Vai trò công tác tuyên truyền của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh trong xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu

Nguyễn Thị Việt Hà
Bí thư Huyện ủy Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh
17:35, ngày 27-03-2025

TCCS - Mô hình nông thôn mới kiểu mẫu ở tỉnh Hà Tĩnh được triển khai thí điểm trong giai đoạn 2019 - 2022, đến nay đã có sức lan tỏa lớn và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, nâng cao đời sống cả vật chất và tinh thần cho nhân dân. Thành công này có được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh, nhất là trong công tác tuyên truyền. 

Chung sức xây dựng mục tiêu “Tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025”

Công tác tuyên truyền là một bộ phận cấu thành của công tác tư tưởng, một hoạt động quan trọng không chỉ của các tổ chức đảng, mà còn của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Hội liên hiệp phụ nữ cấp tỉnh là một trong những tổ chức chính trị - xã hội cấu thành hệ thống chính trị của địa phương; công tác tuyên truyền của hội liên hiệp phụ nữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức hội.  

Đường hoa nông thôn mới ở xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh_Ảnh: baohatinh.vn

Trong những năm qua, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong cả nước là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Thực hiện chủ trương, các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong quá trình tham gia xây dựng nông thôn mới, đạt nhiều kết quả quan trọng. Diện mạo nông thôn nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 169/169 xã đạt chuẩn NTM (đạt 100%), 69/169 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 40,8%), 18/169 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 10,7%), 1.205/1.512 thôn đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu (đạt 79,9%); 9/12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 2 huyện Đức Thọ và huyện Nghi Xuân đã trình Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh thẩm tra, xét, công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, các sở, ngành đã đánh giá đạt các yêu cầu, đủ điều kiện đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Hạ tầng khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, kinh tế nông thôn tăng trưởng, việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa… góp phần nâng cao thu nhập cho người dân (thu nhập bình quân đầu người là 53 triệu đồng/người/năm)(1)

Từ những kết quả đạt được giai đoạn 2015 - 2020, ngày 16-12-2020, tỉnh Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chọn thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 2114/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025”). Đây cũng là mục tiêu được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Để cụ thể hóa mục tiêu đề ra, ngày 15-7-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, mục đích của đề án; khơi dậy, đề cao vai trò chủ thể sáng tạo của người dân nhằm phát huy nội lực, đồng thời xã hội hóa nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới; tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm đồng bộ với quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chỉ tiêu đặt ra, đến năm 2025, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 13/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hóa, phát triển du lịch(2).

Để góp phần chung sức xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025 và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: “Hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn nội dung “Xây dựng mô hình gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” trong tham gia xây dựng nông thôn mới, với mong muốn xây dựng gia đình nông thôn kiểu mẫu thực sự hài hòa, hạnh phúc, vừa mang các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, vừa phù hợp với xu thế của thời đại.

Tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong 5 nhiệm vụ then chốt của hội liên hiệp phụ nữ các cấp. Công tác tuyên truyền của hội liên hiệp phụ nữ các cấp trong tỉnh luôn gắn liền với các cuộc vận động lớn của đất nước, trong đó có cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, do Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI (năm 2012) khởi xướng, Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (năm 2017) tiếp tục thực hiện. Tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch” gồm: Không đói nghèo; không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ ba trở lên; không có trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ em bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bổ sung, điều chỉnh một số tiêu chí, mô hình mới trong thực hiện cuộc vận động cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay, đó là xây dựng mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch”: có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hóa, sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. 

Hình thức tuyên truyền xây dựng mô hình gia đình nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2022 được xác định gồm 8 hình thức tuyên truyền theo thứ tự ưu tiên gồm: Ban hành tiêu chí; tuyên truyền tại xã/thôn, xóm/khu dân cư; hội thi, video truyền thông; tập huấn, tuyên truyền tại tỉnh, huyện; cổng thông tin, Zalo, Facebook, Fanpage; sinh hoạt dân cư, họp chi hội phụ nữ; phát tờ rơi, tờ gấp; loa truyền thanh địa phương. Thực tiễn cho thấy, công tác tuyên truyền về mô hình gia đình nông thôn mới kiểu mẫu của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh triển khai có sức lan tỏa lớn, từ thí điểm 97 mô hình, với sự tham gia của 1.546 thành viên (giai đoạn 2019 - 2022), đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng mô hình “Gia đình nông thôn mới kiểu mẫu”, “Gia đình 5 có - nông thôn mới kiểu mẫu”, “Gia đình 5 có - đô thị văn minh” tại 13/13 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh với 118 câu lạc bộ, 4.505 thành viên tham gia(3). Nhờ xây dựng nông thôn mới, đời sống kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn đã khởi sắc, tốc độ đô thị hóa nông thôn nhanh, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp đáng kể, cơ hội tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ, phúc lợi xã hội hiện đại của người dân nông thôn được nâng lên, mở ra nhiều cơ hội khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Kết quả trên chứng minh vai trò quan trọng hàng đầu của các cấp hội phụ nữ trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền xây dựng mô hình gia đình nông thôn mới kiểu mẫu. Từ thực tế cho thấy, một số phương pháp tuyên truyền mang lại hiệu quả cao là: 

Sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông truyền thống: Tuyên truyền qua loa truyền thanh địa phương; phát tờ rơi, tờ gấp; tuyên truyền tại các cuộc sinh hoạt dân cư, họp chi hội phụ nữ và qua các phương tiện truyền thông hiện đại như: cổng thông tin điện tử hệ thống hội, Zalo, Facebook, Fanpage… 

Tuyên truyền qua loa truyền thanh địa phương: Tuyên truyền mô hình gia đình nông thôn mới kiểu mẫu thông qua hình thức loa truyền thanh địa phương được các cấp hội phụ nữ cơ sở tại tỉnh Hà Tĩnh triển khai mang lại hiệu quả cao. Mục đích sử dụng loa phát thanh là việc truyền đạt các tin tức về những sự kiện, sự việc trong một khu vực dân cư (thôn, xóm, khu phố, tổ dân phố) bằng âm thanh nhằm thông báo, tuyên truyền đến người dân các nội dung có liên quan xây dựng mô hình gia đình nông thôn mới kiểu mẫu. 

Phát tờ rơi, tờ gấp: Thực tế triển khai tuyên truyền mô hình xây dựng gia đình nông thôn mới kiểu mẫu cho thấy, phát tờ rơi, tờ gấp mang đến hiệu quả tuyên truyền tốt. 

Tuyên truyền tại các cuộc sinh hoạt dân cư, họp chi hội phụ nữ: Thực tế triển khai của các cấp hội phụ nữ cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, nhiều kinh nghiệm và cách làm hay, sáng tạo xây dựng mô hình gia đình nông thôn mới kiểu mẫu được lồng ghép thông quan cuộc sinh hoạt dân cư, họp chi hội phụ nữ ở địa phương. Trên cơ sở chủ đề, nội dung sinh hoạt đã được lựa chọn, chi hội phụ nữ cơ sở xác định hình thức sinh hoạt cho phù hợp, bảo đảm nội dung buổi sinh hoạt phong phú, hấp dẫn. Chi hội phụ nữ cơ sở lựa chọn một số hình thức trong sinh hoạt, như: Thuyết trình, tọa đàm; thảo luận nhóm; tổ chức cuộc thi; chơi trò chơi; đóng kịch, sắm vai; giải quyết tình huống; sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Chi hội phụ nữ tổ chức tốt các buổi sinh hoạt dân cư, chọn nhà văn hoá thôn, xã để bảo đảm các điều kiện truyền thông, như âm thanh, loa đài,… Trong các buổi sinh hoạt, hội trường được trang trí phù hợp, tăng sự hấp dẫn của buổi sinh hoạt (chẳng hạn: kẻ chữ to chủ đề sinh hoạt; sử dụng thêm tranh ảnh, khẩu hiệu hoặc đáp ứng các yêu cầu trang trí phù hợp tạo không khí vui tươi, phấn khởi…).

Coi trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình gia đình nông thôn mới kiểu mẫu. Nâng cao ý thức cho người dân trong việc duy trì thói quen giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp, thắt chặt mối quan hệ làng xóm, tăng cường giao lưu, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hằng ngày, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình... Đặc biệt, đã phát huy cao vai trò của các hộ gia đình trong xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn giá trị văn hóa, hạnh phúc gia đình nhằm thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam.

Các cấp hội phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền xây dựng mô hình gia đình nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh_Ảnh: hoinongdanhatinh.vn

Tạo điều kiện cho các hội viên và người dân có nhiều cơ hội để tiếp cận, học tập, nhân rộng mô hình gia đình nông thôn mới kiểu mẫu. Khuyến khích các gia đình tự nguyện trong việc tham gia học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay trong phát triển kinh tế, nâng cao giá trị tốt đẹp, truyền thống gia đình. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các kiến thức phát triển kinh tế xây dựng vườn hộ, vườn mẫu, cách thức phân loại và xử lý rác thải, nước thải tại hộ gia đình, sắp xếp nhà cửa, công trình phụ trợ, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ, cảnh quan môi trường, hàng rào xanh, kiến thức, kỹ năng xây dựng và tổ chức cuộc sống gia đình, phòng, chống bạo lực, bình đẳng giới để hội viên và người dân có nhiều cơ hội để tiếp cận, học tập, nhân rộng mô hình…

Hạn chế, giải pháp tuyên truyền của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian tới

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác tuyên truyền của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh trong quá trình xây dựng mô hình gia đình nông thôn mới kiểu mẫu đã và đang đặt ra một số vấn đề: Hội liên hiệp phụ nữ cấp xã ở một số địa phương còn lúng túng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Các cấp hội liên hiệp phụ nữ, nhất là ở cấp cơ sở, khi hướng dẫn cho người dân gặp những vướng mắc do các tiêu chí đề ra chưa thực sự cụ thể, rõ ràng và đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Do vậy, cần hoàn thiện, bổ sung và ban hành bộ tiêu chí cụ thể, rõ ràng, sẽ giúp việc tuyên truyền phát huy hiệu quả tốt hơn.

Nhận thức của một số hộ gia đình về mô hình còn hạn chế, tham gia hình thức, chưa xác định rõ vai trò của mình trong mô hình thí điểm; ở một số mô hình, các hộ gia đình ưu tiên cho các tiêu chí kinh tế, chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chí xã hội, văn hóa.

Trong quá trình thực hiện thí điểm xây dựng mô hình gia đình nông thôn mới kiểu mẫu, nguồn lực kinh phí chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của hội liên hiệp phụ nữ các cấp. Tuy nhiên, nguồn lực này có hạn, là vấn đề lớn đặt ra với công tác tuyên truyền. Do vậy, các địa phương được lựa chọn thí điểm và nhân rộng cần có giải pháp để tăng cường huy động nguồn lực, lồng ghép hoạt động của các chương trình, đề án của hội gắn với xây dựng mô hình gia đình nông thôn mới kiểu mẫu. 

Hội liên hiệp phụ nữ các cấp đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát mô hình để kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Nội dung này đặt ra các yêu cầu liên quan đến chức năng kiểm tra, giám sát. Nếu để cán bộ phụ nữ cấp cơ sở vừa là người thực hiện tuyên truyền, vừa là người kiểm tra, giám sát, thì sẽ rất bất cập, đồng thời thiếu nguồn lực; do đó, cần đội ngũ có chuyên môn về giám sát độc lập do hội liên hiệp phụ nữ thành lập. Đội ngũ giám sát này gồm cán bộ hội phụ nữ, đại diện hộ gia đình tiêu biểu thực hiện và thí điểm mô hình tại địa phương, cán bộ nông thôn mới... Như vậy, hoạt động giám sát, kiểm tra và hỗ trợ sẽ có hiệu quả hơn.

Để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể về vai trò công tác tuyên truyền gia đình nông thôn mới kiểu mẫu trong lãnh đạo thực hiện công tác tư tưởng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đề cao trách nhiệm các cấp ủy đảng, trực tiếp và trước hết là của đồng chí bí thư cấp ủy đối với công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, vai trò chủ động tham mưu của ban tuyên giáo và dân vận các cấp trước yêu cầu đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền mô hình gia đình nông thôn mới kiểu mẫu; khẳng định trách nhiệm “mỗi đảng viên phải là một tuyên truyền viên của Đảng”.

Hai là, đẩy mạnh các công việc: 1) Chủ trì, phối hợp các ngành liên quan và chính quyền địa phương rà soát, xác định nhu cầu thành lập, nâng cao chất lượng mô hình hiện có. 2) Tập huấn hướng dẫn triển khai mô hình cho cấp huyện và xã điểm của tỉnh. 3) Chỉ đạo điểm mô hình tại một số xã để rút kinh nghiệm nhân rộng trên địa bàn tỉnh. 4) Tổ chức hội thảo, diễn đàn cấp tỉnh giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng, nhân rộng mô hình. 5) Xây dựng, phát triển tài liệu truyền thông dành cho câu lạc bộ tuyên truyền phù hợp với địa phương. 6) Trực tiếp truyền thông và hướng cấp huyện, xã xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số (website, fanpage, Zalo...). 7) Giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho cấp huyện, xã triển khai mô hình hiệu quả.

Ba là, tập huấn nâng cao năng lực tuyên truyền, năng lực cho chủ thể tuyên truyền: Chủ thể tuyên truyền là Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, bao gồm các ban chức năng, đơn vị chuyên môn; hội liên hiệp phụ nữ của 13 huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh; hội liên hiệp phụ nữ xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Các nội dung tập huấn gồm: 1) Kiến thức liên quan đến nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. 2) Tập huấn các hình thức tuyên truyền, như: Tập huấn, tuyên truyền tại tỉnh, huyện; tổ chức hội nghị tuyên truyền tại xã/thôn, xóm/khu dân cư; tại các cuộc sinh hoạt dân, họp chi hội hội phụ nữ; loa truyền thanh địa phương; cổng thông tin điện tử hệ thống hội (Zalo, Facebook, fanpage...); phát tờ rơi, tờ gấp; thông qua hội thi, video truyền thông. 3) Các kỹ năng như: Viết tin, bài; xây dựng thông điệp tuyên truyền; kỹ năng xác định và giải quyết vấn đề. 4) Kỹ năng trao đổi, phối hợp thông tin giữa các thành viên câu lạc bộ. 5) Kỹ năng phối hợp hiệu quả để nhận sự chỉ đạo, lãnh đạo, định hướng của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia của các đoàn thể liên quan.

Bốn là, tổ chức sơ kết, tổng kết kịp thời gắn với biểu dương, khen thưởng để động viên, khuyến khích, nhân rộng các mô hình, các gương điển hình, cách làm hay và nhân rộng mô hình. 1) Tổ chức các hoạt động sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả hoạt động của mô hình. 2) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chế độ thông tin, báo cáo, kịp thời nắm bắt những vấn đề khó khăn, vướng mắc để có các giải pháp phù hợp.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện bộ tiêu chí do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ban hành năm 2022, bao gồm một số tiêu chí cơ bản, như: 1) Rà soát, bổ sung, điều chỉnh, cập nhật một số tiêu chí, chỉ tiêu sao cho phù hợp với bối cảnh và thực tiễn phát triển của các mô hình: gia đình nông thôn mới kiểu mẫu, “gia đình 5 có 3 sạch” - nông thôn mới kiểu mẫu, gia đình hạnh phúc nông thôn mới kiểu mẫu. 2) Không chỉ chú trọng các tiêu chí “đếm được”, như thu nhập, nhà ở và công trình phụ trợ, mà còn chú trọng đến các tiêu chí như văn hóa - xã hội, kiến thức. Do vậy, bộ tiêu chí “Gia đình 5 có, 3 sạch” - nông thôn mới kiểu mẫu của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh ban hành năm 2022 cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung, cụ thể hóa, tiêu chuẩn hóa sao cho ngắn gọn và có tính định lượng cao. 

Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội triển khai thực hiện xây dựng thí điểm mô hình “Gia đình nông thôn mới kiểu mẫu”. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh cần tập trung chú trọng đến các khâu: 1) Các tiêu chí đề ra phải cụ thể, rõ và đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; 2) Tránh đề ra tiêu chí quá cao; 3) Tránh đề ra một số tiêu chí quá chi tiết.

Sáu là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động tuyên truyền của hội. Thực tế thí điểm tuyên truyền mô hình gia đình nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh của hội liên hiệp phụ nữ các cấp thời gian qua cho thấy, mô hình gia đình, câu lạc bộ tại những địa phương có cơ sở vật chất - kỹ thuật tốt cho hoạt động tuyên truyền sẽ mang lại hiệu quả tuyên truyền cao. Do vậy, để bảo đảm các điều kiện cho hoạt động tuyên truyền, cần ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động tuyên truyền của hội liên hiệp phụ nữ, đặc biệt là hội liên hiệp phụ nữ cấp cơ sở. Cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị cần quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác tuyên truyền và hoạt động của đội ngũ cán bộ hội liên hiệp phụ nữ cấp cơ sở. Nguồn lực kinh phí nên được dành một phần để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ phục vụ công tác tuyên truyền; trong đó quan tâm đầu tư hệ thống loa phát thanh địa phương; đầu tư in, phát tờ rơi, tờ gấp; hệ thống nhà văn hóa, học tập cộng đồng tại thôn, xóm được sử dụng cho hoạt động tuyên truyền; đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền.

Bảy là, xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động tuyên truyền của hội liên hiệp phụ nữ cấp cơ sở. Hội liên hiệp phụ nữ cấp cơ sở kết nối chặt chẽ với cấp ủy địa phương tích hợp tuyên truyền mô hình nông thôn mới kiểu mẫu trên hệ thống loa phát thanh của địa phương. Khuyến khích xã hội hóa hỗ trợ lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh tại thôn, xã như cụm loa, bộ thu thông minh công nghệ IP, máy tính, phần mềm chuyển văn bản thành giọng đọc. Hệ thống phần mềm chuyển đổi văn bản sang giọng nói tự động giúp cán bộ tuyên truyền của hội liên hiệp phụ nữ cấp cơ sở không phải mất nhiều thời gian như trước, khi ở xa vẫn có thể vận hành phát tin thông qua điện thoại thông minh…/.

---------------------

(1) Xem: “Định hướng trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 9-11-2020, https://hatinh.gov.vn/dinh-huong-trong-xay-dung-nong-thon-moi-o-ha-tinh
(2) Quyết định số 2114/QĐ-TTg, ngày 16-12-2020 của Thủ Tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025”
(3)  Xem: “Hà Tĩnh biểu dương điển hình trong thực hiện mô hình “Gia đình 5 có - Nông thôn mới kiểu mẫu”, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh, ngày 26-6-2023, https://hatinh.gov.vn/tuyen-truyen/tin-bai/16150/ha-tinh-bieu-duong-dien-hinh-trong-thuc-hien-mo-hinh-gia-dinh-5-co-nong-thon-moi-kieu-mau