Tuyên bố chung Việt Nam - Cu-ba
Kết thúc chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Cu-ba của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Cu-ba, toàn văn như sau:
1. Nhận lời mời của Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô Ru-giơ, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đã thăm chính thức hữu nghị Cộng hòa Cu-ba từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 6 năm 2007.
2. Trong cuộc hội đàm quan trọng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô một lần nữa khẳng định những tình cảm sâu sắc của quan hệ hữu nghị đặc biệt và tình đoàn kết anh em giữa hai dân tộc Việt Nam và Cu-ba đã trở thành biểu tượng của thời đại chúng ta.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã hội đàm với Bí thư Thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô Ru-giơ. Trong bầu không khí hiểu biết lẫn nhau, tin cậy và thắm tình đồng chí anh em, hai bên đã thông báo cho nhau tình hình mỗi Đảng, mỗi nước và trao đổi ý kiến về quan hệ song phương và những vấn đề quốc tế cùng quan tâm.
3. Hai bên bày tỏ vui mừng trước những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam, Cu-ba đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hai bên tự hào về truyền thống đoàn kết của quan hệ giữa hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Cu-ba; khẳng định quyết tâm tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết, thủy chung, tin cậy lẫn nhau và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á, Mỹ La-tinh và trên thế giới.
4. Phía Việt Nam khẳng định ủng hộ những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân Cu-ba trong cuộc đấu tranh đòi Mỹ chấm dứt ngay chính sách bao vây, cấm vận và các hành động, kế hoạch can thiệp và gây mất ổn định chống Cu-ba, đòi công lý cho 5 thanh niên Cu-ba đang bị giam giữ tại Mỹ và đòi đưa ra xét xử tên khủng bố khét tiếng Lu-ít Pô-xa-đa Ca-ri-lết. Phía Cu-ba khẳng định mong muốn và tin tưởng vững chắc rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục giành được những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
5. Hai bên nhất trí tăng cường các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, mở rộng hợp tác kinh tế, tiếp tục hợp tác chặt chẽ về quốc phòng, an ninh và đối ngoại; tăng cường giáo dục thế hệ trẻ hai nước về tình đoàn kết và tình anh em Việt Nam - Cu-ba.
6. Hai bên thống nhất cùng nỗ lực thúc đẩy và mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cũng như triển khai các sáng kiến về hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch, thể thao, phát thanh, truyền hình, xây dựng và các lĩnh vực khác trên cơ sở khai thác tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước.
Hai bên khẳng định vai trò của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Cu-ba như công cụ thích hợp để tìm hiểu, đánh giá và thông qua những dự án hợp tác trọng điểm, trong đó có các dự án về tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên đất liền và tại vùng Vịnh Mê-hi-cô; thiết kế và trợ giúp kỹ thuật cho Trung tâm công nghệ sinh học tại Việt Nam và giai đoạn ba của dự án Phát triển trồng lúa hộ gia đình.
7. Hai bên chia sẻ lập trường thống nhất về nhiều vấn đề quốc tế; hoàn toàn ủng hộ đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của nhau; nhất trí cho rằng, mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết thông qua đàm phán, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết của các dân tộc và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, không dùng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực.
Hai bên nhấn mạnh rằng, các vấn đề bức xúc mà đa số nhân loại đang phải hứng chịu như đói nghèo, mù chữ, thiếu dịch vụ y tế, thất nghiệp và phân biệt đối xử, cùng với nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và sự suy thoái nhanh môi truờng đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa các quốc gia mới có thể giải quyết được. Hai bên khẳng định tích cực tham gia cùng nhân dân thế giới đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển bền vững và tiến bộ xã hội, cho một trật tự thế giới mới công bằng và dân chủ hơn.
Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết cải tổ Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc theo hướng dân chủ hơn, đảm bảo quyền lợi của tất cả các nước thành viên, tăng cường vai trò chủ đạo của Liên hợp quốc trong các công việc của thế giới và ngăn chặn mọi mưu toan và hành động trái với Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc và chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Cu-ba ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009.
Hai bên khẳng định sẵn sàng đóng góp vào việc tăng cường và thúc đẩy Phong trào Không liên kết, mà hiện Cu-ba là Chủ tịch, để Phong trào này có thể thực hiện được những khát vọng và ý chí của các nước thành viên, đại diện cho phần lớn nhân loại.
Hai bên nhận thấy, trong cuộc đấu tranh chống lại sự thống trị của mô hình tự do mới được áp đặt trên thế giới trong mấy thập kỷ qua, đã xuất hiện các phong trào quần chúng và xã hội mạnh mẽ ở Mỹ La-tinh - Ca-ri-bê và các chính phủ cam kết thực hiện những khát vọng công lý của nhân dân và quyết tâm thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực, tăng cường hợp tác cùng phát triển, mà Giải pháp Bô-li-va cho Châu Mỹ là một ví dụ hùng hồn.
Hai bên nhận thấy các quá trình hội nhập ở châu Á có những bước tiến quan trọng, góp phần vào sự phát triển, thịnh vượng và ổn định trong khu vực và trên thế giới.
8. Hai bên đánh giá cao kết quả tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Cu-ba của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; coi đây là sự kiện trọng đại, tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước anh em Việt Nam - Cu-ba ngày càng bền chặt, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng ở hai khu vực và trên thế giới.
9. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Cu-ba đã dành cho Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, thắm tình đồng chí anh em. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã trân trọng mời các đồng chí Bí thư Thứ nhất Phi-đen Ca-xtơ-rô Ru-giơ và Bí thư Thứ hai Ra-un Ca-xtơ-rô Ru-giơ sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Hai đồng chí đã cảm ơn và vui vẻ nhận lời mời./.
Tuy xa mà thật gần  (04/06/2007)
Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân  (04/06/2007)
Cái mới trong đổi mới  (04/06/2007)
Về đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng  (04/06/2007)
Dân chủ và dân chủ ở cơ sở nông thôn trong tiến trình đổi mới  (04/06/2007)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay