"Cái bắt tay" đầy hứa hẹn của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) với hãng hàng không AirAsia (Malaixia) để thành lập hãng hàng không mới tại Việt Namđã thực sự "lên dây cót" cho một cuộc đua trên thị trường hàng không Việt Nam.

Cùng với đó, việc Ủy ban Lữ hành và Du lịch Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 4 trong số 10 điểm đến hấp dẫn nhất toàn cầu hứa hẹn những làn sóng du khách tiếp tục đổ vào Việt Nam, đồng nghĩa với cơ hội rộng mở cho ngành kinh doanh hàng không Việt Nam.

Tăng chuyến trên các đường bay đã có là động thái đầu tiên của hàng chục hãng bay trong nước và quốc tế, khởi động cho cuộc chiến cạnh tranh giành thị phần được nhìn thấy trước là sẽ rất sôi động nhưng cũng không kém phần cam go, quyết liệt.

Hãng hàng không Nhật Bản All Nippon Airway tăng tần suất bay Thành phố Hồ Chí Minh - Tôkyô lên thêm một chuyến mỗi tuần, đưa tổng số chuyến trên tuyến này lên5 chuyến/tuần. Thai Airway tăng chuyến cho đường bay Thành phố Hồ Chí Minh - Băng Cốc kể từ tháng 10/2007, nâng tổng số chuyến bay đến Thành phố Hồ Chí Minh lên 17 chuyến và tổng số chuyến bay tới Việt Namlên 31 chuyến/tháng. Còn Hongkong Airlines thông báomở đường bay tới Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 9/9 tới.

Bên cạnh đó, nhiều hãng "hút" khách hàng bằng cách đổi loại máy bay khai thác thân rộng và nhiều chỗ hơn như Malaysia Airlines trên đường bay Cuala Lămpơ - Hà Nội/Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng AirAsia, ngoài việcchính thức hợp tác với Vinashin để thành lập hãng hàng không mới, cũng đang chuẩn bị mở tuyến bay Thành phố Hồ Chí Minh - Cuala Lămpơ. Nok Air - một hãng hàng không giá rẻ của Thái Lan - đang xin phép Cục Hàng không Việt Nam cấp phép cho các chuyến bay của họ tới Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Trước bước đi mạnh mẽ của các hãng hàng không quốc tế, các hãng hàng không trong nước cũng bắt đầu tăng tốc. Vào ngày 21/9 tới, Pacific Airlines -một trong 3 hãng hàng không khai thác thị trường nộiđịa -sẽ mở thêm tuyến bay Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang nhằm thu hút khách du lịch trong nước. Trước đó, Vietnam Airlines cũng tăng cường đường bay Hà Nội - Busan phục vụ cho các doanh nhân và khách du lịch của Việt Nam, Hàn Quốc.

Theo ông Võ Huy Cường, Trưởng ban Vận tải Hàng không (Cục Hàng không Việt Nam), hiện có tới 35 hãng hàng không nước ngoài đang khai thác thị trường vận tải hàng không Việt Nam. Mức độ cạnh tranh gay gắt nhất chủ yếu tại các đường bay khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á - những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao. Các hãng hàng không Việt Nam đang phải đối đầu trực tiếp với các đối thủ mạnh như Thai Airway, Xinhgapo Airlines cùng các hãng hàng không giá rẻ như Tiger Airway, AirAsia và sắp tới có thể là Vina AirAsia.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, năm 2006, tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam đạt xấp xỉ 12 triệu khách và 264.000 tấn hàng hóa, mức tăng trưởng lần lượt là 16% và 14%. Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam chiếm 45,5% thị phần hành khách và 33,2% thị phần hàng hoá.

Đầu năm nay, Cục Hàng không Việt Nam dự báo số hành khách thông qua các cảng hàng không trong cả nước sẽ là 19,5 triệu người trong năm 2007. Tuy nhiên, cùng với việc đưa vào hoạt động nhà ga hành khách mới tại sân bay Tân Sơn Nhất và lượng khách du lịch có dấu hiệu tăng cao, con số này còn sẽ còn cao hơn nhiều so với dự báo.