Thông điệp chống đói, nghèo từ Ốt-ta-oa
Cuộc gặp gỡ lần này của các đại biểu là lãnh đạo Quốc hội và Thượng viện của các quốc gia trong nhóm G20 diễn ra ở Thủ đô Ốt-ta-oa của Ca-na-đa. Chủ tịch Quốc hội nước ta, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Ðông - Nam Á (AIPA), tham dự theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Ca-na-đa. Hội nghị diễn ra trong Tòa nhà Quốc hội bạn, nằm ngay trên đồi Cờ-rao, bờ phía nam sông Ốt-ta-oa giữa trung tâm thành phố.
Lễ khai mạc diễn ra trong bầu không khí trang trọng. Các vị lãnh đạo cơ quan lập pháp các nước ngồi trong căn phòng họp rộng lớn của Thượng viện Ca-na-đa có mái vòm được chạm khắc tinh tế. Khác với cách bài trí thảm nhung mầu xanh, ghế bọc mầu xanh ở phòng họp Hạ viện, phòng họp Thượng viện nước bạn được trải thảm đỏ, các ghế ngồi cũng bọc mầu đỏ. Cùng theo dõi và đưa tin về Hội nghị, chúng tôi thấy có hàng chục phóng viên nước ngoài đã có mặt tại Tòa nhà Quốc hội từ sớm. Ðó là nhân viên, phóng viên, biên tập viên Hãng Truyền thông KBS, Kênh tin tức 24 giờ, Hãng Thông tấn Yonhap của Hàn Quốc; Ðài Phát thanh và Truyền hình TRT, Hãng Thông tấn An-tô-li-an của Bồ Ðào Nha; Kênh tin tức công chúng Ca-na-đa, Hãng tin ITAR -TASS (Nga)...
Với chủ đề chính là phát triển kinh tế bền vững, nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các nước về các vấn đề liên quan đến khắc phục khủng hoảng, ổn định kinh tế toàn cầu, lãnh đạo Quốc hội các nước tham dự Hội nghị tham vấn lần này đã tập trung thảo luận ba vấn đề quan trọng mang tính thời sự hiện nay, đó là: Phối hợp chiến lược đáp ứng yêu cầu sản xuất và phân phối lương thực, thực phẩm; hình mẫu mới về hòa bình và an ninh; và các mô hình kinh tế và tài chính thúc đẩy ổn định kinh tế toàn cầu. Trong đó, đại biểu đến từ Nghị viện châu Âu và nhiều quốc gia, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, Ấn Ðộ, Anh, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, A-rập Xê-út, Nga, Nam Phi, Ma-la-uy, Việt Nam... đã tham gia phát biểu ý kiến, tập trung nêu bật tính cấp thiết và tầm quan trọng của việc tìm ra các giải pháp giải quyết thách thức về an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu, trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài.
Ông M.G.Ma-lân-gu, Chủ tịch Hội đồng quốc gia địa phương CH Nam Phi, nhấn mạnh, mức độ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu vừa qua tác động ngay cả những quốc gia phát triển, làm khoảng 34 triệu người bị mất việc làm. Tuy nhiên mức độ dư chấn còn tác động mạnh mẽ hơn tại các quốc gia thuộc loại nghèo nhất, mà đa số các nước này đều ở châu Phi. Trong bài trình bày của mình, Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ M.A.Xa-in cho rằng, nạn đói và vấn đề khủng hoảng lương thực đang ngày càng leo thang trên phạm vi toàn cầu. Theo đó, hiện nay, ước tính còn khoảng một tỷ người bị đói. Thậm chí trung bình cứ năm giây trôi qua có một trẻ em tử vong; mỗi năm có sáu triệu trẻ em chết do nạn đói. Trong số một tỷ người trên thế giới đang đối mặt với nạn đói, nhiều nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi, Mỹ la-tinh và khu vực Ca-ri-bê.
Tìm những giải pháp, cách thức khắc phục những vấn đề còn khó khăn, trong ba ngày, đã có hàng chục ý kiến của các vị đứng đầu Quốc hội, Thượng viện nhiều nước và đại diện các tổ chức quốc tế được trình bày tại Hội nghị. Sau mỗi bài trình bày chính dài 10-15 phút, các ý kiến phát biểu bình luận, nêu vấn đề ngắn gọn tối đa ba phút. Những ý kiến phát biểu được thể hiện nhiều chiều, vừa có tính khái quát lại vừa rất cụ thể với các số liệu, dẫn chứng minh họa.
Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam
Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, thể hiện quyết tâm của Việt Nam cùng với các nước trên thế giới và trong cộng đồng ASEAN sẽ làm hết sức mình để chống lại nạn nghèo đói và tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu đang cản trở việc hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng những giải pháp và khuyến nghị của lãnh đạo QH các nước đưa ra tại Hội nghị lần này sẽ đóng góp thiết thực vào tiến trình hợp tác G20 cũng như giải quyết thách thức toàn cầu về bảo đảm an ninh lương thực trong những năm tới. Với chức năng lập pháp, các cơ quan Nghị viện G20 có thể và cần đóng vai trò quan trọng trong phối hợp với các Chính phủ nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Một trong những vấn đề đặt ra là Nghị viện các nước cần phối hợp chặt chẽ với các Chính phủ xây dựng và triển khai các chiến lược và chương trình hành động quốc gia về an ninh lương thực, trong đó chú trọng tới tạo thuận lợi cho sản xuất và phân phối lương thực, đồng thời lưu ý lồng ghép bảo đảm an ninh lương thực với đối phó thách thức về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Nghị viện các nước cần đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy triển khai các sáng kiến toàn cầu về bảo đảm an ninh lương thực đã được các Chính phủ đưa ra và cam kết thực hiện...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam cũng như các nước ASEAN đánh giá cao ý nghĩa của Hội nghị Tham vấn Nghị viện G20 và mong muốn duy trì các hoạt động tham vấn và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề cùng quan tâm với Nghị viện các nước G20 trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội nước ta đã đề cập tình hình phát triển kinh tế Việt Nam và những thành tựu trong công cuộc Ðổi mới khởi xướng từ năm 1986 đã góp phần tạo ra nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế. Kết quả là từ một nước thiếu lương thực năm 1989 đến nay, Việt Nam đã bảo đảm được an ninh lương thực cho gần 90 triệu dân và đóng góp quan trọng cho việc bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Việt Nam ủng hộ các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm bình ổn giá lương thực thế giới, bảo đảm lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng, nhất là ở các nước đang phát triển. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình hiệu quả.
Có thể khẳng định rằng, việc lần đầu các nước G20 tổ chức Hội nghị tham vấn cấp Chủ tịch Quốc hội các nước G20 với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội nước ta đang giữ vai trò Chủ tịch AIPA, đã cho thấy, các thể chế đa phương ngày càng coi trọng vai trò của các cơ quan lập pháp đối với cơ quan hành pháp, trong việc phối hợp tham gia các cơ chế hợp tác đa phương. Ðoàn đại biểu QH nước ta tham dự hội nghị này không chỉ nhân danh Việt Nam, nói tiếng nói của Việt Nam mà đại diện tiếng nói của khu vực trước cộng đồng quốc tế.
Thông điệp từ Ốt-ta-oa
Thời tiết Ốt-ta-oa đầu tháng 9 lập thu, ban ngày tỏa nắng vàng chan hòa nhưng tiết trời se lạnh. Từ sân bay về trung tâm thành phố, trên những đường phố yên bình và sạch sẽ, dòng xe cộ ngược xuôi. Các rặng cây phong (biểu tượng trên lá cờ Ca-na-đa) bên đường đang se lá, chuyển từ mầu xanh sang mầu vàng sậm.
Tham gia Ðoàn công tác của Quốc hội nước ta lần này, chúng tôi có dịp đến thăm Tòa nhà Quốc hội nước bạn. Nhìn từ bên ngoài, tòa tháp chính, cao ngót 93 m, nằm giữa khu vực trung tâm của cụm kiến trúc với tên gọi Tháp Hòa bình nhằm tưởng nhớ hàng nghìn người đã hy sinh trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Một hình ảnh đầy ấn tượng là Ðài lửa kỷ niệm 100 năm thành lập đất nước Ca-na-đa bừng cháy không ngưng nghỉ ngay cổng vào tòa nhà diễn ra cuộc gặp các nhà lãnh đạo Nghị viện G20. Trong tiết trời se lạnh ở Ốt-ta-oa, từng hàng du khách không kể mầu da, lứa tuổi, trong đó có những du khách Việt Nam, đến tham quan và thả những đồng xu vào đài lửa. Cử chỉ ấy như gửi gắm một thông điệp nhân văn, hay thay lời nhắn nhủ mỗi người hãy cùng chung tay làm vợi đi cảnh đói khát, bần hàn trong cuộc sống hôm nay...
Khai mạc Hội nghị tham vấn chính sách Nghị viện các nước G20  (06/09/2010)
Khai mạc Hội nghị tham vấn chính sách Nghị viện các nước G20  (06/09/2010)
Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma sẽ đưa ra một số ý tưởng kinh tế mới  (04/09/2010)
Châu Phi bắt đầu phát triển nông nghiệp toàn diện  (04/09/2010)
Việt Nam thúc đẩy sáng kiến vì an ninh lương thực  (04/09/2010)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay