Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
TCCS - Biến đổi khí hậu ở Việt Nam tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có việc bảo tồn các di sản văn hóa vật thể. Trước những thách thức của biến đổi khí hậu đối với các di sản của Việt Nam nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng, cần có cách tiếp cận đa ngành, bao gồm các biện pháp kỹ thuật và chiến lược quản lý bền vững và giải pháp để bảo tồn di sản văn hóa vật thể nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một số vấn đề chung về bảo tồn di sản văn hóa vật thể và tác động của biến đổi khí hậu
Di sản văn hóa vật thể được xem là những tài sản văn hóa hữu hình. Nó có giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục khoa học to lớn. Công ước UNESCO về Bảo vệ Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972 quan niệm di sản văn hóa vật thể bao gồm các công trình kiến trúc, điêu khắc và hội họa tầm cỡ, các yếu tố hoặc cấu trúc có tính chất khảo cổ học, các văn bia, các hang động trú ẩn và các nhóm công trình kiến trúc. Điều 4 Luật Di sản văn hóa năm 2001 xác định: Di sản văn hóa vật thể là những sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Bảo tồn di sản văn hóa vật thể có tầm quan trọng to lớn đối với mỗi quốc gia dân tộc và cả nhân loại. Di sản văn hóa vật thể là bằng chứng của lịch sử, văn hóa và bản sắc của một dân tộc, giúp kết nối quá khứ với hiện tại, tạo nên sự liên tục trong dòng chảy văn hóa và lịch sử. Theo đó, “di sản văn hóa là một phần không thể thiếu của bản sắc dân tộc, là cầu nối giữa các thế hệ, là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước”(1).
Bên cạnh đó, di sản văn hóa vật thể có giá trị giáo dục to lớn trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật và nhiều lĩnh vực khác. “Thông qua việc tìm hiểu và trải nghiệm di sản, thế hệ trẻ có thể học hỏi về truyền thống, giá trị văn hóa và kỹ thuật của cha ông. Qua đó, góp phần hình thành ý thức bảo tồn và phát huy di sản trong cộng đồng”(2). Di sản văn hóa vật thể còn góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ngành kinh tế du lịch. Nhiều di sản đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tạo ra nguồn thu đáng kể và cơ hội việc làm cho cộng đồng địa phương. Các điểm di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam, như Hội An, Huế, Hạ Long… đón hàng triệu lượt khách mỗi năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách của các địa phương.
Cuối cùng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể ngày càng trở nên cấp thiết. Di sản không chỉ là tài sản quốc gia mà còn là di sản chung của nhân loại, do đó, các di sản văn hóa cần được bảo vệ khỏi các mối đe dọa, như xói mòn, ngập lụt, ô nhiễm môi trường và các tác động tiêu cực khác. Theo báo cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), hiện có “khoảng 1/6 di sản thế giới đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu”(3). Do vậy, việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể không chỉ là trách nhiệm của mỗi quốc gia mà còn là yêu cầu, nhiệm vụ chung của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Việt Nam đang đứng trước thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Trong đó có việc bảo tồn các di sản văn hóa vật thể. Những di sản văn hóa vật thể không chỉ minh chứng cho lịch sử, mà còn là bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch văn hóa. Tuy nhiên, mực nước dâng do triều cường đã, đang làm suy yếu kết cấu của nhiều công trình hạ tầng, như nhà ở, đường sá và các kiến trúc lịch sử, các đền chùa và nhà cổ. Tại thành phố Cần Thơ, biến đổi khí hậu gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, như nước biển dâng, ngập lụt và xói lở đất,… đe dọa trực tiếp đến các công trình di sản văn hóa. Điều này đặt ra yêu cầu cần có sự hiểu biết về các yếu tố tự nhiên và văn hóa, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp để bảo vệ các di sản văn hóa vật thể trước tác động từ biến đổi khí hậu.
Thực trạng công tác bảo tồn di sản văn hóa vật thể tại thành phố Cần Thơ
Thành phố Cần Thơ hiện có nhiều di sản văn hóa vật thể tiêu biểu, bao gồm “tổng cộng 38 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, bao gồm 14 di tích cấp quốc gia và 24 di tích cấp thành phố”(4). Trong số này, một số di sản nổi bật bao gồm đình Bình Thủy, chùa Nam Nhã, khám lớn Cần Thơ. Ngoài ra, Cần Thơ còn có nhiều di tích khác mang tính lịch sử và kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Những di tích này không chỉ thể hiện giá trị lịch sử, văn hóa mà còn là biểu tượng cho sự giao thoa văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc sinh sống tại thành phố Cần Thơ.
Những năm gần đây, thành phố Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa vật thể. Đặc biệt là từ khi có Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, thành phố đã đầu tư đáng kể cho công tác trùng tu và tôn tạo các di tích. Về kinh phí, “từ năm 2016 đến năm 2022, 26 trong số 38 di tích lịch sử - văn hóa đã được trùng tu với tổng kinh phí hơn 160 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này đến từ nhiều nguồn, bao gồm chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, ngân sách nhà nước, và xã hội hóa”(5). Ngoài việc trùng tu các di sản văn hóa vật thể, Cần Thơ cũng chú trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn di sản văn hóa. Nhiều chương trình giáo dục về di sản được tổ chức trong các trường học và cho các đoàn thể với mục tiêu tạo ra sự gắn kết giữa thế hệ trẻ với các giá trị văn hóa của địa phương. Bên cạnh đó, việc xuất bản các ấn phẩm giới thiệu về di tích, cùng việc phối hợp với các công ty du lịch để quảng bá các di tích trong hoạt động du lịch đã góp phần tăng cường việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của di sản vật thể ở thành phố Cần Thơ.
Tuy có nhiều nỗ lực, song công tác bảo tồn di sản văn hóa vật thể ở thành phố Cần Thơ vẫn còn nhiều thách thức. “Một số di tích chưa được đầu tư đầy đủ vào kết cấu hạ tầng, dẫn đến tình trạng xuống cấp. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý di sản và chính quyền địa phương còn chưa chặt chẽ, và nguồn kinh phí duy trì các hoạt động bảo tồn ở một số địa phương vẫn còn hạn chế”(6). Ở một số địa phương, công tác quản lý di sản chưa được thực hiện đúng chức năng. Một số di tích không có đủ nguồn tài chính hoặc chỉ nhận được nguồn kinh phí hạn chế từ ngân sách và các đơn vị liên quan. Điều này làm giảm hiệu quả của công tác quản lý và bảo vệ các di tích. Bên cạnh đó, một số di tích mặc dù đã được xếp hạng, nhưng vẫn chưa được đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng đầy đủ. Việc thiếu đầu tư này gây ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của các di tích trên địa bàn. Đội ngũ thuyết minh viên tại các quận, huyện thường xuyên có sự thay đổi, chưa nâng cao tính năng động, chuyên nghiệp nên ảnh hưởng đến việc cung cấp thông tin và quản lý di tích. Những hạn chế này đặt ra thách thức lớn cho việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể ở thành phố Cần Thơ, nhất là trước sự tác động phức tạp của biến đổi khí hậu hiện nay. Công tác bảo tồn di tích ở Cần Thơ trong bối cảnh biến đổi khí hậu đặt ra những yêu cầu tăng cường đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thoát nước và chống ngập cho các di tích. Việc trùng tu, tôn tạo phải tính đến các yếu tố về thời tiết cực đoan, nước biển dâng, đồng thời, cần có giải pháp kỹ thuật phù hợp để bảo vệ di tích trước tác động của biến đổi khí hậu.
Một số giải pháp trong thời gian tới
Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử văn hóa trước thách thức của biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu đa ngành.
Xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý di sản, chuyên gia công nghệ thông tin và các nhà khoa học. Thành phố cần tiến hành khảo sát chi tiết về các di tích trên địa bàn, bao gồm thông tin về vị trí địa lý, đặc điểm kiến trúc, lịch sử bảo tồn và tình trạng hiện tại. Đặc biệt, cần đánh giá mức độ dễ bị tổn thương của từng di tích trước các tác động cụ thể của biến đổi khí hậu. Việc số hóa thông tin này không chỉ giúp lưu trữ an toàn mà còn tạo điều kiện cho việc phân tích, cập nhật dữ liệu theo thời gian thực. Song song đó, vấn đề hợp tác nghiên cứu đa ngành cần được đẩy mạnh. Thành phố cần tạo nền tảng kết nối các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực, như khí tượng thủy văn, địa chất, kiến trúc, bảo tồn di sản, quy hoạch đô thị và công nghệ thông tin. Việc kết hợp kiến thức từ nhiều ngành sẽ giúp đánh giá toàn diện hơn về tác động của biến đổi khí hậu và đề xuất các giải pháp phù hợp. Đơn cử như việc các nhà khí tượng học có thể cung cấp dự báo về xu hướng biến đổi khí hậu trong tương lai, trong khi các chuyên gia bảo tồn có thể đánh giá tác động cụ thể đối với các vật liệu và cấu trúc của di tích. Các nhà quy hoạch đô thị có thể đề xuất các biện pháp tích hợp bảo tồn di sản vào kế hoạch phát triển tổng thể của thành phố.
Hai là, xây dựng kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa vật thể.
Xây dựng kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa vật thể một cách tổng thể và lâu dài là giải pháp cần thiết để bảo đảm tính bền vững của các di sản tại thành phố Cần Thơ. Kế hoạch này cần bao gồm đánh giá toàn diện về tình trạng hiện tại của các di tích, xác định các nguy cơ từ biến đổi khí hậu, như ngập lụt, xói lở và nước biển dâng, từ đó đưa ra các biện pháp bảo vệ cụ thể. Bên cạnh đó, cần tích hợp bảo tồn di sản vào chiến lược phát triển đô thị và du lịch bền vững. Việc huy động nguồn lực từ nhà nước, các tổ chức quốc tế và cộng đồng địa phương là cần thiết để bảo đảm tài chính cho công tác bảo tồn di sản văn hóa vật thể. Đồng thời, cần thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá định kỳ, giúp điều chỉnh các biện pháp bảo tồn phù hợp với các thay đổi môi trường, bảo đảm sự tồn tại lâu dài của các di sản.
Ba là, thiết lập hệ thống quan trắc môi trường vận dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn di sản văn hoá vật thể.
Cần đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc tự động tại các di tích quan trọng, tập trung vào những khu vực chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, như bến Ninh Kiều, chùa Ông, nhà cổ Bình Thủy. Các trạm này sẽ theo dõi liên tục các thông số môi trường, như nhiệt độ, độ ẩm, mực nước, chất lượng không khí. Dữ liệu thu thập được truyền về trung tâm xử lý thông tin trong thời gian thực, cho phép phản ứng nhanh chóng khi có dấu hiệu bất thường. Song song đó, việc áp dụng công nghệ tiên tiến, như viễn thám, mô hình hóa 3D và một số công nghệ mới khác sẽ góp phần nâng cao khả năng đánh giá, dự báo tác động của biến đổi khí hậu, từ đó giúp cho việc ra quyết định dựa trên dữ liệu, bảo đảm các nỗ lực bảo tồn được triển khai hiệu quả và kịp thời. Chẳng hạn như công nghệ quét 3D laser có thể tạo ra mô hình số hóa chính xác của các di tích, hỗ trợ việc theo dõi sự xuống cấp theo thời gian và lập kế hoạch bảo tồn. Ngoài ra, việc sử dụng các cảm biến IoT (Internet of Things) tại các di tích cho phép giám sát liên tục các yếu tố, như độ rung, áp suất và sự xâm nhập của nước.
Bốn là, đầu tư vào việc đào tạo đội ngũ chuyên gia địa phương về bảo tồn di sản và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để bảo tồn hiệu quả các di sản văn hóa vật thể tại Cần Thơ trước tác động của biến đổi khí hậu, việc đào tạo đội ngũ chuyên gia địa phương là cần thiết. Đội ngũ chuyên gia cần được trang bị kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật bảo tồn, cũng như khả năng ứng phó với những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra. Việc đào tạo không chỉ dừng lại ở khía cạnh kỹ thuật xây dựng và bảo tồn, mà còn bao gồm cả hiểu biết về di sản văn hóa, lịch sử và sự gắn kết với cộng đồng địa phương. Các cơ quan chức năng của thành phố Cần Thơ có thể xây dựng các chương trình hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài thành phố để phát triển các chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác này tại địa phương. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của bảo tồn di sản trước tác động của biến đổi khí hậu là một phần quan trọng giúp bảo vệ di sản một cách toàn diện và lâu dài.
Biến đổi khí hậu đang gây ra những thách thức nghiêm trọng, đe dọa đến sự bền vững của các công trình lịch sử, văn hóa tại địa phương. Việc bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước tác động của biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ là nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, cộng đồng và các chuyên gia. Do đó, thành phố cần triển khai các giải pháp toàn diện, đồng bộ, bao gồm nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia, xây dựng kế hoạch bảo tồn dài hạn; tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế để tìm kiếm nguồn lực và công nghệ hiện đại. Những nỗ lực này không chỉ giúp bảo vệ các di sản cho thế hệ tương lai, mà còn góp phần phát triển du lịch bền vững, giữ vững bản sắc văn hóa địa phương trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp./.
-----------------------
(1) Lưu Trần Tiêu: Bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam: Thành tựu, thách thức và giải pháp, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 1 (62)-2018, tr. 3 - 15
(2) Phạm Thị Lan Hương: Giáo dục di sản trong nhà trường: Lý luận và thực tiễn, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2020, tr. 89
(3) UNESCO: World Heritage in the Face of Climate Change. Paris: UNESCO World Heritage Centre, 2023
(4) Thành ủy thành Phố Cần Thơ: Báo cáo số 521/BC-TU, ngày 13-5-2021, về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tr. 10
(5) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ: Báo cáo số 3333/BC-SVHTTDL về tình hình hoạt động của các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố Cần Thơ, 2022
(6) Xem: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ: Báo cáo số 3333/BC-SVHTTDL về tình hình hoạt động của các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố Cần Thơ, 2022
Phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội tại Thủ đô Hà Nội  (25/11/2024)
Làng nghề Nam Định trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu  (05/11/2024)
Chính trị xanh tại châu Âu: Nhận thức phát triển  (01/10/2024)
Một số vấn đề về ứng phó với bão, lụt - góc nhìn từ tỉnh Ninh Bình qua cơn bão số 3  (25/09/2024)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay