Tăng cường vận động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước trong thời kỳ mới
TCCSĐT: Hiện nay có gần 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó có hơn 80% ở các nước công nghiệp phát triển. Đại bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài có cuộc sống ổn định và hoà nhập vào xã hội nơi cư trú, có vị trí nhất định trong đời sống kinh tế, chính trị – xã hội ở nước sở tại cũng như làm cầu nối cho mối quan hệ giữa các nước sở tại với Việt Nam. Hằng năm, có khoảng 200 nhà khoa học và trí thức Việt kiều về nước làm công tác giảng dạy, tư vấn.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam
Phần đông người Việt Nam ở nước ngoài có mức sống thấp hơn mức trung bình hoặc trung bình so với mức sống của người dân sở tại; đa số làm thuê; số người khá giả có thu nhập vài triệu USD trở lên rất ít. Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài còn yếu. Một bộ phận đồng bào trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn gặp khó khăn trong ổn định cuộc sống; một số nơi người Việt vẫn bị kỳ thị. Tính liên kết, gắn bó, giúp đỡ nhau trong cộng đồng chưa cao; việc gìn giữ, bảo lưu bản sắc văn hoá Việt Nam, nhất là trong lớp trẻ cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, có nhiều trí thức trình độ học vấn và chuyên môn cao; một số người giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các công ty và tổ chức quốc tế và có khả năng tạo dựng quan hệ với các cơ sở kinh tế, khoa học với nước sở tại. Theo ước tính, trong gần 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, có khoảng 400 nghìn người có trình độ đại học, trên đại học, công nhân kỹ thuật bậc cao. Đội ngũ trí thức kiều bào được đào tạo chính quy trong môi trường khoa học hiện đại, được tiếp cận và cập nhật với những tiến bộ mới nhất của khoa học, kỹ thuật thế giới và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác khoa học, trong quản lý kinh tế, hành chính, thương mại và kinh doanh. Họ có thế mạnh trong các lĩnh vực tin học, quản lý kinh tế, khả năng sáng tạo, năng lực tổng hợp thông tin, tư vấn - đề xuất, và có mối quan hệ rộng rãi với các cơ sở khoa học, kinh tế ở nước sở tại và trên trường quốc tế.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối quan trọng để Nhà nước mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực trên thế giới. Đây là nhân tố quan trọng trong việc thực hiện đường lối ngoại giao đa phương hoá, đa dạng hoá của Đảng và Nhà nước ta.
Người Việt Nam ở nước ngoài là lực lượng có nhiều lợi thế trong công tác quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với thế giới. Họ cũng là lực lượng quan trọng trong tham gia đấu tranh phòng chống và vô hiệu hoá từ trước, từ xa âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với Việt Nam.
Dù sống xa đất nước, song cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đại đa số đều hướng về Tổ quốc, luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hoá, hướng về cội nguồn, dòng tộc, quê hương. Nhiều người đã có những đóng góp vật chất, tinh thần và cả xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Công cuộc đổi mới đất nước với những thành quả quan trọng đã làm cho vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao; đường lối, chính sách đối ngoại rộng mở cùng với đường lối, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước mà trực tiếp là Nghị quyết số 36/NQ-TW, ngày 26-3-2004, của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài chính là những động lực để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng có xu hướng gắn bó hơn với quê hương, đất nước.
Những năm gần đây, phong trào quyên góp hỗ trợ đồng bào các vùng bị thiên tai và các dự án xoá đói, giảm nghèo trong nước có sự tham gia tích cực và có hiệu quả của Việt kiều. Ngày càng có nhiều người hồi hương, về thăm đất nước, tìm cơ hội kinh doanh, đầu tư và hợp tác giảng dạy, tư vấn trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hoá, nghệ thuật, thể thao... Đại đa số Việt kiều ở nước ngoài ủng hộ công cuộc đổi mới và đường lối, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước, mong muốn đất nước cường thịnh, sánh vai với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tuy vậy, vẫn còn một số ít người Việt Nam ở nước ngoài không thực hiện tốt pháp luật của nước sở tại, làm xấu đi hình ảnh Việt Nam và mối quan hệ hợp tác giữa nước sở tại với Việt Nam. Điều nguy hại hơn là, hiện nay vẫn còn một số ít người Việt Nam ở nước ngoài do thiếu hiểu biết, mặc cảm, mắc mưu lợi dụng của các thế lực thù địch mà đã đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Làm thế nào để người Việt Nam ở nước ngoài tham gia một cách có hiệu quả vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?
Để góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là cần tăng cường tuyên tuyền, vận động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia một cách có hiệu quả vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo khả năng và hình thức phù hợp. Nội dung chủ yếu tập trung vào một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về người Việt Nam ở nước ngoài trong thời kỳ mới. Cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân quán triệt sâu sắc và thực hiện nhất quán quan điểm của Đảng, Nhà nước ta coi người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Mọi người Việt Nam, dù sống ở xa Tổ quốc vẫn là con Lạc, cháu Hồng, cùng chung một Tổ; dù đi đâu về đâu, trong đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh, họ vẫn nhớ đến ngày Giỗ Tổ 10- 3, vẫn mong có ngày được về quê hương, đất nước để thành kính thắp nén hương trên bàn thờ Tổ.
Luôn luôn giữ vững sự thống nhất trong quan điểm, nhận thức của toàn Đảng, toàn dân là: Tổ quốc Việt Nam luôn chờ đợi và mở rộng vòng tay đón những người con xa xứ trở về; sẵn lòng tha thứ những ai đó một thời lầm lỡ, miễn sao họ luôn thành tâm với quê hương, đất nước. Đồng thời, luôn thực hiện tốt phương châm hành động: Tổ quốc Việt Nam đến với người Việt Nam trên thế giới; người Việt Nam trên thế giới hướng về Tổ quốc Việt Nam; đất nước chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài; người Việt Nam ở nước ngoài có bổn phận và trách nhiệm tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam. Tổ quốc Việt Nam không quên một ai là con dân Việt Nam dù sống ở trong nước hay ở nước ngoài và có trách nhiệm giup đỡ, bảo vệ họ trong khả năng của mình.
Việc xác định rõ quan điểm, thái độ đúng đắn đó của toàn Đảng, toàn dân có ý nghĩa rất quan trọng trong tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, vận động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nó là cơ sở để tạo lòng tin cho đồng bào Việt Nam ở nước ngoài yên tâm hướng về Tổ quốc, góp phần cống hiến sức lực, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước.
Thứ hai, tăng cường công tác thông tin đối ngoại để tuyên truyền, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về cội nguồn, phát huy truyền thống dân tộc, tinh thần yêu nước và động viên đồng bào đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc theo khả năng và điều kiện của mỗi người. Trước đây, do nhiều lý do, trong đó có lý do là, thông tin trong nước chưa đến kịp thời và đầy đủ, nên một bộ phận đồng bào chưa hiểu rõ quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; và do vậy, thiếu sự gắn bó với dân tộc. Vì thế, cần đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác thông tin đối ngoại, cả về nội dung và hình thức, cả về tổ chức, phương tiện, điều kiện để giúp người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước và đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt là chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Cần tăng cường đầu tư cho các chương trình dành cho người Việt Nam ở nước ngoài của đài phát thanh, truyền hình và Internet; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và kỹ thuật của các chương trình này cho phù hợp với nhận thức, tâm lý, tình cảm, hoàn cảnh của bà con đang sinh sống ở nước ngoài… Nghiên cứu vận dụng nhiều hình thức thích hợp để tuyên truyền, vận động người Việt Nam ở nước ngoài nâng cao ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như thông qua tổ chức tốt các cuộc giao lưu văn hóa, nghệ thuật, triển lãm tranh ảnh về đất nước, con người Việt Nam thời đổi mới, các hoạt động từ thiện, du lịch, tìm người thân, sinh hoạt khoa học, hoạt động đối thoại, sinh hoạt các nhóm trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ ba, phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng trực tiếp tuyên truyền, tập hợp, động viên người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương đất nước. Đặc biệt, cần phát huy vai trò các cơ quan chuyên trách như Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá, Bộ Thông tin Truyền thông, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức xã hội trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Kết hợp tốt các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân trong tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động của người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ tư, đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần cởi mở, thông thoáng, bình đẳng, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế, để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người Việt Nam ở nước ngoài về nước thăm thân, hợp tác làm ăn lâu dài, đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước..., thông qua đó từng bước hình thành và phát triển ý thức bảo vệ Tổ quốc cho mọi người. Mặc dù, Nhà nước ta đã rất tích cực và chủ động trong cải cách hành chính, song vẫn còn không ít thủ tục phiền hà làm cho việc đi lại, hợp tác làm ăn, giao lưu văn hoá giữa người Việt Nam trong nước với người Việt Nam ở nước ngoài chưa thật sự tiện lợi, cởi mở. Thực hiện tốt vấn đề này có ý nghĩa trực tiếp góp phần cải thiện và phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam với thế giới nói chung, với đồng bào ta ở nước ngoài nói riêng.
Thứ năm, củng cố và phát triển quan hệ hợp tác hoà bình, hữu nghị với các nước có người Việt Nam đang sinh sống, tạo môi trường thân thiện giữa chính phủ và nhân dân nước sở tại đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời, cần cảnh giác và đấu tranh ngăn ngừa mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để kích động gây chia rẽ, chống phá Việt Nam. Ngoài việc phát huy vai trò của các cơ quan nhà nước chuyên trách về công tác đối ngoại, cần phát huy vai trò của các tổ chức quốc tế, các lực lượng tiến bộ yêu chuộng hòa bình và hữu nghị với Việt Nam, các lực lượng tiến bộ yêu nước trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để ngăn chặn và làm giảm bớt mức độ nguy hiểm của các âm mưu, thủ đoạn chống phá Việt Nam từ nước ngoài./.
Công bố 21 ấn phẩm phục vụ kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (26/08/2009)
Công nghệ thông tin vì sự phát triển bền vững  (26/08/2009)
Tăng cường hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế  (26/08/2009)
Phát huy truyền thống năm mươi năm khởi nghĩa Trà Bồng  (26/08/2009)
Bản Di chúc bất hủ sáng ngời tính thời sự (*)  (26/08/2009)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên