Bản Di chúc bất hủ sáng ngời tính thời sự (*)
Nhân Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản điện tử trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Ðồng.
Đại hội lần thứ VIII của Đảng đánh giá tổng quát tình hình đất nước sau 10 năm đổi mới (1986-1996): công cuộc đổi mới đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiệm vụ do Đại hội VII đề ra cho 5 năm 1991-1995 đã được hoàn thành về cơ bản. Xuất phát từ kết quả 10 năm đổi mới, từ những tiền đề đã được tạo ra, Đảng ta nhận định rằng nước ta đã chuyển sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Thực tế cuộc sống làm cho chúng ta nhận thấy một thời kỳ quan trọng như vậy bản thân nó mang lại những thời cơ lớn, thách thức lớn. Các văn kiện của Đại hội đã nói rõ điều trên đây. Trong phạm vi của bài này tôi chỉ nhấn mạnh mấy điểm:
Kinh tế có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bởi nó đem lại đời sống vật chất cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân ở mọi miền, mọi vùng của đất nước, không ngừng cải thiện đời sống của mọi người về ăn, mặc, ở, đi lại, đồng thời chống xu thế phân hóa giàu, nghèo đang diễn ra một cách đáng sợ. Phải tập trung mọi lực lượng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện đồng bộ, tiếp tục phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo con đường xã hội chủ nghĩa với tốc độ nhanh, hiệu quả cao, bền vững, từng bước xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.
Văn hóa ngày càng có tầm quan trọng, vì nó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển kinh tế, xã hội; nó không chỉ biểu hiện ở mức sống mà còn là lối sống. Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa, phải xây dựng môi trường trong sạch lành mạnh, tạo điều kiện cho mọi người làm việc, cống hiến và phát huy tài năng. Đồng thời kiên quyết chống những nguy cơ và tệ nạn xã hội một cách có hiệu quả, trước hết là chống cho được nạn tham nhũng, bởi chế độ ta là chế độ xã hội chủ nghĩa, bởi nhân dân ta là nhân dân có truyền thống yêu nước và có hoài bão lớn xây dựng xã hội mới, chế độ mới.
Hội nhập khu vực và quốc tế là xu thế tất yếu đối với nước ta cũng như đối với các nước khác trong thời đại ngày nay. Nước ta lại là thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), càng phải làm như vậy, nhằm thực hiện những cam kết của chúng ta trong thời gian tới.
Ở đây, một điều cần làm nổi bật là trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phải đặc biệt chú trọng nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong đó chú ý đúng mức các tỉnh miền Trung, đồng thời chú ý Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vấn đề có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự thành công của chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì nó liên quan trực tiếp đến 75% dân số, 90 % diện tích đất đai cả nước, đến vấn đề an toàn lương thực quốc gia và vấn đề môi trường của cả thế kỷ sau.
Tôi nhấn mạnh mấy điểm trên đây của tình hình nước ta, bởi nó làm sáng ngời tính thời sự của bản Di chúc bất hủ.
...Nói đến bản Di chúc thì trước hết phải nói đến Người viết ra nó. Ðó là một con người suốt đời phấn đấu vì một lý tưởng cao đẹp bậc nhất trong thời đại ngày nay mà Lê-nin đánh giá rất đúng rằng đó là trí tuệ, lương tri và vinh dự của thời đại. Ðó là một chiến sĩ phấn đấu không mệt mỏi trong 60 năm trời vì những mục tiêu cao quý của dân tộc Việt Nam là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, một nhà hoạt động cách mạng kiên cường, bất khuất, vượt qua mọi khó khăn trở ngại, luôn luôn chủ động và nắm bắt thời cơ, nhằm đúng mục tiêu để tiến đến đích. Nguồn gốc của sức mạnh kỳ diệu này là con người Hồ Chí Minh với những phẩm chất cao quý của mình gắn liền với truyền thống đẹp đẽ của dân tộc, với tinh hoa của loài người mà đỉnh cao là học thuyết Mác - Lê-nin, ánh sáng của thời đại. Nguồn gốc của sức mạnh kỳ diệu này là niềm tin sâu xa vào những khả năng to lớn của dân tộc và của con người Việt Nam. Rút lại, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn xuất phát từ con người và cuối cùng trở về con người với những khả năng thiên biến vạn hóa của nó.
Mọi người chúng ta đều biết rằng mục tiêu phấn đấu của Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, đó là một quá trình đấu tranh cách mạng, trải qua nhiều giai đoạn, nhiều chặng đường. Cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh đã hoàn thành được chặng đường ban đầu là chặng đường rất khó khăn và quan trọng, một bước cực kỳ thiết yếu của sự nghiệp xóa bỏ cái cũ, dựng nên cái mới, nghĩa là còn biết bao nhiêu việc phải làm. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh ý thức sâu sắc về điều tôi nói trên đây, vì vậy lúc gần tuổi "cổ lai hy" thì phải nghĩ tới những gì cần căn dặn lại những người sẽ kế tục sự nghiệp của mình. Chắc rằng Bác Hồ của chúng ta đã suy nghĩ rất nhiều về việc này. Bác đã đi thăm Côn Sơn, đây là một cuộc hành hương đến nơi ở cuối đời của Nguyễn Trãi. Lúc bắt tay vào công việc cực kỳ trọng yếu này, Bác đã trải qua biết bao trăn trở, ôn lại cuộc đời gắn với vận mệnh của nhân dân, của nước, đầy sóng gió nhưng cũng đầy thắng lợi, đồng thời nhìn về tương lai với lòng tin sâu xa vào những thế hệ sắp tới. Bác để ba năm viết bản Di chúc và mỗi năm lại dành thời gian xem lại, sửa chữa và bổ sung, tất cả chỉ trên 1.000 từ với biết bao tình cảm, hoài bão và khí phách.
Bắt đầu bản Di chúc, Bác nhắc nhở chúng ta về cuộc kháng chiến: "Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.
Ðó là một điều chắc chắn.
Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ, và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.
Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta".
Tiếp đó, Bác lại một lần nữa nhấn mạnh: "Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Ðồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!
Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Ðế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Ðồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà".
Trong bản Di chúc, Bác đề cao một điều mà suốt đời Bác quan tâm: "Trước hết nói về Ðảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Ðảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Ðoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Ðảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Ðảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Ðảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Ðảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Ðảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân".
Ðể kế tục sự nghiệp của Ðảng, Bác nói ngay đến thanh niên: "Ðoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".
Cùng với thanh niên, Bác kêu gọi chăm lo các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động bởi vì: "Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh.
Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Ðảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Ðảng, rất trung thành với Ðảng.
Ðảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".
Về việc riêng, Bác nói: "Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.
Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.
Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là "hỏa táng"... Khi ta có nhiều điện, thì "điện táng" càng tốt hơn.
Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam".
Sở dĩ không hỏa táng thi hài Bác theo yêu cầu của Bác là vì thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa III) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam và bạn bè quốc tế có cơ hội tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với Bác.
Bác để lại: "muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Ðảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng..., gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế".
Cuối cùng, phải nhấn mạnh điều mong muốn tha thiết của Bác: "Toàn Ðảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".
Bản Di chúc tuy rất ngắn gọn song nó chứa đựng biết bao giá trị tư tưởng và tình cảm là sự kết tinh một đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, đem lại sự đổi đời của dân tộc Việt Nam ta, đồng thời để lại những di sản bất hủ đối với những thế hệ mai sau.
Nhân dân ta có câu: "Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta". Từ khi Người qua đời đã có trên 17 triệu lượt người đến viếng Lăng Hồ Chí Minh, trên 19 triệu lượt người đến thăm nơi ở và làm việc của Người, trên 5 triệu lượt người đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh (trong đó có nhiều người nước ngoài). Chúng ta không biết hết những người trên thế giới viết và nói về Hồ Chí Minh, ở đây chỉ trích một số câu mà tôi cho là tiêu biểu nhất:
"Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội".
"... Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau..."(1).
Qua Nguyễn Ái Quốc, mọi người có thể hiểu dân tộc Việt Nam là "... một dân tộc rất lịch thiệp và độ lượng, rất ghét những gì thái quá. Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị". "Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới". "Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai"(2).
"Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này: hơi giống Gan-đi, hơi giống Lê-nin, hoàn toàn Việt Nam"(3).
Ðọc lại những lời nói của Bác trong Di chúc, tôi có nhận thức sâu sắc như Bác đang nói với chúng ta, từ những cơ quan lãnh đạo tối cao đến toàn Ðảng, toàn quân và nhân dân. Chỉ có bằng việc làm đúng với Di huấn của Bác, kiên trì cuộc đấu tranh cách mạng đạt những thắng lợi về nhiều mặt đưa lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, thì mới xứng đáng với tấm lòng cao đẹp của Bác. Như vậy, Ðảng ta phải ngang tầm với tình hình và nhiệm vụ. Mọi người chúng ta đều nhớ rằng, trong quá khứ, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và của Ðảng, nhân dân ta đã lớn lên như Thánh Gióng đời nay, vượt qua những thử thách tưởng chừng không vượt qua nổi để làm nên thắng lợi chưa từng có trong lịch sử nước ta. Quá khứ như vậy, hiện tại và tương lai nhất định cũng sẽ như vậy. Tất cả tùy thuộc ở Ðảng ta và nhân dân ta vận dụng một cách sáng tạo và có phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại./.
_______________________________________
(*) Nguồn: 35 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr 275-282.
(1) Nghị quyết của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(2) Ô-xíp Man-den-xtam, nhà văn Xô-viết, Báo Ogoniok (Liên Xô), số 39, ngày 23-12-1923. Dẫn theo: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t 1, tr 478-479.
(3) Ðai-vớt Han-bô-xtan: Hồ, Nxb Rang-dom Hao-xơ, NY, 1971.
Lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và Quân đội chúc thọ Ðại tướng Võ Nguyên Giáp  (25/08/2009)
Vẫn cần có một phong trào không liên kết  (25/08/2009)
Vẫn cần có một phong trào không liên kết  (25/08/2009)
Sao cứ đòi hâm nóng Chiến tranh Lạnh?  (25/08/2009)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay