Quốc hội thảo luận dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

BTV (tổng hợp từ TTXVN)
23:23, ngày 16-06-2015

TCCSĐT - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, sáng ngày 16-6, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết, mục tiêu sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện Bộ luật Hình sự cũng như những quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Bộ luật Hình sự nhằm cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý bảo đảm thi hành Hiến pháp năm 2013 và tiếp tục thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về công tác tư pháp, trong đó có pháp luật hình sự, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Dự thảo Bộ luật có tổng số 443 điều (tăng 99 điều so với Bộ luật Hình sự hiện hành), trong đó giữ nguyên nội dung 43 điều, bãi bỏ 06 điều, bổ sung mới 68 điều và sửa đổi 329 điều (trong đó có 51 điều được tách ra từ 20 điều của Bộ luật hình sự hiện hành).

Một trong những định hướng quan trọng sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự lần này được xác định là “Đổi mới tư duy về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”.

Biểu hiện rõ nét của định hướng này chính là việc bổ sung vào Bộ luật Hình sự chế định trách nhiệm hình sự của các pháp nhân là các tổ chức kinh tế khi thực hiện một số tội phạm do Bộ luật Hình sự quy định.

Xung quanh vấn đề hạn chế hình phạt tử hình, tại phiên thảo luận sáng ngày 16-6, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội thể hiện sự tán thành với định hướng tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình ở cả 3 phương diện: giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình; quy định điều kiện chặt chẽ nhằm hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng hơn đối tượng bị kết án tử hình nhưng không phải thi hành án tử hình nhằm thể hiện rõ sự khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước.

Tuy nhiên, về giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình, nhiều ý kiến đề nghị chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, Tội chống loài người, Tội phạm chiến tranh vì đây là loại tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng và xét về ý nghĩa chính trị, chừng nào còn duy trì hình phạt tử hình thì không nên bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh này.

Về trường hợp không áp dụng, không thi hành án tử hình (Điều 39), Khoản 2 dự thảo quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; khoản 3 quy định không thi hành án tử hình nếu người bị kết án từ 70 tuổi trở lên… Qua thảo luận đa số ý kiến cho rằng, trong thực tế, nhiều người ở độ tuổi này vẫn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm. Nếu quy định không áp dụng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 70 tuổi trở lên có thể dẫn đến việc lợi dụng để trì hoãn, trốn tránh sự trừng phạt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Hơn nữa, trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như hiện nay, tuổi 70 vẫn còn sức khỏe, lẽ ra phải là tấm gương để giáo dục con cháu nhưng lại phạm tội, gây nên hình ảnh không tốt nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh.

Chiều ngày 16-6, qua thảo luận, nhiều đại biểu tán thành với định hướng tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình ở cả 3 phương diện giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình; quy định điều kiện chặt chẽ nhằm hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng hơn đối tượng bị kết án tử hình nhưng không phải thi hành án tử hình nhằm thể hiện rõ sự khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước.

Các nội dung về trách nhiệm hình sự của pháp nhân; khái niệm tội phạm và phân loại tội phạm; miễn trách nhiệm hình sự... của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến cụ thể trong chiều ngày 16-6.

Theo chương trình, ngày 17-6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)./.