TCCSĐT - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thông báo kết luận nêu rõ, năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Trước những yêu cầu mới về xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, việc củng cố niềm tin trong nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phối hợp củng cố, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận xã hội, thống nhất cao về tư tưởng và hành động, phấn đấu thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao hiệu quả phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại năm 2018. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2018); tổ chức các hoạt động kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2018) và Ngày hội đại đoàn kết dân tộc năm 2018.

Phối hợp đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước góp phần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội; tổ chức hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; tiếp tục khơi dậy phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, cách làm tốt, chú trọng đổi mới sáng tạo; giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; tôn vinh giá trị nhân văn, văn minh tiến bộ, đấu tranh chống lại lối sống chạy theo đồng tiền, tệ nạn xã hội, những hành vi phi văn hóa, phản văn hóa…

Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp phát huy dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải thực sự là nơi để mọi người dân có thể phản ánh, tố giác cán bộ có biểu hiện suy thoái, nhũng nhiễu; thực hiện tốt nhiệm vụ phát huy dân chủ ở cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình vận động và giám sát về: Bảo đảm an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI; giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc công khai kết luận Thanh tra; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với dịch vụ hành chính công; sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới...

Phối hợp tham gia xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật. Các bộ, ngành phải chủ động, tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình xây dựng, đồng thời phải phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức triển khai để đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống; phối hợp rà soát, phát hiện, kiến nghị điều chỉnh đối với những quy định, chính sách bất cập, chưa phù hợp. Phối hợp xây dựng Dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và nghiên cứu xây dựng Luật giám sát và phản biện xã hội.

Tăng cường quản lý tài nguyên cát


Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về một số giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh, xuất khẩu tài nguyên cát. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nghiêm chủ trương không xuất khẩu khoáng sản thô (bao gồm cả cát); chỉ xuất khẩu các loại sản phẩm đã qua chế biến sâu, có giá trị. Đối với sản phẩm cát trắng silic, cát vàng làm khuôn đúc đã qua sơ chế nhưng đã ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài trước ngày 15-9-2017, phù hợp với các quy định của pháp luật về xuất khẩu hiện hành được tiếp tục xuất khẩu.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi có doanh nghiệp xuất khẩu cát trắng silic, cát vàng làm khuôn đúc với các đối tác nước ngoài) tổ chức kiểm tra thực tế và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác các hợp đồng đã ký (thời gian, khối lượng cát xuất khẩu); xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tổng thể về cung cầu cát trắng silic trên thế giới và trong nước; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất giải pháp khai thác, chế biến, sử dụng hiệu quả, bền vững phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; khẩn trương điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Xây dựng thống nhất với Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng phù hợp với quy định; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế chính sách về thuế tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý tài nguyên cát.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ liên quan nghiên cứu tổng thể quy hoạch các loại khoáng sản, trong đó có cát.

Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất 13 tỉnh

Chính phủ vừa ban hành các Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của 13 tỉnh gồm: Hà Nam, Hà Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Phú Yên, Quảng Bình, Nghệ An, Gia Lai, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc.

Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân 13 tỉnh trên xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt; điều tiết phân bổ nguồn lực, trước hết là nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các khu vực.

Bên cạnh đó, quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu cho ngân sách; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất; khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và đã cho thuê; tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất giữa đất ở với đất xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết không giải quyết giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kiểm tra, xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuế đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật đất đai...

Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu


Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 173/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu.

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược để thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng, nhà nước, đã được nhân dân đồng tình và hưởng ứng tích cực. Đến tháng 4-2018, cả nước có 3.289 xã (36,84%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 929 xã (10,4%) so với cuối năm 2016), trong đó có trên 200 xã đã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; bình quân cả nước đạt 14,25 tiêu chí/xã (tăng 0,78 tiêu chí so với cuối năm 2016); còn 121 xã dưới 5 tiêu chí (giảm 136 xã so với cuối năm 2016); đã có 50 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (tăng 19 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2016).

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương liên quan phải đẩy mạnh tuyên truyền vận động, quán triệt nhận thức đối với đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) và người dân, cộng đồng về mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch triển khai xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu trên địa bàn.

Xác định rõ xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, các xã sau khi đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cần tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí và hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Vì vậy, việc xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu sẽ tạo nền tảng quan trọng để hướng tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu và huyện nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó, cốt lõi là nâng cao vượt bậc đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

Đồng thời, xây dựng và ban hành tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, làm căn cứ để chỉ đạo, thực hiện, xét công nhận mức đạt chuẩn phù hợp với điều kiện thực tiễn và phát huy tối đa lợi thế của địa phương. Trong đó, chú trọng các nội dung liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân, như: việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, mức hưởng thụ văn hóa của người dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng; công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; xây dựng mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm tốt đẹp; công tác bảo đảm an toàn an ninh trật tự ở khu dân cư nông thôn...

Phó Thủ tướng yêu cầu khi triển khai xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu phải lấy vai trò của cộng đồng dân cư là chính, phải để cộng đồng dân cư tự bàn bạc, thống nhất lựa chọn lĩnh vực phù hợp, là điểm mạnh của cộng đồng để phấn đấu trở thành kiểu mẫu; Nhà nước chỉ là người hướng dẫn, hỗ trợ, đưa ra các tiêu chí phù hợp để xét, công nhận và công bố. Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, tạo dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia lẫn nhau. Vì vậy, khi triển khai thực hiện nội dung này, cơ quan quản lý Nhà nước các cấp cần phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp để tuyên truyền, vận động, tổ chức cho người dân tham gia. Tuyệt đối không vì thành tích mà huy động quá sức dân, phải để người dân thực sự tự nguyện, tự mình chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Chủ động phát động cuộc thi khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu và định kỳ hằng năm tổ chức khen thưởng cá nhân tiêu biểu, tôn vinh các tổ chức kinh tế hợp tác (tổ hợp tác, hợp tác xã), doanh nghiệp có đóng góp tích cực, hiệu quả cho xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu trên địa bàn./.