20 năm hợp tác hiệu quả giữa Dệt kim Đông Xuân - Sashin - Katakura
TCCSĐT - Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế hiện nay, trong khi nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn lớn về thị trường tiêu thụ thì Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên Dệt kim Đông Xuân, với một nền tảng vững chắc trong quan hệ với Công ty cổ phần Thương mại Sanshin và Công ty cổ phần Công nghiệp Katakura (Nhật Bản), vẫn giữ được một thị trường ổn định. Kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ hợp tác (5-9-1989 - 5-9-2009) cũng là thời điểm ba bên đối tác tiếp tục mở ra những tiềm năng mới.
Cách đây 20 năm, ngày 5-9-1989, tại Hà Nội, bản thỏa thuận hợp tác sản xuất và xuất khẩu hàng dệt kim giữa 3 đối tác Nhà máy Dệt kim Đông xuân (nay là Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông xuân) trực thuộc Tổng Công ty Xuất nhập khẩu hàng dệt Textimex (nay là Tập đoàn Dệt May Việt Nam) của Việt Nam và Công ty cổ phần Công nghiệp Katakura và Công ty cổ phần Thương mại Sanshin của Nhật Bản đã được ký kết. Đây là mốc khởi đầu cho quá trình hợp tác dài lâu, bền chặt và hiệu quả giữa 3 công ty, đồng thời góp phần vào sự phát triển quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Hợp tác trên nguyên tắc tin tưởng, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi
Theo nội dung của thỏa thuận hợp tác ký năm 1989, Công ty cổ phần Công nghiệp Katakura sẽ cung cấp miễn phí cho Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân các thông tin kỹ thuật phục vụ cho việc sản xuất sản phẩm; lắp ráp dây chuyền sản xuất có tính độc quyền về dệt, may; cho mượn máy móc và các thiết bị cần thiết khác; cung cấp các loại phụ liệu, phụ tùng cần thiết cho việc chế tạo sản phẩm; cử kỹ sư, chuyên gia hướng dẫn về kỹ thuật, công nghệ và kiểm tra sản phẩm sản xuất; bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Theo ông Ta-na-ka, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thương mại Sanshin, sự giúp đỡ, hỗ trợ không chỉ đơn thuần là thực hiện nghĩa vụ trong thoả thuận hợp tác mà còn xuất phát từ tình cảm, mong muốn gắn bó, biết tôn trọng và sẻ chia những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đó cũng chính là nhân tố tích cực giúp quan hệ hợp tác giữa ba công ty được bền chặt và không ngừng phát triển. |
Còn với chức năng kinh doanh thương mại, Công ty cổ phần Thương mại Sanshin cung cấp cho Công ty cổ phần Công nghiệp Katakura và Công ty Dệt kim Đông Xuân mọi thông tin về quan hệ Nhật Bản - Việt Nam, và dành sự hợp tác cần thiết khác nhằm làm cho các bên có thể thực hiện đúng quyền hạn và nghĩa vụ theo thoả thuận.
Trong quá trình thực hiện thoả thuận, các quy định về quyền lợi và nghĩa vụ đều được ba công ty thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, dựa trên nguyên tắc tin tưởng, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
Những hiệu quả lớn
Trong 20 năm hợp tác, ba công ty đã ký kết 41 hợp đồng với số lượng sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản trị giá hơn 74 triệu USD, và riêng Công ty Dệt kim Đông Xuân thu về gần 62 triệu USD. Đặc biệt, những sản phẩm mang nhãn hiệu "TOPVALUE" đã khẳng định được uy tín, chất lượng sản phẩm Việt Nam tại một thị trường rất khó tính là Nhật Bản.
Công ty cổ phần Công nghiệp Katakura đã gửi sang Công ty Dệt kim Đông Xuân 167 máy dệt kim; hơn 350 máy may các loại; gần 40 thiết bị xử lý vải và thiết bị phụ trợ... Đồng thời, liên tục cử các chuyên gia kỹ thuật có kinh nghiệm trong các lĩnh vực dệt, nhuộm, cắt, may sang để chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật và giám sát tại các công đoạn sản xuất sản phẩm, nghiên cứu và chế thử sản phẩm mới... Công ty cũng phối hợp với Công ty Dệt kim Đông Xuân liên tục cải tiến phương pháp ghi chép, lập biểu báo cáo, phân tích sản phẩm lỗi, lập đề án sản xuất theo nhóm...nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Về phía Công ty Dệt kim Đông Xuân, thời gian đầu chỉ sản xuất để xuất khẩu sang Nhật Bản theo các hợp đồng với Công ty cổ phần Công nghiệp Katakura thông qua Công ty Xuất nhập khẩu hàng dệt Textimex. Từ năm 1993, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp, Công ty đã trực tiếp cung cấp sản phẩm và tự chủ trong việc đàm phán, thương thảo hợp đồng với các bên trong quan hệ hợp tác. Từ những hợp đồng ban đầu sản xuất bằng nguồn nguyên liệu (sợi, hoá chất) của Công ty cổ phần Công nghiệp Katakura, Công ty đã dần tự khai thác nguồn nguyên liệu, hoá chất nhập khẩu để tăng tính chủ động và hiệu quả thực hiện các hợp đồng xuất khẩu. Sau này, khi các đơn vị sản xuất sợi trong ngành đầu tư mới thiết bị hiện đại, Công ty đã phối hợp với các công ty sản xuất và cung ứng sợi trong nước để cải tiến nâng cao chất lượng sợi nội địa, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng dệt kim xuất khẩu, góp phần mang lại hiệu quả chung cho ngành dệt, may Việt Nam.
Trong 20 năm hợp tác, Công ty đã đầu tư cải tạo và xây dựng mới nhà xưởng, đầu tư thêm nhiều thiết bị hiện đại cho cả dây chuyền sản xuất từ dệt đến cắt, may, đặc biệt là thiết bị xử lý hoàn tất vải và thiết bị thí nghiệm, thiết kế sản phẩm, với tổng giá trị đầu tư qua các giai đoạn khoảng 10 triệu USD từ nguồn vốn tự vay, tự trả và từ hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Công ty.
Từ năm 1989 đến nay, doanh thu sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu của Công ty tăng trưởng ổn định. Sản phẩm của Công ty xuất sang thị trường Nhật Bản chiếm hơn 80% tổng sản phẩm xuất khẩu. Nhiều sản phẩm đã trở thành mặt hàng không thể thiếu tại các cửa hàng, siêu thị lớn ở Nhật Bản.
Hiện nay, Việt Nam đã có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất hàng dệt kim nhưng Công ty vẫn tự hào là doanh nghiệp duy nhất có công nghệ xử lý vải dệt kim 100% cotton chất lượng cao, cũng như đi đầu trong việc phát triển những sản phẩm từ các loại sợi tổng hợp biến tính. Hệ thống thiết bị dệt, xử lý hoàn tất vải và các thiết bị may được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là hiện đại, tiên tiến vào bậc nhất Châu Á.
Với Việt Nam nói chung và Công ty Dệt kim Đông Xuân nói riêng, 20 năm qua, thoả thuận hợp tác với 2 công ty nói trên của Nhật Bản đã mang lại những giá trị lớn về chính trị, kinh tế và xã hội, cụ thể là:
- Về chính trị, đã góp phần đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản xích lại gần nhau, tạo tin cậy cho doanh nghiệp hai nước.
- Về kinh tế, Công ty Dệt kim Đông Xuân đã tiếp cận được công nghệ tiên tiến, hiện đại; học hỏi được cách quản lý, kinh doanh năng động, hiệu quả của các doanh nghiệp Nhật Bản trong nền kinh tế thị trường; tiết kiệm được nhiều tỉ đồng chi phí đầu tư thiết bị, dây chuyền; trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật, công nghệ của cán bộ, công nhân viên được nâng lên rõ rệt; thương hiệu hàng Việt Nam đã đến được một thị trường khó tính.
- Về xã hội, đã tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho hàng nghìn lao động của Công ty, góp phần ổn định dân sinh xã hội.
Vài kinh nghiệm trong tiếp cận thị trường Nhật Bản
Hai mươi năm hợp tác, Công ty Dệt kim Đông Xuân đã rút ra một số kinh nghiệm với thị trường Nhật Bản:
- Trước hết, phải tìm hiểu về văn hóa và con người Nhật Bản, làm cơ sở định hướng hành động.
- Thứ hai, luôn giữ chữ "tín", bởi Nhật Bản nổi tiếng là thị trường khó tính với những đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng và thời hạn giao hàng.
- Thứ ba, tuyệt đối tin tưởng và tôn trọng đối tác. Việc tôn trọng được thể hiện ở nhiều khía cạnh như tôn trọng văn hoá kinh doanh, lắng nghe và trân trọng ý kiến của đối tác trong đàm phán hợp đồng hoặc trong giao tiếp. Tuy nhiên, việc tôn trọng phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng và biết quyết đoán trong những trường hợp cần thiết để tạo nên sự đồng thuận và cùng có lợi.
- Thứ tư, kiên trì theo đuổi mục tiêu, định hướng đã được thống nhất giữa các bên.
- Thứ năm, luôn thông cảm và biết chia sẻ, nhất là trong những thời điểm khó khăn của thị trường (như suy thoái kinh tế, giá cả nguyên liệu tăng, giá hàng hoá tăng...). Chủ động bàn bạc để tìm ra các giải pháp chung.
- Thứ sáu, liên tục cải tiến, hoàn thiện hệ thống sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
- Thứ bảy, xây dựng kỷ luật làm việc, tuyệt đối tuân thủ các quy trình, quy định của hệ thống quản lý chất lượng.
Nhờ đó, suốt 20 năm qua, Công ty đã khẳng định được uy tín và giữ trọn niềm tin trong quan hệ hợp tác với các đối tác Nhật Bản. Sản phẩm của Công ty đã dần trở thành sản phẩm dệt kim chất lượng cao tại thị trường Nhật Bản. Thoả thuận hợp tác 10 năm 1989-1999 ký kết năm 1989 đã được gia hạn thêm 10 năm (1999-2009) tại văn bản ghi nhớ thứ nhất ký vào tháng 6-1996, và tiếp tục gia hạn thêm 10 năm (2009-2019) tại văn bản ghi nhớ thứ hai ký vào tháng 7-2006. Như vậy, thoả thuận hợp tác ban đầu giữa 3 Công ty Dệt kim Đông Xuân, Sanshin, Katakura với thời hạn 10 năm, đến nay trở thành hợp tác 30 năm.
Với những đóng góp vào sự phát triển của ngành dệt, may Việt Nam nói riêng và sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nói chung, Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân đã được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng các Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba, hạng Nhì; được nhận Chứng nhận doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực trên địa bàn thành phố Hà Nội; Giải thưởng chất lượng Việt Nam cho doanh nghiệp sản xuất lớn, và nhiều phần thưởng có giá trị khác...
Cũng nhân kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ hợp tác, đại diện lãnh đạo, các chuyên gia của Công ty cổ phần Thương mại Sanshin và Công ty cổ phần Công nghiệp Katakura đã vinh dự được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương, Huy chương hữu nghị./.
Nga và Vê-nê-du-ê-la tăng cường hợp tác  (23/08/2009)
Nga và Vê-nê-du-ê-la tăng cường hợp tác  (23/08/2009)
Đồng Tháp kêu gọi đầu tư và tăng cường công tác bảo đảm an sinh xã hội  (23/08/2009)
“Bác đi... Di chúc giục lòng ta”  (23/08/2009)
Quan hệ Trung - Ấn: Câu chuyện về hai người khổng lồ châu Á  (23/08/2009)
Quan hệ Trung - Ấn: Câu chuyện về hai người khổng lồ châu Á  (23/08/2009)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên