"Cần kiểm soát chặt nợ công và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia"
Sáng nay (22-3), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội đánh giá công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như làm nổi bật những nhiệm vụ cụ thể trong việc điều hành kinh tế, xã hội giai đoạn tới đây.
Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ, đoàn Lai Châu |
Bên lề kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13, đại biểu Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu đã chia sẻ một số đánh giá về nội dung trên.
- Thưa đồng chí, với tư cách một đại biểu Quốc hội, xin đồng chí cho biết những đánh giá của mình về nhiệm kỳ của Chính phủ trong 5 năm qua?
Đại biểu Bùi Đức Thụ: Có thể thấy trong giai đoạn 2011-2015 mặc dù kinh tế thế giới còn khó khăn, không ổn định, nhưng kinh tế trong nước vẫn tăng trưởng tương đối khá, tốc độ tăng trưởng 5 năm qua đạt 5,9%.
Tuy không đạt được nghị quyết của Quốc hội nhưng vẫn đạt ở mức cao trong khu vực và trên thế giới và đặc biệt là tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt năm 2015, tốc độ tăng trưởng đã đạt gần 6% GDP là điều ấn tượng.
Điểm sáng trong giai đoạn này chính là việc kiềm chế lạm phát tương đối tốt, chỉ số CPI năm 2015 giảm chỉ còn 0,6%, nếu so với mức 18,13% của năm 2011, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc ổn định kinh tế, xã hội, ổn định môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư. Nhưng cần phải nhấn mạnh, điểm quan trọng hơn trong giai đoạn vừa qua là việc điều hành đã bảo đảm được tiền lương thực tế của người lao động trong nền kinh tế.
Các chỉ số phát triển khác của nền kinh tế cũng đạt tương đối khá, cụ thể là xuất khẩu tăng trưởng bình quân giai đoạn này lên đến 17%, kiểm soát nhập khẩu cũng tốt hơn, chính vì vậy đã giúp thu hẹp chênh lệch thương mại.
Nhập siêu giai đoạn 2011-2015 chỉ khoảng 10 tỷ USD, tương đương mức nhập siêu của năm 2011, nhờ vậy tiềm lực tài chính và dự trữ ngoại hối cũng tăng theo.
Hiệu quả của nền kinh tế cũng có sự thay đổi thể hiện theo chiều hướng tốt, ngoài ra, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm mạnh, chỉ còn 4,4%, trong đó đã giảm mạnh được các hộ nghèo tại những huyện thuộc diện Nghị quyết 30A của Chính phủ.
- Chính phủ đề ra với 8 nhóm giải pháp để thực hiện việc điều hành trong thời gian tới, đồng chí có đánh giá như thế nào về các nhóm giải pháp trên?
Đại biểu Bùi Đức Thụ: Mặc dù đạt được nhiều thành tựu về kinh tế xã hội trong giai đoạn 2011-2015 nhưng cũng phải nói rằng, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó lớn nhất là chất lượng hoạt động của nền kinh tế còn thấp, năng suất lao động còn thua nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Ngoài ra hiệu quả đầu tư cũng thấp, các chỉ số cạnh tranh tuy được cải thiện trong những năm gần đây nhưng còn thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực.
Trước bối cảnh hội nhập nền kinh tế diễn ra ngày càng sâu rộng thì sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, vì vậy ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của nền kinh tế.
Trước thực tế đó, theo tôi 8 nhóm giải pháp mà Chính phủ đề ra tương đối toàn diện và vấn đề đặt lên là cần xác định những điểm trọng yếu để tập trung chỉ đạo, điều hành để có thể đạt được các mục tiêu đề ra.
Vấn đề quan trọng nhất, theo tôi cần tập trung vào duy trì các cân đối của nền kinh tế, giữ vững sự ổn định vĩ mô, coi đó là điều kiện và tiền đề cho sự phát triển.
Lạm phát tuy được kiềm chế nhưng ngoài nguyên nhân chủ quan do điều hành chính sách tiền tệ, chính sách vĩ mô thì phải nói rằng nguyên nhân chỉ số CPI thấp vẫn là do giá dầu trên thị trường thế giới giảm, kéo theo mặt bằng giá thế giới giảm và đặc biệt điều này đã tác động vào Việt Nam khi mà độ mở của nền kinh tế rất lớn.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm 1,7 lần GDP do vậy mặt bằng giá thế giới giảm đã tác động trực tiếp đến kết giá hàng hóa trong nước, vì vậy việc kiểm soát lạm phát cần phải chú trọng, bám sát tình hình thực tiễn.
Thực tế cho thấy, việc cân đối tài chính trong 5 năm gần đây hết sức khó khăn, mục tiêu của chúng ta là chú trọng đầu tư, an sinh xã hội dẫn đến tỷ trọng chi thường xuyên tăng rất cao, chiếm tới 64%-65% tổng chi ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, cân đối ngân sách nhà nước đứng trên áp lực phải giảm thu để hỗ trợ, khuyến khích tăng trưởng.
Trong những năm qua, tỷ lệ động viên GDP của ngân sách nhà nước đã giảm xuống chỉ còn 21% (nhiệm kỳ trước là 28%) còn thuế, phí cũng chỉ chiếm khoảng 20,5% GDP. Điều này có ý nghĩa tích cực trong việc hỗ trợ tăng trưởng, khuyến khích các doanh nghiệp nhưng lại gây khó khăn cho việc cân đối ngân sách và điều này cũng bị tác động thêm bởi giá dầu giảm đã làm giảm thu từ việc nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn xăng dầu hằng năm.
Tất cả những vấn đề trên cho thấy cân đối ngân sách giai đoạn vừa qua hết sức khó khăn, đặc biệt bội chi những năm gần đây liên tục ở mức cao và vượt mức quốc hội cho phép, kéo nợ công tăng theo.
Đến cuối năm 2015, dư nợ công của chúng ta đã tăng lên mức 62,2% GDP, đáng chú ý dư nợ của Chính phủ đã vượt trần và tăng lên mức 50,3% GDP (cao hơn mức cho phép là 50% GDP).
Do vậy để bảo đảm phát triển bền vững trong giai đoạn tới, tôi cho rằng việc duy trì tính ổn định của nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt lạm phát, cải thiện cán cân ngân sách theo hướng giảm bội chi, giảm nợ công và đảm bảo An ninh tài chính quốc gia là điều kiện tiên quyết và cấp bách để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cũng như bảo đảm cho việc tăng trưởng bền vững giai đoạn tới.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
- Đồng chí có đánh giá như thế nào về việc cải cách hành chính, vấn đề này đã được thực hiện tốt chưa?
Đại biểu Bùi Đức Thụ: Có thể thấy, kết quả về kinh tế xã hội trong giai đoạn 2011-2015 có sự đóng góp của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là vai trò điều hành của Chính phủ, trong bối cảnh khó khăn như vậy mà không điều hành quyết liệt thì kết quả đạt được sẽ không ở mức vừa qua.
Việc điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ này cũng có nhiều điểm mới, khi tình hình thay đổi đã kịp thời đề xuất với Quốc hội để sửa đổi những cơ chế chính sách không chỉ chủ trương từ việc, đẩy mạnh, chú trọng tăng trưởng kinh tế sang mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ trọng yếu, rồi điều chỉnh các cơ cấu thu chi ngân sách, điều chỉnh các luật thuế để hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
Về phía Chính phủ ngoài việc đổi mới cải cách trong quản lý điều hành kinh tế xã hội thì điểm sáng nổi lên là việc đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong nhiệm kỳ vừa qua, thủ tục hành chính đối với lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nên đã giảm đáng kể được số giờ làm thủ tục hành chính.
Hơn lúc nào hết, để tạo môi trường hấp dẫn đầu tư thì ngoài các cơ chế chính sách về lợi ích đối với doanh nghiệp thì cần tạo lập một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thuận lợi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Việc cải cách hành chính cần được nhân rộng và thực hiện quyết liệt hơn trên mọi lĩnh vực.
- Xin cảm ơn đồng chí./.
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên