Tác động của quá trình phát triển kinh tế di sản đến cư dân ven biển tỉnh Quảng Ninh thời gian qua
Văn hóa biển đảo Quảng Ninh là nền tảng, là động lực phát triển, góp phần đưa Quảng Ninh từng bước trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh như tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh gắn với thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra. Trong đó, tác động của quá trình phát triển kinh tế di sản đến cư dân ven biển tỉnh Quảng Ninh thời gian qua là một nội dung quan trọng với những giải pháp cấp thiết cần được đề xuất.
Lợi thế của vịnh Hạ Long trong phát triển du lịch Quảng Ninh
Với việc sở hữu các giá trị nổi bật toàn cầu cùng nhiều danh hiệu trong nước và quốc tế, Vịnh Hạ Long được xác định là một trong những tiềm năng, lợi thế cạnh tranh riêng có của Quảng Ninh. Với sức thu hút khách lớn, Vịnh Hạ Long đã trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực, giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của tỉnh.
Vịnh Hạ Long hội tụ nhiều yếu tố trong phát triển du lịch Quảng Ninh như: cảnh quan thiên nhiên độc đáo, nhiều giá trị văn hóa và lịch sử; hoạt động du lịch đa dạng; hạ tầng du lịch và tiềm năng phát triển bền vững… Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận Di sản Thiên nhiên Thế giới về giá trị cảnh quan và giá trị địa chất, địa mạo và được vinh danh là một trong 7 Kỳ quan Thiên nhiên Mới của thế giới. Với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ cùng các hang động kỳ thú như: hang Sửng Sốt, động Thiên Cung; cảnh quan hùng vĩ, nước biển trong xanh và những đảo đá vôi tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, thu hút du khách trong và ngoài nước. Vịnh Hạ Long không chỉ có cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp mà còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Nhiều di chỉ khảo cổ cho thấy sự hiện diện của con người tại đây từ hàng ngàn năm trước. Lễ hội, ẩm thực và văn hóa ngư dân địa phương cũng là những điểm thu hút. Văn hóa ẩm thực ở vùng biển Quảng Ninh có đặc điểm là cùng một món ăn nhưng lại có nét riêng biệt, mang đặc trưng của vùng mình. Ví dụ như vùng huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô, Quảng Yên đều có mực ống, hà,... Nhưng mực ống ở Cô Tô mới là loại mực ngon nhất, càng nhai càng ngọt; trong khi với con hà thì chỉ ở Quảng Yên mới ăn mới ngon. Đặc biệt, chả mực Hạ Long là một trong những món đặc sản Quảng Ninh nổi tiếng gần xa được làm từ những con mực tươi ngon, giữ trọn được hương vị của biển khơi qua các khâu chế biến. Chả mực Hạ Long có vị ngọt tự nhiên, giòn và thơm lạ. Khi đến các quán ăn địa phương, quý khách sẽ được tận mắt thấy người đầu bếp giã chả mực, chiên vàng ruộm vô cùng hấp dẫn. Vùng biển Vân Đồn trù phú với những làng chài yên bình bên các cảng biển được thiên nhiên ưu đãi cho những điều kiện lý tưởng về khí hậu, sinh vật. Chính vì vậy mà những loại đặc sản nơi đây luôn có sức hút đối với khách du lịch, mang một hương vị đặc trưng của vùng biển nhiệt đới. Không chỉ là điểm đến du lịch thú vị, Vân Đồn đã và đang trở thành nơi trải nghiệm ẩm thực biển yêu thích của thực khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, ruốc hàu tại Vân Đồn có hương vị ngọt, thơm béo mang đến cảm giác lạ miệng cho du khách. Ruốc hàu được chế biến thủ công nên hương vị rất mộc mạc, bắt miệng. Người ta thường nhớ tới các món hàu nướng nhưng ruốc hàu của Vân Đồn lại là một món ăn ấn tượng đối với thực khách. Ngoài ra, sá sùng có hàm lượng dinh dưỡng cao, có tác dụng bồi bổ cơ thể, ổn định khí huyết. Đây là một trong những đặc sản Vân Đồn giá rẻ có tác dụng y học, được giới chuyên gia đánh giá cao đối với sức khỏe con người.
Với chiều dài đường bờ biển hơn 250km và 2.077 hòn đảo (chiếm phần lớn số đảo của cả nước), trên 40.000ha bãi triều và hơn 20.000ha diện tích eo biển và vịnh, ngư trường rộng lớn trên 6.100km2, vùng biển Quảng Ninh là nơi sinh sống của nhiều loài có giá trị, tạo ra cơ hội lớn cho phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, đặc biệt phục vụ xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế thực phẩm giá trị cao. Nhờ có chiều dài đường bờ biển dài và nhiều hòn đảo, Quảng Ninh là một địa danh giàu tiềm năng du lịch, là một đỉnh của tam giác tăng trưởng du lịch miền Bắc, với hơn 600 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử được xếp hạng; hội tụ đây đủ các yếu tố tự nhiên như rừng, núi, nước non, biển đảo, sông hồ...
Hạ tầng du lịch Quảng Ninh rất phát triển. Tỉnh đã đầu tư mạnh vào kết cấu hạ tầng du lịch như cảng tàu khách quốc tế, các khách sạn, resort cao cấp và các khu vui chơi giải trí. Hạ Long còn có sân bay quốc tế Vân Đồn, giúp tăng cường khả năng kết nối và thu hút du khách quốc tế. Bên cạnh đó, ven biển Quảng Ninh cũng có nhiều khu vực nước sâu và kín gió, thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn và cảng thủy nội địa đáp ứng cho việc giao lưu hàng hóa với các tỉnh trong vùng. Tài nguyên biển có giá trị lớn nhất của Quảng Ninh chính là vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Du khách đến Hạ Long có thể tham gia nhiều hoạt động đa dạng như: tham quan bằng du thuyền, chèo thuyền kayak, tắm biển, leo núi, thăm quan các làng chài, trải nghiệm cuộc sống ngư dân, hay tham gia các hoạt động mạo hiểm như nhảy dù, lặn biển. Tận dụng lợi thế sẵn có, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút du khách, tỉnh đang đầu tư thêm nhiều điểm du lịch mới như các bãi biển Trà Cổ, Ngọc Vừng, Minh Châu, Quan Lạn. Hệ thống tuyến đảo trên biển với các cánh rừng nguyên sinh, hệ sinh thái và động vật phong phú, quý hiếm có giá trị phát triển các loại hình du lịch biển đảo khám phá, mạo hiểm.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch ngày càng phát triển, Quảng Ninh đã đầu tư nhiều công trình trọng điểm tác động tích cực đến hoạt động du lịch, như Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long, Cảng tàu Quốc tế Tuần Châu, Cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, Cầu Bạch Đằng, Cầu và đường dẫn Cầu Bắc Luân II, Cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, Cầu Tình Yêu, Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái. Chính quyền và các doanh nghiệp địa phương đang tập trung vào phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường và duy trì vẻ đẹp của vịnh. Nhiều chương trình bảo vệ rạn san hô, ngăn chặn ô nhiễm và giảm thiểu rác thải nhựa đang được triển khai. Nhờ những lợi thế này, vịnh Hạ Long đã và đang là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế và du lịch của Quảng Ninh.
Quảng Ninh phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch, hình thành nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp, khác biệt và độc đáo, có sức cuốn hút mạnh mẽ dựa trên giá trị Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và các tài nguyên du lịch nổi bật của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển du lịch quốc tế, đẩy mạnh khai thác có hiệu quả du lịch nội địa; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển du lịch.
Bên cạnh các điều kiện tự nhiên phù hợp cho phát triển kinh tế biển, du lịch, Quảng Ninh còn có lợi thế thông thương với Trung Quốc qua hệ thống các cửa khẩu trên đất liền và trên biển; là Trung tâm số một Việt Nam về tài nguyên than đá, công nghiệp điện, ngoài ra còn có công nghiệp xi măng, vật liệu xây dựng...
Thực trạng biến đổi sinh kế của người dân trước tác động của du lịch di sản
Biến đổi sinh kế của người dân trước tác động của du lịch di sản đang trở thành một vấn đề quan trọng ở nhiều khu vực, bao gồm mặt tích cực và hạn chế.
Trước tiên, có thể thấy du lịch di sản không chỉ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương thông qua các dịch vụ như: hướng dẫn viên người dân có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch, chia sẻ kiến thức về di sản văn hóa và lịch sử với du khách; lưu trú các hộ gia đình có thể mở homestay hoặc nhà nghỉ, tạo ra trải nghiệm sống cùng người dân địa phương; ẩm thực nhà hàng, quán ăn phục vụ các món ăn đặc sản địa phương không chỉ thu hút du khách mà còn giúp bảo tồn văn hóa ẩm thực; và bán hàng thủ công mỹ nghệ, người dân có thể sản xuất và bán các sản phẩm thủ công, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền.
Sự gia tăng du khách thường dẫn đến cải thiện cơ sở hạ tầng, như đường xá, điện, nước, và hệ thống vệ sinh, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Khi có nhiều du khách, chính quyền và các doanh nghiệp sẽ đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng như: cải thiện giao thông, đường xá, cầu cống được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu di chuyển, giúp giảm thiểu tắc nghẽn và tiết kiệm thời gian cho người dân; nâng cấp hệ thống điện và nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cư dân và du khách, các hệ thống cung cấp điện và nước sẽ được cải thiện, đảm bảo sự ổn định và chất lượng. Hệ thống vệ sinh việc nâng cấp hệ thống vệ sinh công cộng và xử lý chất thải không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn nâng cao sức khỏe cộng đồng; kết cấu hạ tầng du lịch các khu vực như khách sạn, nhà hàng và điểm tham quan cũng được đầu tư, tạo ra thêm việc làm và cải thiện dịch vụ cho cả du khách và cư dân; dịch vụ công cộng sự phát triển này cũng thường kéo theo việc cải thiện các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, và an ninh. Tất cả những yếu tố trên không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng mà còn tạo ra một môi trường sống tốt đẹp hơn cho cả người dân và du khách. Du lịch di sản có thể khuyến khích người dân bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống của địa phương, đồng thời tạo ra ý thức cộng đồng về việc gìn giữ di sản. Không chỉ giúp phát huy giá trị văn hóa, truyền thống của địa phương, du lịch di sản còn tạo ra nhận thức mạnh mẽ trong cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản. Khi du khách đến tham quan, họ không chỉ trải nghiệm văn hóa mà còn góp phần vào nền kinh tế địa phương, từ đó khuyến khích người dân giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa độc đáo; tạo cơ hội cho việc giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử và văn hóa của quê hương mình, giúp họ hiểu và trân trọng hơn về di sản văn hóa. Khi cộng đồng nhận thấy lợi ích từ việc bảo tồn, họ sẽ có động lực để tham gia và thực hiện các hoạt động bảo tồn một cách tích cực. Có thể thấy, du lịch di sản không chỉ là một hoạt động kinh tế, mà còn là một phương tiện quan trọng để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa địa phương.
Ngành du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Khi du lịch phát triển, nhu cầu về lao động tăng lên, từ các vị trí như hướng dẫn viên du lịch, nhân viên khách sạn, nhà hàng đến các dịch vụ hỗ trợ như vận chuyển, bán lẻ và giải trí. Cụ thể đó là: Tăng cường sinh kế, người dân có thể kiếm sống từ các dịch vụ phục vụ du khách, cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống. Phát triển kỹ năng, nhân viên trong ngành du lịch thường được đào tạo và nâng cao kỹ năng, từ ngoại ngữ đến quản lý, điều này có thể mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Khuyến khích khởi nghiệp, nhu cầu cao trong ngành du lịch thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ như quán ăn, cửa hàng lưu niệm, và dịch vụ trải nghiệm. Bảo tồn văn hóa, ngành du lịch cũng khuyến khích cộng đồng gìn giữ và phát huy văn hóa địa phương, điều này không chỉ tạo ra việc làm mà còn bảo vệ di sản văn hóa. Phát triển hạ tầng, sự tăng trưởng của ngành du lịch thường dẫn đến cải thiện hạ tầng, từ giao thông đến cơ sở vật chất, mang lại lợi ích cho cả cư dân và du khách. Như vậy, việc phát triển ngành du lịch không chỉ giúp tạo ra việc làm mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương.
Tuy nhiên biến đổi sinh kế của người dân trước tác động của du lịch di sản vẫn còn những bất cập như: tăng áp lực môi trường, sự gia tăng lượng du khách có thể dẫn đến ô nhiễm, suy thoái tài nguyên thiên nhiên và làm mất cân bằng hệ sinh thái. Biến đổi văn hóa, sự tiếp xúc với văn hóa bên ngoài có thể dẫn đến việc mất đi bản sắc văn hóa địa phương, khi người dân phải điều chỉnh theo sở thích của du khách. Chi phí sinh hoạt gia tang, sự phát triển của du lịch có thể làm tăng giá cả hàng hóa và dịch vụ, khiến người dân địa phương gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt.
Phân chia lợi ích không đồng đều, không phải tất cả người dân đều hưởng lợi từ du lịch, thường thì lợi nhuận chỉ tập trung vào một số ít doanh nghiệp lớn, trong khi cộng đồng địa phương không được hưởng lợi tương xứng.
Để khai thác tiềm năng du lịch di sản một cách bền vững, cần có sự quản lý chặt chẽ và chính sách hỗ trợ cho cộng đồng địa phương. Việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa, môi trường là rất quan trọng để đảm bảo rằng du lịch di sản mang lại lợi ích lâu dài cho người dân.
Du lịch di sản phát triển khá mạnh mẽ và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế ở nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đây là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị di sản văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Du lịch di sản có nhiều loại hình khác nhau, như du lịch tâm linh, du lịch cội nguồn, du lịch trải nghiệm văn hóa,..
Giải pháp để bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân thời gian tới
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, để bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân trước tác động của quá trình phát triển kinh tế di sản tại tỉnh Quảng Ninh cần chú trọng các thiết chế văn hóa, hoạch định chính sách, công tác quy hoạch, xây dựng sản phẩm du lịch, xây dựng cơ chế phối hợp và phân chia nguồn lợi từ du lịch di sản đồng thời có sự gắn kết hiệu quả với phát triển du lịch, bảo đảm môi trường sinh thái, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng 8 khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, chú trọng phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư biển và ven biển; phát huy bản sắc, giá trị lịch sử và văn hóa dân tộc, tri thức tốt đẹp trong ứng xử với biển, coi đây là nền tảng quan trọng để xây dựng văn hóa biển. Nâng cao trình độ, nhận thức cho các cấp ủy, chính quyền và toàn thể người dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, đảo. Đặc biệt người dân cũng phải tự nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xây dựng văn minh sinh thái.
Hai là, kiện toàn và hoàn thiện bộ khung pháp lý về biển, đảo phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách đối với các giá trị văn hóa biển, trong đó có chính sách bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa lễ hội, tín ngưỡng, phong tục, bảo tồn, phát huy bản sắc truyền thống văn hóa biển, trong đó có văn hóa ẩm thực. Chú trọng hơn công tác kiểm kê, xác lập, xếp hạng hồ sơ cho các di tích, các thiết chế văn hóa
Ba là, cần thiết lập cơ quan quản lý chuyên biệt. Xây dựng một cơ quan quản lý di sản tập trung vào việc bảo vệ và phát triển bền vững. Cơ quan này sẽ có nhiệm vụ giám sát các hoạt động liên quan đến di sản, đồng thời phối hợp với các bên liên quan để đảm bảo sự bền vững. Công tác quản lý môi trường chặt chẽ. Cần ban hành các quy định nghiêm ngặt về quản lý môi trường, bao gồm quy chuẩn về lượng khách, kiểm soát rác thải và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.
Bốn là, cần có kế hoạch phát triển kinh tế ven biển theo hướng bền vững, trong đó có việc hạn chế xây dựng tại các khu vực nhạy cảm về môi trường. Cụ thể, bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa. Phải đưa ra các biện pháp bảo vệ, phục hồi và tôn tạo các di sản thiên nhiên và văn hóa, không chỉ vì mục đích du lịch mà còn để bảo vệ tài sản văn hóa cho các thế hệ sau. Áp dụng công nghệ xanh vào các công trình du lịch như: xử lý rác thải, tiết kiệm năng lượng và nước, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Giám sát và quản lý chặt chẽ. Cần có hệ thống giám sát liên tục để đánh giá tác động môi trường, quản lý chất lượng không khí, nước, và các hệ sinh thái biển, từ đó kịp thời điều chỉnh các hoạt động phát triển. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác quy hoạch và quản lý di sản, giúp họ hiểu rõ hơn về giá trị của di sản và có ý thức bảo vệ môi trường.
Năm là, chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch bền vững. Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái: Tăng cường du lịch sinh thái với các hoạt động như tham quan rừng ngập mặn, đảo và trải nghiệm đời sống của các cộng đồng ven biển. Đây là cách giúp du khách có thể trải nghiệm thiên nhiên và đồng thời bảo vệ môi trường. Nâng cao nhận thức cộng đồng; tổ chức các chương trình giáo dục cho người dân địa phương và khách du lịch về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch cộng đồng, gắn kết cộng đồng địa phương. Khuyến khích các chương trình du lịch cộng đồng, nơi du khách có thể tham gia vào các hoạt động văn hóa, đời sống của người dân địa phương như làm nông, đánh bắt cá, hay nấu ăn. Hỗ trợ kinh tế địa phương, du lịch cộng đồng giúp cải thiện thu nhập cho người dân địa phương và đảm bảo lợi ích kinh tế từ du lịch sẽ được phân bổ đồng đều hơn. Và chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh; giao thông công cộng xanh, đầu tư vào các phương tiện vận chuyển công cộng thân thiện với môi trường như xe điện, tàu năng lượng mặt trời để giảm thiểu ô nhiễm. Xây dựng kết cấu hạ tầng bền vững, phát triển khách sạn, nhà nghỉ, và các công trình du lịch khác tuân thủ các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường; quản lý chặt chẽ các điểm du lịch bằng việc giới hạn số lượng du khách: Tại các điểm nhạy cảm như Vịnh Hạ Long, giới hạn số lượng du khách để bảo vệ hệ sinh thái. Tăng cường giám sát và quản lý chất lượng môi trường: Thực hiện các biện pháp giám sát môi trường và quản lý chất lượng nước, đất, không khí tại các khu du lịch. Trên cơ sở tăng cường quảng bá và phát triển sản phẩm du lịch đa dạng. Xây dựng sản phẩm mới: đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển các tour tham quan văn hóa, lịch sử, ẩm thực để thu hút các đối tượng khách hàng khác nhau. Ứng dụng công nghệ trong quảng bá, sử dụng các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội, và thực tế ảo (VR) để quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Ninh đến khách du lịch trong và ngoài nước.
Sáu là, xây dựng cơ chế phối hợp và phân chia nguồn lợi từ du lịch di sản. Xây dựng các điểm du lịch di sản là công việc hoàn toàn mới mẻ đối với người dân, đồng thời là lĩnh vực kinh doanh phức tạp. Vì vậy, để làm tốt công việc này cần có sự kết hợp của bốn “nhà”: Những người dân ở địa phương là chủ nhân của các điểm du lịch cần được khuyến khích tự nguyện tham gia hoạt động du lịch di sản một cách sáng tạo. Cần xây dựng các ban quản lý du lịch di sản, có quy chế hoạt động thiết thực, dân chủ để bảo đảm hoạt động du lịch hiệu quả; người dân địa phương được hưởng lợi phù hợp, góp phần xóa đói, giảm nghèo đa chiều bền vững.
Doanh nghiệp là đối tác đưa khách đến điểm du lịch. Nhờ có doanh nghiệp, điểm du lịch di sản mới phát triển được. Doanh nghiệp đóng vai trò cung cấp du khách, đồng thời cũng đóng vai trò hỗ trợ vốn cho cộng đồng, tập huấn cho cộng đồng về cách thức tổ chức, kinh doanh hoạt động du lịch di sản. Do đó, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào du lịch di sản; Các nhà tư vấn là các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu về văn hóa, dân tộc, di sản... đóng vai trò nghiên cứu, tư vấn cho người dân, chính quyền địa phương, doanh nghiệp xây dựng các mô hình du lịch di sản hoạt động hiệu quả và bền vững; Cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho các điểm du lịch di sản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời giữ vai trò điều hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Sự kết hợp chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước là mối quan hệ hữu cơ, mật thiết. Thực tiễn ở các điểm du lịch di sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chứng minh rằng, nếu thiếu một trong bốn “nhà” này thì du lịch di sản khó “cất cánh” được./.
Tăng cường vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách phát triển kinh tế di sản ở tỉnh Quảng Ninh  (06/12/2024)
Di sản Phật giáo với những đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh  (06/12/2024)
Khai thác sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát huy giá trị của các di sản văn hóa tỉnh Quảng Ninh  (05/12/2024)
Nhận thức về kinh tế di sản và thực trạng ở Việt Nam  (05/12/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay