Chúng tôi, Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, nhất trí rằng, tăng trưởng kinh tế, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu là những thách thức quan trọng và liên quan lẫn nhau đối với khu vực APEC.

Sự năng động của APEC, dựa trên nền tảng thương mại và đầu tư mở, đã giúp giảm đói nghèo, nâng cao mức sống và mang lại những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội.

Thành công này một phần nhờ vào các nguồn cung cấp năng lượng được đảm bảo. Song việc sử dụng năng lượng cũng dẫn đến những vấn đề về chất lượng không khí và phát thải khí nhà kính.

Một thách thức lớn đối với APEC là tìm ra những hướng đi mới để phát triển sạch và bền vững như mong muốn của 41% dân số thế giới trong khu vực. Chúng tôi cam kết sẽ có những hành động tham vọng trên nhiều lĩnh vực để đảm bảo cam kết về năng lượng của khu vực, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đến chất lượng môi trường và đóng góp vào việc giảm phát thải khí thải nhà kính.

Hành động quốc tế trong tương lai

Chúng tôi tái khẳng định cam kết đối với Công ước khung Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC). Trên cơ sở các nguyên tắc của UNFCCC, chúng tôi tin tưởng rằng những yếu tố sau đây là nền tảng cho một thỏa thuận quốc tế công bằng và hiệu quả về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2012.

Tính toàn diện

Chúng ta cần phối hợp trên phạm vi quốc tế với sự đóng góp của tất cả các nền kinh tế một cách công bằng, hiệu quả cả về kinh tế lẫn môi trường đối với các mục tiêu toàn cầu chung.

Tôn trọng sự khác biệt về năng lực và hoàn cảnh của các nền kinh tế

Thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu trong tương lai cần phản ảnh sự khác biệt về điều kiện kinh tế, xã hội giữa các nền kinh tế và nhất quán với nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt và phù hợp với năng lực của các nền kinh tế.

Tính linh hoạt

Để đảm bảo tính toàn diện của các nỗ lực toàn cầu, chúng tôi ủng hộ một thỏa thuận quốc tế linh hoạt, tôn trọng những cách tiếp cận đa dạng, ủng hộ các hành động thực tế và hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực liên quan tới thay đổi khí hậu. Chúng tôi ủng hộ việc các nền kinh tế tự đưa ra những đóng góp có thể đo đếm được đối với mục tiêu toàn cầu chung và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vận hành hiệu quả các cơ chế thị trường.

Vai trò quan trọng của các nguồn năng lượng và công nghệ ít phát thải và không phát thải

Nhiên liệu sẽ tiếp tục đóng vai trong quan trọng đối với nhu cầu năng lượng của khu vực và thế giới. Hợp tác nghiên cứu và phát triển, áp dụng và chuyển giao các công nghệ ít phát thải để sử dụng nhiên liệu, nhất là than đá, một cách ít ô nhiễm hơn là rất cần thiết. Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đa dạng hóa các nguồn năng lượng và cung cấp năng lượng, bao gồm cả năng lượng tái sinh, cũng sẽ rất quan trọng. Năng lượng hạt nhân, đối với các nền kinh tế lựa chọn sử dụng loại năng lượng này một cách an toàn, đảm bảo an ninh, không phổ biến, cũng có thể góp phần giảm phát thải.

Tầm quan trọng của rừng và việc sử dụng đất

Quản lý rừng bền vững và các thông lệ về sử dụng đất đóng vai trò chủ đại trong chu kỳ cac-bon và cần được đưa vào thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu sau năm 2012.

Thúc đẩy thương mại và đầu tư mở

Việc thực hiện các chính sách biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng cần tránh tạo ra rào cản đối với thương mại và đầu tư. Các chính sách thương mại, đầu tư và môi trường mở là tối quan trọng để truyền bá các mô hình, công nghệ hay sản phẩm phát thải thấp.

Hỗ trợ các chiến lược thích ứng hiệu quả

Thích ứng với tác động của thay đổi khí hậu là ưu tiên của chiến lược phát triển quốc gia. Cộng đồng quốc tế cần ủng hộ nỗ lực này, thông qua trao đổi chính sách, hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ.

Ủng hộ một thỏa thuận hợp tác quốc tế về biển đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2012

Chúng tôi cam kết thực hiện mục tiêu ổn định mức tích tụ khí nhà kính trong khí quyển ở một mức độ nhất định, ngăn chặn tác động tiêu cực của con người đối với hệ thống khí hậu. Thế giới cần phải giảm, dừng và cuối cùng là đảo ngược tình trạng gia tăng phát thải khí nhà kính.

Do đó, chúng tôi kêu gọi một thỏa thuận hợp tác quốc tế mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2012, dựa trên những yếu tố kể trên, củng cố, mở rộng và đi sâu hơn so với những thỏa thuận hiện tại, giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Các nền kinh tế thành viên APEC là thành viên của UNFCCC đồng ý hợp tác một cách tích cực với tinh thần xây dựng để tiến tới một thỏa thuận hợp tác quốc tế cho giai đoạn sau năm 2012 tại Hội nghị các Bên tham gia UNFCCC năm nay. Chúng tôi nhiệt tình ủng hộ In-đô-nê-xi-a trong vai trò Chủ tịch của Hội nghị này tại Ba-li vào tháng 12.

Chúng tôi đồng ý hợp tác để đạt được sự hiểu biết chung về một mục tiêu toàn cầu dài hạn mong đợi về giảm phát thải làm cơ sở cho một thỏa thuận quốc tế hiệu quả cho giai đoạn sau năm 2012. Chúng tôi trân trọng nỗ lực của Nhật Bản và Ca-na-đa trong việc đề xuất một mục tiêu toàn cầu dài hạn.

Chúng tôi cũng hoan nghênh sáng kiến của Mỹ trong việc triệu tập hội nghị của một nhóm các nền kinh tế chủ chốt để tìm kiếm sự nhất trí về mức đóng góp cụ thể đối với một thỏa thuận toàn cầu trong khuôn khổ UNFCCC.

Chúng tôi tán thành việc hợp tác toàn cầu, khu vực cũng như song phương nhằm thúc đẩy phát triển sạch. Chúng tôi nhận thức rằng Liên Hợp quốc là một diễn đàn đa phương thích hợp với đàm phán về thay đổi khí hậu.

Chương trình hành động APEC

Chúng tôi đưa ra một chương trình hành động hợp tác thực tế và các sáng kiến trong APEC nhằm bổ sung cho nỗ lực của các nền kinh tế APEC trong khuôn khổ các diễn đàn khác. Những sáng kiến này được xây dựng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và phát triển và đóng góp hơn nữa vào việc giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu, nhất quán với các mục tiêu và nguyên tắc của UNFCCC. Chương trình Hành động được nêu trong phụ lục kèm tuyên bố này. Tóm lại, không định kiến với các cam kết trong khuôn khổ các diễn đàn khác, chúng tôi quyết định:

- Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng bằng cách hợp tác để đạt mục tiêu mong đợi để giảm cường độ sử dụng năng lượng trên toàn khu vực xuống ít nhất 25% vào năm 2003 (lấy năm 2005 làm mốc).

- Hợp tác để đạt mục tiêu mong đợi về tăng độ che phủ rừng của toàn APEC lên thêm ít nhất 20 triệu ha tất cả các loại rừng vào năm 2020 - nếu đạt mục tiêu này, rừng có thể hấp thụ thêm xấp xỉ 1,4 tỉ tấn các-bon, tương đương 11% phát thải toàn cầu hằng năm (mức năm 2004).

- Thành lập mạng lưới Công nghệ năng lượng châu Á - Thái Bình Dương (APNet) nhằm tăng cường hợp tác nghiên cứu năng lượng trong khu vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nhiên liệu sạch và nguồn năng lượng tái sinh.

- Thành lập mạng lưới châu Á - Thái Bình Dương về Quản lý và Khôi phục Rừng bền vững nhằm tăng cường, nâng cao năng lực và trao đổi thông tin trong lĩnh vực lâm nghiệp.

- Tăng cường các biện pháp trong lĩnh vực thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường, vận tải hàng không, năng lượng thay thế, sử dụng năng lượng có hàm lượng các-bon thấp hoặc không có các-bon, bảo vệ các tài nguyên sinh vật biển, nâng cao năng lực phân tích chính sách và hướng tiếp cận cùng có lợi.

Kết luận

Khu vực APEC có vai trò lớn trong việc đưa ra những giải pháp toàn cầu nhằm đối phó với thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển sạch. Tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghệ là những yếu tố không thể thiếu đối với cách tiếp cận của chúng ta trong tương lai. Quy mô của những thách thức này đòi hỏi những phương thức hợp tác quốc tế mới và tiên tiến.

Các lãnh đạo APEC chúng tôi cam kết sẽ kết hợp với cộng đồng quốc tế nhằm tìm ra một giải pháp toàn cầu vững bền đối với vấn đề thay đổi khí hậu.

Phụ lục : Chương trình hành động

Các hoạt động hợp tác và sáng kiến sau đây của APEC về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển sạch là những đóng góp bổ trợ cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu, nhất quán với mục tiêu và nguyên tắc của UNFCCC. Hợp tác nghiên cứu, phát triển, áp dụng và chuyển giao các loại công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai chương trình hành động này.

Hiệu quả năng lượng

Nâng cao Hiệu quả năng lượng là một cách tăng cường an ninh năng lượng và giải quyết vấn đề phát thải khí nhà kính ít tốn kém, trong khi vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển. Không định kiến đối với các cam kết trong khuôn khổ các diễn đàn khác, chúng tôi:

- Đồng ý hợp tác nhằm hướng tới đạt được mục tiêu mong đợi về giảm cường độ sử dụng năng lượng trên toàn khu vực APEC xuống ít nhất 25% vào năm 2030 (lấy năm 2005 làm mốc).

- Khuyến khích tất cả các nền kinh tế APEC đưa ra những mục tiêu và kế hoạch hành động riêng nhằm nâng cao hiệu quả năng lượng, có tính đến mục tiêu mong đợi này và phản ánh sự khác biệt về hoàn cảnh giữa các nền kinh tế.

- Đồng ý tạo thuận lợi và kiểm điểm kết quả thực hiện thông qua Cơ chế Rà soát chéo về Năng lượng trong APEC, do các Bộ trưởng Năng lượng APEC đưa ra tháng 5-2007, và báo cáo cho các Lãnh đạo APEC vào năm 2010.

Rừng

Rừng có thể đóng vai trò rất quan trọng trong chu kỳ các-bon. Ngay thời điểm này, cần phải có những hành động nhằm khuyến khích trồng rừng mới, tái trồng rừng, giảm phá rừng và cháy rừng, kể cả thông qua tăng cường quản lý rừng bền vững, chống khai thác gỗ trái phép và giải quyết các nguyên nhân kinh tế xã hội sâu xa. Do đó, chúng tôi:

- Nhất trí hợp tác nhằm đạt mục tiêu mong đợi trong khu vực về tăng mức che phủ rừng trong khu vực APEC thêm ít nhất 20 triệu héc ta tất cả các loại rừng vào năm 2020.

- Hoan nghênh Sáng kiến Toàn cầu Rừng và Khí hậu đưa ra tại Xít-ni tháng 7-2007.

- Nhất trí thành lập Mạng lưới châu Á - Thái Bình Dương về quản lý và Khôi phục Rừng bền vững nhằm tăng cường xây dựng năng lực và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực lâm nghiệp. Sự phối hợp giữa các sáng kiến của khu vực về rừng, bao gồm cả Đối tác Rừng châu Á, sẽ đóng vai trò quan trọng.

- Phối hợp với các tổ chức quốc tế liên quan để xây dựng các đối tác về rừng và các-bon do Ngân hàng Thế giới đề xuất.

Đổi mới, sáng tạo và công nghệ ít thải

Hợp tác nghiên cứu, phát triển, áp dụng và chuyển giao công nghệ ít phát thải đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực chung của chúng ta nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Do đó, chúng tôi:

- Nhất trí thành lập Mạng lưới Công nghệ Năng lượng châu Á- Thái Bình Dương (APNet) nhằm tăng cương hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu năng lượng trong khu vực. Mọi cơ quan nghiên cứu trong khu vực đều có thể tham gia mạng lưới này. Mục tiêu của Mạng lưới là thúc đẩy liên kết hợp tác trong các lĩnh vực như nhiên liệu sạch và năng lượng tái sinh. APNet sẽ được chính thức thành lập tại một hội nghị lớn về nghiên cứu năng lượng trong năm 2008.

Sử dụng năng lượng thay thế các-bon hoặc ít phát thải các-bon

Việc tăng cường sử dụng năng lượng có hàm lượng các-bon thấp đòi hỏi phải có các hệ thống chính sách và quy định chặt chẽ. Do đó, chúng tôi:

- Nhất trí tăng cường các chính sách thúc đẩy việc sử dụng các loại năng lượng ít phát thải và không phát thải, đặc biệt trong lĩnh vực than sạch, hấp thụ và lưu trữ các-bon thông qua các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Nhóm Công tác Năng lượng của APEC;

- Ủng hộ việc phát triển các chuẩn mực về tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng sinh học của khu vực thông qua các hoạt động của Nhóm Công tác Nhiên liệu Sinh học của APEC;

- Hoan nghênh các hoạt động đang diễn ra trong khuôn khổ các đối tác quốc tế liên quan đến nhiều, gồm các hoạt động trong lĩnh vực mê-tan, hy-đrô, năng lượng tái sinh, cô lập các-bon, Đối tác châu Á - Thái Bình Dương về Phát triển sạch và Khí hậu. Những nỗ lực này đang thúc đẩy các công nghệ sạch then chốt mới.

An ninh năng lượng

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng đối với khu vực của các nguồn cung ứng năng lượng bảo đảm và giá hợp lý. Điều này có vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Chúng tôi cũng cam kết tiếp tục các nỗ lực trong khuôn khổ APEC nhằm giải quyết nhu cầu năng lượng dài hạn của khu vực.

Thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường

Một hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu mở là yếu tố rất quan trọng đối với các mục tiêu về phát triển sạch của chúng ta và việc mở cửa thị trường trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ thúc đẩy các mục tiêu của chúng ta về khí hậu và an ninh năng lượng. Do đó, chúng tôi nhất trí tại Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC 2008 sẽ rà soát và thảo luận về những tiến bộ đã đạt được trong khuôn khổ vòng đàm phán Đô-ha của WTO về tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường.

Vận tải hàng không

Chúng tôi nhận thấy sự cần thiết của các hoạt động hợp tác nhằm giải quyết vấn đề phát thải trong lĩnh vực hàng không. Do đó, chúng tôi:

- Nhất trí rằng bất kỳ nỗ lực toàn cầu nào trong tương lai nhằm giải quyết ảnh hưởng của khí thải hàng không đối với khí hậu đều phải tính tới quyền lợi của tất cả các nền kinh tế, quan điểm của tất cả các thành viên APEC, công nhận vai trò lãnh đạo của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) trong việc xây dựng một cách tiếp cận cân bằng đối với khí thải hàng không trên cơ sở đồng thuận và các công cụ pháp lý quốc tế.

- Ủng hộ các nỗ lực hợp tác công - tư trong APEC, do các Bộ trưởng Giao thông APEC đưa ra tháng 3-2007, nhằm thúc đẩy các chương trình hợp tác hiệu quả về giảm phát thải khí thải nhà kính trong khu vực.

- Nhất trí tổ chức Hội thảo Chiến lược APEC khu vực công - tư lần thứ hai về Các biện pháp Đối phó với Phát thải Hàng không vào đầu năm 2008 nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực trọng yếu như hệ thống quản lý giao thông hàng không, thiết kế máy bay và nhiên liệu thay thế.

Năng lực phân tích chính sách

Tăng cường hợp tác đối thoại, chính sách và kỹ thuật là cơ sở quan trọng cho các nỗ lực của chúng ta. Do đó, chúng tôi:

- Ghi nhận tầm quan trọng của việc trao đổi quan điểm về công cụ chính sách thống nhất và hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả sử dựng năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

- Nhất trí tăng cường hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu mô hình kinh tế trong khu vực và các tổ chức liên quan khác để trao đổi quan điểm và chuyên môn về các hướng tiếp cận trong việc đánh giá tác động kinh tế của các chính sách về biến đổi khí hậu, gồm cả các biện pháp giúp các nền kinh tế và xã hội thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Biển và các tài nguyên ven biển

Biển và các tài nguyên ven biển bền vững là một bộ phận cấu thành của chu kỳ các-bon. Do đó chúng tôi hoan nghênh Sáng kiến Tam giác San hô về các quần thể san hô, nghề cá và an ninh thực phẩm nhằm tăng cường bảo vệ tài nguyên biển.

Thúc đẩy cách tiếp cận cùng có lợi

Chúng tôi ủng hộ một cách tiếp cận nhằm giải quyết những thách thức toàn cầu về môi trường đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững.