Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 14-3 đến ngày 20-3-2016)
TCCSĐT - Nhật Bản và Việt Nam vừa thống nhất khởi động đàm phán hướng tới phát triển ngành dệt may Việt Nam sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế để phù hợp Cộng đồng ASEAN
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 31-12-2015. Việc hình thành AEC sẽ mang lại cả lợi ích và thách thức cho Việt Nam do phải cắt giảm hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu từ cộng đồng này về 0% vào năm 2018.
Tự do hóa về thuế quan trong ASEAN được điều chỉnh bằng Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Đây là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết đã được thống nhất trong CEPT/AFTA.
Mức độ cắt giảm thuế quan trong AEC là sâu và rộng nhất so với các hiệp định thương mại tự do khác (0% đối với gần 98% số dòng thuế). Đây cũng là hiệp định có lộ trình cắt giảm được hoàn tất sớm nhất so với các hiệp định khác (năm 2018 là năm cuối lộ trình).
Theo cam kết, mức độ tự do hóa thuế quan của Việt Nam sẽ đạt khoảng 97% vào năm 2018. Còn 3% số thuế còn lại Việt Nam được loại trừ khỏi cam kết xóa bỏ thuế quan gồm các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm, các mặt hàng thuộc Danh mục loại trừ và CKD ( các dòng thuế ô tô chưa lắp ráp). Việt Nam là một trong bốn nước ASEAN được phép thực hiện cam kết tự do hóa với lộ trình cuối cùng kéo dài đến 01-01-2018.
Về thuế xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Việt Nam để hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế xuất nhập khẩu, tạo khung pháp lý đồng bộ trong việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Bộ Tài chính cũng đã quy định cụ thể về miễn thuế, xét miễn thuế, hoàn thuế, không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trong đó, tập trung ưu đãi đối với máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu quan trọng theo lĩnh vực hoặc địa bàn đầu tư cần ưu tiên phát triển, góp phần khuyến khích phát triển sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài.
Về thuế nội địa, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ để trình Quốc hội bổ sung các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi.
Về thủ tục hành chính thuế, hải quan, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa quốc gia ASEAN, thực hiện chuẩn hóa và công bố công khai 859 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; tiếp tục sửa đổi, bãi bỏ thủ tục hành chính còn rườm rà hoặc không cần thiết. Đồng thời, Bộ Tài chính đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2015 - 2016, qua đó cắt giảm được 420 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp, 97% các doanh nghiệp khai thuế qua mạng, 90% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế qua mạng.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp về hoàn thiện chính sách thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ thương mại Campuchia
Ngày 16-3 hơn 10 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia Hội chợ thương mại tỉnh Kampong Speu 2016 diễn ra từ ngày 15 đến ngày 19-3 tại Campuchia, mang lại cơ hội hợp tác, đầu tư cũng như tình đoàn kết của chính quyền, doanh nghiệp, nhân dân hai địa phương của hai nước Việt Nam - Campuchia.
Hội chợ thương mại Kampong Speu 2016 có hơn 80 gian hàng của các doanh nghiệp Campuchia, các doanh nghiệp đến từ tỉnh Vĩnh Long (Việt Nam) và Thái Lan. Đây là lần thứ 4 liên tiếp các doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long tham dự Hội chợ thương mại Kampong Speu. Lãnh đạo tỉnh Kampong Speu và Bộ Thương mại Campuchia đánh giá rất cao sự tham gia của các doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long và cho rằng, đây là thể hiện rõ nét của tình đoàn kết, hữu nghị giữa chính quyền và nhân dân hai tỉnh Vĩnh Long và Kampong Speu, thể hiện sự quyết tâm của chính quyền và doanh nghiệp nhằm củng cố và phát triển mối quan hệ truyền thống giữa hai địa phương kết nghĩa.
Các doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã mang đến Hội chợ Kampong Speu các sản phẩm nông nghiệp, đồ gia dụng, hóa chất, thực phẩm, may mặc... giúp cho Hội chợ đa dạng, phong phú về các sản phẩm hàng hóa và người dân Kampong Speu tiếp cận với những hàng hóa chất lượng từ Việt Nam.
Tối đa hóa những lợi ích từ TPP
Nhật Bản và Việt Nam vừa thống nhất khởi động đàm phán hướng tới phát triển ngành dệt may Việt Nam sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.
Thỏa thuận trên đạt được tại cuộc họp lần thứ nhất của Ủy ban song phương Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác năng lượng, công nghiệp và thương mại tại Hà Nội, với sự tham dự của Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Motoo Hayashi.
Hồi tháng 7-2015, hai nước đã nhất trí thành lập Ủy ban hợp tác Việt Nam - Nhật Bản nhằm thảo luận về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực công nghiệp song phương. Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên TPP, hiệp định đã được ký kết vào tháng Hai vừa qua. Theo hiệp định này, 12 nước sẽ dỡ bỏ hoặc hạ thấp biểu thuế quan và đưa ra các quy định về đầu tư và thương mại quốc tế thống nhất.
Đối thoại chính sách Việt Nam - Nhật Bản dự kiến sẽ bao trùm các vấn đề như làm thế nào để ngành dệt may Việt Nam có thể tối đa hóa những lợi ích từ TPP.
Cũng theo Bộ trưởng Thương mại New Zealand, Todd McClay nhận định thỏa thuận thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ nâng cao các chuẩn mực lao động và các điều kiện làm việc tại 12 quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam. Toàn bộ 12 nước thành viên TPP phải thực hiện tuyên bố bảo vệ các quyền đàm phán tập thể, tự do lập hội, bãi bỏ lao động trẻ em và chấm dứt phân biệt giữa người làm công và giới chủ.
Bộ trưởng McClay nhấn mạnh với TPP, tất cả các nước cũng phải thông qua và thực thi các đạo luật quy định điều kiện làm việc, mức lương tối thiểu, an toàn lao động và chăm sóc y tế cho người lao động.
Chương về lao động trong thỏa thuận TPP cũng quyết định thành lập một Hội đồng Lao động. Hội đồng này sẽ gồm các đại diện cấp cao của chính phủ các nước thành viên, có nhiệm vụ xem xét các vấn đề liên quan đến TPP và xem lại các quyết định của các bên trong TPP. Hội đồng này cũng có nhiệm vụ đánh giá lại chương về lao động 5 năm sau khi thỏa thuận có hiệu lực.
TPP là hiệp định thương mại tự do đa quốc gia, với sự tham gia của 12 nước, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
Thị trường vàng diễn biến mờ nhạt trong khi thị trường chứng khoán đang phát ra những tín hiệu khả quan
Xu hướng khởi sắc của thị trường chứng khoán và tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước các quyết sách của một số ngân hàng trung ương lớn đã tạo áp lực cho giá vàng trong đầu tuần. Mặc dù thị trường vàng đã phục hồi vào giữa tuần nhờ sự suy yếu của đồng USD, song đà giảm vẫn trở lại vào cuối tuần.
Thị trường vàng diễn biến ảm đạm trong hai phiên giao dịch đầu tuần. Đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày 15-3, giá vàng giao ngay còn chạm "đáy" của hai tuần khi giới đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm tìm kiếm manh mối về kế hoạch tăng lãi suất của ngân hàng này trong tương lai.
Nền kinh tế hàng đầu thế giới tiếp tục phát đi những số liệu khả quan, củng cố dự báo của thị trường về một chính sách thắt chặt tiền tệ hơn sẽ được Mỹ triển khai trong năm nay.
Quyết định không nâng lãi suất của Fed đã giúp giá vàng phục hồi trong phiên giao dịch ngày 16 và ngày 17-3, song đà tăng chưa đủ mạnh và vẫn chưa đồng đều trên cả hai hợp đồng vàng giao ngay và giao kỳ hạn. Tới phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng lại tiếp tục chiều đi xuống, giữa bối cảnh đồng USD ổn định ở trên mức "đáy" của năm tháng.
Vào lúc 1 giờ 52 phút sáng ngày 19-3 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường Mỹ giảm 0,31%, xuống 1.253,99 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn cũng hạ 0,8%, xuống 1.254,3 USD/ounce. Dù vậy, giá vàng giao ngay vẫn chứng kiến mức tăng 0,4% trong cả tuần qua. Giá bạch kim và palađi cũng lần lượt mất 1,22% và 0,6% trong phiên này. Tuy nhiên, đi ngược với diễn biến trên, giá bạc lại tăng hơn 1%, chốt phiên ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 10-2015. Kim loại quý ngày ghi nhận mức tăng 2,2% trong tuần qua.
Trong phiên 18-3, đồng USD tăng 0,3% so với các đồng tiền chủ chốt, song vẫn áp sát mức thấp nhất 17 tháng so với đồng yen của Nhật Bản.
Kể từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng 18% khi những đồn đoán về khả năng Fed nâng lãi suất trong ngắn hạn “phai nhạt”. Trong ngày 17-3, lượng vàng do SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, nắm giữ đã tăng 1,5%, lên 807,09 tấn.
IMF: Chính sách lãi suất âm có lợi cho nền kinh tế toàn cầu
Trong một phát biểu mới đây trên Bloomberg TV, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận định chính sách lãi suất âm được các ngân hàng Trung ương (trong đó có ngân hàng Trung ương Nhật Bản và châu Âu) áp dụng để đối phó với tình trạng giảm phát là có lợi cho nền kinh tế toàn cầu.
Theo bà Lagarde, nếu không có chính sách này, môi trường kinh tế có lẽ đã tồi hơn nhiều, với lạm phát và tốc độ tăng trưởng chắc chắn thấp hơn mức hiện nay. Bà Lagarde khẳng định lãi suất âm là chính sách đúng đắn trong các điều kiện kinh tế hiện nay.
Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và các ngân hàng Trung ương của Thụy Điển, Đan Mạch, Thụy Sĩ trong năm qua đã đồng loạt áp dụng chính sách lãi suất âm trong nỗ lực hối thúc các ngân hàng thương mại bơm thêm tiền vào nền kinh tế nhằm kích thích chi tiêu và đầu tư.
Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm này, giới chuyên gia kinh tế lại quan ngại rằng lãi suất âm có thể khiến giới doanh nghiệp và người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen mới đây cho biết ngân hàng này đang theo dõi tác động của chính sách lãi suất âm tại các nền kinh tế và dự báo rằng các tác động có thể là trái chiều.
ECB kêu gọi các nền kinh tế EU đẩy mạnh cải cách sâu rộng hơn
Ngày 17-3, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi kêu gọi các nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) đẩy mạnh cải cách và nỗ lực hơn nữa để vực dậy nền kinh tế khu vực.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp với các lãnh đạo EU ở Brussels (Bỉ), ông Draghi nhận định nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang phục hồi với tốc độ chậm chạp, các nguy cơ vẫn rình rập, thậm chí có những nguy cơ ngày càng rõ rệt.
Việc các quốc gia chủ yếu dựa vào chính sách tiền tệ để phục hồi nền kinh tế trong những năm qua là chưa đủ, còn tồn tại nhiều yếu kém về mặt cấu trúc. Chính vì vậy, 19 quốc gia thuộc Eurozone cần chú trọng hơn nữa tới các biện pháp cải cách cấu trúc nền kinh tế trong đó tập trung kích thích tiêu dùng, tăng đầu tư công, giảm thuế và cần xác định rõ tương lai của Eurozone.
Trước những tác động của cuộc khủng hoảng nợ, lãnh đạo các nền kinh tế Eurozone đã cam kết áp dụng nhiều chính sách nhằm củng cố khối đồng tiền chung. Tuy nhiên, cho tới nay tình hình vẫn chưa có nhiều cải thiện thậm chí còn tiếp tục trượt dốc.
Tuần trước, ECB đã công bố các biện pháp chưa từng có tiền lệ nhằm khắc phục tình trạng giảm phát và thúc đẩy nền kinh tế trong đó bao gồm tiếp tục cắt giảm mức lãi suất vốn đã ở mức thấp kỷ lục và mở rộng các chương trình nới lỏng định lượng vốn gây nhiều tranh cãi./.
Quốc hội nghe báo cáo công tác của Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ  (22/03/2016)
10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015 được vinh danh  (22/03/2016)
Tọa đàm về vai trò phụ nữ trong xã hội Việt Nam tại Argentina  (22/03/2016)
Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng Việt-Nga lần thứ 2  (22/03/2016)
Thông tin về điều tra áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam  (22/03/2016)
Một số vấn đề trong xây dựng Đảng về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (22/03/2016)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên