An ninh phi truyền thống - vấn đề mang tính toàn cầu
“An ninh phi truyền thống” là một khái niệm mới xuất hiện và được bàn đến khá nhiều trong thời gian gần đây. Đây là mối quan tâm lớn của các quốc gia dân tộc trên thế giới, là một trong những chủ đề quan trọng được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, được bàn luận trên nhiều diễn đàn quốc tế, cũng như trong nhiều nội dung của các quan hệ song phương và đa phương.
Sau Chiến tranh lạnh, xu thế toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ, thế giới bước vào giai đoạn mà trong đó xu thế hợp tác và phát triển kinh tế là chủ yếu, đã và đang mang đến sự phồn thịnh cho nhiều quốc gia, khu vực. Tuy nhiên, quá trình hợp tác, hội nhập quốc tế này cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề mới, đe dọa đến an ninh, chủ quyền của các quốc gia dân tộc và cuộc sống của chính con người. Khái niệm an ninh phi truyền thống ra đời trong bối cảnh đó và được sử dụng rộng rãi, phổ biến trên nhiều diễn đàn quốc tế thảo luận về các vấn đề chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội, trong chiến lược quốc phòng, an ninh của nhiều quốc gia dân tộc, cũng như trong hợp tác an ninh của nhiều khu vực và thế giới, sau khi diễn ra sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc nhận thức và xác định những vấn đề an ninh phi truyền thống vẫn chưa có sự thống nhất. Một số nghiên cứu viện dẫn quan niệm của Liên hợp quốc về vấn đề an ninh phi truyền thống trong 7 lĩnh vực chính: kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị. Có nghiên cứu quy vấn đề an ninh phi truyền thống vào 5 lĩnh vực cơ bản: kinh tế, môi trường, xã hội, chính trị và văn hóa. Một quan điểm khác phân chia các vấn đề an ninh phi truyền thống thành 6 nhóm chính: ô nhiễm môi trường, tình trạng thiếu hụt tài nguyên, tội phạm xuyên quốc gia, nạn khủng bố, dịch bệnh truyền nhiễm và thảm họa địa chất.
Năm 2002, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 giữa các nước ASEAN và Trung Quốc tại Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) đã ra Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống, xác định an ninh phi truyền thống là những vấn đề: tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế, tội phạm công nghệ cao.
Các quan niệm nêu trên dù không hoàn toàn giống nhau, nhưng đều có một điểm chung là xác định các vấn đề an ninh phi truyền thống là gì để so sánh và qua đó thấy được sự khác biệt với vấn đề an ninh truyền thống. Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, các mối quan hệ, các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng gắn bó chặt chẽ với nhau, thâm nhập, đan xen, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau, việc tách biệt đâu là vấn đề an ninh truyền thống và đâu là an ninh phi truyền thống chỉ mang tính tương đối bởi sự đan xen, chồng lấn nội dung giữa chúng. Chẳng hạn, sự khủng hoảng, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhiên liệu, đặc biệt là năng lượng, dầu mỏ... đã dẫn đến các cuộc tranh đoạt tài nguyên, và, trong không ít trường hợp, vũ lực đã được sử dụng để phân thắng, bại. Tội phạm công nghệ cao đột nhập, tấn công vào nhiều mục tiêu trên toàn thế giới, xâm nhập hệ thống dữ liệu của nhiều công ty, tập đoàn, các tổ chức quốc tế, các cơ quan chính phủ để đánh cắp các dữ liệu, hồ sơ, tài sản sở hữu trí tuệ, bí mật quốc gia…Thiệt hại mà loại hình tội phạm này gây ra không chỉ nghiêm trọng về kinh tế mà còn thách thức đối với an ninh của quốc gia dân tộc. Để đối phó với nguy cơ này, trên thế giới xuất hiện những khái niệm mới, lĩnh vực hoạt động mới, chẳng hạn “chạy đua vũ trang mạng”, “liên minh chống tội phạm mạng”… nhằm giành quyền chủ động trong “thế giới ảo”. Hoặc, những biến động chính trị, bạo loạn, xung đột, dẫn đến lật đổ chế độ ở một số nước Bắc Phi và Trung Đông vừa qua, bắt nguồn từ những lời kêu gọi được truyền đi trên các trang mạng xã hội. Người ta đã nói đến các cụm từ: “cách mạng xã hội trên in-tơ-nét”, “cách mạng từ in-tơ-nét” như là đặc điểm nổi bật của “phong trào” biến động, bạo loạn này.
Khái niệm an ninh phi truyền thống với những nội dung cụ thể của nó, rõ ràng mang tính chất “động”, và, cùng với thời gian, nội hàm của nó có thể còn tiếp tục được mở rộng hơn. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà cách đặt vấn đề an ninh phi truyền thống của các quốc gia, khu vực và cộng đồng có những điểm khác nhau nhất định. Việc khuôn những vấn đề cụ thể nào đó trong nội hàm của vấn đề an ninh phi truyền thống như các nhận thức nêu trên đều mang ý nghĩa tương đối, nhằm phục vụ cho việc hoạch định, xây dựng chính sách, chiến lược an ninh của đất nước và những cam kết an ninh song phương, đa phương trong hợp tác, liên kết quốc tế nhất định.
Những mối đe dọa an ninh phi truyền thống: thách thức mang tính toàn cầu
Có một điểm cần nhấn mạnh là, không phải đến bây giờ, nhiều vấn đề được gọi là mối đe dọa đối với an ninh phi truyền thống, như giá lương thực tăng cao, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…, mới gây cho con người những lo lắng về sự an nguy và tồn vong của mình. Lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến những trận đói, nạn dịch khủng khiếp cướp đi sinh mạng của hàng triệu con người. Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ đã làm cho biên giới địa lý giữa các quốc gia trở nên “mềm” hơn, dễ vượt qua hơn; mạng in-tơ-nét đã tạo ra một “thế giới ảo” với các xa lộ thông tin toàn cầu, hoàn toàn không còn biên giới ngăn cách. Cùng với đó là sự hủy hoại của con người đối với tự nhiên, môi trường; sự phát triển kinh tế thiếu kiểm soát, chạy theo lợi nhuận thuần túy, lợi ích trước mắt; sự chi phối của những tư tưởng chính trị cực đoan, sự tha hóa và suy thoái về đạo đức của chính con người… đã làm cho những vấn đề mà ngày nay được gọi là an ninh phi truyền thống trở nên trầm trọng hơn, phức tạp hơn, có quy mô lớn hơn rất nhiều. Phạm vi tác động của vấn đề đã vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ và lợi ích an ninh quốc gia dân tộc của một nước. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, bắt đầu từ nước Mỹ, nhanh chóng lan rộng tới nhiều nước, kéo cả nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái, là một thí dụ. Vấn đề môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên, nguồn nước sạch, vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng… đôi khi lại đe dọa nhiều hơn đối với cuộc sống của người dân ở những quốc gia không phải là “thủ phạm” gây ra những biến đổi, cạn kiệt đó. Các hoạt động tội phạm, khủng bố quốc tế, nhất là khủng bố bằng vũ khí sinh học, hóa học, bệnh dịch…, có quy mô xuyên biên giới. Những mối đe dọa an ninh phi truyền thống, vì thế, trở thành những thách thức mang tính toàn cầu.
Tính chất nguy hiểm của các mối đe dọa an ninh phi truyền thống không chỉ biểu hiện ở mức độ hủy hoại, sự tàn phá của nó đối với cuộc sống của con người, mà còn đặt ra nhiều thách thức đối với sự ổn định xã hội, sự tồn vong của cả cộng đồng, hiệu quả thực tế của hợp tác và hội nhập toàn cầu; thậm chí còn làm nảy sinh các vấn đề về an ninh quân sự. Các thảm họa thiên nhiên, động đất, sóng thần, bão lụt, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên… ngày càng thách thức các thành tựu của khoa học, kỹ thuật hiện đại và khả năng, nỗ lực của con người. Khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, những vấn đề tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực… đang thử thách nghiệt ngã năng lực điều hành của các chính phủ, sự vững chắc của các thể chế chính trị và các nền kinh tế, kể cả nền kinh tế giàu mạnh nhất, cũng như tính khả thi, bền vững của các liên kết quốc tế.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia tăng lên, thế giới dường như trở nên nhỏ bé hơn, nhưng lại khó kiểm soát hơn, kém an toàn hơn bởi các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có mức độ nguy hiểm cao hơn, sức ảnh hưởng lớn hơn, tầm ảnh hưởng rộng hơn và tốc độ lây lan cũng nhanh hơn. Chính vì vậy, để giải quyết và đối phó với những vấn đề này đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, sự cố gắng của mỗi cộng đồng, quốc gia, con người, với những giải pháp và bước đi phù hợp, kết hợp tổng lực các biện pháp kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, pháp luật, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội.
Phối hợp hành động: giải pháp quan trọng để đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống
Tăng cường hợp tác, cùng nhau phối hợp hành động chung đang là xu thế và giải pháp quan trọng nhằm đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống hiện nay. Trong thời gian tới, các mối quan hệ hợp tác này càng cần được nâng cao hơn nữa cả về hiệu quả và tính thiết thực.
Ở khu vực Đông Nam Á, các nước ASEAN và các nước đối thoại đã xây dựng các chương trình và kế hoạch hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống, bao gồm các cơ chế và khả năng hợp tác cụ thể. Các chương trình và kế hoạch hợp tác đã thể hiện rõ sự cần thiết khách quan và tầm quan trọng của những hợp tác song phương và đa phương trong nội khối, cũng như sự hợp tác giữa các nước ASEAN với các bên đối thoại trong việc đối phó với vấn đề an ninh phi truyền thống. Những thách thức an ninh mà khu vực đang phải đối mặt, như an ninh biển, hoạt động khủng bố, thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh truyền nhiễm, an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, được các tư lệnh quốc phòng các nước ASEAN nhất trí coi là những vấn đề cần được ưu tiên hợp tác hiện nay và xác định cần tăng cường khả năng quân đội tham gia giải quyết các vấn đề khu vực, tăng cường xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng thông qua trao đổi trực tiếp các cấp.
Kể từ sau Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về hợp tác trên những lĩnh vực an ninh phi truyền thống, các nước ASEAN đã triển khai với các nước đối thoại, đặc biệt là với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, các tổ chức quốc tế trong hợp tác đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia và lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Đó là các chương trình: “Chiến lược hợp tác chống ma túy ASEAN năm 2000”; “Tuyên bố chung Bắc Kinh về hợp tác chống ma túy năm 2001”; “Tuyên bố ASEAN về hợp tác chống khủng bố”; “Tuyên bố chung ASEAN - Mỹ về hợp tác chống khủng bố” tháng 8-2002; “Tuyên bố chung ASEAN-EU về hợp tác chống khủng bố” tháng 1-2003; “Tuyên bố Ba-li II”, tháng 10-2003 về xây dựng cộng đồng ASEAN; các kỳ họp của Diễn đàn an ninh khu vực - ASEAN (ARF)...
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2004 đã xác định: “Những vấn đề chưa được giải quyết, liên quan đến tranh chấp biên giới, lãnh thổ trên bộ, trên biển cùng những vấn đề an ninh phi truyền thống khác, như buôn bán và vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy, cướp biển, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, khủng bố, nhập cư và di cư trái phép, suy thoái môi trường, sinh thái... cũng là những mối quan tâm an ninh của Việt Nam”(1). Như vậy, những mối đe dọa an ninh phi truyền thống đối với nước ta không chỉ từ các vấn đề trong nước, mà còn từ các vấn đề khu vực và thế giới, đặc biệt là các vấn đề khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, tội phạm công nghệ cao.
Nhiệm vụ an ninh của nước ta trong thời kỳ mới không chỉ là vấn đề giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, mà còn phải góp phần làm thất bại mọi sự chống phá của các thế lực thù địch, bảo đảm “sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ”, “sự bất khả xâm phạm, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”(2). Giữ vững an ninh quốc gia, đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống là một nội dung quan trọng của nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên” hiện nay của nước ta.
Yêu cầu đối phó với vấn đề an ninh phi truyền thống hiện nay là phải trực tiếp phục vụ cho mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc mà Đại hội XI của Đảng đã xác định: “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.”(3). Mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quy định những vấn đề về bảo đảm an ninh quốc gia, bao gồm cả việc đối phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Để đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện.
- Trước hết, cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng: “Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh”(4). Theo đó, phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện công bằng xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của nhân dân, tăng cường quốc phòng và an ninh... là những vấn đề cơ bản tạo nền tảng vững chắc cho việc đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
- Nâng cao ý thức cho mọi tầng lớp nhân dân về bảo vệ Tổ quốc theo yêu cầu của thời kỳ mới. Quán triệt và giáo dục sâu rộng mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần của Đại hội XI của Đảng cho toàn xã hội, đặc biệt là cho cán bộ, đảng viên. Tổ chức nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; tăng cường tuyên truyền, trao đổi thông tin về các mối đe dọa an ninh, quốc phòng. Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của chính quyền các cấp, của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
- Mở rộng quan hệ đối ngoại, “tích cực hợp tác cùng các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế trong việc đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, và nhất là tình trạng biến đổi khí hậu;...”(5); đẩy mạnh hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, các cơ quan an ninh, cảnh sát của các nước trong vấn đề an ninh phi truyền thống, đấu tranh chống khủng bố, phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; thiết lập hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế, với các tổ chức quốc tế có liên quan; chú trọng tăng cường quan hệ hợp tác với các nước ASEAN trong đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, đặc biệt trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, bảo đảm an ninh biển, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, với các chương trình, kế hoạch và cơ chế phù hợp.
Vấn đề an ninh phi truyền thống là một nội dung rất quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta trong thời kỳ mới. Đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống vừa là yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc, vừa là điều kiện quan trọng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi sự đồng thuận và nỗ lực của toàn xã hội, sự quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, với những giải pháp, biện pháp phù hợp và hiệu quả./.
-----------------------------------------------
(1) Bộ Quốc phòng: Quốc phòng Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2004, tr. 11
(2) Luật An ninh quốc gia, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 8
(3), (4), (5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 81 - 82, 237
Triển lãm ảnh Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp  (30/12/2011)
Công bố 12 sự kiện tiêu biểu ngành giáo dục năm 2011  (30/12/2011)
Đẩy nhanh việc bố trí 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã nghèo  (30/12/2011)
Tăng cường hợp tác giữa hai Quốc hội Việt Nam - Campuchia  (30/12/2011)
Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng  (30/12/2011)
Năm 2012, Hà Nội khởi công 47 dự án giao thông trọng điểm  (30/12/2011)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên