TCCS - Ngày nay, người nông dân đã rất có ý thức trong việc học hỏi, tìm tòi những kỹ thuật canh tác mang tính khoa học cao để áp dụng vào sản xuất, từ đó xác định hướng đi bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất. Câu chuyện 17 nông dân Khmer của tổ trồng màu ấp Trà Kháo (xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) cùng nhau bỏ tiền "hợp đồng mướn kỹ sư" về chuyển giao kỹ thuật trồng màu là một ví dụ.

"Hợp đồng mướn kỹ sư" xuất phát từ mô hình trồng màu vừa qua tại xã Hòa Ân, được tổ chức Oxfam kết hợp với Dự án nâng cao đời sống của tỉnh và Trường Đại học Trà Vinh triển khai thực hiện cho các hộ dân ở đây. Với 4 loại cây trồng: mướp đắng, cà chua, dưa chuột và ớt; diện tích mỗi hộ là 1.000 m2, sau gần 4 tháng triển khai, hiệu quả là ngoài lợi nhuận đạt từ 5-8 triệu đồng/1.000m2, các hộ trồng màu ở ấp Trà Kháo có dịp so sánh kỹ thuật canh tác mới với sản xuất theo tập quán, kinh nghiệm cũ.
 
Ưu điểm nổi trội ai cũng nhận thấy là việc đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất giúp người nông dân hạn chế rủi ro về sâu bệnh, chủ động được lịch thời vụ, kéo dài chu kỳ sản xuất của cây màu, nhất là lợi nhuận thu được cao hơn hẳn cách làm cũ. Thế rồi, khi các kỹ sư soạn sửa hành lý "rút quân", bà con nông dân ở đây, sau khi bàn bạc đã mạnh dạn làm một việc chưa từng làm: đặt vấn đề "ký hợp đồng muớn kỹ sư" để áp dụng kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất.

Bà con cho biết: cứ trồng 1.000m2 cà chua, cho thu hoạch bình quân hơn 2 tấn trái, trừ mọi chi phí, lợi nhuận ròng đạt từ 7 đến 8 triệu đồng. Theo đó, mỗi héc-ta, lợi nhuận là 70 - 80 triệu đồng/vụ, điều này với người nông dân là một niềm mơ ước.

Ông Thạch Sết, một trong 17 nông dân của tổ trồng màu ấp Trà Kháo tham gia "hợp đồng mướn kỹ sư", cho biết: Sau hơn chục năm trồng màu, tự thấy hiệu quả đạt được không cao. Từ khi tham gia ký hợp đồng và được các kỹ sư chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật canh tác mới, chúng tôi đã triển khai thực hiện theo bài bản nên rất thuận lợi. Điều quan trọng là lợi nhuận thu được rất cao, thật là lợi đơn lợi kép. Các hộ nông dân sau khi ký hợp đồng đã được các "nhà khoa học của ruộng đồng" tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng màu theo hình thức "cầm tay chỉ việc".

Phấn chấn trước những ưu điểm từ kỹ thuật canh tác mới, nhất là hiệu quả kinh tế mà nó mang lại, bà con nông dân đã an tâm triển khai vụ tiếp theo (trước đây chỉ thu hoạch 1 đợt là đốn bỏ cây), hiện đang sắp cho thu hoạch. Tuy sản lượng không cao bằng chính vụ, nhưng bù lại, chi phí đầu tư rất thấp nên bà con rất háo hức.

Từ tin tưởng, tự người nông dân sẽ có những quyết định táo bạo; nhờ đó có thể tạo nên một mô hình, một phong trào, trên cơ sở đó, mô hình sẽ dễ dàng nhân rộng.

Theo "Hợp đồng mướn kỹ sư", hằng tháng, mỗi hộ nông dân sẽ bỏ ra khoảng 100.000 đồng, mỗi năm là 1,2 triệu đồng để "trả công" cho kỹ sư. Đây là chi phí "phát sinh" chưa từng có. Nhưng bù lại, lợi nhuận thu về cao hơn hẳn nhiều lần so với trước. Các kỹ sư của Trường Đại học Trà Vinh (nơi được nông dân chọn ký hợp đồng) có trách nhiệm chuyển giao, hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác.
 
Trên cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu và dự báo loại cây nào thị trường đang cần, tham mưu cho nông dân chọn trồng, động viên bà con tập trung đầu tư nhằm tạo ra nguồn hàng hóa nông sản lớn. Họ còn giúp nông dân xây dựng và làm quen với mô hình sản xuất an toàn; làm vai trò cầu nối giữa nông dân với các nhà tiêu thụ rau màu, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; tránh việc gieo trồng mang tính tự phát, manh mún và đầu ra bấp bênh như trước đây.

Đồng chí Trương Thiên Hải, Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Hòa Ân cho biết: Việc các hộ nông dân tổ trồng màu ở ấp Trà Kháo mạnh dạn thuê kỹ sư về hướng dẫn kỹ thuật canh tác mới và thành công đang được xã định hướng nhân rộng. Xã sẽ đứng ra làm cầu nối giữa nông dân với kỹ sư để "hợp đồng mướn kỹ sư" ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả. Cũng theo đồng chí, xã đang chỉ đạo xây dựng kế hoạch để tiếp tục phát triển 3 tổ trồng màu mới với 66 thành viên ở ấp Sóc Kha. Mục đích là biến các ấp vành đai của Hòa Ân thành những mô hình trồng màu, bảo đảm cả về diện tích và sản lượng theo nhu cầu thị trường. Mô hình này thành công sẽ tạo tiền đề vững chắc để Hòa Ân tiến tới mở rộng sản xuất và nâng cao sản lượng tiêu thụ rau sạch tại các siêu thị và trung tâm chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh.

Từ câu chuyện 17 nông dân Khmer ấp Trà Kháo ký hợp đồng mướn kỹ sư chuyển giao kỹ thuật trồng màu thành công, có thể thấy:

Với người nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, không gì thuyết phục bà con hơn những điều tai nghe mắt thấy. Khi cán bộ cùng lội ruộng băng đồng, cùng làm và làm thành công, sẽ được bà con tin tưởng.

Đối với những cán bộ, kỹ sư nông nghiệp, khi họ thực sự gắn bó với ruộng đồng; lời nói và việc làm đi đôi với nhau, nhất là làm thành công, sẽ giúp họ đúc rút cho mình những kinh nghiệm thực tiễn. Lý thuyết và thực tiễn nhờ đó có cơ hội được phát huy. Và càng làm, càng say mê, hứng thú; tình trạng nhàm chán "hậu đại học" bởi thất nghiệp sẽ không có cơ hội xuất hiện./.