Những định hướng bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991
Thực hiện Nghị quyết Ðại hội X, ngày 4-2-2008, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng quyết định thành lập Tiểu ban Tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh năm 1991 và chuẩn bị Báo cáo Chính trị trình Ðại hội XI (Tiểu ban Cương lĩnh), do đồng chí Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh làm Trưởng Tiểu ban. Ngày 22-2-2008, Tiểu ban đã họp phiên đầu tiên để xác định quan điểm, tư tưởng chỉ đạo việc tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh.
Ngày 28-2-2008, Ban Bí thư ra quyết định thành lập Tổ Biên tập. Tiểu ban đã chỉ đạo Tổ Biên tập khẩn trương triển khai các công việc (xây dựng đề cương sơ bộ, thành lập các nhóm biên tập theo lĩnh vực; tổ chức nghiên cứu, thảo luận, biên tập...); đồng thời Ban Bí thư giao một số cơ quan khoa học, một số cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương và địa phương tổng kết lý luận và thực tiễn một số chuyên đề có liên quan.
Tiếp sau đó, Thường trực Tiểu ban đã có 2 phiên và Tiểu ban đã có 4 phiên họp thảo luận Dự thảo Ðề cương chi tiết Báo cáo tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh năm 1991 do Tổ Biên tập trình. Tiểu ban đã gửi bản Dự thảo Ðề cương chi tiết đến các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Nhà nước để xin ý kiến. Bộ Chính trị đã có 2 phiên họp thảo luận Dự thảo Ðề cương chi tiết và chỉ đạo tu chỉnh bản Dự thảo trình Hội nghị Trung ương 10 (tháng 6-2009). Tại hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận nhất trí với mục đích, yêu cầu, tư tưởng chỉ đạo, tên gọi, kết cấu và nhiều nội dung cơ bản của Dự thảo Ðề cương chi tiết; đồng thời nhấn mạnh và lưu ý thêm một số nội dung quan trọng. Ðối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau hoặc cần được tiếp tục làm rõ, Ban Chấp hành Trung ương giao cho Bộ Chính trị chỉ đạo nghiên cứu, cân nhắc trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến tại các kỳ họp sau.
Về tư tưởng chỉ đạo định hướng việc tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991, Trung ương khẳng định:
- Cương lĩnh là tuyên ngôn chính trị của Ðảng, mang tầm định hướng chiến lược về con đường phát triển của đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; là ngọn cờ chiến đấu của Ðảng và dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội; là nền tảng lý luận, nền tảng tư tưởng và chính trị, định hướng cho mọi hoạt động của chúng ta hiện nay cũng như trong những thập kỷ tới. Do đó, Cương lĩnh phải nêu được những quan điểm cơ bản về đường lối chung xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; phác họa những nét cơ bản về mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta cần xây dựng; chỉ ra mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ và mục tiêu phấn đấu cho chặng đường từ nay đến khoảng giữa thế kỷ XXI; đưa ra những quan điểm, đường lối và định hướng lớn để thực hiện mục tiêu đó. Cương lĩnh phải có tầm khái quát cao, không đi vào những nội dung quá chi tiết và những chính sách cụ thể.
- Việc tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh cần bám sát tư tưởng chỉ đạo của Ðại hội X, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị. Quán triệt tinh thần và phương pháp khoa học, biện chứng, toàn diện, lịch sử - cụ thể và phát triển. Phát huy tự do tư tưởng, thẳng thắn và mạnh dạn nêu những suy nghĩ mới có căn cứ và lắng nghe các ý kiến khác nhau trong nghiên cứu, thảo luận. Tạo điều kiện để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, bảo đảm vừa giữ vững nguyên tắc, vừa phát huy tốt dân chủ để tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong toàn Ðảng, toàn dân.
- Bổ sung, phát triển theo tinh thần tiếp tục đổi mới trên cơ sở những quan điểm, tư tưởng, định hướng cơ bản của Cương lĩnh năm 1991; bám sát thực tiễn của đất nước và thời đại; phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo động lực mạnh để đưa đất nước đi lên. Kế thừa những nội dung trong Cương lĩnh năm 1991 vẫn còn nguyên giá trị; bổ sung những vấn đề đã được các Ðại hội, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị (từ khóa VII đến nay) kết luận, những nội dung đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng; sửa chữa, bổ sung hoặc viết lại những điểm trong Cương lĩnh năm 1991 đến nay không còn phù hợp; luận giải và làm rõ thêm một số mối quan hệ cơ bản có ý nghĩa chỉ đạo công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Trên cơ sở kết luận của Hội nghị Trung ương 10, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Tiểu ban và Tổ Biên tập hoàn chỉnh bản Ðề cương chi tiết, viết Dự thảo Báo cáo tổng kết, đồng thời khẩn trương chuẩn bị Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), sau đây gọi tắt là Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011). Bộ Chính trị và Tiểu ban đã hai lần thảo luận về bản Dự thảo này và đã gửi xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước. Sau đó nhiều lần cho tu chỉnh để trình Hội nghị rung ương 11 (tháng 10-2009), Hội nghị Trung ương 12 (tháng 3-2010) và đã được Hội nghị Trung ương 12 bước đầu thông qua để gửi Ðại hội đảng bộ các cấp thảo luận và lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.
Trong quá trình nghiên cứu, tổng kết, chuẩn bị bản Dự thảo Báo cáo tổng kết cũng như bản Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Tiểu ban và Tổ Biên tập đã nghiên cứu, kế thừa các kết quả tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986-2006) và các kết quả nghiên cứu về bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 đã được Ban Chấp hành Trung ương khóa IX cho ý kiến khi chuẩn bị Ðại hội X. Thu thập và sử dụng các kết quả nghiên cứu mới của các cơ quan lý luận, các nhà khoa học (như một số chương trình, đề tài khoa học của Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam...). Tập hợp ý kiến của nhiều nhà khoa học và chuyên gia thông qua các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học và mời cộng tác viên viết bài; phát huy trí tuệ, dân chủ thảo luận. Sử dụng kết quả nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của 77 cơ quan trung ương và tỉnh ủy, thành ủy. Làm việc trực tiếp với 27 Ban Thường vụ của các tỉnh ủy, thành ủy; nghiên cứu, trao đổi ý kiến với nhiều quận, huyện, phường, xã và doanh nghiệp.
Những định hướng bổ sung, phát triển
1. Về tên gọi và kết cấu: Thực hiện nhất quán tư tưởng chỉ đạo của Ðại hội X là bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 - tức là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, không làm thay đổi những quan điểm, tư tưởng, định hướng cơ bản của Cương lĩnh. Vì vậy, vẫn giữ tên gọi "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" đồng thời bổ sung thêm cụm từ (bổ sung, phát triển năm 2011).
Kết cấu cơ bản giữ như Cương lĩnh năm 1991, gồm 4 phần và 12 mục, chỉ có một thay đổi nhỏ là chuyển nội dung nói về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trình bày ở phần "phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần" sang phần nói về văn hóa, xã hội, như vậy hợp lý hơn, mang ý nghĩa bao quát hơn (không phải chỉ gắn với phát triển kinh tế).
2. Về quá trình cách mạng Việt Nam và những bài học lớn: Viết lại một cách cô đọng, khái quát hơn, bổ sung những nhận định cơ bản về giai đoạn từ năm 1991 đến nay, chỉnh lý một số nhận định về các giai đoạn từ 1930 đến 1991 cho chuẩn xác, chặt chẽ hơn, phù hợp với tình hình mới. Bổ sung thêm một số ý về bài học trong thời kỳ đổi mới, nhấn mạnh vấn đề giữ vững ý chí độc lập tự chủ và nêu cao tinh thần tích cực, chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế. Cụ thể là Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) viết như sau:
"Từ năm 1930 đến nay, Ðảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, đưa đất nước tiếp tục từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với những nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 80 năm qua, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, khó khăn thách thức còn nhiều. Trong lãnh đạo, Ðảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Ðảng đã nghiêm túc tự phê bình và sửa chữa khuyết điểm để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên".
3. Về phân tích, dự báo tình hình thế giới: Cố gắng thể hiện một cách bao quát, chọn lọc, nêu rõ những đặc điểm cơ bản, những xu thế chủ yếu, các phong trào, các nhân tố chi phối sự vận động của thế giới; từ đó chỉ ra những thời cơ và thuận lợi, những thách thức và khó khăn; không sa vào các vấn đề chi tiết hoặc không liên quan trực tiếp đến nước ta. Với tinh thần đó, Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) nhận định: "Nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh quốc tế có những biến đổi to lớn và sâu sắc. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến sự phát triển của nhiều nước. Các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới biểu hiện dưới những hình thức và mức độ khác nhau vẫn tồn tại và phát triển. Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển là xu thế lớn; nhưng đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên tiếp tục diễn ra phức tạp. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ðông - Nam Á phát triển năng động, nhưng cũng tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định. Tình hình đó tạo thời cơ phát triển, đồng thời đặt ra những thách thức gay gắt, nhất là đối với những nước đang và kém phát triển".
Sau khi phân tích những thuận lợi và khó khăn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào cánh tả, phong trào đấu tranh đòi độc lập dân tộc của các nước đang phát triển, kém phát triển, những vấn đề toàn cầu có liên quan đến vận mệnh loài người (như giữ gìn hòa bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chống khủng bố, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, phòng ngừa dịch bệnh hiểm nghèo...), Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) nhận định tổng quát: "Ðặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp khó khăn, thử thách, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội".
4. Về đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ và mục tiêu phấn đấu trong những thập kỷ tới Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) có một số điều chỉnh cụ thể như:
- Diễn đạt xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Ðảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.
- Bổ sung, thể hiện mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là: "Xây dựng xong về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh". Và căn cứ vào yêu cầu và tình hình thực tiễn ở nước ta, xác định: "Từ nay đến khoảng giữa thế kỷ XXI, toàn Ðảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
5. Về những phương hướng cơ bản quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở 7 phương hướng lớn đã nêu trong Cương lĩnh năm 1991, Dự thảo Cương lĩnh lần này bổ sung, phát triển một số nội dung mới theo tinh thần Ðại hội X. Khẳng định đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước "gắn với phát triển kinh tế tri thức"; thay "Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần..." bằng "Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"; nói rõ thêm "Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"; bổ sung: "Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế"; nhấn mạnh vấn đề "Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc"; nói rõ: "Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân".
Bổ sung thêm một đoạn quan trọng: "Trong quá trình thực hiện các phương hướng cơ bản đó, phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn như: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;... Không phiến diện, cực đoan, duy ý chí".
6. Về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
- Khẳng định sự cần thiết phải phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ðó là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển. Các yếu tố thị trường được tạo lập đồng bộ, các loại thị trường từng bước được xây dựng, phát triển, vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Khẳng định quyền của người sở hữu, quyền của người sử dụng tư liệu sản xuất và quyền quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, bảo đảm cho mọi tư liệu sản xuất đều có người làm chủ, mọi đơn vị kinh tế đều tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; các nguồn lực được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và theo nguyên tắc thị trường. Nhà nước quản lý nền kinh tế, định hướng, điều tiết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bằng luật pháp, chiến lược, quy hoạch, chính sách và lực lượng vật chất.
- Xác định rõ thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức. Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại, có hiệu quả và bền vững, gắn kết chặt chẽ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; trong đó phải thường xuyên coi trọng phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo; phát triển nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng đạt trình độ công nghệ cao, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng; thúc đẩy phát triển nhanh các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời tạo điều kiện phát triển các vùng có nhiều khó khăn. Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
7. Về phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện chính sách xã hội: Khẳng định xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao. Phê phán những cái lỗi thời, thấp kém; đấu tranh chống những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa. Bảo đảm quyền được thông tin, quyền tự do sáng tạo của công dân.
Con người là trung tâm của chiến lược phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân.
Thực hiện chính sách xã hội đúng đắn, công bằng, bảo đảm bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp chặt chẽ, hợp lý tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Có chính sách điều tiết hợp lý thu nhập trong xã hội. Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với giảm nghèo bền vững. Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách đối với những cá nhân và gia đình có công với nước. Chú trọng cải thiện điều kiện sống, lao động, làm việc và học tập của các tầng lớp nhân dân. Chăm lo đời sống những người già cả, neo đơn, tàn tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi. Hạn chế, giảm tác hại và tiến tới đẩy lùi tệ nạn xã hội. Bảo đảm quy mô hợp lý và chất lượng dân số. Thực hiện bình đẳng giới, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Phấn đấu xây dựng một cộng đồng xã hội văn minh, lành mạnh. Xây dựng gia đình ấm no và hạnh phúc, thực sự là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng và tổ ấm của mỗi người.
Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc; tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo - nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Ðấu tranh với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm hại đến lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân. Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào định cư ở nước ngoài ổn định cuộc sống, giữ gìn bản sắc dân tộc, chấp hành tốt pháp luật của nước sở tại, hướng về quê hương, góp phần xây dựng đất nước.
8. Về phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường: Khẳng định và nhấn mạnh phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư cho giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại, là một tiêu chí và nội dung của sự phát triển bền vững, là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Trong việc bảo vệ môi trường cần kết hợp chặt chẽ giữa ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch. Coi trọng nghiên cứu, dự báo và thực hiện các giải pháp ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu. Bảo vệ và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên quốc gia.
9. Về quốc phòng, an ninh và đối ngoại: Xác định đầy đủ hơn các mục tiêu và nhiệm vụ của quốc phòng - an ninh là: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị và an ninh quốc gia; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng của quốc phòng - an ninh. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Ðảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin yêu. Chăm lo nâng cao phẩm chất cách mạng, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần phù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong điều kiện mới. Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang được trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại.
Khẳng định thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước, vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Chủ trương hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội, trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến bộ xã hội trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung của thời đại; mở rộng quan hệ với các đảng cánh tả, các đảng cầm quyền trên thế giới trên cơ sở độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Tăng cường hiểu biết, tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới. Phấn đấu cùng các nước ASEAN xây dựng Ðông - Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
10. Về phát huy dân chủ, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
- Khẳng định dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ phải được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực thông qua hoạt động của Nhà nước do nhân dân bầu ra và các hình thức dân chủ trực tiếp. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng luật pháp, được pháp luật bảo đảm. Nhà nước quy định và bảo vệ các quyền công dân, quyền con người đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người.
- Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thể hiện và thực hiện ý chí, quyền lực của nhân dân, trên cơ sở liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhiệm vụ của Nhà nước là định ra luật pháp và tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân. Nhà nước thường xuyên liên hệ và gắn bó chặt chẽ với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lộng quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân. Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự phân công, phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của trung ương. Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; có cơ chế kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện ba quyền đó.
11. Về Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân: Nhấn mạnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, thắt chặt mối liên hệ giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Ðảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận. Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên.
Các đoàn thể nhân dân tùy theo tính chất, tôn chỉ và mục đích đã xác định, vận động, giáo dục đoàn viên, hội viên chấp hành luật pháp, chính sách; chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, hội viên; giúp đoàn viên, hội viên nâng cao trình độ mọi mặt và xây dựng cuộc sống mới; tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Ðảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Ðảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.
12. Về Ðảng Cộng sản Việt Nam và công tác xây dựng Ðảng: Trên cơ sở những luận điểm cơ bản của Cương lĩnh năm 1991 và những kết quả nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Dự thảo Cương lĩnh lần này có một số bổ sung và phát triển quan trọng, nhất là về diễn đạt bản chất Ðảng và về nội dung, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh. Cụ thể là Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: Ðảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Ðảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là di sản tư tưởng và lý luận vô cùng to lớn và quý giá của Ðảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.
Nói rõ Ðảng Cộng sản Việt Nam là Ðảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Ðảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Ðảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Ðảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Ðảng thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.
Ðảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Ðảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Ðảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Ðể đảm đương được vai trò lãnh đạo, Ðảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo. Giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất trong Ðảng, bảo đảm đầy đủ dân chủ và kỷ luật trong sinh hoạt Ðảng. Thường xuyên tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội và mọi hành động chia rẽ, bè phái. Ðảng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, có phẩm chất, năng lực, có sức chiến đấu cao; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Ðảng và của nhân dân.
Bế mạc Hội nghị tham vấn chính sách Nghị viện các nước G20  (06/09/2010)
Hội nghị quan chức cấp cao tài chính cấp cao G20  (06/09/2010)
Thông điệp chống đói, nghèo từ Ốt-ta-oa  (06/09/2010)
Khai mạc Hội nghị tham vấn chính sách Nghị viện các nước G20  (06/09/2010)
Khai mạc Hội nghị tham vấn chính sách Nghị viện các nước G20  (06/09/2010)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên