Để việc học và làm theo gương Bác trong những năm tới có chất lượng, hiệu quả hơn

PGS,TS Đoàn Thế Hanh Tạp chí Cộng sản
22:48, ngày 30-12-2011

TCCSĐT - Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là vấn đề quan trọng, lâu dài góp phần xây dựng những chuẩn mực đạo đức xã hội. Vấn đề là tổ chức như thế nào để việc học và làm theo gương đạo đức của Bác có hiệu quả, thực chất trong hiện thực đời sống xã hội.

Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 07-11-2006 của Bộ Chính trị khóa X xác định rõ mục đích của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là: “Làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh... nâng cao đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng”. Sau 4 năm thực hiện, Cuộc vận động đã tạo được sự chuyển biến tích cực đáng khích lệ ở cả nhận thức và hành vi trong Đảng cũng như trong các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, việc học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác chưa đạt đươc kết quả như mong muốn.

Từ kinh nghiệm rút ra...

Nghiêm túc nhìn lại Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, phải tạo ra được sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, trước hết là trong cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở tất cả các cấp, các ngành về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu, nội dung, trách nhiệm triển khai Cuộc vận động. Phải tiếp tục quán triệt sâu sắc trong Đảng, bộ máy quản lý nhà nước, các đoàn thể chính trị, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về yêu cầu, trách nhiệm của mỗi người học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Làm được điều này sẽ tạo được sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân trong triển khai cuộc vận động.

Hai là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cần chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị, chú trọng sự phối hợp và phân công trách nhiệm của các cơ quan ban, ngành, đoàn thể, tạo sức mạnh tổng hợp trong triển khai Cuộc vận động. Nội dung Cuộc vận động được cụ thể hóa, gắn với nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn. Quan tâm đến các hoạt động kiểm tra, giám sát, giao ban, sơ kết, tổng kết, chỉ đạo điểm để đúc rút kinh nghiệm. Có sự tập trung đúng mức đối với các lĩnh vực, khu vực, địa phương, đơn vị còn nhiều khó khăn, yếu kém, qua đó tạo sự chuyển biến cụ thể, thiết thực và góp phần thúc đẩy phong trào chung.

Ba là, coi trọng việc nêu gương trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bắt đầu từ cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp, từ trong Đảng ra ngoài xã hội. Trung ương cần có quy định cụ thể, kết hợp nêu cao ý thức tự giác với trách nhiệm thực hiện bằng ban hành các quy định, quy chế, có kiểm tra thường xuyên và xử lý kịp thời các vi phạm.

Bốn là, chú trọng phát huy vai trò của tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động, về các điển hình tiên tiến để tạo thuận lợi cho triển khai Cuộc vận động, tạo sự lan tỏa, phong trào tự giác làm theo ngày càng rộng trong xã hội.

Năm là, kết hợp giữa xây và chống, đẩy mạnh việc vận động tự giác học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nêu gương với thực hiện nghiêm các quy định của tổ chức Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị và sự giám sát của nhân dân.

Đến hai khâu đột phá

Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh việc học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong những năm tới xác định rất rõ mục tiêu: tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Để hiện thực hóa những mục tiêu của Bộ Chính trị, bên cạnh kinh nghiệm nêu trên, việc học và làm theo gương Bác trong những năm tới cần tập trung vào Hai khâu đột phá:

Một là, đề cao nêu gương.

Đối với đạo đức thì việc nêu gương là rất quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta bài học vô cùng quý giá, đó là nêu gương tốt, việc tốt và học tập những tấm gương người tốt trong quần chúng nhân dân.

Hồ Chí Minh đề cao biện pháp nêu gương trong giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và chính Người đã thực hành lặng lẽ, kiên trì còn nhiều hơn những điều Người nói. Người đã vận dụng phương thức của người xưa: “dĩ nhân vi giáo, dĩ ngôn vi giáo”, tức là trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của chính mình, sau đó, mới giáo dục bằng lời nói. Sở dĩ Hồ Chí Minh trở thành một nhà đạo đức chân chính để lại cho chúng ta một tấm gương đạo đức sáng ngời là vì suốt đời Người đã không ngừng tự hoàn thiện mình theo lý tưởng chân, thiện, mỹ; gương mẫu từ việc lớn đến việc nhỏ, nên đã thực hiện được sự nhất quán giữa việc công và đời tư, giữa vĩ nhân và người bình thường, giữa đạo đức cách mạng với đạo đức hằng ngày.

Ở mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống đời thường, có biết bao tấm gương cao đẹp. Qua những tấm gương người tốt, việc tốt, chúng ta tự soi rọi vào mình và đó chính là động lực thôi thúc ta ngày một sống tốt hơn. Điều này càng có ý nghĩa đối với cán bộ, đảng viên, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Những người lãnh đạo, là đầy tớ trung thành của nhân dân thì “phải làm mực thước cho người ta bắt chước”, nêu cao tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” đúng như lời nhắc nhở của Bác: “Lấy gương người tốt việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Vậy, nội dung nêu gương phải thế nào?

Bác Hồ nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Người luôn luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi việc. Không có lĩnh vực nào mà tác dụng nêu gương lại quan trọng bằng đạo đức.

Trong gia đình, đó là tấm gương của cha, mẹ đối với con cái, của anh, chị đối với các em; trong xóm làng, khu phố, đó là tấm gương của các bậc cao niên, các cựu chiến binh, các thế hệ đi trước đối với thế hệ trẻ; trong cơ quan Đảng và Nhà nước, đó là tấm gương của các đồng chí phụ trách, các đồng chí lãnh đạo đối với nhân viên; trong đơn vị quân đội, đó là tấm gương của các cấp chỉ huy, các chính ủy, chính trị viên đối với binh sĩ, của cấp trên đối với cấp dưới; trong toàn xã hội, đó là tấm gương của những "người tốt việc tốt", đối với mọi đối tượng, mọi tầng lớp nhân dân.

Sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên chính là ở cái tâm trong sáng, một đức độ hy sinh: Có việc phải lo, lo trước thiên hạ, có việc đáng vui, vui sau thiên hạ. Hiện nay, trong xây dựng đời sống văn hóa ở từng khu dân cư, ở từng khu phố, thôn, ấp, nhiều cán bộ, đảng viên đang nêu gương sáng, được nhân dân tin yêu, mến phục, cộng đồng ngưỡng mộ.

Cụ thể, để nêu gương, bên cạnh việc nghiêm túc thực hành pháp luật, đối với từng cương vị lãnh đạo Đảng từ cơ sở tới Trung ương, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cương vị công tác, từ đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng tới bí thư cấp ủy cơ sở phải có đăng ký việc nêu gương của mình và đăng ký đó được công bố tại lễ đăng ký chương trình nêu gương trước tổ chức Đảng của mình để tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân giúp đỡ, giám sát, đánh giá. Không nên hứa chung chung khó có cơ sở để đánh giá.

Đảng cần ban hành một chỉ thị quy định cụ thể nội dung nêu gương phù hợp với từng cương vị làm khuôn thước để lãnh đạo nêu gương. Nêu gương từ việc học tập (dù có bận tới đâu cũng phải bố trí cùng tham gia học tập tấm gương đạo đức của Bác), nêu gương trong làm theo (tham gia các phong trào làm theo cùng đảng viên một cách nghiêm túc và có hiệu quả cao), đến nêu gương với tư cách người lãnh đạo (mẫu mực trong cách sống, tác phong quần chúng, dám quyết, dám chịu trách nhiệm...).

Hai là, xây dựng căn cứ pháp lý.

Cần đưa vào tiêu chuẩn của cán bộ, đảng viên; đặc biệt, nên chắt lọc đưa vào một chương, điều trong Điều lệ Đảng, trong Cương lĩnh; đưa vào Điều lệ của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh...; bên cạnh đó đưa vào trong nội dung sinh hoạt chi bộ hằng tháng phần kiểm điểm công tác "Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", bản kiểm điểm hằng quý, hằng năm của cán bộ, đảng viên bổ sung thêm mục "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", buộc cán bộ, đảng viên phải tuân thủ. Việc chuyển hóa Cuộc vận động sang thành quy chế thường kỳ sẽ là cơ sở để đánh giá phân loại cán bộ, đảng viên hằng năm, không tốn kém mà trở thành thiết thực; có tôn vinh, có đánh giá, có cơ chế cụ thể; cán bộ càng cao càng cần phải có tiêu chí học tập và làm theo công khai; phải có kiểm tra, theo dõi.

Để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong những năm tới theo phương án trên có kết quả, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị sau:

1) Phải đưa việc học và làm theo gương đạo đức của Bác đi vào chiều sâu, có tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, chọn việc để làm, không ôm đồm, tổ chức tràn lan. Đổi mới cách thức tuyên truyền, cách thức tổ chức vận động. Nếu ta cứ duy trì cách làm theo kiểu phong trào dễ dẫn tới tình trạng hội chứng đạo đức giả - tức là người ta cố gắng tạo ra cái tôi rất gương mẫu theo đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng thực ra tất cả những cái đó là giả tạo, dẫn tới một xã hội đạo đức giả, rất nguy hiểm. Trong tuyên truyền phải tìm cách cân bằng giữa cái được và cái chưa được và chú ý tạo dựng những hình tượng, những điển hình thật sự tạo dấu ấn trong dư luận.

2) Song song với việc tuyên truyền nhận thức về tấm gương Bác Hồ, biểu dương những nhân tố điển hình mới, ta phải xử lý nghiêm những hành động vi phạm đạo đức và vi phạm pháp lụât, tham nhũng, hối lộ. Chính vì xử lý không nghiêm các hành vi vi phạm về chuẩn mực đạo đức, pháp luật... đã ảnh hưởng xấu đến chất lượng việc học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong cán bộ và nhân dân. Vì vậy, phải kết hợp đồng bộ giữa thi đua khen thưởng, biểu dương điển hình tiên tiến làm gương với xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật thì mới có hiệu quả.

3) Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là của toàn Đảng, toàn dân nhưng phải có đối tượng cụ thể. Vì vậy, tùy từng đối tượng, từng ban, ngành, lực lượng đã có lời Bác dạy thì nên đi sâu, cụ thể hóa những lời dạy, lời huấn thị đó mà tuyên truyền và tổ chức thực hiện. Trong việc học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, cán bộ đảng viên phải là nòng cốt, hạt nhân gương mẫu. Đặc biệt là tính gương mẫu của các đồng chí lãnh đạo từ cấp cao ở Trung ương xuống đến cấp phường, xã, thôn, từng người một hãy làm việc tốt. Tấm gương sống sẽ có sức lan tỏa sâu rộng và trở thành phong trào hiện thực trong đời sống xã hội.

4) Trong quá trình triển khai chương trình học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác từng bước sơ kết, tổng kết nêu thành chuẩn mực, giá trị đạo đức hiện đại để đưa dần vào các quy định, quy chế hoạt động của cơ quan, tổ chức, thể chế hóa, tạo nên nền tảng đạo đức bền chắc trong xã hội./.