TCCSĐT - Bác sĩ gia đình là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng. Phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình là một xu hướng tất yếu trong xã hội hiện đại.

Ở Việt Nam, việc xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình đã được xác định là ưu tiên lồng ghép với hệ thống y tế cơ sở, bởi đây là hệ thống gần dân nhất, có vai trò lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình đã phát triển và nhân rộng ở nhiều nước trên thế giới từ thế kỷ XX. Việc áp dụng mô hình này trong hệ thống y tế không chỉ phổ biến tại các nước phát triển như Anh, Mỹ, Pháp, Úc,.. mà còn cả các nước đang phát triển như Malaysia, Philippines,.. Để trở thành một bác sĩ gia đình thực thụ đòi hỏi người bác sĩ những tiêu chuẩn khá khắt khe như là: bác sĩ đa khoa, tốt nghiệp chuyên khoa y học gia đình, có trình độ tương đối toàn diện, được đào tạo bài bản, có thể giải quyết được những vấn đề sức khỏe ban đầu, đồng thời có kỹ năng tư vấn tâm lý, quản lý xã hội để có thể khám, chẩn đoán, tiên lượng và tư vấn, hướng dẫn cho người dân chăm sóc sức khỏe của chính mình. Ngoài ra, bác sĩ gia đình còn góp phần vào công tác dự phòng bệnh tật bằng cách tư vấn, hướng dẫn người dân về chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, các biện pháp vệ sinh phòng dịch. Năm 1995, 56 nước đã phát triển và áp dụng chương trình đào tạo Y học gia đình. Hiệp hội Bác sĩ gia đình toàn cầu (WONCA) đã được thành lập năm 1972 và đến nay đã có gần 100 quốc gia thành viên. Tại Việt Nam, mô hình bác sĩ gia đình cũng được xây dựng dựa trên nguyên lý Y học gia đình này.

Y học gia đình là một chuyên khoa y học lâm sàng nhưng có định hướng dự phòng bệnh thông qua khám tầm soát, theo dõi suốt đời các vấn đề sức khỏe thông thường cho mọi lứa tuổi của các thành viên trong gia đình từ lần khám đầu tiên và tiếp tục theo dõi, quản lý bệnh, và chăm sóc các bệnh mãn tính. Sáu nguyên tắc cơ bản có thể được rút ra từ nguyên lý Y học gia đình là: 1) Chăm sóc ban đầu, toàn diện. Người bệnh sẽ được khám và đánh giá tổng quát tình trạng sức khỏe nhằm phát hiện sớm các bệnh và có cách phòng, chống bệnh. 2) Chăm sóc liên tục, trọn đời. Việc thăm khám thường xuyên của bác sĩ gia đình sẽ tạo điều kiện tốt cho cả quá trình dài điều trị và kiểm soát bệnh tật cho người bệnh. Ngoài ra, nguyên tắc này đòi hỏi người bác sĩ quản lý tốt hồ sơ bệnh án điện tử, bệnh nhân có thể thông qua đó tự theo dõi tình trạng sức khỏe của chính mình. 3) Chăm sóc phối hợp. Cơ thể con người là tổng thể của nhiều bộ phận khác nhau. Vì vậy, chăm sóc sức khỏe là phải kết hợp chăm sóc chung cả tổng thể đó. Điều này giải thích tại sao một trong những yêu cầu tiên quyết của bác sĩ gia đình phải là bác sĩ đa khoa. 4) Hướng đến phòng bệnh. Việc tầm soát khám và chữa bệnh tại cơ sở sẽ giúp nắm bắt thông tin cụ thể, chính xác từ đó có được những giải pháp từ vi mô đến vĩ mô trong việc đề phòng và phát hiện sớm bệnh tật. 5) Hướng đến gia đình. Ngay từ tên gọi, bác sĩ gia đình đã thể hiện mục tiêu chính của mình là chăm sóc sức khỏe cho gia đình. Việc quản lý sức khỏe trong gia đình từ các bệnh mãn tính, bệnh di truyền, ảnh hưởng lối sống lẫn nhau của từng thành viên,.. sẽ được bác sĩ gia đình theo dõi. Những biện pháp tích cực vì vậy có thể được đưa ra giúp kiểm soát tình trạng bệnh và phòng ngừa những nguy cơ cho cả gia đình. 6) Hướng đến cộng đồng. Gia đình là gốc rễ của xã hội. Một môi trường xã hội tốt mới tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng phát triển khỏe mạnh. Trong tầm soát và điều trị bệnh tại cơ sở, bác sĩ gia đình sẽ có phương án điều trị và dự phòng thích hợp để tránh cho bệnh không lây lan ra toàn cộng đồng.

Đánh dấu bước tiến đầu tiên của mô hình hiện đại này tại Việt Nam là dự án phát triển đào tạo bác sĩ gia đình với sự tài trợ bởi quỹ CMB (China Medical Board of New York) được Bộ Y tế phê duyệt. Dự án triển khai đào tạo chuyên ngành Y học gia đình tại các trường: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y - Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Thái Nguyên. Tiếp theo đó, vào năm 2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình. Tháng 6 năm 2002, bệnh án Y học gia đình đã được xây dựng; năm 2005 hình thành bệnh án điện tử y học gia đình đầu tiên và áp dụng tại phòng khám y học gia đình Bệnh viện Đại học Y - Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Với những tiền đề và kinh nghiệm thực tế nêu trên, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 935/QĐ-BYT ngày 22 tháng 3 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2013-2020”. Cho đến nay, đề án đã hoàn thành xong giai đoạn 1 từ năm 2013-2015 và đang tiếp tục triển khai thực hiện những bước tiếp theo của giai đoạn 2 cũng là giai đoạn cuối từ năm 2016-2020.

Xây dựng và thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình

Ngày 04-8-2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị sơ kết Đề án thí điểm Bác sĩ gia đình và xây dựng Đề án nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020. PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì và chỉ đạo Hội nghị.

Mục tiêu chung được đề ra trong đề án của Bộ Y tế là xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục và thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện. Trên cơ sở đó, đề án chia rõ 2 giai đoạn thực hiện: Giai đoạn 2013-2015: Xây dựng thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình và giai đoạn 2015-2020: Nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên toàn quốc. Để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của bác sĩ gia đình, ngày 22-5-2014, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 16/2014/TT-BYT hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình và Thông tư số 37/2014/TT-BYT hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, quy định phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân độc lập là một trong những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu. Bộ cũng đã ban hành chương trình đào tạo định hướng Y học gia đình 3 tháng để cấp chứng chỉ hành nghề. Kết quả đã đào tạo được hơn 900 bác sĩ chuyên khoa I và 1200 bác sĩ chuyên khoa định hướng Y học gia đình.

Sau 3 năm triển khai giai đoạn 1 của Đề án, tính đến tháng 12-2015, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình đã có mặt trên 8 tỉnh, thành phố thí điểm với 240 phòng khám (vượt chỉ tiêu 80 phòng) và tới tháng 6-2016 đã thành lập được 332 phòng khám bác sĩ gia đình. Dẫn đầu trong danh sách là Thành phố Hồ Chí Minh với 217 phòng khám bác sĩ gia đình tại bệnh viện, trạm y tế và 10 phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân; tiếp theo là Hà Nội với 90 phòng khám và Hải Phòng là 5 phòng khám. Thí điểm tại 8 tỉnh, thành phố, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình đã có kết quả bước đầu và khả năng nhân rộng là hoàn toàn khả thi. Mặc dù mới thành lập, các phòng khám bác sĩ gia đình đã tổ chức hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình. Ngoài hoạt động khám, chữa bệnh tại phòng khám, các phòng khám bác sĩ gia đình thực hiện quản lý sức khỏe, thực hiện công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tham gia truyền thông phòng bệnh, vận động tiêm chủng,…Tại đây, người dân cũng được tư vấn chu đáo, hướng dẫn tận tình. Những kết quả đáng khích lệ này là sự cố gắng và nỗ lực lớn của hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận những khó khăn, thách thức đến từ nhiều yếu tố như lực lượng bác sĩ còn mỏng, nhận thức của người dân về khám chữa bệnh theo mô hình phòng khám bác sĩ gia đình chưa cao,… Do đó, việc triển khai tiếp giai đoạn 2 chắc chắn sẽ là một bài toán khó cho ngành y tế.

Áp dụng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại hệ thống y tế cơ sở

Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình bao gồm: phòng khám bác sĩ gia đình tại các trạm y tế xã, phường; phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân và phòng khám bác sĩ gia đình thuộc các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện. Trong phần xác định mô hình tổ chức của phòng khám bác sĩ gia đình, Đề án đã chỉ ra một trong ba trọng tâm triển khai là phòng khám bác sĩ gia đình phối hợp, lồng ghép chức năng trạm y tế xã, phường. Hoặc nói một cách đơn giản, các trạm y tế xã, phường giờ đây vừa phải duy trì chức năng truyền thống, vừa phải phát triển theo định hướng của một phòng khám bác sĩ gia đình. Từ thí điểm đến đại trà, bước sang giai đoạn triển khai ở quy mô toàn quốc, những thuận lợi và khó khăn từ việc áp dụng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại hệ thống y tế cơ sở mà cụ thể ở đây là các trạm y tế xã, phường là không thể tránh khỏi.

Về thuận lợi: Thuận lợi trước tiên khi triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại trạm y tế đó là nền tảng cơ sở vật chất sẵn có. Việc đầu tư, xây mới một phòng khám bác sĩ gia đình đủ tiêu chuẩn tốn khá nhiều thời gian và chi phí. Hệ thống các trạm y tế cơ sở của nước ta phân bố rải rác theo từng khu vực, thường nằm ngay trung tâm hoặc gần khu dân cư và ở những địa điểm thuận lợi, dễ dàng cho việc di chuyển, thăm khám bệnh của cả bác sĩ và bệnh nhân. Các trang bị y tế, thuốc men ở mức cơ bản có thể tạm thời đáp ứng cho nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu. Tiếp theo đó, đội ngũ bác sĩ ở trạm y tế là những người có khá nhiều kinh nghiệm trong việc nắm bắt không chỉ tình hình sức khỏe mà còn là hoàn cảnh, lối sống của cư dân tại địa bàn cơ sở. Thông qua đó, bác sĩ có thể tầm soát, tư vấn và điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh kịp thời. Điều này chính là một trong những nguyên tắc cơ bản của mô hình Y học gia đình là chăm sóc ban đầu và toàn diện. Thêm nữa, triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại các trạm y tế xã phường sẽ giảm tải cho hệ thống y tế trung ương đang quá tải, từ đó tăng chất lượng khám và chữa bệnh, tránh sai sót không đáng có, bớt đi gánh nặng cho các bác sĩ và cả bệnh nhân. Tiết kiệm được ngân sách nhà nước cũng là một điểm thuận lợi trong việc triển khai Đề án, trong bối cảnh chi tiêu công của nước ta còn khá cao.

Về khó khăn: Nhân lực là thách thức đầu tiên mà các nhà quản lý gặp phải trong việc thực hiện Đề án này. Tuy đã có các chính sách hỗ trợ thực hiện đào tạo nhưng trên thực tế, số lượng bác sĩ gia đình vẫn còn rất ít. Thêm nữa, đặc thù của ngành Y là thời gian đào tạo kéo dài, chưa kể còn đòi hỏi nhiều năm kinh nghiệm kiến tập, thực tập lâm sàng. Với tốc độ phát triển của đề án, rất có thể tình trạng thiếu bác sĩ gia đình có chuyên môn sẽ xảy ra. Việc sử dụng nguồn nhân lực cơ sở cũng kém khả thi, vì với yêu cầu cả về số lượng và trình độ chuyên môn, lực lượng y, bác sĩ tại các trạm y tế đa phần chưa thể đáp ứng được. Nhưng mấu chốt của vấn đề còn ở tâm lý e ngại của người dân khi họ chưa đặt lòng tin vào mô hình phòng khám bác sĩ gia đình nói riêng và cả hệ thống y tế cơ sở nói chung. Tình trạng này xảy ra ở cả khu vực nông thôn lẫn thành thị, đặc biệt là sau những vụ việc đáng tiếc gần đây do sự bất cẩn của bác sĩ tuyến cơ sở. Bên cạnh đó, tâm lý muốn được điều trị ở các cơ sở lớn và uy tín cùng với thói quen khám chữa bệnh vượt tuyến sẽ là một thách thức không thể thay đổi trong thời gian ngắn.

Một số giải pháp: Trước mắt, Bộ Y tế nên tập trung hoàn thiện căn bản về đầu tư trang bị cơ sở vật chất, điều kiện về nhân lực cho hệ thống y tế cơ sở chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Bên cạnh đó, truyền thông cũng cần tích cực tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu về lợi ích của nguyên lý Y học gia đình và mô hình phòng khám bác sĩ gia đình kết hợp với trạm y tế xã, phường, từ đó thay đổi nhận thức và tham gia khám chữa bệnh đúng tuyến. Các chính sách về khám, chữa bệnh miễn phí; chế độ chi trả bảo hiểm y tế hay các quyền lợi khác của người dân khi khám, chữa bệnh tại hệ thống y tế cơ sở áp dụng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình cũng cần được chú trọng nâng cao. Cuối cùng là sự phối hợp khoa học và có tổ chức của các bộ, ban, ngành, các cơ quan liên quan trong việc giải quyết và thúc đẩy các chính sách, mục tiêu để Đề án đạt được hiệu quả cao nhất./.