Xác định đúng đắn tầm quan trọng to lớn của dân chủ, từ khi bước vào công cuộc đổi mới đất nước đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã hết sức quan tâm đến vấn đề này và đã có nhiều chủ trương, chính sách, quy chế để phát huy dân chủ trong đời sống xã hội, đặc biệt là đã ban hành và triển khai có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở. Phát huy dân chủ và thực hiện dân chủ ở cơ sở không chỉ góp phần củng cố, kiện toàn tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân ở cơ sở, không chỉ là giải pháp để hạn chế sự tha hóa quyền lực, chống lại tệ quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước mà nó còn khơi dậy sức mạnh tiềm tàng của quần chúng lao động, phát huy cao độ mọi tiềm năng, trí tuệ của toàn thể nhân dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chúng ta đang tiến hành xây dựng và từng bước hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đời sống mọi mặt của người dân được nâng lên, thì vấn đề dân chủ và dân chủ ở cơ sở ngày càng có vai trò và ý nghĩa to lớn trong đời sống xã hội.

Nội dung của cuốn sách nêu bật tầm quan trọng của dân chủ và dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là dân chủ cơ sở ở nông thôn nước ta hiện nay; quan hệ giữa thể chế chính thống và phi chính thống trong việc củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở nông thôn; tác động của quy chế dân chủ ở cơ sở đối với việc thực hiện xóa đói giảm nghèo ở nông thôn từ góc nhìn đánh giá chính sách; tâm lý làng xã trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và tăng cường văn hóa pháp luật ở nông thôn đồng bằng bắc bộ; những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua, đồng thời đề xuất những giải pháp khắc phục nhằm góp phần thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn việc phát huy dân chủ trong đời sống xã hội.