Nam Định đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới sau 60 năm thực hiện lời dạy của Bác
TCCS - Là một tỉnh có đông đồng bào theo đạo, Nam Định luôn chú trọng quan tâm đến phần đời và phần đạo của đồng bào, đoàn kết lương giáo”, “đoàn kết từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài”. Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương và thấm nhuần những lợi căn dặn của Bác trong 5 lần về thăm, tỉnh Nam Định tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vì sự giàu mạnh của tỉnh và hạnh phúc của nhân dân.
Năm 1946, tỉnh Nam Định nằm trong hoàn cảnh chung của đất nước, chính quyền non trẻ vừa thành lập đã phải đối phó ngay với thù trong, giặc ngoài. Trước tình hình đó, để chuẩn bị lực lượng, an lòng nhân dân, xây dựng hậu phương vững chắc sẵn sàng cho tiền tuyến lớn, Bác vẫn có những chuyến đi thăm nhân dân các tỉnh nhưng không báo trước cho các địa phương. Sau phiên họp quan trọng với Hội đồng Chính phủ sáng ngày 10-1-1946, Bác đi thăm tỉnh Hưng Yên, Thái Bình và cuối hành trình Bác về thăm Nam Định. Ngày đó trở thành ngày đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh bởi đó là lần đầu tiên Bác về thăm. Ngày 21-5-1963, lần thứ năm - lần cuối cùng Bác về thăm Nam Định Người căn dặn các cấp ủy cần chú trọng đến việc phát triển Đảng và củng cố chi bộ, đẩy mạnh việc tự phê bình và phê bình trong Đảng, làm cho mỗi cán bộ, mỗi đảng viên nhận rõ vai trò của mình.
60 năm thực hiện lời dạy của Bác khi về thăm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định (21-5-1963 - 21-5-2023), đến nay tỉnh Nam Định đã có nhiều đổi thay trên các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần hiện thực hóa lời dạy của Bác đi vào thực tiễn cuộc sống, khơi dậy ý chí, khát vọng phấn đấu vươn lên để xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng bộ tỉnh Nam Định luôn tích cực, chủ động đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Nhờ vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định luôn là khối đoàn kết, thống nhất về ý chí, hành động nhằm thực hiện thắng lợi những nội dung, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định.
Những lần Bác về thăm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định là những kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc với những gợi mở, định hướng cho sự phát triển toàn diện của tỉnh Nam Định. Ở lĩnh vực nào, Bác cũng có những lời chỉ dạy rất khúc chiết, sâu sắc thể hiện tầm cao trí tuệ, sự gần gũi, giản dị, chân thành, tình cảm của Bác dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đạt được những kết quả lớn về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Về chính trị, tư tưởng: cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nói và làm theo đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Kết luận số 21-KL/TW, ngày 21-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Về đạo đức, lối sống: cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu luôn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Về tổ chức: cấp ủy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Về cán bộ: có nhiều đổi mới quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ trong thời kỳ mới, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong đánh giá, bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Từ năm 2007 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định xây dựng, ban hành 3 nghị quyết chuyên đề và 1 kết luận về công tác cán bộ của tỉnh. Các khâu trong công tác cán bộ được thực hiện đồng bộ theo đúng các quy định, hướng dẫn của Trung ương, tăng cường phân cấp, phân quyền, mở rộng dân chủ, đề cao trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ… Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã thực hiện 54 đề án sắp xếp tổ chức bộ máy; tinh giản được 225 đầu mối cấp phòng; giảm 218 cấp trưởng, 62 cấp phó phòng; có 26 đơn vị chuyển sang tự chủ kinh phí; tiến hành giải thể 8 đơn vị; hoàn thành đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021...
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng: được chỉ đạo tập trung, đồng bộ, có nhiều đổi mới, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát giai đoạn 2016 - 2020, cấp ủy các cấp kiểm tra đối với gần 5.500 tổ chức đảng, với trên 5.000 đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 31 tổ chức đảng, 320 đảng viên; thi hành kỷ luật trong Đảng đối với 2.135 tổ chức đảng; giải quyết tố cáo đối với 3 tổ chức đảng, 177 đảng viên. Các cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật 26 tổ chức đảng và 2.527 đảng viên. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, các cấp ủy tại Nam Định đánh giá ưu điểm, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế của tổ chức đảng, đảng viên; kịp thời xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị các cấp vẫn còn tồn tại những hạn chế, như việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện một số nghị quyết của Đảng ở một số cấp ủy còn chậm, hiệu quả chưa cao; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng, đảng viên chưa đáp ứng được nhiệm vụ; một số thôn, xóm, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng; công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp còn hạn chế...
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, thực hiện có hiệu quả lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định xác định cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, cụ thể:
Một là, quán triệt và thực hiện nghiêm túc những lời chỉ dạy của Bác Hồ đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định.
Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị cần thấm thía những lời dạy của Bác khi về thăm Nam Định để luôn kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, đề cao tinh thần, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, nêu cao tinh thần đoàn kết nội bộ, thống nhất về nhận thức, hành động; cụ thể hóa, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, xác định những khâu yếu, mặt yếu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy ưu điểm, kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế của địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở, chân thành trong công việc, cuộc sống, động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên toàn tâm, toàn lực cho nhiệm vụ; mỗi cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tính tiền phong gương mẫu trước quần chúng nhân dân, không có biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, hành chính, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp...
Hai là, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ chủ trì địa phương, cơ quan, đơn vị để tăng cường đoàn kết nội bộ.
Nêu gương là phương thức lãnh đạo của Đảng, là giá trị văn hóa, đạo đức của dân tộc và là thành tố cấu thành của văn hóa đảng. Theo đó, cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị, địa phương đề cao tinh thần, trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước Đảng và tổ chức về những khuyết điểm, sai phạm của cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý; tích cực, chủ động xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn đặt ra; phát huy dân chủ, trí tuệ của tập thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giải quyết mọi công việc; cán bộ chủ chốt địa phương, cơ quan, đơn vị thực sự trong sạch, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, có uy tín với tập thể, có năng lực làm việc, phương pháp tác phong công tác quyết đoán vì lợi ích tập thể...
Ba là, đặt ra yêu cầu cao đối với mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị, chức trách nào cũng phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, có như vậy, mới không sa vào chủ nghĩa cá nhân, không bị những mặt trái của cơ chế thị trường chi phối. Theo đó, từng cán bộ, đảng viên phải đặt mình vào tổ chức, ý thức được sâu sắc những hành động, việc làm của mình dù nhỏ hay lớn đều ảnh hưởng không chỉ đến bản thân, gia đình mình mà còn đến uy tín, danh dự, niềm tin của tổ chức đảng nơi mình công tác, làm việc. Chấp hành nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước, cơ quan, đơn vị, địa phương, nơi mỗi cán bộ, đảng viên sinh hoạt, công tác hằng ngày; nghiêm khắc sửa chữa, rút kinh nghiệm đối với bản thân nếu phạm phải những khuyết điểm, sai lầm chưa đến mức phải xử lý kỷ luật. Mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần đạo đức cách mạng, tự rèn luyện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống quan liêu...
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân gây mất đoàn kết nội bộ.
Thông qua kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật tập thể, cá nhân gây mất đoàn kết nội bộ sẽ góp phần cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục, ngăn chặn “từ sớm”, “từ xa”. Với tinh thần đó, cấp ủy, người đứng đầu và ủy ban kiểm tra các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên theo các nội dung đã xác định, nhất là với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm kỷ luật; nội dung kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên tập trung vào chấp hành nghị quyết của Đảng, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; kiểm tra, giám sát theo kế hoạch, kiểm tra, giám sát đột xuất để phát hiện sai phạm, thiếu sót của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể, như Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng; tăng cường phối hợp với nhân dân để lắng nghe ý kiến phản hồi về quan hệ ứng xử, lối sống của cán bộ, đảng viên; khi phát hiện cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng vi phạm kỷ luật đảng, làm cho nội bộ lục đục, mất đoàn kết, ảnh hưởng đến chất lượng hoàn thành nhiệm vụ cần kiên quyết xử lý theo đúng quy định, không nể nang, né tránh, bao biện, dung túng.
Năm là, thường xuyên nâng cao chất lượng đấu tranh tự phê bình và phê bình trong đảng viên.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Tự phê bình và phê bình là vũ khí rất cần thiết và sắc bén, nó giúp ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Đảng ta cũng khẳng định: Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi. Với tinh thần này, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì ở cơ quan Đảng và Nhà nước phải thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nêu cao tinh thần đoàn kết trong nội bộ, thực hành dân chủ, duy trì nghiêm túc các nguyên tắc trong sinh hoạt đảng; mọi công việc của cơ quan, đơn vị, địa phương phải được công khai, minh bạch, rõ ràng, nhất là công tác cán bộ, tài chính, chi tiêu các khoản có liên quan đến nhiệm vụ chung; mỗi đảng viên phát huy tốt ý thức, trách nhiệm chính trị khi tham gia đóng góp vào dự thảo nghị quyết các cấp với thái độ chân thành, thẳng thắn, không bao che, vòng vo, đổ lỗi cho đảng viên; bản thân mỗi đảng viên phải là tấm gương để mọi người học tập, làm theo, khi ấy việc phê bình đồng chí, đồng đội mới hiệu quả; ngược lại, nếu đảng viên chấp hành không tốt quy định đơn vị, sống buông thả, thiếu động cơ, ý chí trong công việc, rèn luyện thì không thể phê bình, nhắc nhở được đảng viên khác; xây dựng văn hóa phê bình thật đúng, trúng, xác đáng với động cơ trong sáng, vì sự tiến bộ, trưởng thành và phát triển của đồng chí, đồng đội; tuyệt đối không lợi dụng tự phê bình và phê bình để đấu đá nội bộ, phe cánh, trù dập, ức hiếp đảng viên khác, hoặc “bới lông tìm vết”, nói xấu, hạ thấp uy tín, danh dự gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Những lời căn dặn, chỉ bảo của Bác tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi, là những chỉ dẫn vô cùng quý báu để Đảng bộ, chính quyền và nhân tỉnh Nam Định soi chiếu vào công việc, cuộc sống điều chỉnh suy nghĩ, hành động đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định, xứng đáng với niềm tin yêu của Bác đã dành cho Nam Định./.
Nam Định tự hào 5 lần được đón Bác về thăm (21/05/2023)
Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định (21-5-1963 - 21-5-2023) (20/05/2023)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay