Việt Nam đã sẵn sàng rồi!

16:44, ngày 10-09-2007

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết vẫy tay chào khi đặt chân tới Xit-ni tham dự hội nghị cấp cao APEC 15.

Đó là thông điệp quan trọng của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và đoàn Đại biểu cấp cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đem tới Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương lần thứ 15 (APEC-15), tổ chức tại Thành phố Xít-ni (Ốt -xtrây-li-a) vừa qua.

Trong thời gian tham gia Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã có những hoạt động quan trọng tại các phiên họp chính và các cuộc gặp gỡ, các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo là thành viên của APEC, các doanh nhân và các đối tác của Việt Nam đang tham dự Hội nghị APEC-15.

Tại các phiên họp chính và các cuộc gặp bên lề hội nghị, Chủ tịch nước đã bày tỏ quan điểm và quyết tâm của Việt Nam hướng tới chủ đề Hội nghị “Củng cố cộng đồng của chúng ta, xây dựng một tương lai bền vững” theo đề xuất của nước chủ nhà APEC-15, và sáu vấn đề quan trọng cần tập trung bàn thảo: Thay đổi khí hậu và phát triển sạch; APEC ủng hộ hệ thống thương mại đa biên và WTO; Hội nhập kinh tế khu vực: trong đó bao gồm nghiên cứu thành lập Khu vực mậu dịch tự do châu Á- Thái Bình Dương (FTAAP); An ninh con người; Cải cách APEC; Kết nạp thành viên mới.

Phát biểu ý kiến về chủ đề “Biến đổi khí hậu, An ninh năng lượng và Phát triển sạch” tại phiên họp kín thứ nhất(1) của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC (chiều 8-9-2007 theo giờ địa phương), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhấn mạnh: “Với 84 triệu dân và hơn 3.200km bờ biển, Việt Nam là một trong những nền kinh tế dễ bị tổn thương khi nước biển dâng do biến đổi khí hậu gây ra. Vì vậy, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 1994 và Nghị định thư Ky-ô-tô năm 2002. Việt Nam đề nghị các nền kinh tế phát triển tăng cường hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển về tài chính, kỹ thuật, công nghệ để giải quyết các cơ chế phát triển sạch. Với tinh thần xây dựng một APEC ngày càng phồn vinh, thịnh vượng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ủng hộ việc APEC cần có tiếng nói mạnh mẽ thúc đẩy những nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.

Đề cập tới chủ đề “WTO và vòng đàm phán Đô-ha”, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đang theo dõi sát sao mọi tiến triển liên quan đến vòng đàm phán Đô-ha và cố gắng góp phần khai thông bế tắc của vòng đàm phán này. APEC cần đóng góp tích cực để góp phần củng cố WTO và thúc đẩy vòng đàm phán Đô-ha sớm kết thúc thành công. Chủ tịch đề nghị cần lưu ý các quy định đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển, đặc biệt là cho các nước mới gia nhập WTO như Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết.
 
Các nhà lãnh đạo APEC trong trang phục
truyền thống của Australia
.
Kết thúc phiên họp kín thứ nhất, các nhà lãnh đạo APEC đã nhất trí thông qua “Tuyên bố Xít-ni về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển sạch”, đồng thời kêu gọi một thỏa thuận hợp tác quốc tế mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2012; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng bằng cách hợp tác để đạt mục tiêu mong đợi về giảm cường độ sử dụng năng lượng trên toàn khu vực xuống ít nhất 25% vào năm 2030 (lấy năm 2005) làm mốc; hợp tác để đạt mục tiêu mong đợi về tăng độ che phủ của rừng toàn APEC lên thêm ít nhất 20 triệu ha tất cả các loại rừng vào năm 2020.

Trong Tuyên bố chung về vòng đàm phán Đô-ha”, các nhà lãnh đạo APEC cam kết sẽ phấn đấu để trong năm nay các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Vòng đàm phán Đô-ha sẽ bước vào chặng cuối.

Phát biểu sau phiên họp kín thứ nhất, với việc các nhà lãnh đạo APEC nhất trí Tuyên bố Xít-ni về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển sạch, Thủ tướng Ôt-xtrây-lia, ông Giôn Hô-uốt nói: “Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình đạt được thống nhất toàn cầu về vấn đề biến đổi khí hậu. Điều đó chứng tỏ rằng APEC là một tổ chức rất năng động và có sức bật. Điều đó cũng cho thấy sự đồng thuận của các thành viên trong APEC.

Tại phiên họp kín thứ hai, các nhà lãnh đạo APEC thảo luận các chủ đề: hội nhập kinh tế khu vực, bao gồm việc xây dựng khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương; cải cách cơ cấu; an ninh con người; cải cách APEC và việc mở rộng APEC. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ủng hộ việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho đây là việc tiếp nối một cách hiệu quả những thoả thuận đạt được tại Hội nghị cấp cao APEC tại Hà Nội năm 2006. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kiến nghị việc nghiên cứu cách thức và phương tiện thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần được đặt trên nền tảng cơ bản của APEC là hỗ trợ WTO và Mục tiêu Bogor về tự do hoá và tạo thuận lợi thương mại đầu tư, đồng thời APEC cần dành ưu tiên về nguồn lực để thực hiện những mục tiêu cơ bản này trước khi đi sâu vào các sáng kiến hội nhập khu vực khác.

Đề cập vấn đề an ninh con người, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu rõ, an ninh con người là vấn đề mang tính sống còn, gắn liền với sự ổn định và thịnh vượng của mọi quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành động khủng bố, ủng hộ những nỗ lực của APEC nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố và tạo môi trường an toàn, thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị các sáng kiến của APEC về chống khủng bố cần đi kèm với các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực để bảo đảm sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của tất cả các thành viên. Đối với việc phòng chống thiên tai, dịch bệnh, từ kinh nghiệm của Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề xuất việc tăng cường chia sẻ thông tin, đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các hiểm hoạ. Chủ tịch nước cũng kêu gọi các nền kinh tế phát triển trong APEC dành nhiều hỗ trợ hơn nữa cho các nền kinh tế đang phát triển nhằm phòng chống hiệu quả thiên tai, dịch bệnh.

Bên lề Hội nghị Cấp cao APEC-15, trưa ngày 7-9-2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tham dự cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ và các nhà lãnh đạo ASEAN là thành viên của APEC. Trong cuộc gặp gõ quan trọng này, Tổng thống G.Bu-sơ và các nhà lãnh đạo ASEAN tập trung thảo luận việc tăng cường quan hệ thương mại, hợp tác chống khủng bố, chống cúm gia cầm, vấn đề thay đổi khí hậụ. Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ đã tuyên bố sẽ cử một đại sứ tại ASEAN nhằm thắt chặt quan hệ giữa Mỹ và ASEAN.

Ảnh: Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Cộng hòa Chi-lê trong cuộc gặp gỡ song phương

Chiều ngày 7-9-2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc gặp với Tổng thống Cộng hòa Chi-lê và Tổng thống Hàn Quốc; tham gia diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ôt-xtrây-lia; tiếp Tổng giám đốc Tập đoàn An-cô-a Ua-rit A-lu-mi-na (Alcoa worid Alumina) của Mỹ ...Trong cuộc gặp gỡ Tổng thống Chi-lê Mi-sen Ba-chê-lê (Michell Bachelet), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Chi-lê đã trao đổi quan điểm về các vấn đề kinh tế - xã hội; thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa hai nước và hợp tác trên diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, WTO và APEC. Tổng thống Cộng hòa Chi-lê đã tuyên bố công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Đây là một sự ủng hộ đầy thiện chí và hiểu biết của Chi-lê đối với Việt Nam. Cuộc gặp gỡ này đã một lần nữa khẳng định tình hữu nghị và hợp tác đang phát triển nhanh giữa hai nước.
 

Ảnh: cuộc gặp của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với Tổng thống Hàn Quốc Ro Mu-hiên.

Trong cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Rô Mu-hiên, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vui mừng nhận thấy quan hệ giữa hai nước trong 15 năm qua đã phát triển nhanh chóng, hiệu quả và đã trở thành đối tác toàn diện, quan trọng của nhau, tạo cơ sở vững chắc để bước vào giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ hơn. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết mong Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp nước này đầu tư vào Việt Nam với quy mô lớn hơn. Nhà nước Việt Nam sẽ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ôt-xtrây-lia, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã đánh giá: quan hệ giữa Việt Nam và Ôt-xtrây-lia đang ở vào thời điểm tốt đẹp nhất từ trước tới nay và đang phát triển nhanh trên tất cả các lĩnh vực, chính trị, ngoại giao, kinh tế và các vấn đề xã hội. Đây là điều kiện thuận lợi để giới doanh nhân hai nưiớc mở rộng hợp tác với nhau. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng kêu gọi các nhà đầu tư Ôt-xtrây-lia; kể cả Việt kiều đang sinh sống tại Ôt-xtrây-lia tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam luôn sẵn sàng đón nhận và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Ôt-xtrây-lia vào làm ăn ở Việt Nam vì lợi ích của cả hai bên. Chính phủ Việt Nam đang tiến hành cải cách thủ tục hành chính để tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn hơn.

Chủ tịch nước cũng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tiếp xúc, thiết lập quan hệ đối tác và học hỏi kinh nghiệm phát triển của các doanh nghiệp Ôt-xtrây-lia vì mhiều doanh nghiệp Ôt-xtrây-lia thuộc tầm cỡ thế giới. Chủ tịch nước đã chứng kiến lễ ký kết 5 thỏa thuận giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Ôt-xtrây-lia về xây dựng khu công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản...

Trong cuộc thảo luận bàn tròn với đại diện Liên minh doanh nghiệp Mỹ tại APEC, một tổ chức được thành lập từ năm 1993, với nhiệm vụ điều phối hoạt động của giới doanh nghiệp Mỹ tại Diễn đàn APEC, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, nhấn mạnh: Việt Nam đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Nhà nước sẽ làm tốt chức năng vĩ mô, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động tại Việt Nam. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, tin tưởng, các tập đoàn của Mỹ với thế mạnh về công nghệ chắc chắn sẽ tìm thấy nhiều cơ hội làm ăn tại Việt Nam.

Vào lúc 11 giờ 30 phút trưa ngày 9-9 (theo giờ Hà Nội), Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 15 đã bế mạc với việc các nhà lãnh đạo APEC ra Tuyên bố chung. Kết thúc Tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo APEC hoan nghênh lời mời của Tổng thống Pe-ru dự hội nghị cấp cao APEC lần thứ 16 tại Li-ma, thủ đô của Peru vào năm 2008.



(1) Hai chủ đề được đưa ra thảo luận tập trung tại phiên họp kín thứ nhất là: “Biến đổi khí hậu, An ninh năng lượng và Phát triển sạch” ; “ WTO và vòng đàm phán Đô-ha”.