Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 21-3-2016, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật báo chí (sửa đổi).

* Bổ sung quy định về những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí

Tại phiên thảo luận chiều nay, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã góp ý vào Điều 9: Những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí trong dự thảo luật.

Thể hiện sự tán thành với 13 điều cấm được quy định tại Điều 19, tuy nhiên nhiên đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) vẫn còn băn khoăn với khoản 1 của Điều 13. Dự luật quy định: “Đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung: a) Xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; b) Bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; c) Gây chiến tranh tâm lý”. Đại biểu nêu lên hiện tượng đối tượng “không xuyên tạc, không phỉ bảng chính quyền nhân dân nhưng lại phủ nhận sự tồn tại của chính quyền nhân dân hiện tại theo phương cách là thừa nhận, ca ngợi những gì chính quyền nhân dân đạt được trong lịch sử, nhưng trong giai đoạn lịch sử hiện tại với xu hướng loài người đã và đang đi vào giai đoạn văn minh công nghiệp nên chính quyền nhân dân hiện tại không còn vai trò lịch sử nữa, cần phải nhường vai trò lịch sử cho chính quyền khác”... Đại biểu Tô Văn Tám đánh giá những hành vi đó còn nguy hiểm hơn hành vi xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân và đề nghị cần quy định trong Điều 9 những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí. Theo đại biểu khoản a điểm 1 Điều 9 cần được quy định cụ thể là hành vi “xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân”.

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung thêm quy định cấm phân biệt đối xử khi cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí vì đại biểu lo ngại hiện nay có việc các cơ quan báo chí khác nhau bị phân biệt khi cung cấp thông tin.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo luật cho biết, nhiều ý kiến đề nghị ghép nội dung bị cấm và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, đổi tên điều thành Những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí vì các văn bản quy phạm pháp luật thường chỉ quy định các hành vi cấm, không quy định nội dung bị cấm. Một số ý kiến đề nghị lược bỏ những nội dung đã quy định trong Bộ luật Dân sự để tránh trùng lắp và bỏ một số từ ngữ gây ấn tượng nặng nề; bổ sung một số nội dung cấm như: xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; tiết lộ bí mật nghề nghiệp, bí mật gia đình.

* Bảo đảm tính khả thi của điều luật

Điều 12 của dự luật quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân: Đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân phù hợp với tôn chỉ, mục đích và không vi phạm khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8 và khoản 9 Điều 9 của Luật này; trong trường hợp không đăng, phát sóng phải trả lời và nêu rõ lý do khi có yêu cầu; Trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, quy định này không có tính khả thi vì báo chí không thể đăng toàn bộ các kiến nghị, phê bình, tin, bài ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân, đồng thời cũng không có khả năng trả lời từng đơn thư của công dân. Mặt khác chỉ đăng đơn thư, kiến nghị, tin, ảnh gửi đến cũng rất lớn. Một vụ việc phô tô gửi nhiều báo đài, nếu không chọn lọc mà đăng phát toàn bộ thì vừa gây trùng lặp thông tin, vừa tăng lượng đăng phát không hợp lý. Đại biểu nhấn mạnh thêm báo chí cũng không đăng, phát khiếu nại, tố cáo mà chưa qua xác minh, trong khi đó, cơ quan báo chí không đủ người để xác minh mà thường có văn bản gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong khi đó, tâm lý người dân khi chuyển đơn thư đến cơ quan báo chí thì muốn được đăng, phát sóng để gây sức ép đối với cá nhân, cơ quan có thẩm quyền xem xét. Nếu không đăng, phát thì người dân rất muốn biết lý do vì sao, yêu cầu trả lời, vậy cơ quan báo chí có bảo đảm để thực hiện điều này hay không?. Do vậy, đại biểu đề nghị cần quy định lại Điều 12 để bảo đảm sát với thực tế để quyền công dân được thực hiện.

Về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, tại Chương II, đại biểu Tô Văn Tám nhận xét khoản 3 Điều 11 quy định công dân có quyền “Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức đó”. Đại biểu cho rằng, quyền góp ý, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân trên báo chí là một kênh quan trọng để công dân thực hiện quyền của mình. Tuy nhiên công dân không chỉ góp ý, phê bình, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước mà còn có quyền này đối với cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước, trong các cơ quan Đảng, nhưng dự thảo lại chưa quy định quyền này của công dân. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng cán bộ nhà nước, các cơ quan Đảng vào đối tượng góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân trên báo chí. Mặc khác, dự thảo mới chỉ đề cập tới tổ chức xã hội và các thành viên của các tổ chức đó nhưng theo đại biểu quy định vậy là chưa đủ vì ngoài các tổ chức xã hội còn có các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp nữa. Đại biểu đề nghị bổ sung các tổ chức này vào khoản 3 của Điều 11.

Một số nội dung khác cũng được các đại biểu quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận. Về Điều 32 “Xuất bản bản tin thông tấn”, theo đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) trong báo cáo giải trình có nói việc lược bỏ giấy phép hoặc là đã thay đổi thủ tục cấp phép đối với cơ quan thông tấn nhà nước. Tuy nhiên đại biểu băn khoăn khi tại Điều 32 quy định “Sau 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của cơ quan thông tấn nhà nước, Bộ Thông tin và truyền thông có văn bản chấp thuận. Trường hợp không chấp thuận, Bộ Thông tin và Truyền thông phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do”. Đại biểu Hà Minh Huệ cho rằng, “quy định trường hợp không chấp thuận tức là phải xin phép”. Đại biểu nhấn mạnh, “cơ quan thông tấn nhà nước đã được Nhà nước quy định chức năng rất cụ thể là ra bản tin thông tấn, bây giờ mỗi 1 bản tin thông tấn lại xin phép liệu có phù hợp không” - đại biểu đặt vấn đề.

Chủ trì nội dung thảo luận về Luật báo chí (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết Ban soạn thảo trên cơ sở góp ý của các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

* Sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả

Cũng tại phiên làm việc, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia.

Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày nêu rõ mục tiêu của việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để đáp ứng yêu cầu về đất đai cho các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Duy trì quỹ đất trồng lúa hợp lý nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm đất đai sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngày càng cao.

Chính phủ kiến nghị: Theo tính toán của các chuyên gia, với 3.760,39 nghìn ha đất trồng lúa thì diện tích gieo trồng lúa hàng năm trên 7 triệu ha; với năng suất bình quân khoảng 60 tạ/ha/năm thì sản lượng lúa đạt 42 triệu tấn/năm, vẫn đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia theo Kết luận số 53-KL/TW, ngày 05-8-2009 của Bộ Chính trị. Do vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội biểu quyết thông qua diện tích đất trồng lúa cấp quốc gia đến năm 2020 là 3.760,39 nghìn ha, đất chuyên trồng lúa nước (2 vụ trở lên) là 3.128,96 nghìn ha; trong 3.760,39 nghìn ha đất trồng lúa, có khoảng 400 nghìn ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng được bảo vệ để không làm mất các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa.

Về đất rừng phòng hộ, nhằm phát triển kinh tế rừng một cách bền vững, góp phần giải quyết việc thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc tại chỗ, từng bước giải quyết vấn đề di cư tự do; đồng thời bố trí cây trồng một cách hợp lý, phù hợp với yêu cầu phòng hộ, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ đề nghị Quốc hội biểu quyết thông qua cho chuyển 1.100 nghìn ha diện tích rừng phòng hộ khoanh nuôi, trồng rừng kém chất lượng tại các khu vực ít xung yếu sang rừng sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Ngày mai, Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình./.