Vạ lây

Lưu Linh Sa
22:13, ngày 09-05-2011
Làn sóng chính biến ở Bắc Phi và Trung Đông đã tạo nên sự khởi đầu mới về chính trị ở nhiều quốc gia trong khu vực và làm thay đổi rất cơ bản cục diện chính trị, an ninh và tương quan lực lượng trong khu vực. Tại Tuy-ni-di và Ai Cập đang định hình chính thể mới. Chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Li-bi với kết cục cuối cùng hiện vẫn để ngỏ. Xi-ri và Ba-ranh vẫn đang trong cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ. Hai nhóm phái đối đầu nhau quyết liệt từ nhiều năm nay ở Pa-le-xtin đã chủ động hòa giải. Tất cả những diễn biến ấy vô hình chung đều bất lợi đối với I-xra-en và tác động mạnh mẽ tới vị thế của I-xra-en trong chính sách của Mỹ và EU đối với I-xra-en và khu vực.

I-xra-en xung đột chính và trực tiếp với Pa-le-xtin và vấn đề Trung Đông từ bao lâu nay chủ yếu xoay quanh mối quan hệ giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, nhưng I-xra-en còn coi cả tổ chức Ha-mát ở Pa-le-xtin, lực lượng Héc-bô-la ở Li-băng và I-ran là kẻ thù. Xi-ri có quan hệ chặt chẽ với I-ran và được coi là chỗ dựa về chính trị cũng như quân sự cho Ha-mát và Héc-bô-la, lại còn vướng mắc trực tiếp với Xi-ri do I-xra-en chiếm đóng trái phép cao nguyên Gô-lan của Xi-ri từ nhiều thập kỷ nay. Việc đông đảo người Si-ai nổi dậy ở Ba-ranh cũng khiến cả I-xra-en lẫn A rập Xê út lo ngại sâu sắc về ảnh hưởng của I-ran. Nhưng đáng chú ý nhất là sự điều chỉnh chính sách của chính quyền mới ở Ai Cập. Cho tới nay, Ai Cập vẫn là quốc gia duy nhất trong thế giới A rập ký kết hiệp ước hòa bình với I-xra-en (Hiệp ước Camp David năm 1979). Suốt thời ông Hô-xni Mu-ba-răc cầm quyền ở Ai Cập, I-xra-en không chỉ có thể yên tâm về nước láng giềng này, mà còn dựa vào việc Ai Cập gần như đóng cửa biên giới với dải Ga-da để cô lập hoàn toàn Ha-mát ở vùng lãnh thổ này của Pa-le-xtin. Mới đây, chính quyền mới ở Ai Cập đã dần nới lỏng việc kiểm soát và đóng cửa biên giới với dải Ga-da khiến cho việc I-xra-en phong tỏa dải Ga-da không còn có được hiệu quả thực tế như trước. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất ở Ai Cập lại còn cho thấy đa số người dân Ai Cập muốn hủy bỏ hòa ước với I-xra-en. Môi trường đối ngoại và an ninh của I-xra-en ở khu vực vì thế đã thay đổi rất cơ bản so với trước và đẩy I-xra-en vào tình thế vừa thêm khó xử lại vừa phải bị động đối phó.

Cả Mỹ và EU cũng lâm vào tình trạng tương tự. Trên danh nghĩa, Mỹ và EU hậu thuẫn cho làn sóng chính biến ở Bắc Phi và Trung Đông, nhưng trên thực tế thì hành động của họ lại không như vậy. Mỹ và NATO tiến hành chiến tranh ở Li-bi và gây áp lực mạnh mẽ với Xy-ri, nhưng gần như lại làm ngơ trước chính biến tương tự ở Ba-ranh và hiện đã rất dè dặt với chính quyền mới ở Ai Cập. Tính không nhất quán về nguyên tắc trong chính sách và cách ứng xử thiên vị ấy của Mỹ và phương Tây trước mắt có thể giúp họ bảo tồn lợi ích chiến lược của mình và đồng minh, nhưng về lâu dài sẽ lợi bất cập hại đối với họ trong thế giới A rập. I-xra-en cũng sẽ ngày càng bị cô lập hơn về mọi phương diện ở khu vực. Điều đó lý giải vì sao I-xra-en phản ứng quyết liệt về việc Ha-mát và Pha-ta ở Pa-le-xtin hòa giải và thành lập chính phủ thống nhất. Có thể nói I-xra-en đã bị vạ lây bởi những gì đã và đang xảy ra ở xung quanh, nhưng dù có không muốn thì chắc rồi I-xra-en cũng sẽ phải xem xét lại toàn bộ chính sách đối với khu vực, trước hết đối với Pa-le-xtin, và làm việc đó sớm chứ không phải muộn./.