Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Nông trong giai đoạn mới

Ngô Thanh Danh Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông
21:13, ngày 21-03-2016

TCCSĐT - Là vùng đất cổ nằm trên cao nguyên Mơ Nông, phía Nam Tây Nguyên, Đắk Nông là nơi sinh sống lâu đời của các dân tộc bản địa, như Mnông, Mạ, Ê-đê,… với nền văn hóa truyền thống lâu đời và không ngừng được bồi đắp thông qua sự giao lưu, tiếp xúc văn hóa của các dân tộc anh em. Thời gian qua, Đắk Nông có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần gìn giữ sự đa dạng, phong phú và đặc sắc cho bức tranh văn hóa.

Nhiệm vụ trọng tâm, hành động cụ thể

Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, Tỉnh ủy Đắk Nông luôn coi trọng việc xây dựng và phát triển văn hóa địa phương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh luôn xác định rõ nhiệm vụ chăm lo phát triển văn hóa, bảo vệ nền tảng đạo đức xã hội, trong đó công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Công tác này được triển khai bằng những hoạt động cụ thể, dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Chương trình hành động số 09-CTr/TU, ngày 13-9-2004, Chương trình hành động số 31- CTr/TU, ngày 13-11-2014, triển khai các đề án, chính sách phát triển văn hóa, giáo dục như: Đề án “Phát triển văn hóa thông tin tỉnh Đắk Nông đến năm 2010”; Đề án “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của dân tộc Mnông tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2005 - 2009”; Đề án “Xã hội hóa hoạt động văn hóa giai đoạn 2006 - 2010”; Đề án tổng thể phát triển sự nghiệp văn hóa nghệ thuật tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2012 - 2020, Đề án “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc thiểu số tại chỗ giai đoạn 2010 - 2015”, Đề án “Sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị hiện vật lịch sử, văn hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”…

Trong năm 2014, công tác nghiên cứu, khảo sát, điền dã, sưu tầm hiện vật văn hóa của dân tộc Mnông và Ê-đê, Mạ tại địa bàn cơ sở được thực hiện khá hiệu quả. Tỉnh cũng hoàn thành hồ sơ trình Chính phủ công nhận Đàn đá Đắk Ka là bảo vật quốc gia; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cồng chiêng cho nghệ nhân từ tỉnh đến cơ sở, tập huấn công tác quản lý nhà văn hóa cộng đồng; thành lập các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống tại các huyện thị; phục dựng, tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc bản địa (như lễ hội cúng cầu mưa, lễ cầu mùa của dân tộc Mnông ở Tuy Đức, lễ mừng lúa được mùa ở Đắk Song…); chú trọng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ văn hóa - nghệ thuật cho các đối tượng cán bộ trong lĩnh vực văn hóa; đời sống văn hóa cơ sở có sự chuyển biến tích cực. Từ năm 2004 đến nay, tỉnh đã khôi phục được 17 lễ hội truyền thống của các dân tộc Mnông, Mạ, Ê-đê; dàn dựng hơn 40 lượt lễ hội tiêu biểu; tổ chức 5 “Ngày hội văn hóa các dân tộc” cấp tỉnh, 22 “Ngày hội văn hóa các dân tộc” cấp huyện, thị xã. Đắk Nông cũng tổ chức 68 lớp truyền dạy cồng chiêng, 9 lớp chế tác nhạc cụ, 5 lớp dân ca Mnông; cấp phát 119 bộ chiêng, 5 bộ goong cho nhà văn hóa cộng đồng, gần 300 bộ trang phục truyền thống và 180 nhạc cụ dân gian Mnông cho 8 đội văn nghệ dân gian cấp huyện, thị xã. Đắk Nông còn tích cực tham gia Ngày hội buôn làng “Âm vang đại ngàn” tại Đắk Lắk; tham gia diễn xướng văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam hưởng ứng năm du lịch quốc gia tại Lâm Đồng, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương…

Ngoài ra, Dự án “Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Nông - Việt Nam” do UNESCO tài trợ được triển khai hiệu quả. Kết quả đã sưu tầm, in ấn, phát hành được 02 ấn phẩm, 01 tập sách ảnh, 0 1 DVD tư liệu về cồng chiêng Đắk Nông; thành lập 09 câu lạc bộ cồng chiêng; tổ chức các lớp bồi dưỡng cồng chiêng cho các nghệ nhân và cán bộ văn hóa cấp huyện, thị xã. Qua đó, giúp các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa truyền thống văn hóa của địa phương, dần dần đưa những giá trị cốt lõi, hồn dân tộc đến từng người. Nhiều đề tài lịch sử địa phương được nghiên cứu, biên soạn, phát hành, như Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đăk Nông (1930 - 2005); Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912 - 1936); Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Đắk Nông (1945 - 2007); Lịch sử công tác Đảng, công tác Chính trị lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Đắk Nông (1945 - 2010); Lịch sử Nhà ngục Đắk Mil; Lịch sử căn cứ kháng chiến Nâm Nung…

Bên cạnh đó, Đắk Nông cũng tiến hành điều tra, lập hồ sơ quy hoạch, tiến hành đầu tư tôn tạo và đề nghị công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia đối với các di sản văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh, trong đó, đã có 6 di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia (nhà ngục Đắk Mil ở huyện Đắk Mil; căn cứ kháng chiến Liên khu IV (B4, căn cứ Nâm Nung); di tích khởi nghĩa N’Trang Lơng ở huyện Tuy Đức; địa điểm lưu niệm khởi nghĩa N’Trang Gưh ở huyện Krông Nô; địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ (ở xã Đắk Nia, Thị xã Gia Nghĩa và xã Nam Bình, huyện Đắk Song); di tích Đồi Chiến thắng 722, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil...).

Khó khăn và thách thức

Bên cạnh những mặt đạt được, công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của tỉnh Đắk Nông hiện nay phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trước tiên là nguy cơ mai một bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào bản địa, đặc biệt là việc mất đi không gian thiêng vốn dĩ của các di sản văn hóa. Số lượng cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của đồng bào các dân tộc có chiều hướng giảm dần; kiến trúc dân gian đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên (nhà rông, nhà dài) đang mất dần. Nghề thủ công truyền thống của đồng bào chủ yếu là dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, đúc...; sản phẩm của các nghề này chứa đựng giá trị văn hóa tộc người sâu sắc nhưng hiện nay đang tồn tại lay lắt, thậm chí có một số nghề đã mất hẳn. Chữ viết của của dân tộc thiểu số tại chỗ cũng mai một dần, số người biết đọc, biết viết còn rất ít ỏi, kể cả người dân tộc bản địa. Các hoạt động văn nghệ dân gian trước đây diễn ra thường xuyên ở các buôn, bon thì giờ đây trở nên thưa thớt. Nhiều nơi không còn chế tác các nhạc cụ, lớp người biết đánh chiêng ít dần. Thế hệ trẻ không tha thiết với sinh hoạt văn hóa dân gian, coi nhẹ những giá trị văn hóa truyền thống, dẫn tới nguy cơ làm đứt đoạn với truyền thống văn hóa dân tộc. Một bộ phận thanh thiếu niên có biểu hiện xu hướng vọng ngoại, quay lưng lại với văn hóa dân tộc, giá trị đạo đức truyền thống. Nguyên nhân của thực trạng trên là do đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc nhiều nơi còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Sự phát triển kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập, bên cạnh những tác động tích cực, cũng có nhiều tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí, ngân sách, phương tiện, con người cần đầu tư, bố trí cho lĩnh vực này còn ít và khó khăn, đặc biệt là sự thiếu hụt cán bộ làm công tác văn hóa là người các dân tộc thiểu số ở địa phương. Công tác xã hội hóa về văn hóa chưa thu hút được đông đảo nhân dân quan tâm thực sự. Việc tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia giữ gìn văn hóa, lịch sử truyền thống chưa được tiến hành thường xuyên và sâu rộng đến tầng lớp dân cư trên địa bàn. Công tác sưu tầm di sản văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá bản địa được triển khai nhưng chưa thực hiện sâu rộng. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở các cấp còn nhiều bất cập, năng lực hạn chế; tính sáng tạo nghệ thuật trong các tầng lớp nhân dân chưa được khơi dậy và phát huy.

Để giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở Đắk Nông

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, Đắk Nông xác định một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân đối với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nhất là đối tượng thanh thiếu niên thông qua các công trình văn hóa, các di tích lịch sử và các chương trình, hoạt động, như lễ thắp nến tri ân; hành trình đến với khu di tích lịch sử… Cổ vũ nhân dân bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; tổ chức các hoạt động học tập và tìm hiểu đất và người Đắc Nông (địa lý, lịch sử, dân tộc, ngôn ngữ, phong tục tập quán, hệ thống chính trị, kinh tế, tín ngưỡng - tôn giáo, văn hóa - xã hội…).

Hai là, mở rộng phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật trong nhân dân; khơi dậy tiềm năng, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Xây dựng, củng cố và phát triển các mô hình hoạt động văn nghệ như các câu lạc bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vừa sáng tác vừa hưởng thụ của công chúng. Kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội, phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ di sản văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa. Thường xuyên tổ chức các hoạt động, như Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, Liên hoan ca múa nhạc dân gian, Liên hoan cồng chiêng… Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; công tác khảo sát điều tra, sưu tầm các giá trị văn hóa về sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, các loại hình văn hóa dân gian, như dân ca, dân vũ, trang phục, hoa văn, nhạc cụ dân tộc; đặc biệt, chú trọng đến văn hóa cồng chiêng, sử thi, tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái. Chú trọng việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa phục vụ giáo dục truyền thống. Có biện pháp giúp đồng bào bảo tồn các di sản văn hóa (cồng chiêng, ché quý, nhạc khí dân tộc...), giữ gìn sắc phục của dân tộc, khuyến khích mặc trang phục dân tộc mình vào các ngày lễ, tết... Mở rộng, khuyến khích việc dạy và học chữ của đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức biên soạn lịch sử truyền thống của địa phương và đưa vào giảng dạy ở các trường học; xây dựng, đưa chương trình phổ biến văn hóa truyền thống các dân tộc vào trong nhà trường.

Ba là, tăng cường đầu tư xây dựng, cơ sở vật chất cho văn hóa đến các địa bàn dân cư. Đầu tư có trọng điểm, từng bước xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; bảo đảm ngân sách cho hoạt động văn hóa thường xuyên, các chương trình văn hóa lớn, trong đó chú ý đến hoạt động văn hóa xã, phường, thị trấn. Đầu tư cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế của địa phương. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh có thể bố trí đủ nguồn lực để thực hiện thành công chiến lược phát triển văn hóa tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2012 - 2020 và các đề án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa, trên cơ sở xác định công tác văn hóa là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên. Thể chế hóa đường lối chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hóa thành chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các ngành, các cấp. Tạo điều kiện để phát triển nguồn lực cho hoạt động văn hóa; cho bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, văn hóa truyền thống nhằm hướng đến xây dựng nền văn hóa tỉnh Đắk Nông vững mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của các tầng lớp nhân dân. Triển khai thực hiện tốt các văn bản liên quan đến việc phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh, như Quyết định số 09/2008/QĐ/UBND, ngày 27-3-2008, của Ủy ban nhân dân tỉnh, đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống nhà văn hóa cộng đồng, tổ chức quản lý, hoạt động đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 2 Đề án phát triển văn hóa của tỉnh và Đề án “Sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị hiện vật lịch sử, văn hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”; Đề án “Tổng thể phát triển sự nghiệp văn hóa nghệ thuật tỉnh Đắk Nông từ năm 2012 đến năm 2020”; tiến hành tổng kết, đánh giá và có những tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc thiểu số tại chỗ giai đoạn 2010 - 2015”. Tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để nâng cao khả năng dự báo và định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người Đắk Nông.

Năm là, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với tính đặc thù văn hóa, nghệ thuật của tỉnh; chú trọng đến chính sách văn hóa đặc thù của dân tộc thiểu số tại chỗ như Mnông, Mạ, Ê-đê và các dân tộc khác. Tập trung xây dựng nguồn nhân lực đủ mạnh để chỉ đạo, tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động văn hóa có hiệu quả; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Huy động các nguồn lực xã hội để khai thác tối đa các thế mạnh về văn hóa của địa phương, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa Mnông, Mạ, Ê-đê; đồng thời, tiếp thu văn hóa các dân tộc anh em và văn hóa nhân loại làm giàu thêm văn hóa địa phương. Chú trọng đầu tư và phục dựng các loại hình nghệ thuật truyền thống, các thể loại dân ca, nhạc cụ dân tộc, một số loại hình nghệ thuật có nguy cơ bị mai một. Có chính sách, cơ chế khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân là người dân tộc thiểu số sáng tác và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống./.