TCCSĐT - Trong hai ngày cuối tháng 9 vừa qua, tại Vác-sa-va (Warsaw) thủ đô của Ba Lan đã diễn ra Hội nghị cấp cao giữa EU và 5 nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây là U-crai-na (Ukraine), Gru-di-a (Georgia), Môn-đô-va (Moldova), Ác-mê-ni-a (Armenia) và A-déc-bai-gian (Azerbaijan). Hội nghị cấp cao thuộc khuôn khổ "Quan hệ đối tác với phương Đông" này được EU khởi xướng năm 2009 theo sáng kiến của Thụy Điển và Ba Lan dành riêng cho 5 quốc gia nói trên và Bê-la-rút (Belarus). Tuy nhiên, Chính phủ Bê-la-rút đã không tới dự Hội nghị cấp cao để phản đối chính sách của EU đối với Bê-la-rút trong thời gian vừa qua.

Hội nghị cấp cao EU và 5 nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Ba Lan trên cương vị Chủ tịch luân phiên EU (trong nửa cuối năm nay) trước khi trao lại cương vị ấy cho Cộng hòa Síp. Việc thúc đẩy khuôn khổ hợp tác này được Ba Lan coi như một trong những dấu ấn riêng trong EU. Tuy nhiên, việc Bê-la-rút “tẩy chay” tham dự Hội nghị, việc lãnh đạo cao nhất của một số thành viên có thế lực trong EU như Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy) hay Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mơ-rôn (David Cameron) và cả Thủ tướng I-ta-li-a Xin-vi-ô Bê-lút-xcô-ni (Silvio Berlusconi) không tham dự Hội nghị và trắc trở trong quan hệ giữa EU với Bê-la-rút và U-crai-na đã khiến cho Hội nghị không thể thành công như Ba Lan mong đợi.

Kết thúc Hội nghị, EU và 5 đối tác nói trên đã thông qua Tuyên bố chung, khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác bất chấp khủng hoảng nợ công và đồng ơ-rô trong EU. Trong khuôn khổ quan hệ đối tác này, EU cam kết cho tới năm 2013 sẽ tài trợ 1,9 tỉ ơ-rô cho các dự án hợp tác song phương và đa phương giữa EU và các nước đối tác này, đồng thời khẳng định những nguyên tắc mang tính chất điều kiện tiên quyết đối với các đối tác là tự do, dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền.

Trong hai ngày diễn ra Hội nghị, EU đã nhiều lần phê phán chính phủ và cá nhân Tổng thống Bê-la-rút A-lếch-xan-đơ Lu-ca-sen-cô (Alexander Lukashenko) về tình trạng dân chủ nhân quyền ở Bê-la-rút và Chính phủ U-crai-na của Tổng thống Vích-to Y-a-nu-cô-vích (Victor Yanukovitsh) về việc đã đưa cựu Thủ tướng U-rai-na Y-u-li-a Ti-mô-sen-cô (Julia Tymoshenko) ra xét xử và kết án tù. Cũng vì những trắc trở trong quan hệ song phương này mà EU chưa đưa ra được thời hạn cụ thể cho việc ký kết hiệp ước liên kết giữa EU và U-crai-na, cũng như chưa thông qua những dự án hợp tác cụ thể với Bê-la-rút. Tại Hội nghị, EU cũng không đề cập đến khả năng các đối tác có thể gia nhập EU trong tương lai hay triển vọng công dân của họ có thể nhập cảnh vào các nước thành viên EU mà không cần xin thị thực.

Với diễn biến và kết quả như trên, Hội nghị cấp cao EU - Đối tác phương Đông chưa tạo ra được bước tiến thực chất cho quan hệ giữa EU với 6 nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Khuôn khổ quan hệ này được Ba Lan rất coi trọng nhưng lại không phải chủ đề được EU quan tâm hàng đầu./.