách nhiệm của người dân trong gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, vừa tạo nguồn lực để đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn văn hóa trên địa bàn.

Xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một thị trường tiềm năng, hướng tới “xuất khẩu văn hóa”, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Trước mắt, tiếp tục khai thác thế mạnh, tiềm năng văn hóa về cảnh quan, giá trị truyền thống, ẩm thực vùng, miền; khuyến khích các hoạt động sản xuất, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có giá trị cao, đồ lưu niệm mang thông điệp văn hóa thể hiện đặc trưng riêng có, phục vụ phát triển ngành kinh tế dịch vụ, du lịch của tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá cảnh quan, văn hóa, con người Quảng Ninh trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao, triển lãm của quốc gia, quốc tế.

Định hướng phát triển du lịch

Trong thời gian tới, Quảng Ninh đề ra định hướng phát triển du lịch là “Coi du lịch nội tỉnh, nội địa là nội lực, nền tảng căn bản để phát triển bền vững, đồng thời tận dụng mọi cơ hội để phục hồi thị trường khách quốc tế”, từ đó hướng đến mục tiêu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; phát triển du lịch xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch gắn với phát triển xanh, bền vững; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch đa dạng, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn kết hợp chặt chẽ với công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là ở các khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo./.