Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 8 tháng năm 2009 cả nước có 504 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 5,625 tỉ USD.

Tuy vốn đăng ký cấp mới giảm, nhưng lượng vốn tăng thêm của các dự án đã đầu tư giai đoạn trước lại tăng hơn so với cùng kỳ năm 2008. Trong 8 tháng vừa qua, có 149 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 4,828 tỉ USD, tăng 3,8% so cùng kỳ. Như vậy, tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 8 tháng qua các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 10,453 tỉ USD, bằng 18,4% so với cùng kỳ năm 2008.

Nhưng đến thời điểm này, có lẽ lạc quan nhất là số liệu về giải ngân vốn FDI, ước tính, trong 8 tháng qua các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 6,5 tỉ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2008. Trong con số này, vốn từ nước ngoài khoảng 5,5 tỉ USD.

Như vậy, so với mục tiêu giải ngân 9 tỉ USD năm 2009, nhìn chung các dự án đầu tư nước ngoài đang triển khai phù hợp với độ dự kiến.

Trong 8 tháng vừa qua, dịch vụ lưu trú và ăn uống vẫn đang thu hút sự quan tâm lớn nhất các doanh nghiệp FDI với trên 4,566 tỉ USD vốn cấp mới và tăng thêm. Trong đó, có 20 dự án cấp mới với tổng số vốn đầu tư là 755 triệu USD và chỉ có 3 dự án tăng vốn nhưng số vốn tăng thêm đạt 3,811 tỉ USD, chiếm 83,3% tổng số vốn của lĩnh vực này.

Tính đến tháng 8-2009, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã vượt lĩnh vực kinh doanh bất động sản và trở thành lĩnh vực có quy mô vốn đăng ký lớn thứ hai trong 6 tháng đầu năm với 2,32 tỉ USD vốn đăng ký, trong đó có 1,74 tỉ USD đăng ký mới. Dự án mới được cấp phép trong lĩnh vực này là dự án sản xuất thép tại Bà Rịa - Vũng Tàu của China Steel Corp (Đài Loan) và Sumitomo Metal (Nhật Bản) với quy mô vốn đăng ký 1,148 tỉ USD. Kinh doanh bất động sản đứng thứ ba với 1,875 tỉ USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.

Cũng trong 8 tháng qua, đã có 35 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó nhà đầu tư lớn nhất là Hoa Kỳ với 3,956 tỉ USD, Đài Loan là 1,353 tỉ USD và British Virgin Islands là 1,247 tỉ USD...

Cũng do thu hút được lượng vốn lớn đổ vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống nên Bà Rịa - Vũng Tàu đã vươn lên là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 6,485 tỉ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm. Xếp sau là Thành phố Hồ Chí Minh với 1,04 tỉ USD, Bình Dương là 755 triệu USD, Hà Nội là 367 triệu và Đồng Nai là 281 triệu USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, hiện khối doanh nghiệp FDI có đóng góp lớn trong việc hạn chế nhập siêu của Việt Nam. Bởi trong khi cả nước nhập siêu trên 5,1 tỉ USD thì trong 8 tháng qua các doanh nghiệp FDI đã xuất siêu 3,49 tỉ USD.

Cụ thể, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI (tính cả dầu khí) 8 tháng đầu năm dự kiến đạt 18,67 tỉ USD, bằng 79,2% so với cùng kỳ và chiếm 50,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu như không tính dầu thô, khu vực này đạt tổng kim ngạch 14,47 tỉ USD, chiếm 38,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và bằng 92,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI trong 8 tháng qua dự kiến đạt 15,18 tỉ USD, bằng 80,1% so với cùng kỳ và chiếm 35,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước./.