Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Đầm Hà gắn với phát triển du lịch
Đầm Hà là huyện miền núi ven biển, phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, tiếp giáp với các địa phương: Tiên Yên, Vân Đồn, Bình Liêu, Hải Hà, có quốc lộ 18A và tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái đi qua, cách cửa khẩu quốc tế Móng Cái trên 50 km, cách cửa khẩu Bắc Phong Sinh - Hải Hà 40 km; gần cảng hàng không Vân Đồn và cảng khách Quốc tế Ao Tiên; có vị trí hết sức thuận lợi kết nối giao thương kinh tế giữa huyện với các thành phố, thị xã trong và ngoài tỉnh.
Tiềm năng, lợi thế của Đầm Hà trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với phát triển du lịch
Huyện có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai để phát triển đa dạng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; có hệ thống rừng núi, biển đảo đã tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, như: Thác Bạch Vân, khu di tích lịch sử - khảo cổ - danh thắng, rừng cò Núi Hứa, hồ chứa nước Đầm Hà Động; có 10 đảo có diện tích từ 40ha trở lên, trong đó có đảo Núi Cuống (diện tích 529ha); đảo Vạn Vược (gần 400ha) còn hoang sơ, chưa bị tác động bởi con người. Bên cạnh đó, Đầm Hà còn lưu giữ được các di tích lịch sử như: Đồn Đen, Đồn Đỏ (thị trấn Đầm Hà); Hang Hố Đen, khu căn cứ cách mạng Núi Hứa (xã Đại Bình)... Chân Núi Hứa còn là nơi phát hiện nhiều công cụ đá của người Việt cổ thuộc sơ kỳ thời đại đá mới cách đây 6.000 năm.
Tổng diện tích tự nhiên là 41.436,8ha (414,36km2); trong đó đất nông nghiệp chiếm 78,4% diện tích đất liền; đất nuôi trồng thủy sản 2.898ha; ngoài ra, huyện có 21km bờ biển với trên 5.000ha mặt nước biển, các đảo có khả năng nuôi trồng thủy sản với nhiều sản vật phong phú, có giá trị kinh tế cao. Lực lượng lao động của huyện trên 24 nghìn người, chiếm gần 57% dân số toàn huyện. Từ nhiều năm nay, lao động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm tỷ lệ 52,9%), đây là nguồn nhân lực dồi dào phục vụ phát triển nông nghiệp của địa phương.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch đang trở thành xu thế tất yếu, là hướng đi hiệu quả đối với các địa phương cả trong và ngoài nước. Huyện có nhiều tiềm năng, tài nguyên để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch, được xác định trong quy hoạch cấp tỉnh là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm khu vực phía đông của tỉnh. Nhiều nước trên thế giới, khu vực và nhiều địa phương trên cả nước đã khai thác tốt thành quả phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao phục vụ phát triển du lịch và đã đạt được lợi ích kép: Phát triển kinh tế - Bảo vệ môi trường - Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Xác định được tiềm năng, lợi thế và xu hướng phát triển, huyện Đầm Hà đã tiếp cận, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bước đầu thu được những kết quả tích cực. Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 về “khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân, hình thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất giống và nuôi thương phẩm thủy sản; vùng sản xuất và chế biến nông, hải sản cung cấp cho các khu du lịch, khu kinh tế và xuất khẩu. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng, phát triển văn hóa, con người Đầm Hà, xây dựng Đầm Hà trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025”.
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và định hướng của tỉnh, huyện Đầm Hà đã tập trung triển khai:
- Thống nhất ban hành các đề án, nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Nghị quyết số 09-NQ/HU, ngày 18-12-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 12-NQ/HU, ngày 21-01-2022 về phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với chế biến sản phẩm nông - lâm- thủy sản huyện Đầm Hà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đề án trồng cây ăn quả tập trung, đề án chăn nuôi, thủy sản….
- Chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về xây dựng huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và phấn đấu đến 2025 đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, lấy phát triển sản xuất là động lực, lấy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nâng cao chất lượng sống của nhân dân là mục tiêu phấn đấu.
- Khuyến khích, tạo điều kiện và tranh thủ mọi nguồn lực cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Định hình, chuẩn bị cho sự ra đời và phát triển 01 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản, hiện đã có Tập đoàn Việt Úc triển khai dự án sản xuất tôm giống chất lượng cao (công suất 8 triệu con giống/năm, từ năm 2019 đến nay đạt sản lượng mỗi năm từ 1,5 đến 1,7 tỷ con tôm giống cung cấp cho thị trường các tỉnh phía bắc); 1 hợp tác xã (HTX) nghiên cứu, tổ chức sản xuất giống cá biển, hàng năm HTX sản xuất cung cấp từ 750 ngàn đến 1 triệu con cá song giống, đảm bảo chất lượng, đáp ứng đủ nhu cầu cho các hộ nuôi khu vực các tỉnh phía bắc; 2 vùng trồng rau, dưa lưới trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao; 1 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trong môi trường lạnh sản xuất gà giống, hằng năm HTX sản xuất từ 150.000 đến 200.000 con gà giống cung cấp ra thị trường; đồng thời liên kết với gần 500 hộ dân sản xuất gà thương phẩm chất lượng cao cung cấp cho các nhà hàng ở thành phố Hạ Long và các địa phương lân cận.
- Chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển, hình thức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị được hình thành từ khâu đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phát triển hạ tầng, cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay huyện đã thành lập được 50 doanh nghiệp hợp tác xã, 150 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp.
- Cơ cấu cây trồng, vật nuôi dần chuyển dịch theo hướng ứng dụng công nghệ cao và an toàn sinh học, đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng trồng lúa chất lượng cao, vùng trồng quế, củ cải, cây ăn quả tập trung, nhất là vùng nuôi trồng thủy sản... - lĩnh vực có lợi thế của huyện. Một số doanh nghiệp, HTX đã thí điểm ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp và bước đầu đạt hiệu quả. Việc canh tác từ khâu làm đất đến việc bón phân, bơm tưới, phân tích dữ liệu về môi trường, đất đai, ánh sáng và chất lượng các loại cây trồng đã được sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh. Ngoài ra, hệ thống tưới tiêu và giám sát đã được thực hiện qua điện thoại. Những ứng dụng này giúp giảm một nửa chi phí sản xuất và sức lao động, giảm 50% lượng khí thải nhà kính, tăng năng suất 30%, từ đó, người nông dân sẽ có cơ hội tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm để có quyết định đúng đắn hơn trong tổ chức sản xuất (quyết định lượng phân bón, thời gian canh tác, phụ thuốc bảo vệ thực vật,…).
- Chương trình mỗi xã một sản phẩm được chỉ đạo, triển khai tích cực. Đến nay huyện có 17 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3-4 sao cấp tỉnh, trong đó có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao đã góp phần thúc đẩy phát triển bền vững chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
- Đẩy mạnh chuyển đổi số giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, việc chuyển đổi số giúp người sản xuất và người mua kết nối trực tiếp với nhau. Huyện đã tập trung hỗ trợ cho 8 đơn vị tham gia chương trình OCOP xây dựng trang website quảng cáo bán hàng với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng (trong đó ngân sách huyện hỗ trợ gần 600 triệu đồng); hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đưa 11/13 sản phẩm chủ lực của huyện lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua bán nông sản qua các kênh thương mại điện tử bước đầu phát huy hiệu quả. Tiêu biểu là Công ty Thủy sản Việt Úc Quảng Ninh hàng năm sản xuất tiêu thụ từ 1,7 đến 2 tỷ tôm giống; HTX Bắc Việt sản xuất tiêu thụ gần 1 triệu cá giống các loại/năm; Công ty Thương mại dịch vụ xây dựng Đầm Hà, HTX Trương Kế Đô sản xuất tiêu thụ trên 250 tấn dưa các loại; HTX Tuyền Huyền chuyên sản xuất thu mua, tiêu thụ gần 1.500 tấn gà thương phẩm... nhờ sự kết nối, mở rộng các kênh tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử.
Những kết quả đạt được thời gian qua là kinh nghiệm quý báu, đồng thời là động lực để huyện đặt ra mục tiêu “Tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch”. Đây là yêu cầu tất yếu khách quan, là trách nhiệm, mục tiêu phấn đấu của cả hệ thống chính trị, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân; với phương thức tiếp cận là: “phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi, liên doanh liên kết từ khâu sản xuất - chế biến - tiêu dùng ổn định, bền vững tiến tới nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại gắn với phát triển du lịch trên địa bàn”; phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, văn hóa và môi trường sinh thái của địa phương; góp phần chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng “tích hợp đa ngành”.
Một số định hướng, giải pháp phát triển thời gian tới
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu xây dựng huyện Đầm Hà đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông dân giàu có, nông thôn văn minh. Trong đó, xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, trong thời gian tới, huyện Đầm Hà tập trung tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng huyện, ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt, nhất là Quyết định số 80/QĐ-TTg, ngày 11-2-2023, của Thủ tướng Chính phủ, “Về phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050”. Thành lập, phát triển hai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh tại huyện theo đúng quy hoạch tỉnh, đó là: (1) Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết người dân (Quy mô tổng đàn 30.000 con, trong đó chăn nuôi tập trung 10.000 con, liên kết người dân 20.000 con) với quy mô diện tích 350 ha. (2) Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản, quy mô 435 ha. Triển khai các quy hoạch phát triển sản xuất ngành nông nghiệp như: Vùng trồng cây ăn quả tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển và bãi triều... Tích hợp, kết nối, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô đủ lớn để ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; xu hướng chuyển dịch trong nội ngành cơ bản bảo đảm mục tiêu cơ cấu lại, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng lĩnh vực, đặc biệt là lợi thế về phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của huyện; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức thực hiện và quản lý tốt các quy hoạch ngành; triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn để huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho phát triển sản xuất, hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới... Trong đó:
- Về trồng trọt: Duy trì quy mô diện tích gieo trồng trên 6.500 ha/năm; tổng sản lượng lương thực (cây có hạt) luôn đạt trên 19.000 tấn. Thực hiện chuyển đổi diện tích đất rừng trồng hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả; phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa đối với một số sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng theo chương trình OCOP.
- Về chăn nuôi: Chuyển dịch mạnh từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giữ vững môi trường; quy hoạch được các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; vận dụng hiệu quả cơ chế khuyến khích áp dụng công nghệ cao, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.
- Về lâm nghiệp: Thường xuyên quan tâm phát triển kinh tế rừng theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm lâm nghiệp, chuyển đổi trồng rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn; triển khai thực hiện Đề án phát triển rừng trồng loài cây lim, dổi, lát trên địa bàn huyện Đầm Hà giai đoạn 2022-2025; triển khai kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh theo Đề án của Chính phủ. Sản phẩm gỗ rừng trồng chủ yếu phục vụ chế biến ván ghép thanh và dăm gỗ xuất khẩu; phát triển cây dược liệu (Quế 3.500ha, Trà hoa vàng, Gừng gió, Địa liền… dưới tán rừng những nơi phù hợp), diện tích trồng lim, dổi, lát đạt 466ha, tiếp tục quan tâm đầu tư trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 57%.
- Về thủy sản: Tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản tại các vùng quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao; từng bước giảm cơ cấu sản lượng, phương tiện khai thác thủy sản ven bờ; chú trọng phát triển nuôi biển và các đối tượng nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao, cập nhật các vùng có tiềm năng nuôi trồng thủy sản vào quy hoạch vùng huyện, tỉnh. Thu hút các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đầu tư sản xuất giống thủy sản.
Ba là, tích cực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện về hỗ trợ phát triển nông, lâm, thủy sản, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện theo hướng tập trung, bền vững, hiệu quả kinh tế cao. Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm tạo mối liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng phát triển. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phấn đấu 50% điểm du lịch nông thôn được số hóa; 80% sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3-4 sao trở lên; 80% tuyến, điểm du lịch nông thôn áp dụng thương mại điện tử.
Bốn là, triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển du lịch huyện Đầm Hà đến năm 2025 định hướng đến 2030, với các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch như: Du lịch văn hóa, nghề truyền thống của dân tộc thiểu số; du lịch trải nghiệm nông nghiệp; trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên; du lịch lịch sử, văn hóa tâm linh; xây dựng các tour, tuyến du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao (Đảo Đá Dựng, Đảo Vạn Vược, Thoi Dây, Núi Cuống…), du lịch sinh thái thác Bạch Vân, Hồ Đầm Hà Động gắn với khu bảo tồn loài - Sinh cảnh Quảng Năm Châu với hơn 4.000ha trên địa bàn huyện; Xây dựng các điểm du lịch trải nghiệm nông trại tại các trang trại trồng trọt công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản trên biển, bãi triều... Phát triển các sản phẩm từ nông nghiệp phục vụ khách du lịch và làm quà lưu niệm, quà tặng.
Năm là, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch: Tiếp tục ưu tiên nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng các tuyến, điểm du lịch như: đường giao thông; hệ thống cấp điện, cấp nước; dịch vụ phục vụ du lịch… trên cơ sở khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh gắn với lễ hội văn hóa của các dân tộc, lễ hội Đình Tràng Y, Đình Đầm Hà, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực đặc sắc của địa phương. Tổ chức các lớp tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng nghề và kỹ năng mềm phục vụ du lịch: cung cấp dịch vụ ăn uống (nấu ăn, pha chế…), lưu trú (làm buồng, phòng…), ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp ứng xử, đón tiếp, thái độ phục vụ khách cho cộng đồng dân cư địa phương theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện; kết hợp với nâng cao kiến thức lịch sử, văn hóa về điểm du lịch và học hỏi kinh nghiệm về phát triển mô hình du lịch nông thôn tại các địa phương.
Để thực hiện tốt mục tiêu, định hướng trong thời gian tới, từ thực tiễn địa phương Đầm Hà, có một số kiến nghị sau:
Đề nghị Chính phủ: Có chính sách mạnh mẽ hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giải quyết những vướng mắc trong sử dụng đất đai, nguồn lực cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sớm ban hành chương trình tổng thể hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn nhằm khai thác tiềm năng du lịch nông thôn tiêu biểu tại một số địa phương như du lịch cộng đồng gắn với khai thác giá trị văn hóa truyền thống, liên kết phát triển du lịch nông nghiệp chất lượng cao, xây dựng làng du lịch thông minh… Có chính sách căn cơ trong đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch nhằm chuẩn hóa về chất lượng đội ngũ. Huy động sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực triển khai của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cho các dự án, chương trình du lịch nông thôn gắn với cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái; liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch nông thôn.
Đề nghị tỉnh Quảng Ninh: Đề nghị Chính phủ Quyết định thành lập 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện; chỉ đạo sớm triển khai thực hiện các bước tiếp theo sau khi Chính phủ có Quyết định thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đánh giá kết quả triển khai chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm để có giải pháp, chính sách phù hợp cho giai đoạn tiếp theo. Triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, quan tâm đầu tư khu văn hóa dân tộc thiểu số vùng cao Quảng An, huyện Đầm Hà. Lập bản đồ số các sản phẩm du lịch nông thôn, hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch khác phục vụ xúc tiến du lịch nông thôn; tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế về phát triển du lịch nông thôn. Xây dựng mạng lưới đối tác du lịch nông thôn để phục vụ cho kết nối đầu tư, kết nối thông tin cung - cầu du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh liên doanh, liên kết xây dựng mô hình du lịch nông thôn,7 phù hợp với điều kiện của địa phương./.
THAM LUẬN HỘI THẢO: Duy trì và phát triển giao lưu văn hóa giữa thành phố Móng Cái (Việt Nam) với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc)  (30/09/2023)
THAM LUẬN HỘI THẢO: Một số giải pháp xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở khu công nghiệp trên địa bàn huyện Hải Hà  (30/09/2023)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm