Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 21 đến 27-8-2017)
TCCSĐT - Trong một nỗ lực nhằm đem lại hòa bình cho Afghanistan, khi chính quyền Kabul đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn an ninh ngày càng gia tăng từ lực lượng Taliban, Tổng thống Mỹ D. Trump đã công bố chiến lược mới về Afghanistan. Mặc dù chiến lược mới về Afghanistan của Mỹ được dư luận quốc tế hoan nghênh nhưng cũng như chiến lược của những người tiền nhiệm, bản kế hoạch mới này không có sự bảo đảm nào để Mỹ có thể sớm giành chiến thắng cuối cùng ở chiến trường quốc gia Tây Nam Á này.
Còn nhiều khó khăn trong nỗ lực đẩy lùi bất ổn an ninh tại Afghanistan
Lực lượng quân đội Mỹ tại Afganistan. Ảnh: Reuters
Tối 21-8-2017 giờ Mỹ (8 giờ sáng 22-8 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ D. Trump đã công bố chiến lược mới tại Afghanistan nói riêng và khu vực Nam Á nói chung. Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống D. Trump cho biết, Mỹ cần phải có cách tiếp cận “thực tế hơn” về vấn đề Afghanistan, theo đó việc hỗ trợ an ninh và cử quân tới quốc gia này không phải để “thiết lập dân chủ” mà là để tiêu diệt khủng bố.
Tổng thống D. Trump đặc biệt nhấn mạnh chỉ duy nhất sức mạnh quân sự sẽ không mang lại hòa bình cho Afghanistan, song việc triển khai các lực lượng liên minh tại đây là nhằm tạo điều kiện cho một tiến trình chính trị để đạt được hòa bình lâu dài. Theo ông, mối đe dọa an ninh mà Mỹ đang phải đối mặt ở Afghanistan và cả khu vực là rất lớn, bởi vậy việc nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan sẽ tạo ra “một khoảng trống” để các phiến quân hoạt động. Tổng thống D. Trump nêu rõ, các lực lượng Mỹ tại Afghanistan có thêm nhiệm vụ chống các nhóm phiến quân và tội phạm đồng thời thể hiện quyết tâm quân đội Mỹ “sẽ chiến đấu để giành được thắng lợi”. Theo một số quan chức Nhà Trắng, Tổng thống D. Trump đã ủy nhiệm cho Bộ trưởng Quốc phòng J. Mattis phụ trách kế hoạch triển khai thêm khoảng 3.900 binh sĩ, góp mặt cùng với 8.400 binh sĩ Mỹ hiện đang đồn trú tại Afghanistan. Tổng Thư ký NATO J. Stoltenberg đã hoan nghênh quyết định của Tổng thống D. Trump gửi thêm quân tới Afghanistan, đồng thời tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ J. Mattis, các đồng minh và các đối tác quốc tế về vấn đề này.
Có thể thấy, chiến lược mới của Tổng thống D. Trump tại Afghanistan có một số điều chỉnh, song về tổng thể không có sự thay đổi lớn so với chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Và không quá khó để lý giải về điều này. Đặt trong vấn đề chống khủng bố tại Trung Đông với hai điểm nóng là Syria và Iraq mà Mỹ và Nga là một phần quan trọng, một chiến lược duy trì sự hiện diện quân sự tại Afghanistan có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Washington.
Thực tế cho thấy, gần 16 năm kể từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tại Afghanistan, lật đổ chế độ Taliban, chính quyền được Mỹ hậu thuẫn tại Afghanistan vẫn chỉ kiểm soát được gần một nửa lãnh thổ, và xung đột vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Trong bối cảnh như vậy, có thể thấy chính quyền của Tổng thống D. Trump không có nhiều lựa chọn khi “sa lầy” quá lâu ở chiến trường Afghanistan. Một mặt, Mỹ không muốn đổ thêm tiền vào cuộc chiến đã tiêu tốn quá nhiều tiền của này, nhưng mặt khác Washington không thể chọn một giải pháp đơn giản là bỏ mặc Afghanistan, bởi như vậy đồng nghĩa với chấp nhận thất bại trước mắt và đối mặt với nguy cơ lâu dài về khủng bố và cực đoan. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, chiến lược mới về Afghanistan của Tổng thống D. Trump không có những kế hoạch cụ thể để có thể giúp nước Mỹ giành chiến thắng cuối cùng trước Taliban tại quốc gia Tây Nam Á này, hoặc có thể đưa Taliban vào bàn đàm phán như mục tiêu đề ra. Chính vì vậy, giải pháp đối với cuộc xung đột tại Afghanistan vẫn sẽ là vấn đề khó khăn đối với chính quyền Mỹ trong thời gian tới
Châu Âu nỗ lực tìm nguồn năng lượng thay thế than đá
Ảnh minh họa. Ảnh: vinacomin.vn
Từ khi cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trên thế giới nổ ra, than đá, một loại nhiên liệu hóa thạch, đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người. Tuy nhiên đối với môi trường, khai thác than đã làm thay đổi và phá hủy cảnh quan thiên nhiên nghiêm trọng, là một nguyên nhân gây ra sự biến đổi khí hậu. Chính vì thế, các nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, đang hướng đến việc tìm nguồn năng lượng mới thay thế cho than đá.
Trong cơ cấu sử dụng năng lượng, than đá được coi là nguồn năng lượng truyền thống và cơ bản. Than được sử dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống. Công nghiệp khai thác than xuất hiện tương đối sớm, bắt đầu ở Anh vào đầu thế kỷ XIX. Bước sang thế kỷ XXI, các nghiên cứu đã chứng minh, mặc dù than đá là nguồn nguyên liệu quan trọng song than đá cũng chính là nguyên nhân gây ra 20% hiện tượng hiệu ứng nhà kính và khí thải ga, vốn là nguyên nhân hàng đầu làm biến đổi khí hậu. Ô nhiễm không khí từ việc đốt cháy than đá gây tổn hại trực tiếp tới sức khỏe con người và đó cũng là lý do mà có một số nhà khoa học đã ví than đá là kẻ thù của loài người. Xác định nguồn năng lượng này rẻ nhưng là thủ phạm gây ra những hậu quả môi trường nghiêm trọng, nên các nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, đang muốn sớm chấm dứt kỷ nguyên than đá - loại nhiên liệu hóa thạch giúp châu Âu tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp trong suốt hai thế kỷ qua.
Thực tế đang cho thấy rằng, những nước châu Âu phụ thuộc vào than đá để phục hồi và phát triển kinh tế phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dẫn tới nguy cơ biến đổi khí hậu ngày càng cao. Các chuyên gia môi trường đã lên tiếng chỉ trích những nước sản xuất than đá lớn như Ba Lan, Đức vẫn tiếp tục khai thác và đốt than trong các nhà máy nhiệt điện.
Hiện nay, Anh, Pháp, Phần Lan, Áo, Bồ Đào Nha là những quốc gia châu Âu tiên phong trong việc sớm loại bỏ than đá ra khỏi các chính sách phát triển năng lượng của quốc gia, cắt giảm đầu tư vào ngành công nghiệp than và đóng cửa các nhà máy nhiệt điện chạy than. Trong số đó, Phần Lan là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Để có được vị trí này, chính phủ Phần Lan đã tuyên bố kế hoạch ngưng sử dụng than đá trước năm 2030. Đây cũng là một phần trong mục tiêu đầy tham vọng, cắt giảm ít nhất 80% phát thải khí nhà kính trước năm 2050 của chính phủ nước này.
Còn tại Anh, nước này đã thường xuyên đóng cửa nhà máy nhiệt điện chạy than và chuyển sang sử dụng khí tự nhiên hoặc khai thác các trạm điện gió biển. Hiện nay, ngành năng lượng của nước Anh chỉ phụ thuộc vào than ở mức 9%. Một trường hợp khác là Ba Lan, trong nhiều năm qua, nguồn than đá dồi dào đã được khai thác và sử dụng triệt để ở nước này, cung cấp đến 90% sản lượng điện. Nhưng hậu quả là gây ô nhiễm nặng nề về môi trường. Ba Lan trở thành đất nước có chất lượng không khí thấp nhất ở châu Âu. Vì vậy, việc Ba Lan đi tìm nguồn điện năng sạch để thay thế là điều cấp bách. Và nước này đã chọn điện hạt nhân như là biện pháp tối ưu nhất trong sự tính toán về nhiều phương diện.
Hiện EU đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo từ 8,5% lên 20% và giảm mạnh lượng khí thải. Để đạt mục tiêu này, các nước EU áp dụng chế độ cấp hạn ngạch khí thải cho các ngành công nghiệp. Theo đó, đến năm 2020, tất cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đều phải mua giấy phép hạn ngạch khí thải, trừ một số ngành như luyện kim, xi-măng, hóa chất. Ngoài ra, hiện Ủy ban châu Âu (EC) cũng đang bắt tay vào dự án “Gói năng lượng tham vọng” với cam kết hỗ trợ phù hợp cho các khu vực hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào ngành khai thác than. Sáng kiến của EC có thể sẽ không chỉ tập trung vào các khía cạnh xã hội và tài chính, mà còn đẩy mạnh nghiên cứu, sáng chế và phát triển công nghệ mới, trong đó có công nghệ sạch trong ngành than.
Mỹ - Hàn Quốc: Không đạt được thỏa thuận trong đàm phán sửa đổi FTA
Cuộc họp qua cầu truyền hình. Ảnh: The investor.co.kr
Các nhà đàm phán cấp cao hai nước Mỹ và Hàn Quốc vừa kết thúc vòng đàm phán đầu tiên về sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do (KORUS FTA) song phương. Tuy nhiên, đã không có đột phá nào trong vòng đàm phán này.
Cuộc đàm phán lần đầu tiên này diễn ra trong ngày 22-8, bắt đầu bằng cuộc họp qua cầu truyền hình kéo dài 30 phút giữa Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Hyun-chong và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Sau đó, là cuộc gặp trực tiếp giữa nhà đàm phán cấp cao của Hàn Quốc Yu Myeong-hui và người đồng cấp Mỹ J. Greer tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Cuộc họp đặc biệt này nhằm thảo luận các vấn đề ảnh hưởng tới việc thực thi KORUS FTA, trong đó có sửa đổi và bổ sung giải quyết một số vấn đề liên quan đến khả năng tiếp cận thị trường Hàn Quốc của hàng hóa xuất khẩu của Mỹ, và đặc biệt là giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại lớn. Tuy nhiên, hai nước đã không đạt thỏa thuận.
KORUS FTA ký vào tháng 4-2007, được phê chuẩn và chính thức có hiệu lực từ ngày 15-3-2012. Đây được đánh giá là FTA lớn nhất của Mỹ kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực vào năm 1994. FTA Mỹ - Hàn Quốc có hiệu lực đã đưa Hàn Quốc trở thành đối tác FTA đầu tiên của Mỹ ở châu Á. Theo hiệp định, Mỹ và Hàn Quốc tiến hành loại bỏ một loạt thuế quan đối với các loại hàng hóa nhập khẩu từ mỗi nước. Ngoại trừ hàng hóa trong lĩnh vực dệt may và nông nghiệp, kể từ ngày hiệp định có hiệu lực, Hàn Quốc ngay lập tức dỡ bỏ thuế quan đối với 7.218 sản phẩm, còn phía Mỹ là 6.176 sản phẩm. Ngoài ra, Mỹ cũng giảm 2,5% thuế đối với các phương tiện ô tô nhập từ Hàn Quốc, trong khi phía Hàn Quốc giảm thuế đối với các loại xe do Mỹ chế tạo từ 8% xuống còn 4% và sẽ giảm hoàn toàn trong vòng 4 năm kể từ ngày ký kết.
Chỉ tính ngay khi hiệp định này vừa có hiệu lực, đã có tới hơn 80% sản phẩm công nghiệp Mỹ xuất khẩu sang Hàn Quốc gồm thiết bị hàng không vũ trụ, linh kiện ô tô được miễn thuế; 2/3 sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu từ Mỹ đến Hàn Quốc cũng được miễn thuế. Kể từ đó đến nay, giá trị thương mại song phương đã tăng từ mức 100,8 tỷ USD năm 2011 lên 109,6 tỷ USD năm 2016. Tuy nhiên, thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Mỹ trong khoảng thời gian trên cũng đã tăng từ 11,6 tỷ USD lên 27 tỷ USD. Chính điều này đã khiến Tổng thống Mỹ D. Trump nhiều lần tuyên bố coi đây là một “hiệp định tồi”, làm cho Mỹ mất rất nhiều việc làm. Trong khi đó, phía Hàn Quốc lại cho rằng, FTA này mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Trong bối cảnh Mỹ bị thâm hụt thương mại lớn với Hàn Quốc như hiện nay, chính quyền của Tổng thống D. Trump đã yêu cầu Hàn Quốc phải tái đàm phán để sửa đổi FTA song phương. Nếu tiến trình đàm phán không đạt thỏa thuận, Mỹ có thể sẽ yêu cầu hủy bỏ FTA giữa hai bên. Trước những yêu cầu từ phía Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Hyung-chong cho biết, điều trước tiên mà Seoul cần làm là xem xét nguyên nhân thực sự gây ra tình trạng mất cân bằng thương mại lớn giữa hai nước. Bộ trưởng Kim Hyung-chong cũng cho biết, Seoul đã đề xuất với phía Washington cùng nghiên cứu và đánh giá tác động của thỏa thuận thương mại song phương trong suốt 5 năm qua, cũng như nguyên nhân gây ra thâm hụt thương mại của Mỹ. Song, kết quả của cuộc gặp này đã không đạt được kết quả quyết định nào.
Thách thức và cơ hội cho Angola sau tổng tuyển cử
Tổng thống Angola Jose Eduardo dos Santos. Ảnh: Reuters
Cuộc tổng tuyển cử tại Angola đã khép lại với chiến thắng thuộc về đảng Phong trào Nhân dân vì tự do của Angola (MPLA) cầm quyền. Chiến thắng này đã bảo đảm cho ứng cử viên của đảng MPLA là Joao Lourenço lên nắm quyền Tổng thống trong 5 năm tới.
Ngày 23-8, cử tri Angola đã đi bỏ phiếu để bầu chọn 220 đại biểu Quốc hội và Tổng thống cho nhiệm kỳ 2017 - 2022. Cuộc tổng tuyển cử tại Angola lần này có 6 đảng tham gia tranh cử gồm: đảng MPLA cầm quyền, UNITA, CASA - CE, Liên minh dân tộc yêu nước (APN), đảng Đổi mới xã hội (PRS) và Mặt trận Dân tộc giải phóng Angola (FNLA). Hơn 9,4 triệu cử tri đủ tư cách tham gia bầu cử tại 12.000 điểm bầu cử trên phạm vi toàn lãnh thổ nước này. Hơn 1.500 quan sát viên quốc tế và 200 quan sát viên trong nước tham gia giám sát bầu cử. Theo Hiến pháp và Luật bầu cử của Angola, mỗi đảng tham gia tranh cử giới thiệu ứng cử viên tổng thống và Quốc hội. Ứng cử viên của đảng giành nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử sẽ trở thành tổng thống.
Ngày 24-8, Ủy ban Bầu cử quốc gia Angola (CNE) cho biết, đảng MPLA - đảng cầm quyền ở nước này kể từ 4 thập niên qua, đã giành được hơn 64% số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử. Trong khi đó, đảng Liên minh quốc gia vì nền độc lập hoàn toàn của Angola (UNITA) giành được 24,4% số phiếu, và Liên minh Đồng thuận Bảo vệ Angola (CASA - CE), giành được 8,56% số phiếu. Với kết quả trên, MPLA tiếp tục duy trì được đa số trong tổng số 220 ghế tại Quốc hội Angola, đồng thời ứng cử viên của đảng này sẽ trở thành tổng thống để thay thế cho Tổng thống Jose Eduardo dos Santos đã quyết định từ bỏ quyền lực sau 38 năm cầm quyền.
Trước đó, tháng 7-2017, khi bước vào chiến dịch vận động tranh cử, nội dung tranh cử của các đảng đối lập UNITA, CASA - CE, APN, PRS và FNLA tập trung chủ yếu vào những khó khăn kinh tế, xã hội do khủng hoảng, qua đó phê phán những yếu kém của đảng MPLA cầm quyền trong quản lý, điều hành đất nước và tình trạng tham nhũng, trì trệ của bộ máy chính quyền, nhưng các cam kết mà các đảng đối lập này đưa ra đã không gắn với chính sách và các biện pháp thực hiện cụ thể nên thiếu sức thuyết phục đối với cử tri quốc gia miền Nam châu Phi này.
Trong khi đó, với khẩu hiệu “Sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế và cải thiện hơn những việc đã làm tốt”, trong cương lĩnh tranh cử của mình, ông Joao Lourenco, Phó Chủ tịch đảng MPLA cầm quyền, người được đảng này giới thiệu ứng cử Tổng thống, đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của chính quyền trong quản lý, điều hành, trong đó có cả những sai lầm khi chậm chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Ông J. Lourenco cũng nêu lên những nỗ lực và những kết quả đạt được trong quá trình đưa đất nước vượt qua khủng hoảng; khẳng định chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, ưu tiên phát triển nông nghiệp, sản xuất hàng hóa trong nước; đồng thời cam kết đầu tư vào nguồn nhân lực, y tế, giáo dục trong khuôn khổ chiến lược với những kế hoạch và bước đi cụ thể.
Thực tế cho thấy, Angola từng có giai đoạn phát triển bùng nổ sau khi nội chiến kết thúc năm 2002, và nước này cạnh tranh với Nigeria để trở thành nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu châu Phi. Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của Angola thời kỳ đó đã tăng lên 20% và nhiều tòa nhà cao tầng hiện đại được xây dựng ở thủ đô Luanda. Tuy nhiên, giá dầu trên thị trường thế giới lao dốc đã nhanh chóng gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tại Angola từ năm 2014. Theo thống kê, cuối năm 2016, tỷ lệ lạm phát của Angola đã lên tới 40% trong khi tăng trưởng kinh tế ở mức âm 1%. Nhiều người dân đã bị mất việc làm và bắt đầu chỉ trích lãnh đạo đảng cầm quyền MPLA hoạt động vì lợi ích riêng chứ không vì lợi ích cao nhất của nhà nước hay của nhân dân khiến uy tín của MPLA giảm mạnh.
Trong cuộc tổng tuyển cử lần này, nhiều cử tri Angola đã đặt niềm tin và bỏ phiếu cho MPLA bởi trong ký ức và suy nghĩ của số đông người dân, MPLA là đảng mang lại độc lập cho đất nước năm 1975, cũng như mang lại hòa bình và hòa hợp dân tộc. Đặc biệt, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, với người dân Angola chỉ có đảng MPLA cầm quyền mới đủ khả năng bảo đảm cho sự ổn định để xây dựng và phát triển đất nước./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 21 đến ngày 27-8-2017  (28/08/2017)
Văn hóa nghệ thuật là cầu nối giúp thắt chặt quan hệ Việt-Lào  (27/08/2017)
Các quan chức APEC đối thoại về các hiệp định thương mại tự do  (27/08/2017)
Tăng cường hợp tác giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhật Bản  (27/08/2017)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi điện mừng tới Tổng thống Moldova  (27/08/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên