Tỉnh Nam Định chuyển dịch cơ cấu sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, vững chắc theo lời Bác Hồ dạy

NGUYỄN VĂN HỮU
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định
18:17, ngày 18-05-2023

TCCS - Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp toàn diện và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, kinh tế nông nghiệp tỉnh Nam Định đã giành được những thành tựu to lớn và toàn diện. Các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp, thủy lợi, ngành, nghề nông thôn,… đều có bước phát triển mạnh mẽ và chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả ngày càng cao.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc thăm cánh đồng lúa xã Yên Khang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định_Nguồn: yyen.namdinh.gov.vn

Tư tưởng về phát triển nền nông nghiệp toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định nông nghiệp, nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với kinh tế - xã hội nước ta. Người nhấn mạnh: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Do vậy, phải coi “nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”, “lấy nông nghiệp làm chính” và “phải bắt đầu từ nông nghiệp”.

Xuất phát từ thực tiễn nước ta là nước nông nghiệp, có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, Bác nhiều lần yêu cầu thực hiện các biện pháp nhằm “phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc”. Người quan niệm nền nông nghiệp toàn diện không phải theo lối manh mún, tự cấp, tự túc, mà trên cơ sở có quy hoạch của một nền sản xuất hàng hóa phát triển theo quy mô lớn phù hợp với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là phải bảo đảm sự phát triển hài hòa trên tất cả các lĩnh vực trong ngành, gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, phải toàn diện bao hàm cả việc chú trọng phát triển các nghề phụ gia đình, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã để người dân được tham gia sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

Có thể thấy, đến nay tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp toàn diện vẫn còn nguyên giá trị và trở thành kim chỉ nam cho hành động, đã và đang được Đảng ta quán triệt, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng, phát triển nền nông nghiệp ở Việt Nam.

Tỉnh Nam Định - với vị trí là một tỉnh nằm ở phía Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, có thế mạnh về phát triển kinh tế nông nghiệp, đã và đang tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nhằm xây dựng nền nông nghiệp toàn diện vững chắc theo lời Bác dạy.

Nông nghiệp, nông thôn Nam Ðịnh và những kỷ niệm sâu sắc trong những lần Bác về thăm Nam Định

Tỉnh Nam Định vinh dự được 5 lần đón Bác về thăm, trong đó có nhiều lần Bác trực tiếp đến thăm những địa phương điển hình về sản xuất nông nghiệp. Ngày 13-8-1958, trong lần thứ ba Bác về thăm Nam Định, Người đã đến dự Đại hội Sản xuất nông nghiệp (lúc đó đang họp tại xã Yên Tiến, huyện Ý Yên - nơi có thu hoạch vụ chiêm cao hơn cùng kỳ năm trước gần 59 tấn thóc, đồng thời đang có phong trào thi đua cải tiến kĩ thuật làm mùa). Người khen nhân dân Nam Định đã cố gắng khắc phục khó khăn cấy lúa vượt mức diện tích gần 1.000 mẫu và đạt mức phấn đấu 29 tạ/ha. Người nhắc nhở phải chú trọng các khâu trong sản xuất “nước, phân, cần, giống và cải tiến kỹ thuật”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng Huy hiệu cho 2 nông dân ở xã Nam Hồng (Nam Trực) và xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) có thành tích làm nhiều phân bón; tặng Huy hiệu cho thôn Âm Xa (xã Nghĩa Phú - Nghĩa Hưng) và xã Đồng Tâm (Vụ Bản) đã có 100% hộ nông dân vào tổ đổi công. Trước khi ra về, Người đi thăm một số gia đình nông dân xã Yên Tiến và thăm cánh đồng của hợp tác xã Đông Hưng - Đây là cánh đồng trước đây chỉ cấy được một vụ lúa, nhờ làm thủy lợi đã cấy được hai vụ chiêm và vụ mùa.

Ngày 15-3-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về kiểm tra, động viên phong trào chống hạn của tỉnh Nam Định. Người nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong tỉnh và dặn dò: “gần đây cán bộ và đồng bào Nam Định đã có cố gắng chống hạn, giải quyết được 4 vạn mẫu ruộng bị hạn nhưng vẫn còn 2 vạn mẫu nữa cần tranh thủ cố gắng giải quyết cho hết… Vụ mùa trước đây nhân dân đã vắt đất ra nước thay trời làm mưa, thì nay phải tiếp tục thực hiện”. Thực hiện huấn thị của Người, toàn tỉnh Nam Định đã phát động nhiều chiến dịch và đại công trường thủy lợi. Trong thời gian ngắn, nhân dân Nam Định đã làm được nhiều công trình thủy lợi lớn nhỏ (sửa chữa, làm mới cống thoát nước; đào, vét sông ngòi, đắp đập giữ nước; đắp đê, quai đê lấn biển,…), là cơ sở thuận lợi để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Nam Định.

Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp sau 25 năm tái lập tỉnh Nam Ðịnh (1997 -  2021)

Trong giai đoạn từ 1997 - 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy  trì tốc độ tăng GRDP 3,46%/năm, đóng góp 0,97 điểm phần trăm, chiếm 14% vào mức tăng trưởng chung nền kinh tế của tỉnh Nam Định. Kết quả phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn năm 2022 đạt được khá toàn diện, tốc độ tăng GRDP ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,9%, chiếm 19,39% trong cơ cấu các ngành kinh tế. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn ngành theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 21.535 tỷ đồng, tăng 2,58% so với năm 2021.

Có thể thấy, kể từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Nam Định phát triển tương đối toàn diện. Cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản và giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực, chất lượng cao đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.

Về chuyển dịch cơ cấu sản xuất:

Năm 2021, tỷ trọng nông nghiệp (theo giá hiện hành) chiếm 72,14%, giảm 19,89% so với năm 1997 (cơ cấu nội ngành nông nghiệp (gồm trồng trọt, chăn nuôi) chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng lĩnh vực chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng  trọt); tỷ trọng lâm nghiệp là 0,13% và thủy sản chiếm 27,73% (tăng 20,78% so với năm 1997). Cụ thể:

Trồng trọt chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành  nông nghiệp; đã chuyển trọng tâm sản xuất từ coi trọng số lượng, sản lượng sang chất lượng. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt tăng từ 22,37 triệu đồng/ha năm 1997 lên 126,35 triệu đồng/ha năm 2021 (gấp 5,6 lần năm 1997). Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, gieo cấy các loại giống lúa chất lượng cao thay thế giống lúa truyền thống nên năng suất lúa tăng từ 54,77 tạ/ha/vụ năm 1997 lên 60,67 tạ/ha/vụ năm 2021 (tăng 5,9 tạ/ha); tỷ lệ lúa chất lượng cao đạt 85% diện tích năm 2021; phương thức sản xuất, nhất là khâu gieo cấy và khâu thu hoạch được cơ giới hóa mạnh mẽ, đã tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất của người dân. Sản xuất rau màu theo hướng hàng hóa gắn với truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng theo chuỗi được coi trọng. Nhiều mô hình tổ chức sản xuất mới xuất hiện, trong đó hình thành các hình thức liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị theo mô hình cánh đồng lớn mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân, điển hình, như chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm giống lúa lai, lúa thuần của công ty Cường Tân, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nam Định, Công ty Cổ phần sản xuất tổng hợp Xuân Trường; chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân với các hợp tác xã và hộ nông dân…

Sản xuất chăn nuôi chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, giảm mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong nông hộ sang chăn nuôi tập trung theo mô hình doanh nghiệp, trang trại với hình thức công nghiệp, bán công nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi (theo giá hiện hành) trong nội ngành nông nghiệp tăng từ 23,8% năm 1997 lên 51,8% năm 2021. Thực hiện cơ cấu lại đàn vật nuôi theo hướng chất lượng, áp dụng thành công  nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới. Bình quân 25 năm, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 5,8%/năm, sản lượng thịt gia cầm hơi tăng 8,4%/năm, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng 6,9%/năm... Bước đầu hình thành các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, trang trại đạt theo tiêu chuẩn thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP.

Lâm nghiệp: Do đặc thù là tỉnh đồng bằng, diện tích rừng và đất lâm nghiệp ít (chỉ chiếm 1,84% diện tích đất tự nhiên) nên sản xuất lâm nghiệp chủ yếu  tập trung vào nâng cao chất lượng, giá trị của rừng đáp ứng yêu cầu giảm nhẹ thiên  tai, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội. Năm 2021, tỉnh Nam Định bảo vệ tốt 3.092 ha rừng hiện có; lũy kế trong 25 năm qua đã trồng mới được 5.846ha rừng tập trung, sản lượng gỗ khai thác 204,8 nghìn m3, sản lượng củi khai thác 362,8 nghìn Ster.

Sản xuất thủy sản phát triển toàn diện cả về nuôi trồng và khai thác. Cơ cấu sản xuất phát triển theo hướng tăng tỷ trọng nuôi thâm canh, bán thâm  canh, giảm tỷ trọng nuôi quảng canh; tăng diện tích nuôi tôm, cá có hiệu quả kinh tế cao. Tỷ trọng ngành thủy sản (theo giá hiện hành) tăng từ 6,95% năm 1997 lên 27,73% năm 2021. Năm 2021, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 15.800ha, gấp 1,6 lần so với năm 1997. Tàu, thuyền khai thác thủy sản biển tăng qua các năm cơ cấu lại theo hướng tăng số tàu công suất lớn, giảm dần tàu công suất nhỏ. Tính chung 25 năm, tổng sản lượng thủy sản đạt 2.240 nghìn tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 1.311 nghìn tấn - chiếm 58,5%, sản lượng thủy sản khai thác 929 nghìn tấn - chiếm 41,5%), bình quân sản lượng thủy sản đạt 89,6 nghìn tấn/năm.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã: Trong những năm qua, phong trào xây dựng và phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở tỉnh Nam Định đã có bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt từ khi tổ chức hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, có nhiều hợp tác xã kiểu mới, liên kết hoạt động hiệu quả, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế, ổn định tình hình an ninh, chính trị - xã hội, xây dựng được khối đoàn kết cộng đồng ở địa bàn nông thôn. Năm 2021, toàn tỉnh Nam Định có 365 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 281 hợp tác nông nghiệp hoạt động hiệu quả.

Kế thừa thành tựu phát triển nông nghiệp, nông thôn qua nhiều thời kỳ, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định với quyết tâm cao, đoàn kết đồng thuận, sáng tạo, huy động tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 7-2019, tỉnh Nam Định đã hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX trước 1,5 năm, với 100% số xã, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới;  đến tháng 10-2019, tỉnh Nam Định là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Đến nay, hạ tầng nông thôn được đầu tư, phát triển đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển  kinh tế - xã hội góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Nam Định.

Có thể thấy, những năm qua, nền nông nghiệp tỉnh Nam Định đã có bước phát triển toàn diện, vững chắc, đạt được những kết quả đáng tự hào. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, sản xuất nông nghiệp nhìn chung quy mô nhỏ, chủ yếu là kinh tế hộ, chuyển dịch cơ cấu sản xuất chưa mạnh; chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chưa cao, công nghiệp chế biến, dịch vụ ở nông thôn phát triển chưa đồng đều, giá trị xuất khẩu thấp, việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp có chuyển biến tích cực nhưng kết quả chưa cao, kinh tế nông nghiệp chưa thực sự phát triển bền vững…

Giải pháp phát triển nông nghiệp toàn diện bền vững trong thời gian tới

Để tiếp tục thực hiện tốt lời dạy của Bác về xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, vững chắc, trong thời gian tới, tỉnh Nam Định tập trung thực hiện một số giải pháp chính sau:

Một là, nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân về các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của của Nhà nước và vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của hệ thống chính trị và người dân về các vấn đề có liên quan tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hai là, đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành, nghề, dịch vụ, tạo việc làm tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Ba là, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động trẻ nông thôn; nâng cao trình độ, hiệu quả trong công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ trong nông nghiệp.

Bốn là, phát triển thị trường, tăng cường công tác xúc tiến thương mại nông sản, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế về nông nghiệp và nông thôn; mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến và các tổ chức quốc tế để tranh thủ, thu hút nguồn vốn, phát triển thị trường, tiếp cận khoa học, công nghệ phục vụ cho các mục tiêu phát triển của ngành.

Năm là, xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và xây dựng nông thôn mới.

Sáu là, đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bảy là, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Số hóa, tạo lập dữ liệu, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực; phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi số trong nông nghiệp…

Với quan điểm nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, tỉnh Nam Định xác định việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ thường xuyên liên tục của các cấp ủy, chính quyền, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với sự tham gia của mọi người dân. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là “kim chỉ nam”, là động lực để Đảng bộ, quân và dân Nam Định phát huy tinh thần đoàn kết, với quyết tâm mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ kinh tế - xã hội nói chung và hướng tới xây dựng thành công nền nông nghiệp toàn diện, vững chắc  nói riêng./.