Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước

ThS. Lê Thị Minh Hà, ThS. Nguyễn Thị Mai Anh Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
16:34, ngày 17-06-2015

TCCSĐT - Cội nguồn sức mạnh của Đảng, của Nhà nước từ nhân dân mà ra, do nhân dân mà có. Vấn đề là làm gì, làm như thế nào để huy động tài năng, trí tuệ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước. Phương thức tốt nhất để huy động sức dân tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước là thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là thành viên trong hệ thống chính trị, có vai trò quan trọng tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, vận động, giáo dục quần chúng và thu hút các lực lượng xã hội vào các phong trào cách mạng thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò chi phối, tác động rất lớn đến quá trình thực hiện quyền lực nhà nước, thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, công chức nhà nước; tham gia vào việc xây dựng và củng cố chính quyền, tiến hành các hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức đảng...

Như vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới đất nước thành công.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước được thể hiện cụ thể như sau:

Về việc tham gia xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng trong góp phần xây dựng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, phản ánh ý kiến của nhân dân về các vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, để Đảng kịp thời đề ra những chủ trương, chính sách hợp lý trong quá trình lãnh đạo, nhằm giải quyết, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Trong quá trình vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, thông qua ý kiến quần chúng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kịp thời đề xuất với Đảng về những hạn chế trong đường lối, chính sách của Đảng. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua hoạt động của mình quy tụ, phối hợp các tổ chức thành viên thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác xây dựng Đảng, góp phần xây dựng bộ máy tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh ở các cấp và vận hành thống nhất trong phạm vi cả nước. Vận động toàn thể nhân dân phát huy tinh thần làm chủ trong việc xây dựng và bảo vệ Đảng; giám sát hoạt động của cấp ủy đảng tại địa phương để kịp thời phát hiện những sai sót, khiếm khuyết trong công tác lãnh đạo ở địa phương...; qua đó, làm cho Đảng ngày càng liên hệ chặt chẽ với nhân dân, phát huy trí tuệ của nhân dân trong quá trình lãnh đạo của Đảng, từ đó nâng cao sức mạnh và trí tuệ của Đảng.

Về tham gia xây dựng Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần phát huy sức mạnh tổ chức và hoạt động của Nhà nước, tham gia tổ chức bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân, góp phần nâng cao sức mạnh của cơ quan quyền lực nhà nước; tổ chức hiệp thương với các tổ chức thành viên, giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn làm hội thẩm nhân dân của tòa án nhân dân các cấp, tham gia vào hoạt động hành pháp của Nhà nước; phát huy sức mạnh của hệ thống các cơ quan quản lý hành chính; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, tham gia giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước; vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào quần chúng, cùng Nhà nước thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, phát huy hiệu quả quản lý nhà nước.

Trong tiến trình đổi mới đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước đạt được một số kết quả quan trọng nhưng còn một số hạn chế cần khắc phục. Hiện nay, việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp còn gặp những khó khăn, cản trở thậm chí là rào cản, như quy định về nội dung, hình thức, phương pháp để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước nằm rải rác ở nhiều văn bản của Đảng, của Nhà nước; quy định về trách nhiệm các cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tiếp nhận và giải trình việc tiếp nhận ý kiến đóng góp, tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp còn thiếu và chưa cụ thể. Đội ngũ cán bộ của Mặt trận còn nhiều hạn chế về trình độ và năng lực công tác. Nguồn kinh phí được cấp còn eo hẹp, do đó hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở nhiều nơi còn khó khăn, lúng túng, bị động... Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan nhà nước các cấp chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vai trò, trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những cản trở, khó khăn kể trên đã làm giảm sút chất lượng, hiệu quả tham gia xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Giải pháp phát huy vai trò tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp

Một là, nâng cao nhận thức cho tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về tầm quan trọng, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước. Trước hết, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về nội dung, phương thức của hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước bằng nhiều phương thức khác nhau, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, những mặt tích cực. Trong các phương thức tham gia xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần đặc biệt coi trọng và phát huy hiệu quả của phương thức giám sát và phản biện xã hội.

Các nhiệm vụ cụ thể của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia xây dựng Đảng là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình đại hội đảng cùng cấp; góp ý kiến vào đề án nhân sự ban chấp hành đảng bộ các cấp (kể cả Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư); vận động các tầng lớp nhân dân đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp; góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đảng bộ các cấp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; góp ý việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đảng, cấp ủy, tổ chức đảng, mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức đảng với nhân dân; góp ý với đảng viên trong việc thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, mối quan hệ giữa đảng viên và nhân dân.

Các nhiệm vụ cụ thể của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia xây dựng Nhà nước là: Tham gia tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, tham gia tuyển chọn thẩm phán tòa án nhân dân các cấp, tham gia tuyển chọn kiểm soát viên, hiệp thương lựa chọn giới thiệu người để hội đồng nhân dân bầu làm hội thẩm tòa án nhân dân, miễn nhiệm, bãi nhiệm hội thẩm nhân dân; giúp đỡ và tham gia tổ chức để đại biểu dân cử tiếp xúc cử tri và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri với các cơ quan dân cử; tham gia xây dựng pháp luật; góp ý với cơ quan nhà nước trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật; việc thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, hội đồng nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật; việc thực hiện cải cách hành chính, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác; việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về dân chủ ở cơ sở, công tác tiếp dân và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân; góp ý với cán bộ, công chức, viên chức về việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ của công dân; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm thực thi công vụ.

Hai là, Trung ương cần quy định rõ trách nhiệm của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong việc tiếp thu, giải trình tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Đề cao và thực hiện tốt chế độ trách nhiệm trong hoạt động của hệ thống chính trị đối với quá trình tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp công tác giữa cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp theo hướng phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước. Sửa đổi, bổ sung điều luật, quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Sửa đổi, bổ sung Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng xây dựng cơ chế pháp lý cụ thể để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm, làm rõ mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các thiết chế khác trong hệ thống chính trị, với nhân dân. Cần xác định rõ địa vị pháp lý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức đại diện lợi ích của các tầng lớp nhân dân trong mối quan hệ với các tổ chức còn lại của hệ thống chính trị. Nhà nước tăng cường phối hợp và tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hoạt động, nhất là về kinh phí và các điều kiện vật chất khác.

Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc theo đúng định hướng. Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể… Một vấn đề mấu chốt trong nâng cao hiệu quả tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác mặt trận. Do đó, Đảng cần tăng cường đổi mới công tác cán bộ. Các cấp ủy đảng giới thiệu cán bộ để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tự quyết định, theo nguyên tắc dân chủ và đồng thuận; mặt khác, Đảng cử những cán bộ có đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, nhạy bén, hết lòng vì nhân dân, không ngại va chạm, có bản lĩnh và dũng khí vào công tác trong các cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; bố trí người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp.

Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, làm rõ vị trí và mối quan hệ giữa Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khi Đảng vừa là thành viên đồng thời lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quy định cụ thể nhiệm vụ của người đại diện tổ chức đảng trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; xác định rõ trách nhiệm của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tham mưu cho cấp ủy cùng cấp về tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước. Quan tâm lãnh đạo công tác sơ kết, tổng kết nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ba là, kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Thực hiện sự phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp theo hướng tinh gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ, không chồng chéo ở cấp trung ương, cấp tỉnh; tổ chức hợp lý bộ máy cấp huyện; mở rộng thành phần cán bộ bán chuyên trách cho cấp xã, phường, thị trấn. Tạo cơ chế cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tuyến dọc, nhằm bảo đảm tính độc lập tương đối so với các cơ quan quyền lực cùng cấp. Đội ngũ cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải thực sự mạnh, có bản lĩnh, có trình độ chuyên môn, am hiểu đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có năng lực phân tích, đánh giá đúng vấn đề; nắm và hiểu được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó, để nâng cao hiệu quả tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần thiết phải phát huy khả năng các cá nhân tiêu biểu, các hội đồng tư vấn, cộng tác viên, đoàn viên, hội viên là chuyên gia am hiểu về công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước. Xây dựng tiêu chuẩn, chức danh, cơ chế, chính sách phù hợp đối với cán bộ mặt trận làm công tác chuyên trách ở các cấp..../.