Tỉnh Nam Định với công tác vận động, đoàn kết, tập hợp chức sắc, tín đồ công giáo theo lời Bác dạy
TCCS - Từ lần đầu tiên khi Bác về thăm Nam Định đến nay, 77 năm qua, những tình cảm thiêng liêng, những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, nhắc nhở mỗi người dân Nam Định, trong đó có chức sắc, tín đồ Công giáo luôn tin vào Đảng, Nhà nước, tự hào về truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu quê hương, đất nước, đóng góp xây dựng chủ nghĩa xã hội, xứng đáng với niềm tin yêu của Người.
Nam Định là một tỉnh nằm phía Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, có diện tích tự nhiên 1.650,14km2 với 72km bờ biển; có 10 đơn vị hành chính với dân số gần 2 triệu người; là một tỉnh đất chật, người đông, thuần nhất về dân tộc nhưng lại đa dạng về tôn giáo, số lượng, chức sắc, tín đồ đông; hiện có 3 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Trong đó, Công giáo gồm toàn bộ Giáo phận Bùi Chu và 1 phần giáo phận Hà Nội (Giáo hạt Nam Định) với 716 nhà thờ xứ, nhà thờ họ (nhà thờ Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng được xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh; 12 nhà thờ được Vatican phong đền thánh). Có 1 trường đào tạo linh mục - Đại chủng viện Bùi Chu. Có 6 dòng tu nữ là dòng Đa Minh, Mân Côi, Thăm Viếng, Trinh Vương, Mến Thánh Giá (Giáo phận Bùi Chu) và dòng Mến Thánh Giá (Giáo phận Hà Nội) với hơn 35 cơ sở dòng, trên 800 nữ tu, có khoảng 47 vạn giáo dân, chiếm 25% dân số. Cư trú ở 199/226 xã, phường, thị trấn (trong đó có 83 xã, thị trấn có trên 30% dân số là tín đồ Công giáo).
Thực hiện lời Bác căn dặn: “Lương - Giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi trong công cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất Tổ quốc, và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh; đối với người có tôn giáo thì đức tin tôn giáo và lòng yêu nước không hề mâu thuẫn. Một người dân Việt Nam có thể vừa là một người dân yêu nước, đồng thời cũng vẫn là một tín đồ chân chính”, cả hệ thống chính trị tỉnh Nam Định luôn xác định công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết tập hợp chức sắc, tín đồ đạo Công giáo có vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối để đồng bào Công giáo phát huy truyền thống yêu nước, tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, từ năm 1997 đến nay, kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được trong hai cuộc kháng chiến và giai đoạn đầu của đổi mới, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua sâu rộng, thiết thực, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Dân vận khéo” gắn với thực hiện các phong trào xây dựng nông thôn mới trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, tạo sự lan tỏa, đồng tình, ủng hộ và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đồng thời, tăng cường việc tổng kết thực tiễn và học tập, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, các điển hình tiên tiến về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nam Định. Với phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua đồng bào Công giáo Nam Định luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tích cực thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo được sự lan tỏa trong nhân dân, như:
Một là, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong sinh hoạt văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; vận động các hộ gia đình tín đồ vươn lên phát triển kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tham gia đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh.
Hai là, Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh Nam Định đã tăng cường công tác tuyên truyền để đồng bào có đạo nhận thức đầy đủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của tỉnh Nam Định nói riêng; về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” hiện nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; về phong trào xây dựng “Khu dân cư 5 không” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Qua đó, động viên bà con tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Phong trào “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu”, đến nay đã có 847 lượt xứ, họ đạt danh hiệu xứ, họ tiên tiến; 90.550 lượt gia đình Công giáo gương mẫu. Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh phát động phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp nhà cửa, đẹp xứ họ, đẹp ruộng đồng” đồng bào Công giáo đã hiến trên 20 nghìn m2 đất, hơn 200 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi trong thôn, xóm. Phong trào giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội luôn được các chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo nhiệt tình hưởng ứng tham gia với nhiều mô hình sáng tạo, mang lại hiệu quả tích cực.
Đồng bào Công giáo tích cực hưởng ứng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiều cách làm hay, sáng tạo, đều khắp ở các xứ, họ trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.452 lượt xứ, họ đạo đạt tiêu chí “Xứ, họ đạo tiên tiến”; 98.793 lượt gia đình Công giáo đạt danh hiệu “Gia đình công giáo gương mẫu”. Hằng năm, Tòa Giám mục Bùi Chu đều ra thư mục vụ nhắc nhở giáo dân xa lánh, bài trừ tệ nạn xã hội, như ma túy, cờ bạc, mại dâm, rượu chè, đua xe... Tích cực giữ gìn an ninh, trật tự trong xứ, họ, gia đình. Nhiều linh mục, các vị trong Hội đồng mục vụ, giáo xứ họ và giáo dân tham gia tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân trong thôn, xóm, tổ dân phố đã hòa giải được nhiều vụ việc mâu thuẫn xích mích, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, góp phần đáng kể làm giảm tỷ lệ tội phạm là người công giáo. Người công giáo còn làm tốt công tác giáo dục con em về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, hàng nghìn thanh niên người công giáo tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, các vị chức sắc và tín đồ Công giáo đã quyên góp được trên 30 tỷ đồng, xây mới 376 nhà đại đoàn kết, nhà tình thương tặng cho người nghèo. Đến nay, chương trình làm nhà Đại đoàn kết đã giúp các hộ nghèo an cư lạc nghiệp, vươn lên thoát nghèo bền vững. Cùng với cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội được coi trọng. Đồng bào Công giáo Nam Định đã ủng hộ trên 4,5 tỷ đồng vào các quỹ từ thiện, tặng xe lăn cho người tàn tật, ủng hộ tiền xây đền thờ liệt sĩ, tặng sổ tiết kiệm cho gia đình liệt sĩ và người nghèo cô đơn. Tổ chức Lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ nhân dịp 27-7 hằng năm tại các huyện, thành phố.
Đối với Chương trình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định chủ động hỗ trợ cung cấp tài liệu liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu để Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh triển khai việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chức sắc và tín đồ cũng như cộng đồng dân cư. Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban Đoàn kết Công giáo các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phòng Tài nguyên và môi trường, Ban Đoàn kết Công giáo cùng cấp thực hiện tốt chương trình phối hợp, trong đó phát huy vai trò các cơ sở tôn giáo và tín đồ tại địa phương. Hướng dẫn, vận động chức sắc và tín đồ nắm bắt, cập nhật thường xuyên những kiến thức về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng kỹ năng tự ứng phó, giúp nhau giải quyết những rủi ro thiên tai và tổ chức cuộc sống thân thiện với môi trường, không tạo ra những nguy cơ có thể làm gia tăng biến đổi khí hậu, lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động các chức sắc và tín đồ tích cực tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Hướng dẫn chức sắc, tín đồ và người dân tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân đạo, bác ái, giữ gìn và thân thiện với môi trường; kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ với những người nghèo khó, người gặp khó khăn tại cộng đồng dân cư khi gặp phải thiên tai, bão, lũ...; chia sẻ sự chăm sóc bằng hỗ trợ vật chất, tinh thần đối với các cá nhân, cộng đồng bị tổn thương ở bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào mà tổ chức tôn giáo có thể thực hiện được.
Trong những năm qua, tỉnh Nam Định luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các tôn giáo thực hiện các hoạt động từ thiện. Do vậy, chức sắc, tín đồ đạo Công giáo đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội trong và ngoài tỉnh để thực hiện các hoạt động từ thiện nhân đạo. Hằng năm, tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, điển hình là Giáo phận Bùi Chu, tu viện nữ tu Đa Minh Phú Nhai, giáo xứ Văn Lý, giáo xứ Nam Phương. Phòng khám của dòng nữ tu Mân Côi Trung Linh tổ chức khám bệnh miễn phí cho trên 1.000 lượt người/năm, hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo nằm điều trị 5 - 6 triệu đồng/tháng. Một số cơ sở tôn giáo nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt, như trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi, người già neo đơn, không nơi nương tựa… Đến nay, có 28 cơ sở tôn giáo đang nuôi dưỡng, chăm sóc trên 300 người (18 cơ sở nuôi dưỡng từ 1 - 5 người, 10 cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc từ 10 người trở lên. 14 cơ sở Công giáo mở các lớp mẫu giáo bán trú với gần 700 cháu theo học; giáo viên chủ yếu là nữ tu. Đối tượng được hưởng lợi từ hoạt động này là con nhà nghèo không phân biệt tôn giáo. Điển hình là nhóm trẻ dòng Đa Minh (Quần Cống), dòng Mân Côi (Ninh Cường), lớp mẫu giáo dòng Mân Côi Trung Linh (Xuân Ngọc)… Khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nam Định đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; đồng thời ra thông bạch, thư chung, hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, tín đồ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, có hình thức sinh hoạt tôn giáo phù hợp để bảo đảm phòng, chống dịch. Chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Công giáo còn tích cực tham gia ủng hộ quỹ vắc-xin, hỗ trợ các nhu yếu phẩm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.
Trong những năm qua, đạo Công giáo có sự phát triển về tín đồ, chức sắc, sinh hoạt tôn giáo sôi động, cơ sở thờ tự được xây dựng mới, tu bổ khang trang. Quần chúng tín đồ, chức sắc tôn giáo phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tòa Giám mục và Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định chủ động phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cụ thể hóa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào xây dựng “Khu dân cư 5 không” bằng các phong trào mang tính đặc thù tôn giáo cao. Tiêu biểu là các phong trào “Xây dựng xứ họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp nhà cửa, đẹp xứ họ, đẹp ruộng đồng” của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh. Đồng thời, tích cực động viên tín đồ thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, hăng hái lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bản thân, gia đình và xã hội. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, các lễ hội tôn giáo truyền thống, bảo đảm an toàn trật tự, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Phát huy vai trò chủ thể của người dân gắn kết với cộng đồng thực hiện công cuộc đổi mới của địa phương và của tỉnh.
Quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy, nhân dân tích cực thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, nghị quyết của Tỉnh ủy Nam Định và cấp ủy địa phương. Triển khai nhiều hoạt động ở cơ sở, như hoạt động Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải, xây dựng hương ước, quy ước… Đóng góp ý kiến tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý và điều hành của chính quyền. Thể hiện mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội ngày càng cao. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Nam Định đã thực hiện tốt 6 nội dung theo quy định của pháp luật. Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, chức sắc đạo Công giáo đi bầu cử.
Công tác vận động phát huy vai trò chức sắc và tín đồ đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh Nam Định thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nguồn lực tôn giáo, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Tỉnh Nam Định chuyển dịch cơ cấu sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, vững chắc theo lời Bác Hồ dạy  (18/05/2023)
Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam hiện nay  (19/04/2023)
Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam hiện nay  (19/04/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay