TCCSĐT - Với chủ đề "Ðoàn kết quốc tế vì hòa bình và phát triển", Hội nghị Cấp cao Phong trào Không liên kết (Non Aligned Movement – NAM) lần thứ 15 đã khai mạc trọng thể lúc 10 giờ sáng ngày 15-7 theo giờ địa phương (14 giờ cùng ngày theo giờ Hà Nội), tại Trung tâm Hội nghị Ma-ri-tim ở thành phố Sam en-Sếch (Sharm el-Sheikh), Ai Cập. Chủ tịch đương nhiệm NAM, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cu-ba Ra-un Ca-xtrô đã tuyên bố khai mạc Hội nghị Cấp cao NAM lần thứ 15.

Hội nghị năm nay có sự tham dự của 118 đoàn đại biểu các nước thành viên NAM ở khắp các châu lục, cùng đại diện của khoảng 30 quốc gia và tổ chức quan sát viên. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu Ðoàn Việt Nam dự Hội nghị.

NAM ra đời trong cao trào giải phóng dân tộc làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ và trong bối cảnh chiến tranh lạnh có nguy cơ dẫn đến chiến tranh thế giới mới. Phong trào NAM tồn tại hơn ba thập niên và không ngừng phát triển. Số thành viên chính thức tăng hơn 4 lần, từ 25 lên 118 nước tham gia, chiếm gần 2/3 tổng số thành viên của Liên hợp quốc và 51% dân số thế giới.

Trải qua 14 Hội nghị Cấp cao, sau hơn 40 năm tồn tại, đến nay, Phong trào NAM được coi là một tập hợp lực lượng chính trị hùng hậu nhất, là diễn đàn quan trọng để các nước NAM đang phát triển hình thành tiếng nói chung đối với các vấn đề toàn cầu liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển.

Để chuẩn bị cho Hội nghị lần này, trong các ngày 11 đến 12-7 và 13 đến14-7, đã diễn ra cuộc họp các quan chức Cao cấp NAM và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NAM. Hội nghị Bộ trưởng chuẩn bị cho Hội nghị Cao cấp đã đề ra mục tiêu chính của Hội nghị NAM lần thứ 15 là xem xét các giải pháp nhằm ứng phó kịp thời trước cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính trên toàn cầu, đánh giá tình hình quốc tế và khu vực, trong đó có những vấn đề chung quan tâm như chủ nghĩa đa phương và một số vấn đề khu vực nổi lên như Trung Đông, bán đảo Triều Tiên. Hội nghị cũng đề ra kế hoạch hành động về hợp tác chính trị, kinh tế, xã hội nhằm thực hiện các mục tiêu của Phong trào; xem xét và thông qua các khuyến nghị được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NAM tại La Ha-va-na (Cu-ba) tháng 4-2009.

Các nước thành viên của NAM đã nhất trí Hội nghị lần này sẽ tập trung vào chủ đề “Tăng cường đoàn kết vì hòa bình và phát triển”.

Đoàn kết vì hòa bình và phát triển

Tình hình hiện nay cho thấy các nước đang phát triển vẫn tiếp tục đứng trước nguy cơ bị can thiệp và bị áp đặt gây phương hại đến việc bảo vệ độc lập chủ quyền và lợi ích quốc gia của mình. Do vậy, Phong trào là một diễn đàn để các nước đang phát triển phối hợp với nhau, góp phần bảo vệ lợi ích, an ninh quốc gia và sự phát triển của mình, chống sự áp đặt của các nước lớn và chống sự bất bình đẳng trong quan hệ Bắc - Nam, để phối hợp lập trường chung tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác.

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Cấp cao NAM lần thứ 15, Tổng thống Ai Cập Mu-ham-mát Hót-ni Mu-ba-rắc (Muhammad Hosni Mubarak) khẳng định, với vai trò là nước Chủ tịch luân phiên của NAM trong ba năm tới, Ai Cập sẽ nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của NAM, tăng cường thực hiện các mục tiêu, tuyên bố và sáng kiến của Phong trào một cách rõ ràng, hợp tác với tất cả các nước thành viên, hỗ trợ nâng cao vai trò và vị thế của NAM trên trường quốc tế.

Tổng thống Mu-ba-rắc cũng đã điểm lại những thách thức mà NAM phải đối mặt và sự cần thiết phải có kế hoạch đối phó; đồng thời đề cập những vấn đề nóng ở các khu vực và quốc tế hiện nay, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, khủng hoảng lương thực, năng lượng, vấn đề an ninh, hòa bình, ổn định ở Trung Đông và các nước thuộc phong trào.

Tổng thống Mu-ba-rắc kêu gọi tăng cường hợp tác, đối thoại quốc tế trong khuôn khổ hợp tác Nam - Nam, đồng thời nhấn mạnh, hòa bình và phát triển là mục tiêu của NAM. Con đường để đạt được mục tiêu này là tăng cường đảm bảo quốc tế, hợp tác xây dựng giữa tất cả các nước. Để có hòa bình và ổn định quốc tế trước những khó khăn và thách thức, NAM cần cùng nhau nỗ lực hỗ trợ cho sự phát triển, giải quyết các thách thức.

Việt Nam với Phong trào Không liên kết

Việt Nam đã sớm gắn bó, đóng góp vào những mục tiêu và quá trình hình thành NAM từ trước khi trở thành thành viên chính thức của Phong trào. Năm 1955, Việt Nam là một trong 29 nước tham gia Hội nghị Á-Phi tại Băng-đung ở In-đô-nê-xi-a, được coi là hội nghị tiền thân của Phong trào NAM. Từ năm 1970-1973, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam làm quan sát viên, rồi làm thành viên Phong trào. Năm 1976, tại Hội nghị cấp cao 5 (Sri Lan-ka), nước Việt Nam thống nhất gia nhập Phong trào.

Tại Hội nghị Cấp cao NAM lần thứ 15 này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có bài phát biểu tập trung vào vấn đề hòa bình, phát triển và tăng cường đoàn kết trong Phong trào, nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác và vị trí của Phong trào trước những thách thức trong tình hình mới, trước hết là khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Phát biểu trong phiên thảo luận chung của trưởng đoàn đại biểu các nước thành viên dự Hội nghị Cấp cao NAM lần thứ 15, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh chủ đề “Đoàn kết quốc tế vì hoà bình và phát triển” của Hội nghị lần này thể hiện mong muốn hòa bình của NAM, một trong những phong trào phấn đấu vì hòa bình lớn nhất của thời đại. Các nước đang phát triển luôn là nạn nhân của chiến tranh, xung đột, chính sách cường quyền. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, trên thế giới đã xảy ra hàng trăm cuộc chiến tranh, xung đột, và tuyệt đại đa số đều diễn ra ở các nước đang phát triển. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết kêu gọi NAM cần tăng cường đoàn kết hơn nữa để cùng nhau phấn đấu cho những mục tiêu cao cả trên cơ sở kiên trì các nguyên tắc của Phong trào. Việt Nam cực lực lên án các cuộc chiến tranh xâm lược, vì đó là các cuộc chiến tranh phi nghĩa, là tội ác, đặc biệt lên án những thế lực gây ra chiến tranh, và luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực nhằm sớm có giải pháp hòa bình cho các bất đồng quốc tế và xung đột khu vực.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kêu gọi NAM cần tăng cường đoàn kết hơn nữa để cùng nhau phấn đấu cho những mục tiêu cao cả trên cơ sở kiên trì các nguyên tắc của Phong trào. Ðó là các nguyên tắc tôn trọng bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ, tăng cường hữu nghị, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực nhằm sớm có giải pháp hòa bình cho các bất đồng quốc tế và xung đột khu vực.
 
Trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HÐBA LHQ), Việt Nam dành ưu tiên cao nhất cho việc góp phần ngăn ngừa xung đột, giải quyết một cách hòa bình các cuộc tranh chấp; kiên trì lập trường là HÐBA LHQ cần hoạt động phù hợp với Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Việt Nam chia sẻ quan điểm chung của các nước NAM là ủng hộ quyền con người như những giá trị phổ cập của nhân loại, và cho rằng, không có một mô hình dân chủ duy nhất đối với mọi quốc gia, phản đối việc sử dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền làm công cụ chính trị can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, coi đó là biểu hiện của chủ nghĩa thực dân, vi phạm thô bạo quyền con người cơ bản nhất là quyền dân tộc tự quyết và cản trở hợp tác quốc tế trên cơ sở đối thoại, tôn trọng lẫn nhau.

Chủ tịch nước đề nghị các nước NAM tăng cường phối hợp lập trường chặt chẽ hơn nữa tại LHQ và các thể chế quốc tế khác để triển khai có hiệu quả các biện pháp kích cầu, chống chủ nghĩa bảo hộ, cải cách hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế, hỗ trợ nguồn lực và tạo thêm các điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực ứng phó khủng hoảng, thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ ở các nước đang phát triển. Hợp tác Nam - Nam cần đi vào các hoạt động thiết thực, mở rộng quan hệ thương mại, sử dụng các cơ chế xử lý chung về tài chính, tiền tệ giữa các nước đang phát triển trong khuôn khổ khu vực và liên khu vực, trao đổi kinh nghiệm về xử lý những thách thức mới trong quá trình phát triển. Việt Nam ủng hộ sự tham gia tích cực của NAM vào quá trình trao đổi, thương lượng để xây dựng các chiến lược, chương trình và cơ chế quốc tế vì sự phát triển bền vững thông qua việc đồng thời xử lý thách thức của khủng hoảng năng lượng, lương thực, dịch bệnh, biến đổi khí hậu.../.