Khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 25 tại Myanmar
TCCSĐT - Ngày 12-11, Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã khai mạc ở thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar, với chủ đề tập trung vào khả năng ASEAN đối phó với các thách thức cấp bách như mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, dịch bệnh Ebola ở Tây Phi và các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo còn thảo luận về những biện pháp tiến tới thành lập một Cộng đồng ASEAN hội nhập hơn vào năm tới cùng với tầm nhìn hậu 2015 của khối cũng như công tác tăng cường các thể chế ASEAN.
Theo dự thảo tuyên bố chủ tịch của hội nghị, đối với hoạt động tuyển mộ của phiến quân IS và các phần tử cực đoan khác đến từ các nước như Indonesia và Philippines, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thể hiện cam kết chung trong việc “áp dụng toàn bộ biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn các tay súng từ những quốc gia thành viên ASEAN gia nhập các nhóm khủng bố”.
Trong khi bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về cuộc khủng hoảng Ebola như là mối đe dọa đối với an ninh quốc tế, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ “tái khẳng định tầm quan trọng về khả năng sẵn sàng của tất cả các nước trong việc phát hiện, ngăn chặn và đối phó với các ca nghi nhiễm virus Ebola”.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ quan ngại về căng thẳng gần đây trên Biển Đông, đồng thời hối thúc các nước ASEAN và Trung Quốc “nhanh chóng phối hợp hướng tới việc sớm ký kết” bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý nhằm giảm xung đột lãnh thổ và hàng hải trên Biển Đông.
Phát biểu tại Phiên thảo luận toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ về vấn đề Biển Đông. Theo đó, tại Hội nghị Cấp cao tháng 5-2014, ASEAN đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực.
Ðến nay, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm. Những việc làm này trái với quy định của Tuyên bố DOC. Do đó, tại Hội nghị này, ASEAN cần chủ động và có trách nhiệm hơn nữa trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; tiếp tục yêu cầu các bên liên quan tôn trọng và thực hiện đầy đủ mọi quy định của Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), trước hết là Điều 5 của Tuyên bố này, thực hiện kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế chủ đạo. Tuy nhiên, nguy cơ bất ổn, xung đột cục bộ ở một số khu vực tiếp tục gia tăng cùng với những thách thức an ninh phi truyền thống đang ảnh hưởng không nhỏ, gây quan ngại đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.
Về vấn đề khủng bố và bạo lực gia tăng ở Iraq và Syria, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam lên án mạnh mẽ khủng bố dưới mọi hình thức.
Việt Nam ủng hộ Nghị quyết số 2170 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.
Việt Nam hoan nghênh Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 26-9-2014 và ủng hộ việc ra Tuyên bố chung lên án các tổ chức khủng bố gia tăng bạo lực hết sức tàn ác ở Iraq và Syria.
Về dịch bệnh Ebola, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ ASEAN cần ưu tiên các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh, tăng cường phối hợp với nhau, tranh thủ sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới và những nước phát triển, nhất là trong các lĩnh vực hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, trang bị y tế và thuốc phòng chống.
Phát biểu về Cộng đồng ASEAN và định hướng sau 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa trong năm 2015 cùng các nước ASEAN hoàn thành tốt Lộ trình tiến tới Cộng đồng, như mục tiêu đã đề ra. Thủ tướng cũng nhấn mạnh ASEAN cần phát huy mạnh mẽ trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực. ASEAN cần phải duy trì và thúc đẩy đoàn kết, thống nhất lập trường và chủ động có tiếng nói chung đối với những vấn đề ở khu vực; tăng cường nội lực, tiếp tục phát huy vai trò trung tâm để xây dựng một cấu trúc khu vực với các chuẩn mực ứng xử chung trên cơ sở luật pháp quốc tế và các giá trị, nguyên tắc, chuẩn mực của ASEAN.
Bên cạnh đó, ASEAN cần đẩy mạnh các nỗ lực và hợp tác với các đối tác nhằm ngăn ngừa, ứng phó và xử lý hiệu quả các thách thức an ninh, nhất là thách thức an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh hàng hải, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; coi đây là nhiệm vụ ưu tiên cao trong hợp tác ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác.
Kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN 25, cùng với các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông qua Tuyên bố Nay Pyi Taw về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 với các các thành tố chính của Tầm nhìn làm cơ sở xây dựng định hướng phát triển Cộng đồng ASEAN trong giai đoạn 2016 - 2025; Tuyên bố ASEAN về Tăng cường năng lực Ban Thư ký ASEAN và nâng cao hiệu quả phối hợp các cơ quan ASEAN và Tuyên bố ASEAN về Biến đổi khí hậu.
Trong dịp Hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng chứng kiến việc công bố thành lập Viện Kinh tế xanh ASEAN, nhằm tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác về phát triển và môi trường./.
Cần quy định cụ thể về hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc  (12/11/2014)
APEC nỗ lực vì một châu Á - Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo  (12/11/2014)
Tổng thống Obama: Mỹ không có ý định kiềm chế Trung Quốc  (12/11/2014)
Ấn Độ: ASEAN là hạt nhân trong chính sách “Hành động phía Đông”  (12/11/2014)
Thành lập Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam  (12/11/2014)
Hungary sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm lĩnh vực tư pháp với Việt Nam  (12/11/2014)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên