THAM LUẬN HỘI THẢO: Duy trì và phát triển giao lưu văn hóa giữa thành phố Móng Cái (Việt Nam) với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc)
Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ năm 1943, giữa bộn bề khó khăn, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp, thông qua Đề cương về văn hóa Việt Nam - văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về văn hóa. Tám mươi năm qua, kế thừa và phát triển sáng tạo những luận điểm, nguyên tắc, vấn đề cốt lõi của bản Ðề cương; nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc, Đảng ta xác định: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước”, trong đó giao lưu văn hóa là một trọng những nhiệm vụ quan trọng của văn hóa, góp phần quảng bá, xây dựng thương hiệu quốc gia, lan tỏa “sức mạnh mềm”, tinh hoa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, khai thác tối đa nội lực, khai thông các nguồn lực bên ngoài, tạo thành sức mạnh tổng hợp phát triển đất nước phồn vinh, hưng thịnh.
Móng Cái là thành phố biên giới, cửa khẩu, đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Ninh, có 17 xã, phường (8 phường, 9 xã), trên 12 vạn dân, gồm 6 dân tộc cùng sinh sống, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, 3 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng, là địa phương duy nhất trong cả nước có biên giới trên bộ, trên biển với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, có vị trí đặc biệt, chiến lược, quan trọng về quốc phòng, an ninh; trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của Vùng Bắc Bộ, vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành (Trung Quốc).
Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng: phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng đảng là then chốt; văn hóa là nền tảng tinh thần, quốc phòng an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; hiểu rõ, nắm chắc, vận dụng nhuần nhuyễn bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “giữ hòa khí trong ấm, ngoài êm, giữ ổn định để phát triển”; phát huy những giá trị khác biệt về địa kinh tế, chính trị, thành phố Móng Cái đã nỗ lực thiết lập, duy trì, đưa các hoạt động giao lưu văn hóa với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) đi vào chiều sâu, trở thành “chìa khóa” mở đường, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với phía bạn trên các lĩnh vực, nổi bật là:
(1) Triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh, Bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang (Đảng Cộng sản Việt Nam) và Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Đảng Cộng sản Trung Quốc) hằng năm và giai đoạn 2022 - 2026; ký kết, triển khai thực hiện 3 thỏa thuận thiết lập cơ chế giao lưu hữu nghị chiến lược và 20 văn bản hợp tác trên các lĩnh vực (y tế, văn hóa, du lịch, thương mại...) tạo “niềm tin chiến lược” trong quan hệ hợp tác song phương;
(2) Thường xuyên tổ chức gặp mặt, hội đàm, hội thảo thông tin các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của hai nhà nước về công tác đối ngoại; quảng bá hình ảnh, các thành tựu kinh tế - xã hội, tiềm năng, lợi thế, chính sách thu hút đầu tư; trao đổi thống nhất các vấn đề cùng quan tâm trên tinh thần cởi mở, bình đẳng vì nhân dân, sự phát triển chung; duy trì gửi điện mừng, cử đoàn đại biểu sang thăm hỏi, chúc mừng nhân dịp lễ, tết, hàng năm, ngày truyền thống, thành lập Đảng, Quốc khánh gắn với các hoạt động thăm thực tế, tọa đàm giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai thành phố;
(3) Thiết lập, duy trì luân phiên các hoạt động giao lưu văn hóa đặc sắc ở khu vực biên giới, hai bên đã tổ chức 30 giải giao hữu bóng đá (Tết Nguyên tiêu), nhiều giải thể thao tennis, golf, đua xe đạp..., liên hoan hát đối trên sông giữa thanh niên hai nước, Hội chợ Thương mại - Du lịch quốc tế Việt - Trung; hơn 10 cuộc xúc tiến, quảng bá, hội thảo, hợp tác phát triển du lịch, thực hiện “Tour” 2 quốc gia, 4 điểm đến (Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng - Quế Lâm), 2 quốc gia, 5 thành phố (Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng - Quế Lâm - Mãn Châu Lý) gắn với các sản phẩm du lịch độc đáo (xe tự lái qua biên giới, ẩm thực Việt - Trung, đón và chúc mừng đoàn khách du lịch đầu tiên xông đất Việt Nam, chào mừng du khách thứ 1 triệu đến tham quan Thành phố, lắp đặt biển quảng bá du lịch tại Móng Cái - Đông Hưng,...), khách du lịch Trung Quốc đến thành phố đạt bình quân trên 1,2 triệu lượt khách/năm; hợp tác phát triển kinh tế đạt kết quả tốt, từ năm 2005 đến nay đã thu hút 10 tập đoàn, công ty lớn của Trung Quốc (Texhong, LiLai, Hồng Hải, Hồng Vận...) đầu tư tại thành phố với tổng vốn trên 01 tỷ USD; thu hút gần 600 công dân thành phố Đông Hưng sang kinh doanh tại chợ Móng Cái; tổng kim ngạch XNK hai thành phố đạt bình quân trên 5 tỷ USD/năm, tăng bình quân 20%/năm; kịp thời giải quyết tốt các vướng mắc phát sinh, nhất là liên quan đến các công trình biên giới, hỗ trợ trong các tình huống cấp thiết (phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống dịch bệnh...), xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển;
(4) Các cơ quan, đơn vị chuyên môn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực với các đơn vị tương đồng của thành phố Đông Hưng; mô hình kết nghĩa “đồn - đồn”, “trạm - trạm” giữa các lực lượng biên phòng, hải quan tạo cơ chế giao lưu, hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn trong đấu tranh phòng chống hoạt động xuất - nhập cảnh trái phép, buôn bán phụ nữ trẻ em, đặc biệt là tội phạm ma túy, tội phạm xuyên quốc gia; mô hình kết nghĩa cấp xã, cấp thôn, khu là minh chứng sinh động cho hiệu quả thực chất trong ngoại giao nhân dân vùng biên giới;
(5) Triển khai cuộc vận động người Móng Cái thân thiện - hiếu khách gắn với nụ cười Hạ Long, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác văn hóa, đối ngoại (với trên 300 lượt cán bộ được tham gia các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo giao tiếp tiếng Trung Quốc cơ bản, nâng cao); tập trung nguồn lực đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao; hoàn thiện các hồ sơ khởi công đầu tư xây dựng, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đình Trà Cổ, đền Xã Tắc và khu di tích lịch sử Pò Hèn, các di tích lịch sử cấp tỉnh, xây dựng nhà văn hóa thôn khu, thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng hình ảnh Thành phố “xanh, vì hòa bình”, “nơi đáng đến và đáng sống”.
Trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 từ năm 2019 đến hết năm 2022, thành phố đã chủ động, linh hoạt chuyển các hoạt động đối ngoại từ trực tiếp sang trực tuyến với hình thức hội đàm, điện đàm, gửi thư trao đổi với phía bạn hợp tác phòng chống dịch, thiết lập “vùng xanh an toàn” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Từ ngày 8-1-2023, hoạt động thông quan hai nước dần trở lại bình thường, 2 thành phố đã thúc đẩy, tổ chức các hoạt động giao lưu, hợp tác trực tiếp (ký kết chương trình hợp tác hai địa phương; giao lưu bóng đá Tết Nguyên tiêu; tham dự, chúc mừng kỷ niệm ngày thành lập Đảng, khảo sát, xúc tiến hợp tác trên các lĩnh vực tại Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc)), hoạt động xuất nhập cảnh, du lịch qua biên giới có tín hiệu tốt, từ ngày 15-3-2023 đến nay đạt bình quân trên 6.000 lượt người xuất - nhập cảnh/ngày.
Thông qua hoạt động giao lưu văn hóa, gia tăng sự thấu hiểu, tạo tiền đề xây dựng và củng cố niềm tin, tăng cường quan hệ hữu nghị, truyền thống trên tất cả các lĩnh vực với phía Đông Hưng (Trung Quốc), trở thành hình mẫu về mối quan hệ hợp tác song phương vùng biên giới; góp phần quan trọng huy động nguồn lực tổng hợp phát triển thành phố, từ huyện nghèo, đến nay Móng Cái đã vươn lên là đô thị loại II, tự cân đối ngân sách, tăng trưởng khá, bình quân đạt trên 15%/năm; hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, không còn hộ nghèo; GRDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD/người/năm, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2013; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.
Những năm tới, Móng Cái có nhiều thời cơ, thuận lợi mới để phát triển bứt phá; tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã và đang đóng vai trò kiến tạo, là “chìa khóa” mở ra dư địa lớn, tạo động lực thúc đẩy thành phố và vùng miền Đông của tỉnh phát triển bền vững trong tương lai… Bên cạnh đó cũng đặt ra cho Móng Cái không ít khó khăn và thách thức trong hoạt động giao lưu văn hóa từ tình hình thế giới, khu vực, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường; cơ chế, chính sách đối ngoại, biên mậu của phía bạn Trung Quốc, trở ngại từ ngôn ngữ, phong tục văn hóa khác nhau giữa hai địa phương; hoạt động chống phá của thế lực thù địch, công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm (ma túy, công nghệ cao, xuất - nhập cảnh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại,…) tiềm ẩn yếu tố phức tạp.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giao lưu văn hóa với thành phố Đông Hưng và các địa phương phía nước bạn (Trung Quốc), thành phố Móng Cái quyết tâm, kiên trì thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, quán triệt nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh Quảng Ninh về ngoại giao văn hóa; tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế, thỏa thuận giao lưu hữu nghị đã ký kết với phía bạn theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, chuyển quan hệ hợp tác từ “hiểu biết” sang “tin cậy”, “hợp tác thực chất, cùng có lợi”; nghiên cứu mở rộng việc ký kết thỏa thuận giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với thành phố Đông Hưng phát triển lâu dài, lành mạnh, ổn định, lên một tầm cao mới.
Hai là, khơi dậy tình yêu, lan tỏa khát vọng đổi mới và phát triển thành phố, xây dựng hình ảnh công dân Móng Cái “hội nhập và phát triển - công dân quốc tế”, giới thiệu, quảng bá văn hóa, tiềm năng, lợi thế, dư địa phát triển của thành phố Móng Cái đến các địa phương phía bạn, củng cố “niềm tin chiến lược”, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực; đồng thời tập trung hoàn thiện các quy hoạch, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án động lực (bến cảng tổng hợp Vạn Ninh, cầu Bắc Luân 3...), tăng cường liên kết vùng, nội vùng, liên vùng gắn với chuyển đổi số toàn diện, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước phát triển kinh tế - xã hội thành phố xứng tầm, đối trọng với phía Đông Hưng.
Ba là, duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động giao lưu văn hóa “truyền thống đặc sắc” hai bên biên giới; nghiên cứu, triển khai các hoạt động văn hóa đa dạng, phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc Móng Cái với 5 nhóm sản phẩm đặc thù: xe tự lái qua biên giới, du lịch xuyên quốc gia, giải trí cao cấp, dịch vụ cao cấp, ẩm thực độc đáo Việt - Trung; đề xuất thí điểm triển khai dự án tuyến du lịch sông biên giới, xây dựng cầu kính trên sông Bắc Luân. Tăng cường hoạt động giao lưu, hợp tác hữu nghị của các ban xây dựng Đảng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân địa phương hai bên biên giới; thực hiện hiệu quả thỏa thuận “chung tay kết nghĩa đồn - trạm hữu nghị, cùng nhau xây dựng biên giới bình yên”, mở rộng và nâng cao mô hình kết nghĩa “ bản - bản”, “đồn - trạm”.
Bốn là, đẩy mạnh kết nối, thúc đẩy xúc tiến du lịch - đầu tư, đổi mới sáng tạo, hợp tác bồi dưỡng cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực, xuất khẩu lao động, lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh và tác động của các yếu tố phi truyền thống; quyết tâm, kiên trì phối hợp đề xuất với chính phủ hai nước xây dựng và triển khai Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm triển khai khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại Móng Cái - Quảng Ninh (Việt Nam) và Đông Hưng - Quảng Tây (Trung Quốc).
Năm là, kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ, lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững nghiệp vụ đối ngoại, giỏi ngoại ngữ, tự tin, vững vàng, kiên định và mưu lược, đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại trong giai đoạn mới.
Kế thừa, phát huy kết quả đạt được trong quan hệ hợp tác song phương, với các giải pháp đồng bộ, linh hoạt, mềm dẻo, “ngoại giao cây tre Việt Nam”, thành phố Móng Cái tin tưởng hoạt động giao lưu văn hóa với thành phố Đông Hưng sẽ tiếp tục có bước phát triển lên một tầm cao mới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, hiện thực hóa khát vọng “Xây dựng thành phố Móng Cái phát triển nhanh, bền vững; là khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện”, trở thành đô thị loại I trước năm 2030./.
THAM LUẬN HỘI THẢO: Một số giải pháp xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở khu công nghiệp trên địa bàn huyện Hải Hà  (30/09/2023)
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng  (30/09/2023)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp