Ngày 24-7-2015, Hy Lạp đã gửi đề nghị chính thức tới Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đề xuất khoản vay mới, trong bối cảnh nước này vừa đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ thứ ba với các chủ nợ quốc tế.
Trong thư gửi Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos nêu rõ: "Chúng tôi muốn thông báo với các ngài rằng chúng tôi đang tìm kiếm một khoản vay ưu đãi mới từ IMF."

Ông Tsakalotos cũng cho biết Chính phủ Hy Lạp đang thực hiện những bước đi mới nhằm hoàn tất các cuộc đàm phán về gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro (khoảng 94 tỷ USD) trong vòng 3 năm mà nước này vừa đạt được với các chủ nợ. Hy Lạp đã cam kết thực thi các chính sách nhằm tăng cường ổn định tài chính, duy trì tăng trưởng trong dài hạn và từng bước chuyển đổi nền kinh tế một cách phù hợp.

Ông Tsakalotos hy vọng Hy Lạp sẽ chỉ mất vài quý đối mặt với những khó khăn hiện nay, trước khi đưa nền kinh tế trở lại nhịp độ tăng trưởng bền vững và mạnh như trước đây.

Trước đó, Chính phủ Hy Lạp do Đảng Syriza đứng đầu không có ý định kêu gọi sự trợ giúp từ IMF, cho rằng những khoản vay của định chế tài chính này luôn gắn liền với các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" quá khắc nghiệt.

Ngoài IMF, Bộ trưởng Tài chính Tsakalotos cho biết Hy Lạp - quốc gia từng hai lần cầu viện cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF - cũng đã chính thức đề nghị gói cứu trợ thứ ba từ Quỹ bình ổn châu Âu (ESM).

Theo thông báo của Ủy ban châu Âu (EC), đại diện nhóm "bộ ba" chủ nợ sẽ tới Hy Lạp để thảo luận về gói cứu trợ mới trong vài ngày tới.

Tuần trước, Hy Lạp và nhóm "bộ ba" chủ nợ quốc tế đã ký thỏa thuận về gói cứu trợ thứ ba nhằm cứu Athens thoát khỏi nguy cơ phá sản và không phải rời Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tuy nhiên, IMF vẫn cảnh báo việc hoàn tất thỏa thuận trên hoàn toàn không dễ dàng, bởi từ năm 2010 định chế tài chính này từng phối hợp với EU giúp Athens hai gói cứu trợ, song đến nay Hy Lạp vẫn không thoát khỏi cảnh nợ nần.

IMF cho biết sẽ chỉ tham gia gói cứu trợ lần này nếu các chủ nợ châu Âu đồng ý giảm gánh nặng nợ xuống mức "có thể chịu được" đối với Hy Lạp.

Người phát ngôn IMF, ông Gerry Rice khẳng định: "Rõ ràng, con đường chông gai vẫn ở phía trước và chúng ta mới chỉ bắt đầu tiến trình"./.