Nga và Vê-nê-du-ê-la tăng cường hợp tác
Ngày 12-8-2009, khi những chi tiết cuối cùng trong thỏa thuận quân sự song phương giữa Mỹ và Cô-lôm-bi-a đang được hoàn tất, theo đó, Mỹ được phép sử dụng 7 căn cứ quân sự tại Cô-lôm-bi-a, thì ngày 15-8-2009, Nga và Vê-nê-du-ê-la đã ký kết 7 văn kiện về phát triển hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 6 Ủy ban liên chính phủ hai nước tại thành phố Xanh Pê-téc-bua. Phó Thủ tướng Nga I-go Xê-chin (Igor Sechin) và Phó Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Ra-môn Ca-ri-xa-lết (Rahmon Carrisales) đã chủ trì kỳ họp và chứng kiến lễ ký 7 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực du lịch, giáo dục, công nghệ, dầu mỏ, bảo vệ môi trường, nghề cá và đấu tranh chống ma túy.
Cuộc chiến chống ma túy là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất của Vê-nê-du-ê-la và Ca-ra-cát đã ký 50 hiệp định với các nước trong lĩnh vực này. Phó Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Ca-ri-xa-lết khẳng định, việc ký các văn kiện hợp tác với Nga sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Còn Phó Thủ tướng Nga Xê-chin nêu rõ, Nga cũng như Vê-nê-du-ê-la chủ trương đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực quân sự - kỹ thuật và mới đây, Vê-nê-du-ê-la đã đặt mua của Nga một số lượng vũ khí trị giá 4 tỉ USD.
Kể từ sau chuyến thăm Nga của Tổng thống Hu-gô Cha-vét vào tháng 11-2004, mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Vê-nê-du-ê-la đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Về hợp tác kinh tế: Hai bên luôn coi nhau là những đối tác đầu tư quan trọng. Phía Vê-nê-du-ê-la luôn khẳng định hợp tác kinh tế với Nga sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nội lực của quốc gia này, tạo việc làm và mở rộng mạng lưới sản suất, cũng như xây dựng quan hệ bền vững giữa hai nước. Trong khi, phía Nga cũng công nhận, Vê-nê-du-ê-la là một môi trường đầu tư hấp dẫn với một hệ thống pháp luật chắc chắn, một vị trí địa lý quan trọng, một mạng lưới giao thông thuận lợi và quan trọng hơn, là quốc gia có giá nhiên liệu thấp.
Trong chuyến thăm Nga của Tổng thống Hu-gô Cha-vét vào tháng 9-2008, Nga và Vê-nê-du-ê-la đã ký Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Ngân hàng Liên doanh Nga - Vê-nê-du-ê-la có trụ sở tại Mát-xcơ-va, với số vốn ban đầu là 4 tỉ USD. Bên cạnh đó, kim ngạch ngoại thương giữa hai nước trong những năm qua cũng đã tăng mạnh. Năm 2004, kim ngạch hai nước đạt 67 triệu USD; các năm 2005, 2006 và 2007, con số này tăng lên là 77 triệu USD, 240 triệu và 1,1 tỉ USD. Hai bên cũng đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác song phương trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, văn hóa, dầu khí...
Trong lĩnh vực năng lượng, Vê-nê-du-ê-la luôn mời gọi các doanh nghiệp Nga đầu tư vào các dự án dầu khí ở nước mình, đặc biệt là các dự án khai thác dầu mỏ dọc sông Ô-ri-nô-cô ở Đông Nam Vê-nê-du-ê-la. Trong số các mỏ dầu được các công ty của Nga hỗ trợ khai thác, mỏ Hunin-6 là mỏ có nhiều triển vọng nhất. Khoản đầu tư vào dự án này trị giá gần 30 tỉ USD. Theo Tổng thống Cha-vét, Nga là nước có công nghệ mũi nhọn và nhiều kinh nghiệm về khai thác, vận chuyển khí đốt, vì vậy Vê-nê-du-ê-la đã mời các công ty dầu khí của Nga tham gia xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt dài 8.000 km từ Vê-nê-du-ê-la đi các nước Nam Mỹ, với số vốn khoảng 20 tỉ USD, và Vê-nê-du-ê-la sẵn sàng mở rộng hợp tác với Nga trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí cũng như xây dựng các nhà máy hóa dầu.
Ngoài các công ty dầu khí lớn của Nga như Gazprom và Lukoil, nhiều doanh nghiệp khác của Nga cũng đã có kế hoạch phát triển các dự án lớn ở Vê-nê-du-ê-la, không chỉ riêng lĩnh vực dầu khí mà cả trong xây dựng cơ sở hạ tầng, viễn thông, giao thông, chế biến lương thực, chế tạo máy... Về điện năng, Nga và Vê-nê-du-ê-la đã có dự án xây dựng một nhà máy nhiệt điện trị giá 306 triệu USD tại quận Xan-tô Đô-ming-gô thuộc bang Ta-chi-ra (Vê-nê-du-ê-la), nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của cả khu vực miền Tây mà không bị lệ thuộc và các nhà máy điện ở miền Đông nước này.
Về hợp tác chính trị - ngoại giao - quốc phòng: Nga và Vê-nê-xu-ê-la luôn khẳng định hai nước có lập trường gần gũi hoặc trùng nhau về phần lớn các vấn đề quốc tế, và đều đứng trên quan điểm hướng tới xây dựng một thế giới “dân chủ và đa cực”. Vê-nê-du-ê-la luôn là khách hành quan trọng nhất của Nga trong ngành công nghiệp vũ khí.
Ngay từ năm 2004, Vê-nê-du-ê-la đã mua của Nga 50 máy bay tiêm kích MIG-29 SMT Fulcrum, 40 máy bay trực thăng chiến đấu Mi-35 và một số vũ khí tự động. Toàn bộ vũ khí hiện đại này nhằm thay thế các loại vũ khí trước đây của Vê-nê-du-ê-la do Mỹ và Tây Âu sản xuất. Năm 2005, Nga ký với Vê-nê-du-ê-la hợp đồng cung cấp 100.000 đơn vị khí tài quân sự, gồm súng AK-47, đạn AK-47, máy bay... theo đơn đặt hàng của nước này. Năm 2006, Vê-nê-du-ê-la cũng ký với Nga một hợp đồng trị giá hơn 1 tỉ USD, cung cấp 24 máy bay tiêm kích Sukhoi 30 và 53 máy bay trực thăng. Năm 2007, hai bên đã thỏa thuận mua bán vũ khí với tổng giá trị ước tính khoảng 2 tỉ USD. Theo đó, Nga cung cấp cho Vê-nê-xu-ê-la 5 tàu ngầm Kilô 636 được trang bị tên lửa tầm xa và 4 tàu Amur 677 tối tân; xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống tàu ngầm, đào tạo thủy thủ và xây dựng cả hệ thống tên lửa phòng thủ tầm ngắn Tor-M1.
Trong chuyến thăm Nga hồi tháng 9-2008 của Tổng thống Hu-gô Cha-vét, Nga đã quyết định cung cấp cho Vê-nê-du-ê-la một khoản tín dụng trị giá 1 tỉ USD nhằm thúc đẩy hợp tác kỹ thuật quân sự song phương. Hai bên cũng đã đánh dấu bằng một sự kiện quan trọng trong hợp tác quân sự, đó là cuộc tập trận chung mang tên “VenRus 2008” trên biển Ca-ri-bê. Đây được coi là cuộc diễn tập quy mô nhất của Nga tại vùng biển Ca-ri-bê kể từ sau chiến tranh lạnh. Cuộc tập trận này nằm trong kế hoạch hợp tác quân sự giữa hai nước.
Trong bối cảnh thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Mỹ và Cô-lô-bi-a khiến các nước Mỹ La-tinh lo ngại, mới đây, Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Hu-gô Cha-vét đã tuyên bố, thời gian tới nước này sẽ mua xe tăng của Nga nhằm tăng cường khả năng chiến đấu trước mối đe dọa trên. Đáp lại tuyên bố trên, ngày 11-8-2009, Thủ tướng Nga Pu-tin trong buổi tiếp Bộ trưởng Năng lượng và Dầu mỏ Vê-nê-du-ê-la Ra-pha-en Ra-mi-ơ (Rafael Ramiez) đã khẳng định, Nga sẵn sàng xem xét các đề nghị của Vê-nê-du-ê-la trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự. Hiện mối quan hệ song phương giữa Nga và Vê-nê-du-ê-la trong lĩnh vực này đang phát triển rất hiệu quả. Hai nước cũng đang được thế giới đánh giá là những đối tác quan trọng của nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng./.
Nga và Vê-nê-du-ê-la tăng cường hợp tác  (23/08/2009)
Đồng Tháp kêu gọi đầu tư và tăng cường công tác bảo đảm an sinh xã hội  (23/08/2009)
“Bác đi... Di chúc giục lòng ta”  (23/08/2009)
Quan hệ Trung - Ấn: Câu chuyện về hai người khổng lồ châu Á  (23/08/2009)
Quan hệ Trung - Ấn: Câu chuyện về hai người khổng lồ châu Á  (23/08/2009)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên