Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Nguyễn Ngọc Minh Khôi, Tổng cục Thủy sản
23:01, ngày 12-11-2014

TCCSĐT - Thời gian qua, ngành thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, giá trị sản xuất và giá trị gia tăng thủy sản đã tăng liên tục trong một thời gian dài, giá trị xuất khẩu tăng trưởng với tốc độ cao, thu nhập và đời sống của cư dân thủy sản ngày một được cải thiện. Tuy nhiên, sản xuất thủy sản đã và đang tác động tiêu cực đến nguồn lợi và môi trường sinh thái. Vì vậy, cần phải tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Những thành tựu của ngành thủy sản thời gian qua 

Thực hiện Chương trình hành động “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI “Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, ngành thủy sản chủ trương tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và đã đạt được nhiều kết quả cả về kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng, thể hiện cụ thể qua các mặt sau:

Thứ nhất, sản xuất thủy sản tăng mạnh cả về sản lượng lẫn giá trị, tốc độ tăng trưởng cao trên tất cả các lĩnh vực khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản, và chế biến thủy sản. Năm 2012, tổng sản lượng thủy sản đạt 5,8 triệu tấn (tăng gấp 2,2 lần so với năm 2002, bình quân tăng 9,1%/năm trong 10 năm qua). Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 3,2 triệu tấn (tăng gấp 3,8 lần so với năm 2002, bình quân tăng 15,94%/năm trong 10 năm qua), sản lượng khai thác thủy sản đạt 2,2 triệu tấn (tăng gấp 1,4 lần so với năm 2002, bình quân tăng 4,15%/năm trong 10 năm qua); về giá trị (giá thực tế) năm 2012 đạt 269,8 nghìn tỷ đồng (tăng gấp 7,2 lần so với năm 2002, bình quân tăng 24,62%/năm trong 10 năm qua). Trong đó, giá trị sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 173,4 nghìn tỷ đồng (tăng gấp 8 lần so với năm 2002, bình quân tăng 26,03%/năm trong 10 năm qua), giá trị sản lượng khai thác thủy sản đạt 98,4 nghìn tỷ đồng (tăng gấp 6,2 lần so với năm 2002, bình quân tăng 22,49%/năm trong 10 năm qua).

Thứ hai, ngành thủy sản đã mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu: Cho đến năm 2012, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã có mặt ở trên 164 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu năm đạt 6,2 tỷ USD (tăng gấp 3,1 lần so năm 2002, bình quân tăng 13,4%/năm trong 10 năm qua) góp phần đưa ngành thủy sản vào tốp 10 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới.

Thứ ba, cơ cấu ngành thủy sản chuyển dịch theo hướng tích cực, hiệu quả: Giảm dần tỷ trọng sản lượng và giá trị từ khai thác thủy sản và tăng mạnh tỷ trọng sản lượng và giá trị từ nuôi trồng thủy sản. Về sản lượng khai thác thủy sản, giảm từ 68,1% năm 2002 xuống còn 45,3% năm 2012, trong khi đó sản lượng nuôi trồng thủy sản lại tăng từ 31,9% năm 2002 lên 54,8% năm 2012. Về giá trị sản lượng khai thác thủy sản từ 42,6% năm 2002 giảm xuống còn 36,5% năm 2012; về giá trị sản lượng nuôi trồng thủy sản từ 57,4% năm 2002 tăng lên 63,5% năm 2012. Sự chuyển đổi này chủ yếu do thị trường tác động, do nguồn cung từ khai thác thủy sản ngày một giảm, trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng vẫn ngày một tăng lên. Để đáp ứng sự thiếu hụt, ngành thủy sản đã khuyến khích lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển, nhằm chủ động sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Thứ tư, công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ cho xuất khẩu thủy sản bước đầu có hiệu quả và phát huy tác dụng. Công tác phát triển thị trường chủ yếu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại thường xuyên đã và đang được quan tâm như tham gia các hội chợ, triển lãm thủy sản tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản... và kết hợp tổ chức các sự kiện quảng bá sản phẩm tại các thị trường thế giới; đối với thị trường trong nước, hằng năm có tổ chức hội chợ thủy sản quốc tế. Các hoạt động này đã và đang thu được kết quả khả quan, tạo điều kiện cho nhà nhập khẩu, nhà phân phối và các nhà quản lý các nước hiểu biết hơn về thủy sản Việt Nam, kích thích hoạt động ký kết hợp đồng mua bán hàng thủy sản Việt Nam trong thời gian qua.

Thứ năm, tạo việc làm và thu nhập cho trên 4,5 triệu dân cư và lao động thủy sản, là nhân tố quyết định xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn an ninh chủ quyền biển, đảo, phát triển kinh đất nước, ổn định chính trị - xã hội.

Vẫn còn nhiều hạn chế với những nguyên nhân khách quan và chủ quan

Bên cạnh những thành công đáng khích lệ của ngành thủy sản thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, khách quan và chủ quan, nên ngành này cũng gặp không ít khó khăn hạn chế: Trước hết, ngành thủy sản có chất lượng tăng trưởng còn ở mức thấp. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên do nghề cá cho đến nay vẫn chưa thoát khỏi hình bóng của một nghề cá thủ công, trình độ sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình, phát triển tự phát theo cơ chế thị trường.

Điểm yếu kém tiếp theo là, công tác dự báo thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước rất hạn chế: Thời kỳ qua các doanh nghiệp tự xoay sở trong cơ chế thị trường, tự tìm đầu ra cho sản xuất. Do không chủ động được thị trường, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, không thể xây dựng được chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do chưa nắm bắt được nhu cầu thị trường, thiếu vốn đầu tư, thiếu các chính sách hỗ trợ đúng đắn, kịp thời của Nhà nước về marketting, về dự báo thị trường. Mặt khác, công tác thống kê thủy sản bị buông lỏng suốt thời gian dài, không có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, số liệu đầu vào theo chuỗi thời gian không có, hoặc chắp vá, với chuỗi thời gian quá ngắn không thể làm cơ sở dữ liệu phân tích dự báo chính xác cho từng thị trường cũng như từng sản phẩm thủy sản.

Tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh cũng là điểm yếu của ngành: Một số doanh nghiệp dùng chiêu chào hàng giá thấp trên thị trường quốc tế nhằm bán được hàng, mặc cho đó là sự làm hại lẫn nhau trong nội bộ cộng đồng doanh nghiệp Viêt Nam, dẫn đến tình trạng kìm hãm lĩnh vực sản xuất nguyên liệu trong nước, đặc biệt là sản phẩm tôm và cá tra, nhiều lúc người nuôi phải treo ao vì giá thu mua quá thấp không đủ bù đắp chi phí sản xuất. Nguyên nhân chính của tình trạng này do cung cách sản xuất nhỏ còn hằn sâu trong một số doanh nhân, văn hóa kinh doanh hiện đại và sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng hiệp hội ngành nghề chưa đủ tầm ảnh hưởng để hình thành nên môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Một hạn chế nữa là, thiếu phối hợp quy hoạch giữa sản xuất nguyên liệu và nhà máy chế biến: Việc tự phát mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản đến đâu, nhà máy chế biến thủy sản phát triển theo đến đó, đã dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu, dư thừa công suất sản xuất. Theo thống kê của VASEP, các nhà máy chế biến thủy sản được đầu tư rất lớn, trong khi đó công suất thực tế hoạt động chỉ đạt 50-70% tùy thuộc từng nhà máy. Nguyên nhân chính của tình trạng này là công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn hạn chế.

Sản xuất con giống và quản lý chất lượng con giống rất hạn chế: Chất lượng giống không cao, công tác kiểm tra, kiểm soát còn lỏng lẻo. Lượng giống trôi nổi trên thị trường không được kiểm soát, đã ảnh hưởng không nhỏ đến nuôi trồng thủy sản, tỷ lệ sống sau thu hoạch đạt rất thấp từ 45-55%, có lúc, có nơi chỉ đạt 25-30%. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là công tác quản lý nhà nước chưa tốt, thiếu các quy chuẩn, quy định cụ thể, việc kiểm tra, kiểm soát còn đơn giản, thậm chí có nơi còn để xảy ra tiêu cực.

Hạn chế cuối cùng là, công tác quản lý kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn, các chứng chỉ tập trung nhiều ở khu vực chế biến xuất khẩu, chưa thực hiện tốt ở khu vực sản xuất nguyên liệu (nuôi trồng, khai thác) và bảo quản sau thu hoạch, chủ yếu chỉ thực hiện tốt ở những vùng nuôi tập trung, dẫn đến việc chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguyên liệu (dư lượng kháng sinh, các chất ô nhiễm) cung ứng cho chế biến xuất khẩu, vẫn tồn tại các hiện tượng gian lận thương mại... Nguyên nhân chính là do hệ thống tổ chức, nhân lực phục vụ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được xây dựng hoàn chỉnh ở địa phương, các văn bản pháp lý chưa thực sự đầy đủ, chưa đồng bộ và không được thực thi có hiệu quả, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm, chưa có thanh tra chuyên ngành về chất lượng, an toàn vệ sinh thủy sản...

Mục tiêu và giải pháp định hướng tái cơ cấu

Để duy trì tăng trưởng, cần nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản từ 12-13%/năm (giá so sánh); trong đó, giá trị khai thác thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5-7%/năm; giá trị nuôi trồng thủy sản đạt 16-18%/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 7-8%/năm. Để đạt được những mục tiêu đó, trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện chủ trương “đổi mới” và “mở cửa”, kinh tế Việt Nam đang chuyển mạnh sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Với sự lớn mạnh của thị trường, vai trò và chức năng quản lý nhà nước cũng đang từng bước cải cách, đổi mới theo kịp yêu cầu khách quan. Trong Chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục là lĩnh vực được ưu tiên dành vốn đầu tư và cải cách thể chế, chính sách theo hướng ngày càng thuận lợi hơn.

Hai là, tái cơ cấu ngành thủy sản là một nhiệm vụ của tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển và hải đảo của Tổ quốc. Thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản vừa phải theo cơ chế thị trường, vừa phải bảo đảm các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho ngư dân và người tiêu dùng; chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu, sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm bằng giá trị, lợi nhuận, đồng thời chú trọng bảo đảm các trách nhiệm về mặt xã hội. Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế; tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển thị trường, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, cung cấp thông tin và dịch vụ, đặc biệt là hỗ trợ hình thành các trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm làm động lực cho nghề cá phát triển.

Ba là, tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội từ Trung ương đến địa phương trong quá trình tái cơ cấu ngành; đẩy mạnh phát triển hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) và cơ chế đồng quản lý, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng, hội, hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và sử dụng tài nguyên thủy sản hiệu quả.

Bốn là, tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế tiềm năng của ngành thủy sản; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh thủy sản quy mô lớn theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm khác, kết nối giữa sản xuất nguyên liệu thủy sản với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm thủy sản có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới như: Cá tra, tôm nước lợ, cá ngừ, nhuyễn thể… Đồng thời, duy trì quy mô và phương thức sản xuất đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, từng địa phương đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm có nhu cầu nội địa lớn, khả năng cạnh tranh ở mức trung bình như: các sản phẩm cá nước ngọt truyền thống, các loại cá tạp từ khai thác hải sản… Phương thức sản xuất chủ yếu tự cung, tự cấp ở thị trường nội địa.

Năm là, cải thiện điều kiện sống, nâng cao thu nhập của cộng đồng ngư dân trên cơ sở tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là nhóm người nghèo ở các xã ven biển, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, được tham gia vào quá trình tăng trưởng ngành thủy sản thông qua các chương trình hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ duy trì sản xuất và thu nhập, tăng khả năng tiếp cận thị trường lao động phi thủy sản, đa dạng hóa sinh kế cho ngư dân, giải quyết tốt vấn đề an ninh thực phẩm. Điều chỉnh, sắp xếp lại dân cư nghề cá, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất thủy sản hàng hóa với trình độ kỹ thuật và công nghệ ngày càng cao, gắn với xây dựng, phát triển nông thôn mới, xây dựng các làng cá giàu đẹp, văn minh. Phát triển thủy sản hướng tới thực hiện các mục tiêu ưu tiên về phúc lợi cho ngư dân và người tiêu dùng.

Sáu là, giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường do việc khai thác các nguồn lực cho sản xuất thủy sản; tăng hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thủy sản; quản lý và sử dụng hiệu quả, an toàn các loại hóa chất, thuốc ngư y, chất thải từ nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Phấn đấu đến năm 2020 có đến 70% cơ sở sản xuất - kinh doanh thủy sản đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường, 100% các cơ sở xây dựng mới đạt yêu cầu về môi trường. Giảm tổn thất sau thu hoạch trong lĩnh vực thủy sản từ 20% hiện nay xuống còn 10% vào năm 2020.

Bảy là, khuyến khích các địa phương phát triển hình thức kinh tế tập thể tham gia khai thác trên biển (tổ, đội đoàn kết, hợp tác xã, tổ hợp tác…), đặc biệt là khai thác xa bờ, Nhà nước hỗ trợ về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để nâng cao vai trò hiện diện dân sự thường xuyên của ngư dân ở vùng biển xa nhằm bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. Thường xuyên tập huấn về Luật Biển, Luật Hàng hải quốc tế, giải quyết các xung đột trên biển, tuyên truyền, phổ biến về chủ quyền an ninh biển, đảo sâu rộng đến cộng đồng ngư dân làm nghề cá./.