Doanh nghiệp và nông dân trong mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tại An Giang
Mô hình “Cánh đồng mẫu” đang triển khai ở An Giang cho thấy những thành công bước đầu trong việc xây dựng mối liên kết làm ăn bền vững giữa nhà doanh nghiệp và người nông dân theo một mô hình khép kín. Cũng từ hai vụ lúa chính thức (đông xuân và hè thu năm 2011) áp dụng mô hình trên đã cho thấy hiệu quả khả quan trong việc nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo và thu nhập cho người nông dân khu vực ĐBSCL.
Là người trực tiếp xây dựng nền móng ban đầu cho mô hình “Cánh đồng mẫu”, ông Lê Minh Tuệ, Phó Ban điều hành chương trình “Cùng nông dân ra đồng”, phụ trách vùng An Giang, trực thuộc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), cho biết: “Việc triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao đã được chúng tôi lên kế hoạch từ lâu. Thế nhưng, khi dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, gây hại nghiêm trọng trong năm 2006, chúng tôi mới chính thức bắt tay vào triển khai mô hình quản lý dịch hại theo hướng bền vững, rồi phát triển lên thành quản lý đồng ruộng và đích cuối cùng là quản lý tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho người nông dân. Tất cả các khâu trên được chính những kỹ sư trẻ là nhân viên FF (nhân viên kỹ thuật đồng ruộng) thuộc chương trình “Cùng nông dân ra đồng” đảm trách”. Những kỹ sư này đều đã được huấn luyện về kỹ thuật đồng ruộng quản lý dịch bệnh có hại, kỹ năng tiếp xúc với nông dân, đại lý, công tác ma-két-tinh... Các hoạt động của những kỹ sư trẻ FF - cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân - đã thực sự tạo sự gắn kết, tin tưởng với bà con nông dân.
Để phục vụ cho mô hình “Cánh đồng mẫu” và nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, Công ty AGPPS tiến hành triển khai xây dựng nhà máy thu mua, chế biến, xay xát gạo khép kín đầu tiên ở Việt Nam, tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, với tổng kho 30.000 tấn lúa, công suất 20 tấn/giờ trên diện tích 5ha, bao gồm: khu thu mua, các lò sấy, hệ thống bóc tách, lau bóng, đóng gói, qua đó bảo đảm việc xuất khẩu hoàn toàn khép kín.
Ông Lê Minh Phương, Phó Giám đốc Xí nghiệp Chế biến gạo Vĩnh Bình, thuộc Công ty AGPPS, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang ăn hàng lúa vụ Hè Thu trên diện tích 1.600ha mà Công ty đã ký hợp đồng hợp tác sản xuất lúa hàng hóa với 684 hộ nông dân, thuộc 7 xã của các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành, Châu Phú và Thoại Sơn (An Giang). Các giống chủ yếu là những giống lúa chất lượng cao, như: OM4218, OM 2517, Jasmine… Nông dân khi bán lúa chỉ cần đến với các kho để đăng ký, còn các khâu thu hoạch, chuyên chở, bao bì, nhân công… đều do chúng tôi đảm trách. Giá bán được niêm yết công khai, theo giá thị trường hằng ngày và nông dân khi mang lúa đến có quyền ký gửi hay bán tùy ý, miễn sao thấy có lãi nhất. Đây chính là nét mới và điển hình của cách làm ăn bình đẳng, bảo đảm cho nông dân có lãi cao nhất từ hạt lúa từ mô hình “Cánh đồng mẫu” mà chúng tôi đang xây dựng và triển khai”.
“Hợp đồng niềm tin”
Nông dân Trình Thanh To, ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành) đang chiết tính sổ sách và nhật ký nông vụ cho các nhân viên thu mua tại Nhà máy Vĩnh Bình, bộc bạch: “Vụ trước tôi không tham gia chương trình, nhưng thấy mấy anh em trong xóm tham gia làm lúa trúng quá, lại không sợ bị ép giá, nên vụ hè thu này tôi ký với Công ty tham gia 3,5ha làm thử giống lúa OM4218. Bây giờ chưa tính xong sổ, nhưng ước chừng mỗi công tôi có lãi trên 2 triệu đồng”. Theo ông To, đây là mức lãi cao nhất trong nhiều năm canh tác lúa của mình.
Mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp được thực hiện tại các cánh đồng mẫu được xây dựng trên cơ sở người nông dân nhận nguồn lúa giống xác nhận, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón các loại vào từng thời điểm sử dụng. Toàn bộ các khoản đầu tư này Công ty AGPPS cho nông dân nợ, không tính lãi trong vòng 120 ngày (từ đầu vụ đến sau thu hoạch 30 ngày). Cùng với đó, lực lượng kỹ sư FF sẽ đồng hành xuyên suốt quá trình sản xuất, từ làm đất đến khâu tiêu thụ. Đặc biệt, bà con khi tham gia mô hình sẽ bắt buộc áp dụng đúng quy trình canh tác “1 phải, 5 giảm” (phải sử dụng giống tốt, đúng cơ cấu mùa vụ; giảm lượng giống gieo sạ - chỉ gieo sạ với mật độ lượng giống thích hợp từ 80 - 100 kg/ha, tùy độ phì nhiêu của ruộng - ruộng ít màu mỡ sạ dày, ruộng mãu mỡ sạ thưa, giảm lượng phân đạm bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và chỉ phun khi thật cần thiết, giảm lượng nước tưới - tưới vừa phải theo nhu cầu của cây lúa trong từng giai đoạn sinh trưởng, giảm thất thoát trong thu hoạch, chế biến, bảo quản).
Đến vụ thu hoạch, nông dân có thể bán lúa ngay cho nhà máy với giá thu mua được niêm yết mỗi ngày hoặc có quyền ký gửi lúa vào kho của nhà máy miễn phí trong vòng 30 ngày và đăng ký giá mà nông dân muốn bán. Theo ông Lê Minh Tuệ, do áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý dịch hại theo hướng “hiệu quả, bền vững” mà giá thành sản xuất lúa trung bình của nông dân chỉ gần 3.000 đồng/kg lúa, thấp hơn mức chi phí sản xuất lúa của nhiều nông dân bên ngoài vùng nguyên liệu (3.200 - 3.500 đồng/kg). Trong khi đó, AGPPS thu mua với giá trung bình 6.600 đồng/kg, nên sau khi trừ hết các khoản chi phí, nông dân trong vùng nguyên liệu của công ty có lãi bình quân 38 đến 40 triệu đồng/ha (vụ đông xuân) và 21 đến 22 triệu đồng/ha (vụ hè thu).
Chính việc áp dụng mô hình sản xuất an toàn nên chất lượng hạt gạo thu được tại cánh đồng mẫu ở An Giang nâng cao rõ rệt, nhu cầu nhập khẩu gạo của các bạn hàng trên thế giới theo đó cũng tăng lên. Ông Lê Minh Phương cho biết, hiện nay, Công ty đang có hàng loạt đơn hàng xuất khẩu gạo chất lượng cao sang các thị trường khó tính, như: Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po, Hồng Công và một số nước phát triển khác tại châu Á.
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, chia sẻ: “Cánh đồng mẫu lớn được triển khai thí điểm tại khu vực xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành) đã cho thấy hiệu quả quan trọng nhất trong việc gắn kết, đó là hợp đồng niềm tin giữa doanh nghiệp và người nông dân. Doanh nghiệp chăm sóc nông dân, nông dân tin doanh nghiệp và cả hai “kết duyên” bền chặt. Rộng hơn, mô hình cánh đồng mẫu lớn hình thành quá trình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, mang lại lợi ích hài hòa cho cả người nông dân lẫn doanh nghiệp, giải quyết tốt khâu trung gian trong mua bán lúa gạo, vốn là khâu có nhiều biến tướng, gây biến động giá bất lợi trong thời gian qua”.
Hướng phát triển để người nông dân “làm chủ” hạt lúa của chính mình
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương cho rằng: “Mô hình cánh đồng mẫu lớn mà An Giang đi đầu triển khai một lần nữa cho thấy bước đột phá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh lúa gạo của tỉnh An Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Mô hình cánh đồng mẫu lớn bảo đảm hai nguyên tắc: hài hòa lợi ích và phòng trừ rủi ro cho người nông dân. Đây là mô hình đích thực đưa người nông dân làm chủ hạt lúa của mình”.
Chính thành công trên, tỉnh An Giang cùng AGPPS hướng đến việc mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” (cánh đồng mẫu có diện tích hàng trăm héc-ta), đi đôi với việc phát triển số nhà máy thu mua, sấy, chế biến lúa gạo xuất khẩu. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc AGPPS, cho biết: “Qua hai vụ triển khai trong năm 2011 đã khá thành công, Công ty sẽ đẩy mạnh phát triển lên 8 nhà máy thu mua, sấy, chế biến gạo xuất khẩu trên địa bàn An Giang và theo đó, số diện tích trồng lúa theo mô hình “Cánh đồng mẫu” ký kết cũng tăng lên gấp nhiều lần”. Song song với việc mở rộng số nhà máy và diện tích là xây dựng thương hiệu cho hạt gạo có nguồn gốc từ cánh đồng mẫu và truy xuất nguồn gốc, nhằm nâng cao hơn nữa giá trị thương mẫu cho thương hiệu hạt gạo Việt Nam. An Giang đang tiếp tục hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn với quy mô mỗi cánh đồng từ 300 đến 500ha.
Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng tỉnh An Giang tiếp tục xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” theo một số hướng: ngành nông nghiệp An Giang phối hợp với các huyện, thị quy hoạch những vùng nguyên liệu để các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm lúa gạo chủ động xây dựng các cụm kho chứa - sấy - xay xát. Hiện nay, An Giang có 17 doanh nghiệp đăng ký xây dựng cụm kho, với tổng sức chứa của các kho là gần 500.000 tấn. Đây chính là điều kiện rất thuận lợi cho An Giang chủ động xây dựng các mô hình liên kết theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”.
Canh tác theo kỹ thuật mới bằng cách trình diễn gói kỹ thuật “một phải, năm giảm” gắn với nuôi nấm xanh và “ruộng lúa bờ hoa” (chương trình trồng hoa quanh ruộng lúa để dẫn dụ thiên địch có khả năng tiêu diệt rầy nâu và các côn trùng gây hại khác, qua đó giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật). Hướng đến áp dụng một tiêu chuẩn chung về chất lượng gạo mà thị trường yêu cầu, song hành với việc truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp của An Giang theo phương châm liên kết chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa giữa bốn nhà (nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - chính quyền) trong việc sản xuất lúa gạo trên các cánh đồng mẫu. Cùng với huấn luyện thói quen ghi chép sổ tay nông vụ VietGAP, An Giang cũng đẩy mạnh việc hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng trên các diện tích triển khai cánh đồng mẫu, giúp phát huy tối đa hiệu quả của mô hình trên. Không chỉ tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân, chuyên nghiệp hóa và khép kín quy trình sản xuất lúa gạo xuất khẩu, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo Việt Nam, mà còn giúp người nông dân sống được với đồng ruộng và làm chủ trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chính là hiệu quả nổi bật mà mô hình “Cánh đồng mẫu’ đã mang lại./.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh Hà Nam  (31/12/2011)
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự lễ kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình  (31/12/2011)
Tổng kết Năm Thanh niên 2011 và Trao giải Gương mặt trẻ Thủ đô  (31/12/2011)
Bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI  (31/12/2011)
An ninh phi truyền thống - vấn đề mang tính toàn cầu  (30/12/2011)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên