“Mùa xuân Arập”: Một năm nhìn lại
TCCSĐT - Tình hình Trung Đông - Bắc Phi năm 2011 sục sôi với những diễn biến phức tạp. Sự đối đầu từ bên trong và bên ngoài đã khiến khu vực này trở thành một điểm “nóng” khiến cả thế giới phải dõi theo. Và giờ đây, Trung Đông vẫn đang tiến những bước đi dò dẫm và đầy kịch tính trên con đường dân chủ hóa mà các cuộc cách mạng đường phố của “Mùa xuân Arập” đã kích hoạt.
Bắt đầu từ ngày 17-12-2010, một thanh niên bán hàng rong người Tunisia Mohamed Bouazizi đã tự thiêu để phản đối cách hành xử bất công của chính quyền địa phương. Hành động của Mohamed Bouazizi đã tạo nên một làn sóng nổi dậy của công chúng Tunisia, sau đó nhanh chóng lan sang Ai Cập, Bahrain và gần như tất cả các nước Arập. Sau đó vài tuần, ngày 4-1-2011, Mohamed Bouazizi đã chết trong bệnh viện mà không biết rằng, hành động phản đối của mình lại có ảnh hưởng lớn đối với khu vực đến vậy.
Diễn biến mau lẹ, phức tạp
Năm 2011 trôi qua, thế giới Arập đã chứng kiến những phát triển đáng chú ý, một số nhà lãnh đạo cầm quyền lâu năm bị lật đổ, đó là Zine El Abidine Ben Ali của Tunisia, Hosni Mubarak của Ai Cập, Muammar Gaddafi của Libya. Nhà lãnh đạo của Yemen Ali Abdullah Saleh cũng đã đồng ý chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên, tại một số quốc gia khác ở vùng Arập và Bắc Phi, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội vẫn đang trong tình trạng hết sức bất ổn.
Là nước đầu tiên lật đổ nhà lãnh đạo tháng 1-2011, Tunisia tiếp tục lôi kéo sự chú ý của khu vực và thế giới khi ngày 23-10, tại Tunisia đã diễn ra cuộc bầu cử đầu tiên sau các cuộc nổi dậy của người Arập, thu hút gần 4,3 triệu người Tunisia đăng ký tham gia. Kết quả, Đảng Hồi giáo Ennahda giành 89 ghế và chiếm đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội. Tiếp đó, Quốc hội mới đã thành lập một chính phủ liên minh có cả các đảng không phải Hồi giáo nhưng do những diễn biến ở các nước khác trong khu vực, Tunisia vẫn là một thách thức mới cho chính sách đối ngoại của Mỹ trong khu vực. Đó là làm sao để quản lý chủ nghĩa Hồi giáo theo hướng dân chủ.
Khi cuộc biểu tình phản đối chính quyền cựu Tổng thống Hosni Mubarak diễn ra, phần lớn dư luận và các nhà hoạt động dân chủ Ai Cập cho rằng, sự xơ cứng và không thay đổi của Ai Cập khó có thể kéo dài. Họ đã đúng nhưng không ai có thể dự đoán chính xác khi nào và sẽ thay đổi ra sao. Gần một năm trôi qua, các cuộc biểu tình và bạo lực vẫn liên tục diễn ra ở Ai Cập. Trong tháng 11 và 12-2011, tại quảng trường Tahir, trung tâm thủ đô Cairo đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình lớn để lên án chính quyền quân sự Ai Cập. Cuộc bầu cử tổng thống được dự kiến diễn ra ở Ai Cập vào tháng 6-2012 tới chưa biết sẽ ảnh hưởng đến tương lai của đất nước Ai Cập như thế nào nhưng chắc chắn từ nay đến lúc đó, tình hình Ai Cập vẫn sẽ bất ổn.
“Mùa xuân Arập” tràn vào Vùng Vịnh cũng gây nên các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần lễ ở quảng trường Pearl của Manama (Bahrain). Ngày 14-3-2011, khoảng 2.000 binh sĩ, trong đó 1.200 binh sĩ của Saudi Arabia và 800 binh sĩ của Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) đã tiến vào Bahrain theo lệnh của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Quyết định đưa quân đội đến Bahrain đánh dấu việc lần đầu tiên GCC sử dụng hành động quân sự tập thể để dập tắt cuộc nổi dậy của dân chúng ở sân sau của họ. Sự can thiệp đó được coi là hành động chống lại sự can thiệp của Iran. Nhưng việc can thiệp của GCC cũng giúp thúc đẩy mâu thuẫn phe phái ngày càng tăng tại Bahrain.
Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua ở Syria tuy chưa kết thúc nhưng đang diễn tiến theo chiều hướng xấu. Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đang chịu sức ép ngày càng tăng cả từ bên trong lẫn bên ngoài, trong khi quốc tế tiếp tục bất đồng về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Có chung biên giới với Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Jordan, Lebanon và là nước Arập duy nhất liên minh với Iran, Syria đóng vai trò quan trọng trong khu vực. Đến nay, Chính quyền của Tổng thống Barack Obama và Liên minh châu Âu vẫn tìm cách ngăn chặn Syria không làm ảnh hưởng đến các ưu tiên chính sách đối ngoại của họ. Nhiều khả năng, cùng với Ai Cập, Syria sẽ nổi lên như một trong những vấn đề khu vực nổi bật trong năm 2012.
Tình hình tại Yemen được coi là ít nóng nhất tại Trung Đông lúc này, sau khi Tổng thống Ali Abdullah Saleh chấp nhận từ bỏ quyền lực, mở ra một trang mới trong lịch sử quốc gia. Ông A.Saleh là nhà lãnh đạo thứ tư tại Bắc Phi và Trung Đông phải chia tay quyền lực tối cao, sau các ông H.Mubarak ở Ai Cập, B.Ali ở Tunisia và M.Gadhafi ở Libya. Thế nhưng Yemen vẫn còn những nguy cơ bất ổn, trong bối cảnh bạo lực vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn dù ngày bầu cử Tổng thống đã được ấn định là 21-2-2012.
Vai trò của tác nhân bên ngoài
Là nhân vật lãnh đạo nổi tiếng ở Trung Đông, cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1981. “Mùa xuân Arập” tràn vào Trung Đông đã khiến ông H.Mubarak bị lật đổ sau hơn ba thập kỷ nắm quyền. Việc lật đổ cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak không chỉ ảnh hưởng lớn đến tình hình địa chính trị ở Trung Đông mà còn ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Mỹ trong khu vực. Ai Cập dưới thời ông H.Mubarak là một trong những đồng minh quan trọng và thân thiện nhất của Mỹ ở Trung Đông. Thực tế khi chế độ cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak sụp đổ, Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã hết sức lo lắng cho các đồng minh khu vực khác, trong đó có Israel. Nhưng ngay sau đó, Mỹ đã nhanh chóng “vào cuộc”. Việc lật đổ chế độ và giết hại ông M.Gaddafi ngày 20-10-2011 là một diễn biến khu vực quan trọng. Đồng thời, cũng là một cuộc thử nghiệm cách làm mới của Mỹ trong việc sử dụng các cường quốc châu Âu trong NATO nắm giữ vai trò lãnh đạo một cuộc can thiệp quân sự.
Ngày 19-5-2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đọc bài diễn văn về tình hình Trung Đông, đưa ra quan điểm của Mỹ về tình trạng bất ổn ở khu vực. Theo đó, tham vọng của Mỹ với Trung Đông là rất lớn. Tuy nhiên, ngay sau đó, tham vọng này lại bị lu mờ bởi cách giải quyết của ông đối với cuộc xung đột Israel - Palestine. Tổng thống Barack Obama thừa nhận các đường biên giới năm 1967 là cơ sở để đạt được một thỏa thuận và quan điểm của Mỹ coi Israel là một nhà nước Do Thái và Palestine là một nước chủ quyền của người dân Palestine. Nhưng vấn đề quan trọng nhất mà bài diễn văn bỏ qua là việc xây dựng nền hòa bình Israel - Palestine như thế nào? Cuối cùng, thay vì dựa vào nền ngoại giao của Mỹ, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã và đang nỗ lực để đạt được sự công nhận một nhà nước Palestine tại Liên hợp quốc.
“Mùa xuân Arập” cũng đã lôi kéo Liên đoàn Arập (AL) vào cuộc. Đây là hành động gây ấn tượng của AL kể từ khi thành lập năm 1945. Khi “Mùa xuân Arập” có nguy cơ ngày càng lan rộng, AL đã có những phản ứng kịp thời khá mạnh mẽ: tháng 2-2011, AL quyết định ngừng tư cách thành viên của Libi để phản đối hành động đàn áp các cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông M.Gaddafi và sau đó ủng hộ phương Tây can thiệp quân sự chống chế độ Libi. Gần đây, AL không những tiếp tục ngừng tư cách thành viên của Syria mà còn áp đặt các biện pháp cấm vận chống chế độ Assad. Đây là những hành động mới của AL và báo hiệu tương lai AL sẽ nổi lên như một tổ chức khu vực quan trọng.
Cùng với những biến cố này, môi trường chính trị - xã hội ở khu vực Arập giờ đây trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Saudi Arabia đã nổi lên như một thế lực có ảnh hưởng trong “Mùa xuân Arập”. Sau khi thành công đối phó với người biểu tình trong lãnh thổ của mình, Saudi Arabia tiếp tục đi đầu trong việc can thiệp vào các cuộc biểu tình ở nước láng giềng Bahrain và Saudi Arabia cũng đóng vai trò chính trong việc Tổng thống Ali Abdullah Saleh cam kết chuyển giao quyền lực ở Yemen. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã rất nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng Arập nhằm tăng cường vai trò và vị thế của mình trong khu vực. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã thực hiện một chuyến công du “Mùa xuân Arập” đến Libya, Tunisia và Ai Cập trong tháng 9-2011 với kỳ vọng “mô hình Hồi giáo ôn hòa Thổ Nhĩ Kỳ” sẽ là hình mẫu mới cho các quốc gia này sau biến cố “Mùa xuân Arập”.
“Mùa xuân Arập” chưa kết thúc
Làn sóng nổi dậy vẫn tiếp tục lan rộng ở thế giới Arập và không ai có thể đoán trước được câu chuyện của mỗi nước sẽ kết thúc như thế nào? Các mối quan hệ căng thẳng cho thấy giai đoạn bất ổn của cả khu vực Trung Đông. Đêm 28-11-2011, Lebanon đã nã những quả rốc két đầy khiêu khích về phía Israel, ngay lập tức Tel Aviv đã đáp trả dữ dội. Những hành động đó đã và đang châm ngòi cho những xung đột vốn luôn tồn tại giữa hai đất nước láng giềng này. Tình trạng căng thẳng cũng có thể xảy ra sau nhiều tháng bất ổn tại Syria và áp lực của lệnh trừng phạt phương Tây nhắm vào Iran vì chương trình hạt nhân của nước này.
Ai Cập, Libya và Yemen vẫn đang viết những chương riêng của mỗi nước trong “Mùa xuân Arập” và cả thế giới đang dõi theo họ nhưng rõ ràng, tổn thất của các cuộc nổi dậy ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi là rất nghiêm trọng. Bức tranh địa - chính trị của Trung Đông và Bắc Phi vẫn đang được vẽ lại, song những bất ổn về mặt kinh tế của khu vực này được dự kiến là sẽ tiếp tục hiện hữu trong năm 2012, đặc biệt là ở Lybia, Ai Cập và Tunisia. Nhiều nền kinh tế vẫn trong điều kiện xấu hơn so với dưới thời chế độ cũ. Đặc biệt, những diễn biến gần đây cho thấy, Ai Cập và Syria tiếp tục là những điểm nóng trong giai đoạn tiếp theo của làn sóng chính biến.
Bên cạnh sự tranh hùng giữa các nước lớn là cuộc đấu tranh tôn giáo và sắc tộc diễn ra sâu sắc, quyết liệt giữa đạo Hồi dòng Shi'a và Sunni. Tại Syria, dòng Shi’a thiểu số đang khống chế và đàn áp dòng Sunni chiếm đa số. Nước Mỹ vừa tuyên bố rút quân khỏi Iraq, bạo lực đã tràn ngập đất nước này. Điều lo ngại hơn, đất nước Iraq, nơi dòng Shi’a chiếm đa số, Iran sẽ tranh thủ để lấp khoảng trống quyền lực này và kiểm soát nguồn dầu lửa to lớn tại đây.
“Mùa xuân Arập” đã mở ra một cơ hội cho người dân để lựa chọn ra các nhà lãnh đạo mới của họ một cách dân chủ; đồng thời cũng cung cấp cho các nhà lãnh đạo mới một cơ hội thể hiện kỹ năng lãnh đạo và hoạch định tương lai cho đất nước mình. Nhưng các nước đã tạm đi qua “Mùa xuân Arập” dẫu có thành công trong việc lật đổ các “chế độ độc tài”, hiện họ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn ở phía trước như: làm thế nào để quản lý quá trình dân chủ, phát triển kinh tế và xây dựng bộ máy chính quyền. Đặc biệt, vấn đề càng trở nên khó khăn hơn đối với các nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ nhưng hầu như lại không có kinh nghiệm chính trị của một hệ thống dân chủ.
“Mùa xuân Arập” chắc chắn là một phát triển mang tính bước ngoặt trong lịch sử Arập. Những người dân Arập hiện nay đang xuống đường, có lực lượng và được thôi thúc bởi quyền lực, nhưng đa số là vì dân sinh, dân chủ. Họ mất niềm tin vào chính thể. Người già thì tuyệt vọng còn thanh niên thì không thấy tương lai. Vì vậy mà chừng nào các quyền lợi cơ bản của người dân chưa được bảo đảm, những cuộc nổi dậy đường phố ở Trung Đông sẽ còn tiếp diễn và “Mùa xuân Arập” còn chưa kết thúc./.
Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI  (31/12/2011)
Thông báo Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI  (31/12/2011)
Doanh nghiệp và nông dân trong mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tại An Giang  (31/12/2011)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh Hà Nam  (31/12/2011)
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự lễ kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình  (31/12/2011)
Tổng kết Năm Thanh niên 2011 và Trao giải Gương mặt trẻ Thủ đô  (31/12/2011)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên