TCCSĐT - Ngày 17-7, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với tổ chức ILO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết các thành tựu nổi bật của Dự án “Nâng cao năng lực huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ở Việt Nam” do chính phủ Luc-xăm-bua tài trợ được thực hiện từ tháng 9-2006 đến tháng 6-2009.

Huấn luyện về ATVSLĐ là yêu cầu trong hệ thống luật pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Một chiến lược và chính sách huấn luyện ATVSLĐ hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATLĐ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy khả năng và động lực làm việc của người lao động và tính cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia. Tuy nhiên, huấn luyện về ATVSLĐ là dịch vụ có tính kỹ thuật rất đặc thù: đối tượng và phạm vi huấn luyện về ATVSLĐ rất đa dạng và rộng lớn; đòi hỏi phải có đầu tư thoả đáng về cơ sở hạ tầng để thực hành, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác huấn luyện; cần có nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản.

Dự án “Nâng cao năng lực huấn luyện ATVSLĐ ở Việt Nam” đã hỗ trợ trực tiếp cho những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện chính sách quốc gia về huấn luyện ATVSLĐ, tăng cường năng lực của Trung tâm Huấn luyện ATVSLĐ về ATVSLĐ, góp phần giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thúc đẩy phát triển bền vững.

Mục tiêu của dự án là tăng cường công tác ATVSLĐ và sức khoẻ nghề nghiệp cho người lao động, góp phần giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp tại các cấp doanh nghiệp; tăng cường quan hệ xã hội giữa cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức đại diện quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động trong công tác ATVSLĐ ở Việt Nam trên cơ sở nâng cao năng lực của Trung tâm Huấn luyện ATVSLĐ, củng cố hệ thống huấn luyện ATVSLĐ các cấp, xây dựng chính sách huấn luyện và dịch vụ huấn luyện về ATVSLĐ cho các đối tác xã hội nhằm đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ sức khoẻ người lao động, nâng cao chất lượng môi trường lao động… trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam.

Sau 3 năm thực hiện, dự án đã đạt một số kết quả chính sau:

Thứ nhất, xây dựng, đào tạo và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên của Trung tâm huấn luyện chuyên trách, giảng viên kiêm nhiệm, cộng tác viên cho Trung tâm Huấn luyện ATVSLĐ trên toàn quốc: tổ chức 21 khoá huấn luyện ATVSLĐ cho 642 lượt học viên, trong đó đào tạo được 300 học viên làm giảng viên nguồn về ATVSLĐ; 94 giảng viên/học viên đã đăng ký cộng tác thường xuyên với Trung tâm.

Ngoài việc tổ chức thực hiện các khoá huấn luyện giảng viên nguồn và tập huấn nâng cao nói trên, dự án cũng giúp cán bộ Trung tâm tham gia các khoá tập huấn khác về nâng cao kỹ năng giảng dạy.

Thành tựu này là một thành công lớn của dự án, là nền tảng cơ bản và cốt lõi cho việc mở rộng huấn luyện về ATVSLĐ. Đội ngũ giảng viên và cộng tác viên nói trên là một nguồn lực vô cùng quan trọng trong việc triển khai các chiến lược và chính sách về huấn luyện ATVSLĐ.

Thứ hai, Chiến lược huấn luyện về ATVSLĐ cho các đối tượng được hoàn thiện, bao gồm: Chính sách huấn luyện ATVSLĐ, trong đó có đề án xây dựng Trung tâm Huấn luyện ATVSLĐ trở thành Trung tâm Huấn luyện về ATVSLĐ quốc gia có chất lượng cao. Chính sách huấn luyện ATVSLĐ khi được thông qua sẽ là công cụ quan trọng trong việc định hướng phát triển huấn luyện ATVSLĐ cho cả nước.

Thứ ba, hoàn thiện bộ giáo trình và phương pháp huấn luyện cơ bản về ATVSLĐ, phù hợp với nhu cầu thực tiễn và có cơ chế để thường xuyên cập nhật tài liệu huấn luyện. Một bộ tài liệu ATLĐ trong xây dựng, cơ khí, khai thác khoáng sản và điện đã được xây dựng mới... Bộ tài liệu này được đánh giá là bộ tài liệu tham khảo rất tốt và hỗ trợ tích cực cho các doanh gnhiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể áp dụng trực tiếp.

Thứ tư, Trung tâm huấn luyện đã đủ khả năng tổ chức huấn luyện và tư vấn về ATVSLĐ cho các đối tác xã hội trên cơ sở hạch toán tự trang trải. Trung tâm đã tổ chức được cho 387 khoá huấn luyện với khoảng 23.079 lượt học viên từ các doanh nghiệp, trong đó 100% các học viên năm 2008 tham gia với hình thức đóng phí.

Theo đánh giá, kết quả chính của dự án là xây dựng được các chính sách, chiến lược về huấn luyện ATVSLĐ đồng bộ, một đội ngũ giảng viên và giảng viên kiêm nhiệm về ATVSLĐ có năng lực được đào tạo và đào tạo nâng cao, một Trung tâm Huấn luyện ATVSLĐ bước đầu có đủ năng lực huấn luyện ATVSLĐ.

Không chỉ tác động trực tiếp tới các nhóm thụ hưởng, dự án đã góp phần duy trì sự hợp tác ba bên và nhiều bên, tạo nên sự phát triển về chất trong mối quan hệ này. Dự án cũng đã có tác động nhất định đối với bình đẳng giới như: thúc đẩy cải thiện điều kiện làm việc cho cả nam và nữ trong doanh nghiệp, nâng cao năng lực huấn luyện cho cả nam, nữ cán bộ làm công tác ATVSLĐ. Dự án tạo cơ hội công bằng cho cả nam và nữ tham gia vào dự án. Ngoài ra, dự án còn thúc đẩy áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về ATVSLĐ; tác động tốt trong bảo vệ môi trường lao động.

Sau khi kết thúc, các kết quả của dự án sẽ tiếp tục được nhân rộng duy trì từ nguồn kinh phí quốc gia và các nguồn khác./.