Qua hơn 20 năm đổi mới, sự phát triển hệ thống lý luận của Đảng đang được chứng minh qua những thành tựu trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế - xã hội. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, đã hình thành trên những nét cơ bản. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng tiếp tục khẳng định ý chí của toàn Đảng, toàn dân là tiếp tục xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất...

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta chưa có tiền lệ trong lịch sử, điều đó đòi hỏi chúng ta cần đi sâu nghiên cứu trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa hoàn thiện và phát triển lý luận, vừa ứng dụng trong thực tiễn và tổng kết thực tiễn.

Cuốn sách được Ban Kinh tế Trung ương biên soạn từ kết quả nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao, các nhà quản lý doanh nghiệp, chuyên gia,... thông qua việc đóng góp với Ban Kinh tế Trung ương qua các hội thảo khoa học, đề xuất ý kiến để bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo của Ban trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội.

Từ các cách tiếp cận và góc độ nghiên cứu khác nhau, các tác giả đã tập trung phản ánh tình hình thực tiễn với nhiều nguồn tư liệu phong phú, xác đáng; đề ra giải pháp giải quyết các vấn đề đặt ra và nhận định, dự báo xu thế phát triển của nhiều vấn đề kinh tế - xã hội vĩ mô và vi mô trong thời gian tới.

Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo tốt cho bạn đọc trong việc học tập, nghiên cứu đường lối, chủ trương của Đảng, trong giải quyết một số vấn đề kinh tế - xã hội đặt ra.

Cuốn sách gồm 8 chương:

Chương I: Tiêu chí Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Chương II: Các yếu tố và khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam sau khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Chương III: Hình thành và phát triển đồng bộ các loại thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chương IV: Huy động các nguồn vốn phát triển kết cấu hạ tầng.

Chương V: Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Chương VI: Chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chương VII: Chiến lược và chính sách phát triển năng lượng ở nước ta.

Chương VIII: Ngành cơ khí Việt Nam với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.