TCCSĐT- Sáng 25-7-2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Luật gia Việt Nam đã phối hợp với trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Xây dựng công trình nhân tạo trên biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực”.
GS, TS. Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; GS, TS. Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và GS, TS. Erik Franckx, Trọng tài viên của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế La Haye - Hà Lan, Trưởng khoa Luật Quốc tế và Luật châu Âu, Đại học Vrije, Vương quốc Bỉ chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, có sự tham gia của các chuyên gia, học giả về luật quốc tế, luật biển quốc tế có uy tín khoa học lớn đến từ Liên bang Nga, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.

Báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo, GS, TS. Mai Hồng Quỳ nhấn mạnh: Với tiềm năng to lớn về dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản, thủy sản và du lịch, Biển Đông còn là tuyến đường biển quốc tế huyết mạch nhộn nhịp với hơn 45% khối lượng hàng hóa của thế giới được vận chuyển qua đây. Vì thế, Biển Đông được coi là vùng biển có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng của khu vực và thế giới. Do đó, việc duy trì, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương nói chung, khu vực Biển Đông nói riêng là nhân tố quan trọng để bảo đảm hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, tự do hàng không. Đây vừa là trách nhiệm cũng vừa là mong muốn của các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền và thềm lục địa Việt Nam tháng 5-2014, tiếp đó lại ngang nhiên tiến hành bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo với quy mô lớn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Những hành vi trái phép đó của Trung Quốc đã bị Việt Nam, Philippin, các quốc gia trong khu vực, Mỹ, Nhật Bản, Australia, EU, các nước phát triển trong nhóm G7 và công luận quốc tế phản đối mạnh mẽ. Bởi, việc làm đó không những làm phương hại đến sự ổn định an ninh của quốc gia liên quan mà còn làm tổn hại đến hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, tự do hàng không của một số quốc gia trên thế giới.

Để làm rõ khía cạnh pháp lý liên quan đến vấn đề xây dựng đảo và công trình thiết bị nhân tạo theo quy định Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; những tác động của việc xây dựng đảo nhân tạo và công trình thiết bị nhân tạo đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại khu vực, các chuyên gia, các nhà khoa học đã cùng nhau phân tích khái niệm, phân loại, quy chế pháp lý, quyền tài phán của quốc gia đối với đảo và công trình, thiết bị nhân tạo; vai trò của đảo nhân tạo trong việc hoạch định và phân định biển; lịch sử hình thành, phát triển và chế độ pháp lý của vùng nước an toàn xung quanh các đảo và công trình, thiết bị nhân tạo cũng như thực tiễn xây dựng đảo nhân tạo của một số quốc gia trên thế giới,… Bên cạnh đó, ý kiến của các đại biểu đã lên án mạnh mẽ thực trạng nguy hiểm mà Trung Quốc đang tiến hành xây dựng và bồi đắp các đảo nhân tạo trong vùng biển của Việt Nam.

TS. Ngô Hữu Phước, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: Trung Quốc thực hiện hoạt động bồi đắp, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo bắt đầu từ năm 1988 và ồ ạt với tốc độ và quy mô lớn từ đầu năm 2014 đến nay tại các bãi đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đó là những hoạt động hoàn toàn trái ngược với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Theo GS, TS. Erik Franckx và TS. Alena.I.Ponkia, Giảng viên Đại học Luật Kutafin - Moscow, Liên bang Nga, những hành vi đó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, tự do hàng không, tàn phá, hủy hoại môi trường biển, làm gia tăng nguy cơ xung đột vũ trang trên biển Đông. Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà nghiên cứu bằng những luận điểm, bằng chứng dựa trên cơ sở pháp lý quốc tế và kết quả nghiên cứu khoa học đã làm sáng tỏ những tác động tiêu cực của hành vi xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, môi trường, thương mại quốc tế; cũng như mối quan hệ quốc tế giữa Trung Quốc với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ…

Các chuyên gia cho rằng, với việc làm sai trái, bất chấp Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS), bất chấp đạo lý và trách nhiệm của một nước lớn đối với hòa bình ổn định thế giới và khu vực, Trung Quốc đã gây ra biết bao hệ lụy xấu cho Biển Đông và cho chính cả Trung Quốc, thể hiện qua các vấn đề: Phá vỡ nguyên trạng trên Biển Đông mà Trung Quốc và ASEAN đã tuyên bố DOC năm 2002, vi phạm nghiệm trọng UNCLOS; cũng có thể nói Trung Quốc đang tạo tiền đề phá vỡ nguyên trạng và trật tự thế giới. Trung Quốc ngày càng gây sức ép nặng nề lên sự ổn định, hòa bình chung sống, cùng phát triển với các nước lân bang mà trước tiên nhằm vào Việt Nam, Philippin và các nước có tranh chấp chủ quyền biển, đảo với Trung Quốc. Trung Quốc từng bước gây nên sự đe dọa tự do, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, bước sau căng thẳng hơn, quyết đoán hơn và hung hăng hơn bước trước nhằm tiến tới chiếm quyền khống chế, thống trị hoàn toàn biển Đông.

Với tham luận “Tác động tiêu cực của các đảo nhân tạo của Trung Quốc”, Phó đô đốc Anup Signh, nguyên Tổng Tư lệnh Lực lượng Hải quân miền Đông Ấn Độ, nhận định: Hàng loạt các hoạt động trái phép của Trung Quốc gần đây trên Biển Đông là nguyên nhân đe dọa đến sự ổn định an ninh, hòa bình của khu vực và thế giới./.