Kinh tế di sản và vai trò trong phát triển kinh tế, xã hội ở tỉnh Ninh Bình
Là một vùng đất cổ nằm ở vị trí giao thoa của 3 vùng địa lý và văn hóa, tỉnh Ninh Bình hiện lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh có giá trị nổi bật toàn cầu, thu hút sự quan tâm chú ý trong nước, quốc tế. Những năm gần đây, thực hiện đổi mới, phát triển bền vững, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, Ninh Bình đã và đang thực hiện chuyển đổi kinh tế từ nâu sang xanh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản, du lịch, dịch vụ. Nguồn tài nguyên di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh phong phú, đa dạng, giàu bản sắc đã và đang mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ kinh tế di sản.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta xác định mục tiêu phát triển đất nước trong thời gian tới: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”(1).
Đại hội XIII của Đảng xác định 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó định hướng phát triển con người và xây dựng văn hóa hướng vào phát huy sức mạnh nội sinh của hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị con người Việt Nam, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển toàn diện, bền vững các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội. Phương hướng nhiệm kỳ 2020 - 2025 được Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII xác định: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết của toàn dân, khơi dậy ý chí, khát vọng, giá trị lịch sử, văn hóa, con người Cố đô Hoa Lư; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội với công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, công nghệ sạch, nông nghiệp hữu cơ, tiên tiến; tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng hệ thống đô thị hiện đại; quy hoạch và phát triển kinh tế vùng ven biển. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, mở rộng đối ngoại, hội nhập quốc tế. Xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch của cả nước; phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh phát triển trung bình khá, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng”.
Ngày 4-3-2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 218/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2035 Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tại diễn đàn này, tỉnh Ninh Bình xin tham gia bàn thảo về vấn đề “Kinh tế di sản và vai trò trong phát triển kinh tế, xã hội ở Ninh Bình”, xin được trao đổi, lĩnh hội ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, và kinh nghiệm của các tỉnh bạn để tiếp tục hoàn thiện các giải pháp phát triển kinh tế di sản trên địa bàn tỉnh, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Nhận thức về kinh tế di sản và vai trò của kinh tế di sản ở Ninh Bình hiện nay
Di sản và kinh tế di sản
Di sản văn hóa là những giá trị tự nhiên, vật chất và tinh thần được lưu giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ, mang trong mình kho dữ liệu vô tận về quá khứ của tự nhiên và xã hội loài người. Không chỉ chứa đựng giá trị tinh thần làm nên bản sắc văn hoá của quốc gia dân tộc, mọi di sản văn hoá đều có giá trị kinh tế. Giá trị kinh tế của các di sản không chỉ thể hiện một cách thông thường trên thị trường, mà còn được thể hiện gián tiếp qua giá trị biểu tượng, tượng trưng làm gia tăng giá trị lợi nhuận cho các sản phẩm khác.
Kinh tế di sản là một lĩnh vực kinh tế đặc thù dựa trên khai thác tài nguyên di sản (văn hoá và thiên nhiên) để phát triển kinh tế, nhất là vốn hóa tài nguyên di sản, biến vốn di sản thành vốn tài chính để đóng góp vào tăng trưởng, thu nhập, giải quyết việc làm, cơ cấu lại nền kinh tế(1). Kinh tế di sản gồm các hoạt động như quản lý, khai thác các di tích lịch sử, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các khu bảo tồn thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh, các di tích khảo cổ học… Đây là những tài sản quá khứ để lại, chỉ có thể làm gia tăng giá trị ứng dụng mà không thể sản xuất làm gia tăng số lượng vì vậy việc phát triển kinh tế di sản phải gắn với sưu tầm, nghiên cứu khảo cổ, thống kê, phát hiện, phục hồi, bảo tồn, giải mã di sản… để có thể giới thiệu với rộng rãi với công chúng.
Việc phát triển kinh tế di sản là phương thức chuyển hóa tài nguyên di sản thành “vốn di sản” đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, xây dựng thương hiệu địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, đồng thời kết quả của kinh tế di sản sẽ tạo nguồn tài chính ổn định, phong phú trở lại bảo tồn, phát huy giá trị di sản, làm cho di sản có sức sống bền vững và gia tăng giá trị cả về vật chất, tinh thần trong đời sống xã hội.
Vai trò của kinh tế di sản trong phát triển kinh tế - xã hội ở Ninh Bình hiện nay
Nguồn lực di sản văn hóa Ninh Bình
Với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, bằng các sáng tạo văn hóa của các thế hệ tiền nhân hàng ngàn năm qua, đã để lại cho tỉnh Ninh Bình hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, có giá trị đặc sắc. Ninh Bình hiện có 1821 di tích được kiểm kê, trong đó có 405 di tích đã xếp hạng (1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 3 di tích quốc gia đặc biệt, 78 di tích quốc gia và 324 di tích cấp tỉnh). Ninh Bình hiện đang có 393 di sản văn hóa phi vật thể thuộc tất cả các loại hình, trong đó có 07 di sản đã được ghi danh trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các di sản văn hóa đó có giá trị đặc biệt, tạo nên dấu ấn đặc sắc riêng có của Ninh Bình - dấu ấn của vùng đất từng là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền tại Việt Nam, là nơi nhiều thế hệ người dân đấu tranh, giữ gìn, bảo vệ nền độc lập, xây dựng nền tự chủ, tự cường của dân tộc. Đó là dấu ấn vùng đất cổ, nơi có con người sinh sống từ cách nay hơn ba vạn năm, với các di tích khảo cổ học tiền sử trong các mái đá, hang động vùng di sản Tràng An. Tràng An đồng thời còn có các giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật, với dấu vết của các nền văn minh thời đại kim khí, văn minh Đông Sơn trong các hang động, mái đá hay bên sườn núi, nơi được lựa chọn để đặt kinh đô Hoa Lư của nhà nước Đại Cồ Việt, cùng hàng trăm đền, chùa, miếu, phủ..., các công trình kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng còn hiện hữu đồng điệu cùng thiên nhiên, có kiến trúc mang tính kỹ thuật, mỹ thuật cao, các lễ hội dân gian, các làng nghề truyền thống đặc sắc, mang hồn cốt văn hóa của người dân Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tràng An được ghi danh là di sản kép đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á vì các giá trị đặc biệt, nổi bật toàn cầu về địa chất địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, chứa đựng kho tư liệu đồ sộ, đầy đủ, phong phú về nhân loại thời tiền sử, thể hiện cách thức thích ứng trước những biến đổi môi trường trong hàng vạn năm qua, Ninh Bình cũng là nơi có di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, một trong những di tích quan trọng bậc nhất của Việt Nam, được Bộ Văn hóa xếp hạng cấp quốc gia trong đợt xếp hạng đầu tiên của cả nước năm 1962. Hoa Lư là nơi phát tích sự nghiệp ba triều đại: Đinh - Tiền Lê và khởi đầu triều Lý ở thế kỷ X-XI. Di tích cấp quốc gia đặc biệt núi Non Nước còn bảo lưu được các văn bia ma nhai với số lượng lớn (48 văn bia), ghi dấu bút tích các danh nhân văn hóa từ thời Lý - Trần đến đầu thế kỷ XX, xứng đáng được ghi danh di sản tư liệu thế giới.
Vai trò của kinh tế di sản trong phát triển kinh tế xã hội ở Ninh Bình hiện nay
Xác định di sản văn hóa là tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong phát triển kinh tế, xã hội, nhất là nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, việc chuyển hóa giá trị di sản thành tài sản kinh tế, phát triển kinh tế di sản được tỉnh Ninh Bình coi trọng, thể hiện qua một số kết quả sau:
- Việc vốn hóa tài nguyên di sản thông qua phát hiện, khai quật, sưu tầm, thống kê, hệ thống hóa, giải mã di sản đang được triển khai thực hiện đúng tiến độ theo Quyết định số 1007/QĐ-UBND, ngày 14-9-2021 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, giai đoạn 2021 - 2030. Kết quả bước đầu của Đề án đã và đang hình thành kho dữ liệu về di sản văn hoá trên địa bàn Ninh Bình. Đây là nguồn dữ liệu phong phú để xây dựng, tổ chức hoạt động các công viên lịch sử văn hóa, các bảo tàng chuyên đề đồng thời cũng tạo chất liệu cho việc xây dựng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, sân khấu, điện ảnh, truyền hình...
- Công tác phát triển du lịch di sản đã và đang khai thác hiệu quả, cẩn trọng các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa. Nhiều điểm di tích, danh lam thắng cảnh trở thành điểm tham quan, du lịch, sinh hoạt văn hóa tâm linh (Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, động Am Tiên, Tam Cốc - Bích Động, nhà thờ đá Phát Diệm, phủ Đồi Ngang…). Ngành du lịch tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, tạo doanh thu cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu cho những làng nghề truyền thống. Sau đại dịch COVID-19, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhờ đó du lịch Ninh Bình có sự khởi sắc, đặc biệt du lịch nội địa tăng trưởng vượt mức. Năm 2022, toàn tỉnh đón khoảng 3,7 triệu lượt khách tham quan, doanh thu đạt khoảng 3.450 tỷ đồng; năm 2023, đón khoảng 6,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 6.500 tỷ đồng, vượt 26,5% so với kế hoạch năm(2). Trong 9 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch Ninh Bình đón gần 7,3 triệu lượt khách, đạt 97,28% kế hoạch năm 2024, doanh thu đạt trên 7.251 tỷ đồng, tăng 42,96% so với cùng kỳ năm 2023(3). Gần đây, Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, nằm trong nhóm 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước.
Khu du lịch sinh thái Quần thể Danh thắng Tràng An giữ vai trò cốt lõi, là hình mẫu tiêu biểu về việc vốn hoá di sản thành tài sản, hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã góp phần quan trọng đưa hình ảnh của tỉnh Ninh Bình đến với bạn bè trong nước và quốc tế, tạo động lực mạnh mẽ để Ninh Bình phát triển du lịch. Tràng An cũng là nơi thu hút đông đảo các văn nghệ sĩ đến sáng tác nghệ thuật, sản xuất các chương trình truyền hình, clip ca nhạc, phim truyện. Dù chưa có thống kê về doanh thu trực tiếp từ các hoạt động trên, song giá trị thương hiệu của điểm đến Tràng An cùng với nhiều điểm đến ở Ninh Bình đã được định vị trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Những năm qua, Ninh Bình đã nhiều lần được các tổ chức trong nước và thế giới xếp top cao trong danh sách bình chọn của nhiều chuyên trang du lịch quốc tế uy tín. Năm 2020, Trips to Discover (Mỹ) điền tên Ninh Bình vào danh sách 14 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á. Năm 2022, Tạp chí Du lịch và giải trí (Mỹ) xếp Ninh Bình vào danh sách 12 địa điểm quay phim đẹp nhất châu Á. Năm 2023, Ninh Bình đoạt Giải thưởng Đánh giá của khách du lịch, là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới. Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn Ninh Bình là một trong 23 điểm đáng đến nhất thế giới. Mới đây nhất năm 2024, Ninh Bình đứng vị trí thứ 4 trong “Top 10 kỳ quan thế giới dành cho những người không thích đám đông”; top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất thế giới.
- Các sản phẩm sáng tạo nghệ thuật lấy cảm hứng từ di sản văn hoá ra đời ngày càng nhiều. Đã có hàng trăm ca khúc, hàng ngàn tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật (hội hoạ, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt…), rất nhiều tác phẩm văn học của các tác giả, nhà văn trong nước sáng tác trên nền di sản văn hoá Ninh Bình. Một số nhà sản xuất các chương trình truyền hình, phim truyện, tác phẩm sân khấu, điện ảnh trong nước, quốc tế đã chọn Ninh Bình làm bối cảnh sáng tạo.
- Thị trường các sản phẩm dịch vụ văn hoá được hình thành năng động, sáng tạo và bắt kịp xu thế như các sản phẩm mô phỏng đồ cổ, nhà cổ, phố cổ, y phục cổ... đem lại mức tăng trưởng ổn định cho các nhà đầu tư. Các di sản ẩm thực truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức bản địa (như y thuật, dược liệu…) tiếp tục được đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng về mẫu mã, loại hình và đặc biệt chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng đa dạng nhu cầu của nhân dân và du khách.
Các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, hát xẩm, hát văn, múa rối nước… đã trở thành sản phẩm văn hoá không thể thiếu trong hoạt động du lịch, trải nghiệm, giải trí của nhân dân và du khách.
- Việc phát huy các giá trị của di sản tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống đã và đang phát triển khá mạnh, thu hút số lượng lớn người dân và du khách trong nước, quốc tế tham gia, kéo theo sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ, làm gia tăng nguồn thu từ công đức, tài trợ của tổ chức, cá nhân đóng góp cho các hoạt động phúc lợi xã hội.
- Đã hình thành nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh lấy di sản văn hoá làm điểm tựa để phát triển và quảng bá thương hiệu, xây dựng hình ảnh, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh những kết quả ban đầu như trên, việc chuyển đổi di sản văn hoá thành tài sản trong phát triển kinh tế còn bộc lộ không ít hạn chế như: Việc thu hút số lượng lớn du khách đến tham quan các khu, điểm du lịch trong một khoảng thời gian nhất định có lúc, có nơi còn chưa bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường; việc khai thác quá mức di tích, di sản văn hoá phi vật thể, nhất là di sản tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội dân gian có lúc, có nơi đã gây ra những tác động xấu đến giá trị của di sản.
Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản Ninh Bình
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về giá trị của di sản văn hoá và ý nghĩa của việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt nâng cao nhận thức về kinh tế di sản, những điều kiện cần và đủ trong phát triển kinh tế di sản. Đầu tư đào tạo nguồn nhân lực trong quản lý nhà nước về di sản văn hoá cũng như trong thực thi bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Thứ hai, khẩn trương hoàn thiện và tổ chức thực hiện các quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh như: Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tràng An - Tam Cốc - Bích Động; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Cố đô Hoa Lư trở thành bảo tàng sống về một kinh đô trong quá khứ của Nhà nước Đại Cồ Việt, trở thành điểm du lịch lịch sử văn hóa, tâm linh hấp dẫn mang tầm quốc gia và khu vực.
Thứ ba, xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhận diện, thống kê, hệ thống hoá các giá trị di sản văn hóa phi vật thể như: địa danh, huyền tích, huyền sử, tục lệ, nghi lễ, tri thức dân gian… để xây dựng kho dữ liệu di sản văn hoá Ninh Bình làm chất liệu/tài liệu/nguyên liệu cho phát triển kinh tế di sản, du lịch, công nghiệp văn hoá. Thực hiện nghiên cứu khảo cổ học một cách tổng thể, bài bản khu di tích Cố đô Hoa Lư và các di tích liên quan đến Nhà nước Đại Cồ Việt, các di tích tiền sử trong Quần thể danh thắng Tràng An làm cơ sở để xây dựng công viên lịch sử văn hoá Cố đô Hoa Lư, các bảo tàng chuyên đề, phỏng dựng, phục dựng các không gian cư trú của con người qua các giai đoạn lịch sử, tạo thêm các sản phẩm mới phục vụ nghiên cứu, học tập, trải nghiệm và tham quan du lịch.
Thứ tư, có cơ chế thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh tham gia hoạt động trong lĩnh vực kinh tế di sản. Đẩy mạnh hợp tác đầu tư của doanh nghiệp để hoàn thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ, đón tiếp khách du lịch tại các khu, điểm du lịch là di sản thế giới, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; hỗ trợ đầu tư, phát triển các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ truyền thống; làm gia tăng hàm lượng di sản văn hoá trong các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Thứ năm, tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu Di sản văn hóa Ninh Bình, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng tri thức và văn hóa cho kinh tế di sản, công nghiệp văn hóa.
Kinh tế di sản và tài nguyên di sản còn khá mới mẻ trong lý luận và khoa học quản lý, song trên thực tiễn việc phát triển kinh tế di sản đã hình thành, phát triển trong quá trình khai thác, phát huy giá trị các di sản lâu nay. Ninh Bình với trữ lượng di sản văn hóa đồ sộ, phong phú, dày đặc, đa dạng về loại hình và niên đại đã và đang được nhân dân bảo tồn, phát huy giá trị, tạo nguồn nội lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế di sản của địa phương.
Với quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong thực hiện tầm nhìn, mục tiêu, định hướng phát triển tỉnh Ninh Bình đã được phê duyệt tại Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nỗ lực của các tổ chức, cá nhân, các cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, tỉnh Ninh Bình sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng phát triển Ninh Bình trở thành một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực./.
----------------------
(1) PGS, TS. Đoàn Minh Huấn: “Quan điểm, mục tiêu phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Tài liệu học tập lớp Bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp tỉnh 2024, TUNB-2024.
(2) Sở Du lịch, Báo cáo kết quả phát triển du lịch giai đoạn 2020 đến nay và các giải pháp phát triển ngành du lịch Ninh Bình trong thời gian tới, Báo cáo số 28/BC-SDL ngày 22-2-2023.
(3) Số liệu báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình.
Kinh nghiệm của tỉnh Hà Nam trong phát triển kinh tế di sản  (06/12/2024)
Phát triển đô thị biển, đô thị di sản bền vững thành phố Hạ Long  (06/12/2024)
Phát huy giá trị di sản: Hướng đi bền vững cho kinh tế Quảng Ninh  (06/12/2024)
Phát triển kinh tế di sản hướng tới mục tiêu phát triển bền vững  (06/12/2024)
- Các quốc gia tầm trung trong bối cảnh mới và hàm ý chính sách đối với Việt Nam đến năm 2030
- Vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người với việc xây dựng và phát huy nhân tố con người để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
- Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng nền kinh tế tự chủ trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay và một số gợi ý cho Việt Nam
- Xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam