Bế mạc Hội nghị tham vấn chính sách Nghị viện các nước G20
07:40, ngày 06-09-2010
Sau hai ngày làm việc tại Ốt-ta-oa, Hội nghị tham vấn chính sách Nghị viện Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G20) đã kết thúc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã tham dự phiên bế mạc chiều 4-9 (sáng 5-9, giờ Hà Nội).
Phát biểu ý kiến bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Thượng viện Ca-na-đa N.A.Kin-sơ-la nêu bật ý nghĩa của ngoại giao nghị viện, cho phép các bên tham gia thảo luận những vấn đề cùng quan tâm, từ đó hiểu rõ hơn, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, cùng nhau xây dựng các giải pháp cơ bản cho những vấn đề quan trọng toàn cầu. Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Pắc Hi Tê cho rằng, các bên tham dự Hội nghị đạt được sự hiểu biết sâu sắc và rộng rãi hơn về nhiều vấn đề toàn cầu, tạo dấu ấn trong quá trình thiết lập các quan hệ đối tác toàn cầu. Ông Pắc Hi Tê hy vọng với thành công của Hội nghị này, các thành viên G20 sẽ xem xét việc tổ chức hội nghị tham vấn tiếp theo tại Xơ-un (Hàn Quốc) cuối năm nay.
Về vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, quan điểm của Việt Nam là luôn coi trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn và vấn đề nông dân trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những thành tựu phát triển nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam trong hơn 20 năm Ðổi mới được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là kinh nghiệm khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi nhanh từ một nước nhập khẩu lương thực thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Việt Nam cam kết đóng góp tích cực cho mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực của thế giới, ủng hộ các nỗ lực chung nhằm bình ổn giá lương thực, bảo đảm lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Sau một thời gian triển khai thành công hợp tác nông nghiệp với một số nước theo mô hình 2+1 thông qua hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác, Việt Nam cam kết sẵn sàng hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế để nhân rộng mô hình này.
Về các mô hình tài chính và kinh tế thúc đẩy ổn định kinh tế toàn cầu, quan điểm của Việt Nam là cần có sự phối hợp chặt chẽ trong nội bộ G20 cũng như giữa G20 với các nước, các khu vực khác; thúc đẩy tiến trình đàm phán để sớm kết thúc vòng đàm phán Ðô-ha và khẳng định các hiệp định tự do thương mại khu vực sẽ đóng vai trò bổ trợ và không ảnh hưởng tự do hóa thương mại trong khuôn khổ WTO. Các nước G20 có thể xem xét thiết lập cơ chế tham vấn và phản hồi chính sách với ASEAN, coi đây như hình mẫu thí điểm về tham vấn và phối hợp chính sách giữa G20 với các nước không phải là thành viên G20 trong các vấn đề kinh tế và phát triển toàn cầu.
Cùng ngày, tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Ốt-ta-oa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Ca-na-đa N.A.Kin-sơ-la; tiếp xúc song phương với Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Ðại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Tưởng Thụ Thanh; Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga A.Tốp-sin, Phó Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Ô.Hi-đê-hi-xa.
Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Thượng viện N.A.Kin-sơ-la, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng bày tỏ những ấn tượng tốt đẹp về đất nước Ca-na-đa thanh bình và thịnh vượng; chúc mừng Ca-na-đa đã tổ chức thành công Hội nghị tham vấn chính sách Nghị viện G20; nhấn mạnh, việc tham dự Hội nghị là dịp tốt để Quốc hội Việt Nam mở rộng giao lưu và tham khảo kinh nghiệm của Quốc hội các nước. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ giao lưu, hợp tác giữa hai nước, hai Quốc hội . Cùng với sự gia tăng kim ngạch thương mại, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Ca-na-đa sang Việt Nam khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.
Chủ tịch Thượng viện Ca-na-đa N.A.Kin-sơ-la đánh giá cao sự tham dự, cùng những ý kiến đóng góp của Chủ tịch và Ðoàn đại biểu QH Việt Nam tại Hội nghị, thể hiện sự tích cực, chủ động của Việt Nam, chung tay xây dựng một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Ông cho rằng, với chức năng nhiệm vụ của mình, hai cơ quan lập pháp cần tìm biện pháp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước hợp tác, đầu tư kinh doanh, thúc đẩy cơ quan hành pháp của hai nước triển khai thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác đã đạt được. Chủ tịch Thượng viện Ca-na-đa đề nghị hai bên thúc đẩy các chương trình, dự án hợp tác về giáo dục-đào tạo, hằng năm tăng gấp hai lần số sinh viên hai nước sang du học lẫn nhau, qua đó góp phần giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam trong cộng đồng người Ca-na-đa gốc Việt Nam. Ngoài ra, hai bên có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Bắc Mỹ thông qua cảng biển của Ca-na-đa; hợp tác về nuôi trồng thủy đặc sản... Chủ tịch Thượng viện Ca-na-đa mong muốn Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Ðại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (AIPA), sẽ ủng hộ Ca-na-đa ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Lien hợp quốc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhất trí cao với ý kiến đề xuất của Chủ tịch Thượng viện N.A.Kin-sơ-la và đề nghị hai bên tăng cường hơn nữa việc trao đổi đoàn ở các cấp, hợp tác giúp đỡ nhau đào tạo cán bộ kỹ thuật. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng mời Chủ tịch Thượng viện Ca-na-đa sớm thăm Việt Nam và ông đã vui vẻ nhận lời, cho biết sẽ ưu tiên thu xếp chuyến thăm vào thời gian sớm nhất.
Tại cuộc gặp Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Ðại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Tưởng Thụ Thanh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Ðảng, Nhà nước, Quốc hội, nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và làm hết sức mình để không ngừng phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc; tin tưởng với sự nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc không ngừng được củng cố, phát triển, vì sự phồn vinh và vì hạnh phúc của nhân dân hai nước. Tại cuộc gặp, hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng, toàn diện của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua, nhất là trên lĩnh vực kinh tế-thương mại. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm hữu nghị Việt-Trung; triển khai thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác đã đạt được.
Trong cuộc gặp Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga A.Tốp-xin, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò của LB Nga trong việc thúc đẩy hợp tác G20. Việt Nam và Nga đã nâng quan hệ lên thành đối tác chiến lược và đang có nhiều hình thức hoạt động phong phú kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chủ tịch QH cho rằng, trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, đối tác chiến lược giữa hai nước, quan hệ giữa hai QH cần được đẩy mạnh trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Thượng viện Nga A.Tốp-xin bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ giao lưu, hợp tác giữa hai QH. Phó Chủ tịch cho rằng, quan hệ Nga-Việt Nam có nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi do đó cần tiếp tục phát triển năng động. Phó Chủ tịch khẳng định, sẽ tham dự Ðại hội đồng AIPA-31 tại Hà Nội và nhấn mạnh ưu tiên của Thượng viện Nga là tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Việt Nam.
Tại cuộc gặp Phó Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Ô.Hi-đê-hi-xa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc Nhật Bản đã ủng hộ Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao G20 trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định, hiện Nhật Bản là đối tác hàng đầu của Việt Nam cả về kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, viện trợ phát triển chính thức, giúp bảo tồn và tôn tạo các công trình văn hóa...; Nhật Bản đã hợp tác, ủng hộ Việt Nam cả trên phương diện song phương và đa phương. Chủ tịch Quốc hội nhất trí sắp tới Quốc hội hai nước cần đẩy mạnh các hình thức giao lưu, hợp tác có hiệu quả cao hơn; hy vọng được đón nhiều đoàn của Quốc hội, Chính phủ Nhật Bản sang thăm Việt Nam. Phó Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Ô.Hi-đê-hi-xa cho biết, ông rất ấn tượng trước những thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam, vai trò, vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế. Phó Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản nhấn mạnh việc tăng cường hơn nữa quan hệ giao lưu giữa các nghị sĩ Nhật Bản và ASEAN và khẳng định, Nhật Bản sẽ cử đoàn đại biểu tham dự AIPA-31. Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã gặp mặt thân mật cán bộ, nhân viên Ðại sứ quán Việt Nam và đông đảo đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Ca-na-đa. Ðại sứ Lê Sỹ Vương Hà báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và đoàn đại biểu về tình hình cộng đồng Việt kiều tại Ca-na-đa, nêu rõ với khoảng 250 nghìn người đang sinh sống, học tập, làm việc tại Ca-na-đa, phần lớn bà con Việt kiều đã hòa nhập tốt và có nhiều đóng góp với cộng đồng sở tại. Cộng đồng người Việt Nam luôn hướng về đất nước, vui mừng trước những thành tựu đổi mới, phát triển và mong muốn được đóng góp tâm sức, trí tuệ để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thông báo một số nét về tình hình chung của đất nước và lắng nghe những kiến nghị, đề xuất, thể hiện tâm tư nguyện vọng của bà con Việt kiều, nhất là việc hỗ trợ các chương trình dạy tiếng Việt, cần có chính sách huy động trí thức Việt kiều trở về đóng góp xây dựng đất nước. Thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và đồng bào trong nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng gửi tới cộng đồng người Việt tại Ca-na-đa những tình cảm thân thương nhất; động viên bà con làm tròn bổn phận một công dân ở nước sở tại, đồng thời luôn hướng về đất nước, luôn xứng đáng là người Việt Nam, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam./.
Hội nghị quan chức cấp cao tài chính cấp cao G20  (06/09/2010)
Thông điệp chống đói, nghèo từ Ốt-ta-oa  (06/09/2010)
Khai mạc Hội nghị tham vấn chính sách Nghị viện các nước G20  (06/09/2010)
Khai mạc Hội nghị tham vấn chính sách Nghị viện các nước G20  (06/09/2010)
Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma sẽ đưa ra một số ý tưởng kinh tế mới  (04/09/2010)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên