Bảy mươi năm đối ngoại Việt Nam: Thành tựu và những bài học kinh nghiệm

PGS,TS. Nguyễn Văn Lan Học viện Chính trị khu vực III
20:00, ngày 01-09-2015

TCCSĐT - Nhìn lại quá trình cách mạng, kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trải qua các thời kỳ đấu tranh vì độc lập, thống nhất đất nước cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hoạt động đối ngoại đã có nhiều đóng góp quan trọng, có ý nghĩa lịch sử đối với tiến trình cách mạng của dân tộc. Đây thực sự là những thành tựu của một quá trình trải nghiệm, tìm tòi và đổi mới tư duy của Đảng trên lĩnh vực đối ngoại, mang lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp đổi mới, bảo vệ, xây dựng đất nước hiện nay.

Những thành tựu cơ bản của đối ngoại Việt Nam

Trước hết, phục vụ đắc lực cho tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam độc lập ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tích cực đưa hoạt động đối ngoại hướng tới tranh thủ sự ủng hộ của các nước trên thế giới. Ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập, về đối ngoại, Người kêu gọi các nước Đồng minh công nhận quyền độc lập của nhân dân Việt Nam: “Chúng tôi tin rằng các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”(1). Về đối sách của Chính phủ Việt Nam, Người khẳng định: “Chính sách ngoại giao của chính phủ thì chỉ có một điều tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hòa bình”(2). Trước và sau độc lập, trên cương vị người đứng đầu Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều điện, thư đến các vị nguyên thủ, các ngoại trưởng của các nước và tổ chức như Hoa Kỳ, Trung Hoa, Liên Xô và Liên hợp quốc. Những bức thư, điện thể hiện quan điểm ngoại giao của Việt Nam, đó là ngay từ đầu đã cố gắng mở rộng quan hệ với các nước, nhất là các cường quốc, để tranh thủ sự công nhận địa vị pháp lý của nước Việt Nam độc lập, qua đó xác lập vị thế chủ nhà trong việc giao tiếp với các nước bên ngoài, bảo vệ chế độ dân chủ cộng hòa vừa được thành lập. Tuy nhiên, trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới lúc đó, nhân dân ta phải chiến đấu chống thực dân Pháp, bảo vệ thành quả cách mạng trong tình thế gần như đơn độc. Từ năm 1950, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân”(3). Từ đây, cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận và được sự ủng hộ tinh thần, viện trợ vật chất của cách mạng thế giới, phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Đây cũng là sự kiện đánh dấu bước hội nhập đầu tiên của Việt Nam vào khối các nước xã hội chủ nghĩa, trong trật tự thế giới hai cực.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoạt động ngoại giao Việt Nam đã luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập dân tộc, kiên trì kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh pháp lý, phát huy chính nghĩa. Đấu tranh ngoại giao đã kết hợp chặt chẽ và hiệu quả với đấu tranh quân sự và chính trị, buộc Mỹ phải đương đầu với một thế trận chiến tranh nhân dân toàn diện của cách mạng Việt Nam. Trong đó, mặt trận ngoại giao là một mũi đấu tranh sắc bén trên trường quốc tế và đánh vào chính hậu phương của Mỹ vào những thời điểm khó khăn. Từ những kinh nghiệm của hoạt động ngoại giao ở Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương, đấu tranh ngoại giao Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước đã trưởng thành vượt bậc về nhiều mặt, thể hiện rõ vai trò tích cực, tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong đàm phán Hội nghị Pa-ri, Việt Nam đã giữ vững độc lập, tự chủ trong đàm phán. Đây thực sự là bước hội nhập quốc tế tiếp theo của Việt Nam, trực tiếp tạo nên một trong những nhân tố quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đến thắng lợi.

Giai đoạn đầu sau thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam rơi vào tình thế bị bao vây, cô lập. Trong khi đó, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều chuyển biến sâu sắc, đất nước ta đứng trước một số thời cơ và nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đánh dấu sự đổi mới của Đảng ta về đối ngoại, theo hướng hình thành đường lối đối ngoại phù hợp là rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế trên tinh thần giữ vững độc lập, chủ quyền dân tộc.

Kiên định, nhất quán tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” trong chính sách đối ngoại rộng mở, Đảng và nhà nước ta coi trọng phát triển quan hệ với tất cả các nước, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế. Từ chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại của Đại hội VI của Đảng, với những kết quả đối ngoại của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, đã củng cố những bước tiến vững chắc của nước ta với phương châm Việt Nam “muốn là bạn với tất cả các nước” (4) của Đại hội VII (năm 2009), “sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới”(5) của Đại hội IX (năm 2001), “là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(6) của Đại hội XI, từng bước trở thành hiện thực. Các tuyên bố trên cho thấy, hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng được phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, đem lại nhiều kết quả tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, hợp tác, phát triển của nhân dân thế giới, ngày càng khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ hai, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu bảo vệ độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sau độc lập, hoạt động đối ngoại của Việt Nam đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách do thù trong, giặc ngoài, trong khi chưa có một quốc gia nào thực sự ủng hộ nhà nước độc lập non trẻ của ta. Qua từng thời kỳ của công cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước trong suốt 30 năm (1945 - 1975), cùng với những thắng lợi trên mặt trận quân sự và chính trị, hoạt động đấu tranh ngoại giao thời kỳ này “đã ghi dấu ấn sâu sắc qua ba bản hiệp định (Hiệp định Sơ bộ 1946, Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 và Hiệp định Pa-ri 1973). Nhìn xuyên suốt ba văn kiện đó, có thể thấy từng nấc thang đi lên của cách mạng xoay quanh ba vấn đề cơ bản là chủ quyền quốc gia, quân đội nước ngoài và thống nhất đất nước”(7).

Về vấn đề độc lập, chủ quyền của nước ta, nếu năm 1946, đại diện Cộng hòa Pháp chỉ công nhận Việt Nam là “quốc gia tự do” trong khối liên hiệp Pháp, thì ở Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, cả 5 nước lớn đã phải cam kết tôn trọng nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và hai nước trên bán đảo Đông Dương. Tuy nhiên, do phía Mỹ tuyên bố không chịu sự ràng buộc của Hiệp định nên đã can thiệp và tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Hoạt động đối ngoại trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tập trung vào đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954-1960), đấu tranh chống lại chiến tranh đặc biệt (1961-1964), chiến tranh cục bộ 1965-1968, góp phần làm phá sản “Việt Nam hóa chiến tranh”, đàm phán và ký kết Hiệp định Pa-ri về Việt Nam 1969-1973, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975. Thực tiễn lịch sử trên đã khẳng định, cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên đạt mục tiêu độc lập và thống nhất, độc lập nhưng không bị cô lập, trong đó, hoạt động đối ngoại đã góp phần quan trọng, thể hiện rõ qua các văn kiện hiệp định có ý nghĩa lịch sử.

Về mục tiêu chủ nghĩa xã hội, ngay trong quá trình đấu tranh vì độc lập và thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội đã được đặt ra và từng bước được hiện thực hóa. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, miền Bắc nước ta được giải phóng, bước vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn. Kết hợp với mặt trận quân sự, hoạt động đối ngoại góp phần quan trọng giải phóng miền Nam, đưa miền Bắc xã hội chủ nghĩa và sau đó là nước Việt Nam thống nhất trở thành một thành viên của phe xã hội chủ nghĩa, góp phần vào sự phát triển chung của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Tuy nhiên, vào những năm 1978 -1979, nước ta lại phải đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc. Sau khi kết thúc chiến tranh, các cuộc đàm phán ngoại giao đã đưa tới kết quả bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, các hiệp định về biên giới trên đất liền lần lượt được ký kết và hệ thống các cột mốc giới ổn định, hữu nghị được xây dựng với ba nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia. Hiện nay, hoạt động đối ngoại Việt Nam đã và đang góp phần quan trọng trong quá trình đấu tranh bảo vệ biên giới, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thứ ba, tăng cường đoàn kết quốc tế, tận dụng sức mạnh của thời đại để phát triển đất nước.

Một thành công lớn của hoạt động đối ngoại Việt Nam là trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến, kiến quốc, ta ngày càng nhận được sự ủng hộ, đoàn kết rộng rãi của các tầng lớp nhân dân thế giới. Sau ngày giành được độc lập, nhất là 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), với mục tiêu cách mạng, mục đích chính trị của cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta phù hợp với khát vọng, mục tiêu chung của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, hoạt động đối ngoại Việt Nam đã phát huy cao độ yếu tố quốc tế, yếu tố thời đại thành sức mạnh hiện thực. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta, do đó, ngày càng nhận được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ to lớn, cả về vật chất và tinh thần của các nước xã hội chủ nghĩa và lực lượng cách mạng, tiến bộ trên thế giới.

Bốn mươi năm trôi qua kể từ khi thống nhất đất nước, nhất là gần 30 năm đổi mới, trong xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển đang diễn ra mạnh mẽ, hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế của nước ta được triển khai sâu rộng và hiệu quả. Qua đó, chúng ta từng bước hội nhập nền kinh tế thế giới, thế và lực của đất nước vững mạnh hơn nhiều; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, tạo tiền đề quan trọng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Một số bài học kinh nghiệm cho sự nghiệp đổi mới

Trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, thống nhất và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hoạt động đối ngoại đã thể hiện thành công sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, mang lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp đổi mới ngày nay.

Một là, nhận thức, đánh giá đúng về tình hình thế giới và về quan hệ quốc tế, để đưa ra đối sách đúng đắn, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong đó, trước hết là đánh giá cục diện và xu thế phát triển của thế giới. Điều này giúp giải đáp kịp thời các quan điểm về an ninh và phát triển. Với cục diện và xu thế phát triển của thế giới như hiện nay, quan hệ quốc tế của Việt Nam phải tranh thủ các nước anh em bầu bạn và dư luận rộng rãi thế giới, phân hóa hàng ngũ đối phương, làm thất bại âm mưu chống phá Việt Nam.

Bài học có ý nghĩa chiến lược về tư duy đối ngoại nêu trên đã chuyển từ cách tiếp cận các vấn đề quốc tế và đường lối đối ngoại chủ yếu dựa trên ý thức hệ sang cách tiếp cận sát thực tế và toàn diện hơn trên cơ sở ngày càng đặt cao đúng mức lợi ích quốc gia dân tộc. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong quan hệ quốc tế hiện nay, khi nhân tố ý thức hệ không còn đóng vai trò chi phối quyết định như trước đây, mà ngày càng nổi lên vai trò của nhân tố lợi ích quốc gia dân tộc. Tuy nhiên, cần phải đặt lợi ích dân tộc trong mối quan hệ và sự kết hợp hài hòa giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế, với mục đích cao nhất là xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây cũng sẽ là cơ sở cho sự hình thành, phát triển và triển khai toàn diện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế mà Đảng ta đã và đang thực hiện.

Đồng thời, đánh giá đúng về quan hệ quốc tế trong hoạt động đối ngoại. Điểm mấu chốt nhất trên phương diện này là nhận thức rõ sự chuyển dịch lớn trong quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ giữa các nước lớn, từ tình trạng đối đầu gay gắt về chính trị, quân sự, khu biệt về kinh tế sang vừa đấu tranh, vừa hợp tác trong cùng tồn tại hòa bình. Trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ngày nay, việc tiếp tục phát triển đường lối đoàn kết quốc tế của Đảng ta là vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, đường lối đó đã nêu cao ngọn cờ chính nghĩa, làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ quan điểm của nước ta về giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế; đồng thời qua đó, tăng cường đoàn kết với nhân dân thế giới. Đây là xu thế phù hợp với đòi hỏi thực tiễn, thấm đượm tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh về “thêm bạn, bớt thù”; đưa đến việc xác lập đường lối đối ngoại của Đảng từ “rộng mở” đến “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ” và “là đối tác tin cậy”; thể hiện tinh thần độc lập tự chủ, sáng tạo, kiên định nguyên tắc và linh hoạt sách lược, gắn kết mục tiêu cách mạng và định hướng phát triển đất nước với những xu thế phát triển của thời đại.

Hai là, sự kết hợp giữa các lĩnh vực và nhiều kênh đối ngoại nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trên lĩnh vực đối ngoại, phục vụ sự nghiệp đổi mới thắng lợi.

Sự kết hợp nêu trên tạo thành những cánh tay nối dài của đất nước ra bên ngoài, làm nên nhiều thành quả trong lịch sử cách mạng nước ta. Bước sang thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế, hoạt động đối ngoại tiếp tục phát triển, mở rộng, đó là: mở rộng quan hệ với nhiều nước, nhiều đối tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình, không phụ thuộc vào sự khác biệt về chế độ chính trị, xã hội; mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật và các lĩnh vực khác. Chính sự kết hợp giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao quốc phòng, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa,... thông qua sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng đối ngoại chính thức của Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẽ làm cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ bài học lịch sử trên, kế thừa, vận dụng sáng tạo quan điểm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong tư tưởng Hồ Chí Minh đối với việc xử lý các vấn đề quốc tế và quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong tình hình mới, Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) đã xác định rõ tư tưởng chỉ đạo hoạt động đối ngoại là giữ vững nguyên tắc vì độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, đồng thời phải rất sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với vị trí, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của nước ta, cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, phù hợp với từng đối tượng ta có quan hệ.

Thống nhất tư tưởng chỉ đạo trên, Đại hội XI của Đảng khẳng định các quan điểm: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”(8). Từ bài học lịch sử, thực hiện nhất quán các quan điểm này là cơ sở quan trọng để bảo vệ lợi ích của dân tộc ta trong quá trình hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia và định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại, tranh thủ các điều kiện thuận lợi của quốc tế, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế trong giai đoạn cách mạng mới./.

-------------------------------------------

(1) GS. Vũ Dương Ninh, Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940-2010, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 72

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5, tr. 31.

(3) GS. Vũ Dương Ninh, Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940-2010, sđd, tr. 146-147

(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1991, tr. 147

(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 119

(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 138-139

(7) GS. Vũ Dương Ninh, Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940-2010, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr 338

(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 83-84