TCCS - Bước vào giai đoạn phát triển mới của cách mạng Việt Nam, cùng với việc tiếp tục thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức tập hợp và đại diện của tất cả những người Việt Nam yêu nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn đảm nhiệm vai trò, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội đối với những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhằm xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, rất cần sự nỗ lực, cố gắng, sự đồng tâm nhất trí cao của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và mỗi người dân Việt Nam yêu nước.
1 - Tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn cách mạng nước ta, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng khẳng định: “Phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”(1).

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò rất quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”(2); “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước”(3); “Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”(4).

Trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015, Đảng ta cũng khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục tăng cường tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động,... phát huy vai trò nòng cốt tập hợp, đoàn kết nhân dân xây dựng cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh...”(5). Như vậy, chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được khẳng định nhất quán trong văn kiện cao nhất của Đảng và trở thành mục tiêu, phong trào hành động thực tế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trên thực tế, nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiến hành các hoạt động giám sát đạt nhiều kết quả, như: giám sát thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, giám sát thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư; giám sát đầu tư cộng đồng; bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do hội đồng nhân dân cấp xã bầu… Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã tiến hành các hoạt động mang tính chất phản biện xã hội, như: hiệp thương lựa chọn người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; tham gia chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng…

2 - Để góp phần đưa Nghị quyết Đại hội X của Đảng vào cuộc sống, Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động xây dựng đề án, kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Bộ Chính trị đã có kết luận, trong đó yêu cầu hằng năm trong chương trình làm việc liên tịch giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Chính phủ, cần xác định nội dung, chương trình giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, trên cơ sở đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện. Giao cho Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban đảng có liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và Nhà nước, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ, trình Bộ Chính trị xem xét quyết định. Tuy nhiên đến nay, việc triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị còn hết sức chậm trễ, chưa tạo điều kiện để phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Để phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cần có sự thống nhất nhận thức về khái niệm, mục đích, tính chất, nguyên tắc giám sát và phản biện xã hội.

Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội là việc xem xét, phát hiện, kiến nghị về các hoạt động của tổ chức đảng các cấp và đảng viên; của các cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ công chức nhà nước; của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức thuộc các cơ quan này trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về tư cách, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, đại biểu dân cử và đảng viên.

Giám sát là góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, kiến nghị khắc phục những sai sót, yếu kém trong quá trình tổ chức thực hiện và sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp; phát hiện những nhân tố mới, những mặt tích cực trong quá trình tổ chức, thực hiện.

Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của tổ chức đảng các cấp; đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án, đề án của Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp; đối với dự thảo, chương trình, dự án, đề án của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân.

Phản biện xã hội là góp phần bảo đảm tính đúng đắn, đúng ý Đảng, hợp lòng dân, phù hợp với thực tiễn của đời sống xã hội trong việc hoạch định chủ trương, đường lối, quyết định của tổ chức đảng; trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, các chương trình, dự án, đề án, quyết định của các cơ quan nhà nước, đáp ứng lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân; tăng cường sự đồng thuận xã hội.

Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội là giám sát và phản biện mang tính nhân dân, tính xây dựng và tính dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Giám sát và phản biện xã hội phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội không được cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan và trung thực.

3 - Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đề nghị Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan có liên quan sớm cụ thể hóa, thể chế hóa về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có vai trò giám sát và phản biện xã hội.

Để thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền cùng cấp thực hiện tốt một số nội dung sau:

Trước hết, cần tiếp tục quán triệt Nghị quyết Đại hội XI và triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, góp phần nâng cao nhận thức về sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, về Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thứ hai, tham gia việc tổng kết thực hiện Hiến pháp năm 1992; chủ động tập hợp ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân và đề xuất, kiến nghị với Đảng và Nhà nước trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, phối hợp tổng kết việc thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ đó đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung sao cho vừa kế thừa được những kết quả đạt được, vừa thể chế hóa được Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và phát huy được vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động giám sát đã thực hiện trong những năm qua, như: giám sát thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, giám sát thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư; giám sát đầu tư cộng đồng…

Thứ tư, trên cơ sở những nội dung cơ bản đã trình Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục chủ động phối hợp kiến nghị, đề xuất với Đảng và Nhà nước trong việc cụ thể hóa, thể chế hóa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Khi có những quy định cụ thể về giám sát và phản biện xã hội, cần tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đến nơi đến chốn; đồng thời, đấu tranh với những quan điểm, hoạt động lợi dụng giám sát và phản biện xã hội để xuyên tạc, chống đối Đảng và Nhà nước, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần tiếp tục kiện toàn, củng cố về tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động để thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong giai đoạn mới, trong đó có vai trò giám sát và phản biện xã hội.

Tự hào về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tự hào về truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam 81 năm qua; với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng; sự phối hợp, tạo điều kiện của Nhà nước; sự phối hợp, thống nhất hành động của các tổ chức thành viên và sự hưởng ứng, tham gia của các tầng lớp nhân dân đối với các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chắc chắn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình, giám sát và phản biện xã hội, tham gia thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng./.

-------------------------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 305

(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 86 – 87

(3), (4), (5) Văn kiện Đại hội XI đã dẫn, tr. 86, 87, 246