TCCSĐT - Ngày 1-1-2012, Đan Mạch đảm nhận cương vị Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 17 trong suốt 40 năm làm thành viên Liên minh châu Âu. Việc đó có nghĩa rằng, Chính phủ Đan Mạch sẽ làm chủ tọa và lên kế hoạch cho mọi hoạt động của Hội đồng châu Âu. Đây là nơi mà chính phủ của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu nhóm họp, thương thuyết và thảo luận các chính sách.

 

Theo tân Ngoại trưởng châu Âu Nicolai Wammen, nhiệm kỳ tới đây của Đan Mạch sẽ “khó khăn chưa từng thấy”

Kể từ lần gần đây nhất Đan Mạch giữ chức Chủ tịch Liên minh châu Âu (năm 2002) cho tới nay, tổ chức này đã có nhiều thay đổi. Nếu như số thành viên của Liên minh châu Âu năm 2002 là 15 thì đến nay con số đó đã tăng lên 27. Và điều đó đặt ra một thực tế là Liên minh châu Âu càng có thêm nhiều thành viên thì trọng trách của Chủ tịch càng nặng nề. Hơn nữa, năm 2009 Liên minh châu Âu đã đưa ra nhiều quy tắc cơ bản mới vì sự hợp tác của tổ chức này trong việc thành lập một hiệp ước mới - Hiệp ước Lisbon.

Hiệp ước Lisbon đã làm thay đổi một khía cạnh quan trọng của vị trí Chủ tịch Liên minh châu Âu. Các thành viên của Liên minh châu Âu không còn luân phiên đảm nhận Chức chủ tịch trong vòng 6 tháng, với những công việc liên quan đến các chính sách đối ngoại nữa.

Thay vào đó, các nước thành viên sẽ chọn một vị đại diện cao cấp về đối ngoại và chính sách an ninh cho Liên minh châu Âu - vị trí được coi là Ngoại trưởng châu Âu. Mới đây, vị trí này đã được cựu Ủy viên Mậu dịch của châu Âu Catherine Ashton chuyển giao cho chính trị gia Nicolai Wammen, người Đan Mạch.

Bên cạnh đó, Hội đồng châu Âu, cũng là nơi nhóm họp của lãnh đạo các chính phủ, vẫn phải chọn ra một vị chủ tịch thường trực với nhiệm kỳ làm việc kéo dài hai năm rưỡi. Điều đó có nghĩa là quốc gia thành viên Liên minh châu Âu nào đảm nhận chức Chủ tịch Liên minh châu Âu thì không cần phải chủ tọa Hội nghị thượng đỉnh châu Âu.

Nhiệm kỳ của vị chủ tịch thường trực Liên minh châu Âu đầu tiên sẽ kết thúc vào năm 2012. Vì thế, Đan Mạch, khi thay thế vị trí này, sẽ có trách nhiệm làm chủ tọa các cuộc thương thuyết giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu về việc tái bầu cử cho cựu Chủ tịch Liên minh châu Âu Herman van Rompuy hoặc thay thế bằng một ứng cử viên khác.

Về cơ bản, giữ chức Chủ tịch Liên minh châu Âu là Đan Mạch sẽ có cơ hội ưu tiên cho những vấn đề và chính sách nào được tập trung đặc biệt trong suốt sáu tháng nhiệm kỳ của nước này.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Chính phủ Đan Mạch có toàn tuyền quyết định chương trình nghị sự của Liên minh châu Âu. Nhiều vấn đề sẽ phải cần đến sự giải quyết, thương thảo của Hội đồng hoặc Nghị viện châu Âu. Chưa kể, quyết định sẽ đưa vấn đề nào vào chương trình nghị sự của Liên minh châu Âu cũng còn phụ thuộc vào thời điểm mà Hội đồng nhận được đệ trình từ chương trình lập pháp thường niên của mình.

Năm 2012, ở cương vị Chủ tịch Liên minh châu Âu, Chính phủ Đan Mạch đặt ra bốn ưu tiên: Một châu Âu có trách nhiệm; Một châu Âu năng động; Một châu Âu xanh; Một châu Âu an toàn.

So với nhiệm kỳ năm 2002, nhiệm kỳ năm 2012 của Đan Mạch sẽ rất khác. Nếu như năm 2002, mục tiêu chung của Liên minh châu Âu là hoàn thành các cuộc đàm phán mở rộng quy mô của Liên minh thì năm 2012, Đan Mạch sẽ phải đương đầu với rất nhiều vấn đề đao to búa lớn mà không hề dễ giải quyết như vậy.

Một trong những vấn đề như thế là công cuộc cải tổ hệ thống chính sách nông nghiệp chung của Liên minh châu Âu và việc thành lập một khuôn khổ kinh tế mới cho Liên minh châu Âu trong giai đoạn 2014-2020.

Theo nhận định của tân Ngoại trưởng châu Âu Nicolai Wammen thì nhiệm kỳ tới đây của Đan Mạch là một nhiệm kỳ “khó khăn chưa từng thấy” bởi cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chương trình nghị sự của Liên minh, nhưng ông N.Wammen cho rằng: “nhiệm vụ trọng tâm của Đan Mạch khi đảm đương chức chủ tịch Liên minh châu Âu chính là làm trung gian hòa giải giữa các nước trong và ngoài Eurozone”./.