Nhân ngày Viêm Gan thế giới, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân Việt Nam hãy bảo vệ mình và gia đình mình khỏi căn bệnh viêm gan vi rút, bảo đảm thế hệ tương lai không bị viêm gan B bằng việc đưa trẻ đi tiêm phòng viêm gan B đầy đủ, đúng lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng; chủ động thực hiện xét nghiệm kiểm tra viêm gan vi rút để được điều trị sớm. Các thầy thuốc, hãy bảo đảm người bệnh được cung cấp dịch vụ an toàn tránh lây nhiễm trong trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.

* Gánh nặng chăm sóc y tế, chi phí khám, chữa bệnh

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, mặc dù, tỷ lệ hiện mắc viêm gan B và viêm gan C có xu hướng giảm dần do tác động của công tác dự phòng tuy nhiên số người mắc xơ gan, ung thư gan và tử vong do viêm gan B và viêm gan C vẫn tiếp tục tăng lên trong những năm sắp tới làm tăng gánh nặng chăm sóc y tế, chi phí khám, chữa bệnh.

Việt Nam là một trong số ba quốc gia ở Khu vực Tây Thái Bình Dương có số người nhiễm vi rút viêm gan B và C mạn tính cao nhất. Ước tính có khoảng 8,7 triệu người bị viêm gan B mạn tính và 1 triệu người bị viêm gan C, gấp gần 40 lần số người nhiễm HIV ở Việt Nam.

Viêm gan vi rút B đã có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị viêm gan vi rút B có hiệu quả. Việc điều trị viêm gan B bằng thuốc kháng vi rút sẽ làm chậm quá trình tiến triển đến xơ gan, giảm tỷ lệ mắc ung thư gan và cải thiện tỷ lệ sống sót lâu dài.

Hiện nay chưa có vắc-xin để dự phòng viêm gan vi rút C, tuy nhiên việc điều trị viêm gan vi rút C đã có những tiến bộ vượt bậc. Nhờ sự ra đời của các thuốc kháng vi rút trực tiếp nên trên 90% người mắc viêm gan vi rút C được điều trị khỏi trong vòng 3 - 6 tháng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, tỷ lệ hiện mắc viêm gan B từ 6% - 25% dân số. Tỷ lệ viêm gan C trong nhóm tiêm chích ma túy khoảng 54%. Ước tính đến năm 2020 có khoảng 8 triệu người mắc viêm gan B mạn tính.

Việc tiếp cận điều trị viêm gan còn có những khó khăn và hạn chế, nhất là ở y tế tuyến huyện, xã. Các cơ sở khám, chữa bệnh có đủ năng lực điều trị viêm gan vi rút chủ yếu ở các bệnh viện tuyến cuối ở thành phố lớn, một số bệnh viện tuyến tỉnh.

Việc tiếp cận điều trị viêm gan vi rút C cũng còn gặp khó khăn, nhất là đối với các thuốc kháng vi rút mới do các thuốc mới hầu hết là thuốc đắt tiền, chưa được bảo hiểm y tế chi trả hoặc chưa được cấp phép lưu hành ở Việt Nam...

Bộ Y tế cùng các đơn vị liên quan đã và đang nỗ lực để dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút B, viêm gan vi rút C và xây dựng các chính sách để giảm chi phí điều trị cho người bệnh viêm gan vi rút B, viêm gan vi rút C, đặc biệt là để người bệnh viêm gan vi rút C có thể tiếp cận với các loại thuốc mới có hiệu quả cao để được chữa khỏi bệnh. Điều trị không chỉ để phòng ngừa diễn biến của viêm gan, ngăn ngừa xơ gan, ung thư gan và tử vong mà còn để ngăn ngừa lây truyền viêm gan B và C trong cộng đồng.

Bộ Y tế đã ban hành đầy đủ các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các bệnh viêm gan vi rút B, viêm gan vi rút C phù hợp với khuyến cáo của thế giới bảo đảm an toàn, hiệu quả khi điều trị; ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống viêm gan vi rút với 5 nhóm giải pháp cơ bản: chuyên môn kỹ thuật, đầu tư, phát triển nhân lực, nghiên cứu khoa học và xây dựng chính sách, vận động xã hội.

* Kiểm soát và tiến tới loại trừ

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, thời gian tới, nhằm cụ thể hóa việc kiểm soát và tiến tới loại trừ viêm gan vi rút, Bộ Y tế tiếp tục triển khai việc chuẩn hóa các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm gan vi rút, thường xuyên cập nhật hướng dẫn cho phù hợp với những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị viêm gan vi rút; thực hiện biên soạn tài liệu đào tạo liên tục trong phát hiện, chẩn đoán, điều trị, theo dõi, tư vấn người bệnh viêm gan vi rút.

Cùng với tăng cường năng lực chẩn đoán và quản lý điều trị người bệnh viêm gan, Bộ Y tế chú trọng đến công tác phòng chống viêm gan B và C thông qua đào tạo, huấn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế tuyến tỉnh, huyện và xã nhằm quản lý điều trị có hiệu quả, nâng tỷ lệ điều trị khỏi viêm gan C và kiểm soát giảm biến chứng viêm gan B cũng như các thể viêm gan khác; thực hiện giám sát tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm gan vi rút. Bộ Y tế xây dựng các chuẩn chất lượng trong quản lý điều trị viêm gan vi rút, làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng quản lý và điều trị viêm gan.

Song song với nâng cao năng lực xét nghiệm chẩn đoán, đo tải lượng vi rút và các xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ cho quản lý và điều trị viêm gan vi rút, Bộ Y tế thiết lập phòng xét nghiệm tham chiếu nhằm hỗ trợ và nâng cao chất lượng xét nghiệm vi rút viêm gan; tiếp tục vận động chính sách và đàm phán để giảm giá thành thuốc kháng vi rút, vận động từ nguồn bảo hiểm y tế để người bệnh tăng thêm cơ hội tiếp cận thuốc điều trị viêm gan vi rút.

Bộ Y tế xây dựng phần mềm đăng ký và quản lý ca bệnh viêm gan vi rút, làm cơ sở cho việc giám sát chất lượng quản lý và điều trị viêm gan và nâng cao chất lượng điều trị; nghiên cứu đánh giá thực trạng và thực hiện can thiệp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm viêm gan vi rút ở một số đối tượng có nguy cơ cao (người bệnh lọc máu chu kỳ…)./.